10 điều cơ bản cần biết về ho gà ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất dễ lây lan làm viêm phổi và đường hô hấp. Bệnh ho gà đặc biệt nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong đối với trẻ nhỏ dưới một tuổi, vì vậy cần điều trị ngay lập tức.

1. Bệnh ho gà

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm. Bệnh gây ra những cơn ho dữ dội (kịch phát). Bệnh chủ yếu ảnh hưởng nặng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ho gà xuất phát từ những âm thanh kỳ lạ, giống như tiếng chim kêu mà trẻ em thường tạo ra khi mắc bệnh và khi cố gắng hít thở sâu giữa các lần ho. Đối với trẻ sơ sinh bị ho có thể không đủ khỏe để tạo ra âm thanh khò khè đặc trưng này.

Ho gà từng được gọi là "ho 100 ngày" vì bệnh có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng. Bệnh thường bắt đầu giống như cảm lạnh thông thường, với chảy nước mũi, hắt hơi, ho nhẹ hoặc sốt. Sau 1 đến 2 tuần, cơn ho dữ dội bắt đầu. Cơn ho thường kết thúc bằng tiếng gà kêu khi hít vào không khí. Trong những cơn ho, trẻ sơ sinh và trẻ em khó ăn, uống hoặc thở. Những tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần. Ho gà ở trẻ sơ sinh có thể gây ra các giai đoạn không thở (ngưng thở). Bệnh ho gà nặng hơn đối với trẻ em dưới 1 tuổi, có thể gây tử vong trong một số trường hợp.

Thuốc chủng ngừa ho gà có thể giúp ngăn ngừa bệnh. Nhưng vắc xin không có hiệu quả 100%. Và dịch bệnh đã xảy ra ở những nơi có tỷ lệ vắc xin giảm. Nếu bệnh ho gà đang lan rộng trong một khu vực, có khả năng một người đã tiêm vacxin ho gà vẫn có thể mắc bệnh. Khả năng bảo vệ của vắc xin cũng mất dần theo thời gian. Thanh thiếu niên và người lớn chưa tiêm nhắc lại có thể lây bệnh khi bùng phát.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh ho gà ở trẻ em

Bệnh ho gà do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh rất dễ lây lan. Vi khuẩn ho gà cũng lây nhiễm vào khí quản, nơi chúng gây ra những cơn ho dai dẳng và dữ dội. Bệnh lây từ trẻ này sang trẻ khác thông qua đường ho và hắt hơi. Một khi vi khuẩn ở trong đường thở của trẻ sẽ gây sưng tấy đường thở và tăng tiết chất nhầy.

Bệnh ho gà đặc biệt nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong đối với trẻ nhỏ dưới một tuổi.

3. Các triệu chứng ho gà ở trẻ

Các triệu chứng ban đầu: Bệnh ho gà thường bắt đầu với các triệu chứng lạnh hoặc phừng phừng kéo dài 1 hoặc 2 tuần, nhưng đôi khi kéo dài đến 3 tuần. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Hắt xì
  • Sổ mũi
  • Ho nhẹ hoặc thỉnh thoảng
  • Sốt nhẹ

Các triệu chứng giai đoạn sau: Sau một hoặc hai tuần, một đứa trẻ bị ho gà thường sẽ phát triển thêm các triệu chứng dễ nhận biết của bệnh như:

  • Những cơn ho nhanh chóng kéo dài 20 hoặc 30 giây không ngừng, sau đó là tiếng "khục khục" khi trẻ cố gắng thở trước khi cơn ho tiếp theo bắt đầu. Cơn ho thường nặng hơn vào ban đêm.
  • Ho ra hoặc nôn ra chất nhầy
  • Kiệt sức sau những cơn ho
  • Môi và móng tay chuyển sang màu xanh do thiếu oxy trong các đợt ho.

Những nguy hiểm và triệu chứng đặc biệt cần chú ý ở trẻ sơ sinh

Ho gà có thể rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới một tuổi, đặc biệt dễ bị các biến chứng như viêm phổi, co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Nếu bạn nghĩ rằng trẻ có thể bị ho gà, hãy đi khám ngay.

Một số trẻ không hề ho hoặc khò khè khi bị ho gà. Thay vào đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Thở hổn hển
  • Mặt đỏ bừng
  • Ngừng thở trong vài giây.
  • Nôn mửa

Điều quan trọng là phải theo dõi sát trẻ bị ho gà trong trường hợp trẻ ngừng thở. Nếu bé khó thở, hãy đưa bé đến phòng cấp cứu gần nhất. Cũng nên đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu trẻ bị nôn liên tục, co giật hoặc có dấu hiệu mất nước.

Ho gà ở trẻ sơ sinh
Ho gà ở trẻ sơ sinh là rất nguy hiểm và cần lưu ý

4. Thời gian mắc bệnh ho gà

Ho gà có thể kéo dài đến 10 tuần, hoặc thậm chí lâu hơn, mặc dù các cơn ho thường sẽ bắt đầu thuyên giảm trong vòng sáu tuần.

Tiến triển điển hình của bệnh là:

Giai đoạn một: Các triệu chứng cảm lạnh trong 1 đến 2 tuần

Giai đoạn hai: Cơn ho kéo dài thêm 1 đến 6 tuần

Giai đoạn ba: Phục hồi dần dần với những cơn ho thỉnh thoảng kéo dài từ 2 đến 3 tuần

Lưu ý rằng bệnh thường ít nghiêm trọng hơn và khỏi nhanh hơn ở những người đã tiêm vắc xin ho gà.

5. Nhận biết trẻ bị bệnh ho gà

Bệnh ho gà rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm vi khuẩn hoặc chỉ đơn giản là hít thở không khí bị nhiễm vi trùng. Vi khuẩn thường xâm nhập vào mũi hoặc cổ họng.

Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị mắc bệnh ho gà vì chúng không bắt đầu tiêm vắc xin DTaP cho đến khi được 2 tháng tuổi. Trẻ cũng có thể mắc bệnh từ anh chị em, cha mẹ hoặc người chăm sóc, những người thậm chí không biết họ mắc bệnh.

Những người bị ho gà dễ lây lan nhất trong giai đoạn đầu của bệnh, cho đến khoảng 2 tuần sau khi bắt đầu xuất hiện các cơn ho.

6. Trẻ có mắc bệnh ho gà khi đã tiêm phòng hay không?

Có, vì vắc-xin ho gà không hiệu quả 100%. Tuy nhiên, trẻ sẽ ít có khả năng mắc bệnh ho gà hơn nếu đã được tiêm phòng và nếu trẻ mắc bệnh thì các triệu chứng thường nhẹ hơn.

Hầu hết trẻ em được chủng ngừa một số loại vắc-xin chống lại bệnh ho gà (ho gà) như vaccine 6 in 1, 5 in 1, DTaP, cũng là vaccin phòng bệnh bạch hầuuốn ván. Các mũi tiêm bắt đầu khi trẻ được 2 tháng tuổi và tiếp tục cho đến khi trẻ được 4 đến 6 tuổi. Sau đó, ở tuổi 11 hoặc 12, con bạn sẽ được tiêm thêm một liều bảo vệ chống ho gà như TdaP.

Khả năng bảo vệ trẻ chống lại căn bệnh này tăng lên theo từng mũi tiêm, vì vậy nguy cơ mắc bệnh của trẻ sẽ thấp nhất sau khi tiêm mũi thứ năm, từ 4 đến 6 tuổi.

Các trường hợp ho gà đã giảm đáng kể sau sự ra đời của vắc-xin ho gà vào những năm 1940, mặc dù con số đã tăng nhẹ trở lại trong vài thập kỷ qua. Năm 2018, có hơn 15.000 trường hợp mắc bệnh ho gà được báo cáo ở Hoa Kỳ. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng này là ở trẻ em dưới 1 tuổi.

Ho gà ở trẻ sơ sinh
Trẻ đã tiêm phòng vắc-xin vẫn có thể bị ho gà trở lại

7. Chẩn đoán bệnh ho gà

Để biết con bạn có bị ho gà hay không, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp để chẩn đoán:

  • Lắng nghe tiếng ho của trẻ
  • Ngoáy họng mũi để kiểm tra tế bào vi khuẩn ho gà

8. Điều trị bệnh ho gà

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị ho gà, bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng ngay lập tức. Bác sĩ sẽ không đợi kết quả xét nghiệm, vì những kết quả này có thể mất một thời gian và điều quan trọng là phải điều trị bệnh ho gà càng sớm càng tốt.

Thuốc kháng sinh có thể giúp làm giảm các triệu chứng nếu được sử dụng rất sớm. Nếu dùng muộn hơn, chúng có thể không rút ngắn được đợt bệnh nhưng vẫn có thể loại bỏ vi khuẩn từ dịch tiết của trẻ, tránh cho trẻ lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, bạn không thể làm thêm bất cứ điều gì khác hơn là đợi cơn ho của trẻ dịu đi. Tất nhiên, nếu cơn ho trở nên tồi tệ hơn ngay cả khi dùng kháng sinh, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.

Khoảng một nửa số trẻ dưới một tuổi bị ho gà phải được điều trị tại bệnh viện. Hầu hết những em bé này bị ngừng thở, hoặc viêm phổi. Trẻ nhập viện có thể cần được thở oxy và truyền dịch qua đường tĩnh mạch để tránh mất nước.

9. Chăm sóc trẻ mắc bệnh ho gà tại nhà

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà, bạn có thể làm một số điều để giúp con bạn mau lành bệnh và thoải mái:

  • Tuân thủ lịch kháng sinh chính xác như bác sĩ đã kê đơn.
  • Sử dụng máy tạo ẩm dạng phun sương mát để giữ ẩm cho không khí trong phòng của trẻ.
  • Giữ cho ngôi nhà của bạn không có các chất kích thích như khói và bụi.
  • Đảm bảo trẻ luôn đủ nước (lưu ý rằng nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ chỉ nên uống sữa mẹ hoặc sữa công thức). Báo ngay cho bác sĩ bất kỳ dấu hiệu mất nước nào.
  • Nếu trẻ đang ăn thức ăn đặc, khuyến khích chia các bữa ăn nhỏ cách vài giờ một lần để ngăn ngừa nôn trớ.
  • Không cho trẻ uống thuốc giảm ho trừ khi bác sĩ đề nghị. Thuốc ho thường không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi cần làm sạch chất nhầy ở phổi. Nếu bạn kìm nén phản ứng đó, bạn có thể đang cản trở khả năng chữa lành vết thương của trẻ.

10. Phòng bệnh ho gà

Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ khỏi bệnh ho gà. Dưới đây là các khuyến nghị về vắc xin cho từng lứa tuổi.

Đối với trẻ em: Tiêm vắc xin 6 in 1, 5 in 1, Tdap đúng lịch tiêm chủng.

Đối với thanh thiếu niên và người lớn: Tiêm vắc xin Tdap tăng cường. Tdap có thể phòng ngừa những người được tiêm mắc bệnh ho gà và truyền bệnh cho trẻ sơ sinh.

Đối với phụ nữ có thai: Tiêm vắc xin Tdap trong mỗi lần mang thai, tốt nhất là khi thai từ 27 đến 36 tuần.

Ngoài ra, còn có một số cách khác để ngăn ngừa bệnh ho gà bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà, tất cả những người tiếp xúc gần gũi với trẻ cũng cần được điều trị bằng kháng sinh.
  • Rửa tay đúng cách. Chà rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng nước rửa tay.
  • Che miệng và mũi của trẻ bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Nếu không có khăn giấy, hãy sử dụng tay áo trên hoặc khuỷu tay, không dùng bàn tay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

100 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan