Bé gái 9 tháng tuổi nặng 7kg5 có suy dinh dưỡng không?

Nuôi con phát triển khỏe mạnh luôn là vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Tuỳ theo độ tuổi và giới tình của trẻ mà có mức tiêu chuẩn khác nhau. Cân nặng bé gái 9 tháng tuổi theo tiêu chuẩn thường nhỏ hơn so với bé trai. Các phụ huynh cần nắm rõ chiều cao, cân nặng lý tưởng theo từng thời điểm cũng như biết bé 9 tháng ăn được những gì để có cách chăm sóc phù hợp.

1. Đặc điểm về chiều cao và cân nặng của bé gái 9 tháng tuổi

Những tháng năm đầu đời của trẻ là khoảng thời gian mà trẻ tăng trưởng nhiều nhất. Sau đó quá trình phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ sẽ bắt đầu chậm lại dần bởi vì mức độ hoạt động tăng lên. Cân nặng và chiều cao của trẻ là điều mà các cha mẹ thường quan tâm đến. Nhiều phụ huynh có con nhỏ khi đến độ tuổi biết bò, tập đứng thường băn khoăn không biết cân nặng của bé gái 9 tháng tuổi bao nhiêu là đúng chuẩn. Tuỳ theo độ tuổi và giới tình của trẻ mà có mức tiêu chuẩn khác nhau.

Nhìn chung, cân nặng bé gái 9 tháng tuổi theo tiêu chuẩn của thường nhỏ hơn so với bé gái. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra bảng cân nặng của bé gái 9 tháng tuổi chuẩn. Theo đó, cân nặng của bé gái 9 tháng tuổi bình thường là 8,2 kg. Bé gái 9 tháng tuổi có cân nặng dưới 7,3 kg được coi là có nguy cơ suy dinh dưỡng và dưới 6,6 kg gọi là suy dinh dưỡng. Ví dụ, bé gái 9 tháng nặng 7,5 kg có cân nặng nằm trong giới hạn bình thường, không bị suy dinh dưỡng. Nếu bé gái 9 tháng nặng 6,5 kg nghĩa là bé bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, cân nặng của bé gái 9 tháng tuổi trên 9,3 kg là có nguy cơ béo phì và lớn hơn 10,4 kg được coi là béo phì. Chiều cao của bé gái 9 tháng tuổi bình thường là 70,1 cm, trong đó giới hạn dưới là 65,3 cm và giới hạn trên là 75 cm.

2. Bé 9 tháng ăn được những gì?

Để con phát triển tối ưu cả về chiều cao và cân nặng, trong giai đoạn 9 tháng tuổi phụ huynh cần hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ cũng như biết bé 9 tháng ăn được những gì để lựa chọn thức ăn phù hợp với bé. Cần cho bé ăn dặm thêm bột, cháo đặc, trái cây, yaourt, phô mai, váng sữa,...

Khẩu phần ăn hằng ngày gồm 3 bữa chính 3 bữa phụ:

  • Sữa mẹ 500-600ml
  • Ba bữa chính: bột, cháo ăn dặm, cơm nhão
  • Ba bữa phụ: trái cây, yaourt, phô mai, bánh quy,...

Trong thực đơn hằng ngày của bé 9 tháng tuổi cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản:

  • Nhóm đường bột: gạo, yến mạch, lúa mì, các loại đậu,...
  • Nhóm chất đạm: thịt, cá, lòng đỏ trứng gà, tôm, cua,...
  • Nhóm vitamin và khoáng chất: rau củ, trái cây, ưu tiên rau có màu xanh đậm, các loại trái cây họ cam quýt.
  • Nhóm chất béo: sữa và các sản phẩm từ sữa như yaourt, phô mai, bơ,...
Bé 9 tháng ăn được những gì?
Bé 9 tháng ăn được những gì là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ hiện nay

Những điểm cần lưu ý trong chế độ ăn của bé 9 tháng tuổi:

  • Bé đã có răng cửa nên phụ huynh có thể tập cho bé nhai, ăn cháo nguyên hạt, bột ăn dặm và các loại rau củ băm nhuyễn chứ không phải xay, nghiền nát như trước.
  • Tăng dần độ đặc của thức ăn cho bé 9 tháng tuổi
  • Xây dựng thực đơn phong phú. Các món ăn cần thường xuyên đổi mới, chế biến đa dạng, nhiều màu sắc và trình bày đẹp mắt để thu hút sự chú ý của trẻ. Như vậy có thể giúp bé làm quen với các loại thực phẩm, nhiều mùi vị khác nhau, đồng thời kích thích việc ăn uống của bé.
  • Nên cho trẻ ăn sữa chua, trái cây, váng sữa, phô mai vào các bữa phụ để bổ sung vitamin và khoáng chất cũng như bổ sung lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hoá của bé.
  • Tập cho bé ăn bốc với các loại thức ăn như rau củ, trái cây giúp bé hào hứng với bữa ăn và ăn ngon miệng hơn.
  • Nên nấu ăn từng bữa để đảm bảo chất dinh dưỡng, hạn chế hâm lại thức ăn sẽ làm giảm chất lượng món ăn.
  • Nên lập kế hoạch ăn khoa học và hợp lý cho các bữa sáng, trưa và tối cũng như các bữa ăn phụ để bé làm quen với giờ ăn.
  • Không nên kéo dài thời gian của bữa ăn quá lâu
  • Tạo không khí thoải mái, vui vẻ và khen ngợi động viên trẻ ăn.
  • Không thúc ép hay doạ nạt trẻ ăn vì như vậy sẽ tạo tâm lý căng thẳng và chán nản khi tới bữa ăn, có thể làm trẻ biếng ăn.
  • Không nên nêm nếm món ăn quá mặn và tránh mua thức ăn nấu sẵn cho trẻ ăn.
  • Bé vẫn chưa ăn được các loại thức ăn sau: sữa tươi, lòng trắng trứng, các loại hải sản vỏ cứng như trai, sò, ốc vì nguy cơ dị ứng cao.
  • Cho bé uống đủ nước, không hạn chế uống nước như lúc 6 tháng tuổi để tránh táo bón.
  • Tập cho bé ngồi vào bàn ăn để rèn luyện thói quen ăn uống nghiêm túc.

3. Chăm sóc bé 9 tháng tuổi như thế nào cho đúng?

Chủng ngừa

  • Bé nếu đã được chủng ngừa đầy đủ trước đó thì không cần tiêm thêm mũi nào trong đợt này, tuy nhiên có thể được tiêm ngừa bổ sung nếu trễ các đợt tiêm chủng trước đó.
  • Có thể chủng ngừa cúm nếu đang trong mùa dịch cúm.
Ngoài vấn đề cân nặng bé gái 9 tháng tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ
Ngoài vấn đề cân nặng bé gái 9 tháng tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ

Phát triển trí não

  • Đọc sách cho bé hằng ngày, chọn sách có nhiều hình vẽ, màu sắc. Tập cho bé sờ, nói theo và chỉ đồ vật.
  • Nói chuyện với con nhiều hơn, đọc thơ và hát cùng với con.
  • Cho bé làm quen với ngôn ngữ thứ hai nếu đang sử dụng ngôn ngữ đó trong gia đình.

Giấc ngủ

  • Tập cho bé ngủ trưa và ngủ tối theo đúng thời gian cố định, khuyến khích bé ngủ trong nôi của mình.
  • Giảm tối đa thời gian xem tivi, tăng thời gian vui chơi, tương tác với đồ vật xung quanh và giao tiếp với các thành viên trong gia đình.

An toàn

  • Nâng cao các thanh chắn, hạ thấp nệm trong nôi để tránh nguy cơ té ngã.
  • Giữ nhiệt độ máy nước nóng không vượt quá mức 120°F (49°C).
  • Không để dây điện, dây kéo cửa hoặc dây điện thoại bừa bãi. Tìm và loại bỏ các đồ vật nguy hiểm trong tầm mắt, tầm với của trẻ.
  • Không hút thuốc lá và sử dụng các chất gây nghiện trong không gian trẻ sinh sống.
  • Che chắn kĩ càng ở đầu cầu thang để trẻ không bị ngã. Nếu có hồ bơi thì phải rào chắn kĩ càng, chốt cửa cẩn thận.
  • Không sử dụng xe tập đi không an toàn và có nguy cơ té ngã. Một chiếc xe tập đi không đúng chuẩn có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng vận động cần thiết cho việc đi đứng.
  • Các loại thuốc phải được để trong tủ hoặc trên kệ cao hơn tầm với của trẻ. Các loại hoá chất, sản phẩm tẩy rửa phải đậy kín nắp và ngoài tầm tay của bé.
  • Thận trọng với các chất lỏng nóng như nước sôi, dầu nóng. Không để trẻ tiếp xúc với các nút vặn của bếp ga, bếp lò, bếp điện và các máy móc, thiết bị trong nhà bếp.
  • Dao kéo, các vật sắc nhọn và các đồ chùi dọn phải đặt ngoài tầm với của bé.
  • Đảm bảo luôn có người trông chừng con, kể cả trong lúc đi tắm. Không giao việc trông trẻ cho anh/chị ruột của bé nếu chúng chưa trưởng thành.
  • Bàn ghế, tivi, giá sách, các đồ vật treo tường phải được cố định chắc chắn để không rơi vào người bé.
  • Cửa sổ và cửa ban công luôn được khoá, tránh để trẻ bò ra ngoài.
  • Mang giày cho trẻ khi ra ngoài. Chọn loại giày có đế mềm mại, đàn hồi và có mũi giày rộng, dài, không bó chân.
  • Không cho trẻ ra ngoài trời khi nắng gắt. Khi ra ngoài luôn dùng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ từ SPF 15 trở lên để phòng tránh các vấn đề về da.

Trẻ 9 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan