Bệnh lõm xương ức ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi, Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Có khoảng 1/300 trẻ sinh ra mắc bệnh lõm xương ức và khoảng 10-15% trong số đó có kèm theo vẹo cột sống lưng và một số bệnh lý di truyền khác. Bệnh lõm xương ức ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện khá sớm ngay khi trẻ lọt lòng nhưng không phải lúc nào nó cũng gây ra triệu chứng nặng nề và phải được chỉ định điều trị.

1. Tổng quan về bệnh lõm xương ức ở trẻ

Bệnh lõm xương ức còn được gọi là lồng ngực phễu - là một dị tật bẩm sinh mà trong đó xương sườn và xương ức phát triển bất thường và chìm vào trong lồng ngực.

Bệnh thường được nhận thấy ngay sau khi trẻ sinh ra, với tỉ lệ mắc bệnh lõm xương ức ở trẻ sơ sinh nam cao hơn trẻ sơ sinh nữ. Bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn khi trẻ lớn lên bước vào giai đoạn dậy thì. Với bệnh lõm xương ức không nghiêm trọng, bạn có thể chỉ nhận thấy một vết lõm nhỏ ở ngực. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng hơn, vùng xung quanh xương ức có thể giống như bị móp vài cm. Những trường hợp rất nặng của bệnh lõm xương ức có thể chèn ép phổi và tim, gây ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Có một điều ít được biết đến là, khi bệnh nhân già đi, sự bất thường này cũng có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng, một số dẫn đến suy giảm thể chất đáng kể, tuy nhiên có rất ít báo cáo đề cập đến vấn đề này.

2. Nguyên nhân bệnh lõm xương ức ở trẻ em

Cho đến nay người ta vẫn chưa biết được nguyên nhân, cơ chế chính xác của bệnh lõm xương ức ở trẻ. Tuy nhiên đây có thể là bệnh lý có tính chất di truyền. Ở một số trường hợp, bệnh lõm xương ức ở trẻ em được tìm thấy ở những trẻ trong cùng gia đình. Và trẻ bị mắc bệnh lõm xương ức thường mắc kèm một số bệnh lý mang tính chất di truyền khác chẳng hạn như:

  • Hội chứng Marfan: một rối loạn mô liên kết của cơ thể
  • Hội chứng Ba Lan: một dị tật bẩm sinh hiếm gặp với tình trạng các cơ một bên cơ thể bị thiếu hoặc kém phát triển, đặc biệt cơ ngực lớn
  • Hội chứng Ehlers-Danlos (một rối loạn collagen di truyền)
  • Xương không hoàn hảo (một rối loạn di truyền của xương dễ gãy)
  • Hội chứng Noonan (bệnh di truyền hiếm gặp ở mô liên kết đặc trưng bởi tình trạng xương giòn và dễ gãy)1
  • Hội chứng Turner (bệnh lý do mất một phần hoặc hoàn toàn một trong hai nhiễm sắc thể giới tính ở bé gái)
  • Hội chứng Down (là bất thường nhiễm sắc thể 21)

Ngoài ra bệnh lõm xương ức ở trẻ còn thường đi kèm với tình trạng còi xương, cong vẹo cột sống.

bệnh lõm xương ức ở trẻ em
Bệnh lõm xương ức ở trẻ em có thể là bệnh lý có tính chất di truyền

3. Triệu chứng bệnh lõm xương ức ở trẻ em

Triệu chứng của bệnh lõm xương ức ở trẻ em tùy thuộc vào mức độ của tình trạng bệnh và sẽ khác nhau ở mỗi người. Ở mức độ nhẹ triệu chứng duy nhất bạn có thể thấy là vết lõm nhỏ ở lồng ngực. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, lồng ngực có thể biến dạng và chèn ép tim phổi gây ra các triệu chứng như:

  • Đau ngực
  • Đánh trống ngực
  • Khó thở sau khi vận động hoặc khó thở phụ thuộc vào một tư thế ( cụ thể là cúi gập người có thể gây khó thở)
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp
  • Thường xuyên bị cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Ho khan
  • Hụt hơi
  • Thở khò khè

Các triệu chứng bắt đầu và tồi tệ dần theo độ tuổi.

Ngoài các triệu chứng trên, trẻ còn có thể bị ảnh hưởng tâm lý vì triệu chứng lõm lồng ngực và một số bệnh lý ảnh hưởng đến ngoại hình đi kèm như đã nói ở trên làm chúng trông khác với bạn bè cùng trang lứa, chúng trở nên trầm cảm, dễ tức giận và có vấn đề với hình ảnh bản thân, tránh giao tiếp, ngại hoạt động.

4. Phân loại bệnh lõm xương ức

Có 2 cách phân loại bệnh lõm xương ức:

4.1 Phân loại theo mức độ lõm

Đặt thước thẳng ngang qua lồng ngực, đo khoảng cách từ điểm sâu nhất đến thước (A):

  • Lõm nhẹ: A ≤ 1 cm
  • Lõm trung bình: 1,5cm ≤ A ≤ 2,5cm
  • Lõm nặng: A ≥ 3cm

4.2 Phân loại theo thể lõm

Ngực lõm đồng lâm: chỗ lõm nằm chính giữa so với xương ức.

Ngực lõm lệch tâm: chỗ lõm nằm lệch sang một bên so với xương ức.

Lồng ngực dẹt/hẹp/phẳng: hình dạng lõm lồng ngực hẹp theo chiều trước sau.

bệnh lõm xương ức ở trẻ em
Chẩn đoán bệnh lõm xương ức ở trẻ em dựa trên triệu chứng thực thể, tiền sử bệnh

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh lõm xương ức

5.1 Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng thực thể, tiền sử bệnh. Nếu cần các bác sĩ cũng có thể chỉ định:

  • CT hoặc MRI để đánh giá mức độ nghiêm trọng và mức độ chèn ép lên tim phổi
  • Siêu âm tim, điện tim để kiểm tra chức năng tim
  • Đo chức năng hô hấp để kiểm tra thể tích phổi
  • Test gắng sức

5.2 Chỉ định điều trị

Các trường hợp nhẹ của bệnh lõm xương ức không bị phiền toái bởi ngoại hình và không có vấn đề về hô hấp - thường không cần điều trị.

Mục tiêu chung của điều trị lõm ngực là cải thiện đường thở, thẩm mỹ, và chức năng tim. Chỉ định điều trị của bệnh lõm xương ức ở trẻ em:

  • Chỉ số Haller > 3,2. Chỉ số này được đo trên phim CT ngực.
  • Đã có các triệu chứng về tim phổi
  • Bị ảnh hưởng về mặt tâm lý
  • Yêu cầu về thẩm mỹ

5.3 Các phương pháp điều trị cho bệnh lõm xương ức ở trẻ:

5.3.1 Phẫu thuật Nuss

Phẫu thuật cho bệnh lõm xương ức được gọi là phẫu thuật Nuss. Phẫu thuật Nuss điều trị bệnh lõm xương ức được ứng dụng phổ biến khắp thế giới. Phẫu thuật này ít xâm lấn, mất rất ít máu từ đó rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân.

Sau khi rạch hai bên lồng ngực hai đường rạch ngắn tầm 2-3 cm, luồn một thanh đỡ kim loại đến nơi xương ức bị lõm xuống và nâng lên vị trí đã xác định trước dưới sự hướng dẫn của nội soi.

Bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường sau 1 tháng tuy nhiên vẫn cần tránh các môn thể thao mạnh trong vòng 3-6 tháng đầu. Các thanh được giữ nguyên trong 2-3 năm trước khi tháo ra.

Phẫu thuật thường được tiến hành khi ở trẻ từ 6 -18 tuổi.

Những biến chứng sau thủ thuật Nuss: đau sau mổ có thể kéo dài 3 ngày sau đó giảm dần và trở lại bình thường sau 2 tháng. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra những nguy cơ biến chứng sau: nhiễm trùng vết mổ, tràn khí, tràn máu, dị ứng thanh đỡ, thủng tim thủng phổi.

5.3.2 Liệu pháp chuông chân không

Ngoài ra, gần đây ở nước ta cũng bắt đầu thực hiện một liệu pháp hỗ trợ phẫu thuật, điều trị bệnh lõm xương ức không xâm lấn gọi là liệu pháp chuông chân không

Ở trẻ nhỏ hơn và những người không muốn phẫu thuật, thiết bị Chuông chân không có thể được sử dụng để điều chỉnh hình dạng của ngực. Đây là một thiết bị cao su có hình dạng của một cái chuông, được kết nối với một máy bơm. Chuông được đặt trên ngực, và máy bơm được sử dụng để hút không khí ra ngoài. Điều này tạo ra một lực kéo mạnh để nâng vùng trũng của xương ức. Tần suất sử dụng chuông sẽ tăng theo thời gian và mức độ đáp ứng với thiết bị: tuần đầu mỗi lần 30 phút, 2 lần/ ngày. Tuần 2: mỗi lần 30 phút, 4 lần/ngày. Tuần 3: dùng liên tục trong khi ngủ. Tuần 4: dùng liên tục với thời gian nhiều nhất có thể.

Bệnh nhân sẽ được theo dõi và đánh giá dấu hiệu cơ năng và thực thể, độ lõm của xương ức sau 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng điều trị.

Có thể sử dụng liệu pháp này thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật đặt Nuss. Ngoài ra, chuông cũng có thể dùng chuông chân không trong thời gian chuẩn bị mổ, thậm chí trong cuộc mổ để tạo khoang sau xương ức, giúp việc đặt thanh an toàn hơn.

6. Phòng ngừa bệnh lõm xương ức ở trẻ sơ sinh

Bệnh lõm xương ức ở trẻ sơ sinh không thể phòng ngừa trước bởi vì các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra nó. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng con của bạn bị tình trạng này, các phương pháp điều trị có sẵn có thể giúp con bạn giảm các triệu chứng nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan