Nhận diện bệnh viêm cầu thận mạn như thế nào?

Viêm cầu thận mạn là một bệnh có tổn thương ở tiểu cầu thận tiến triển qua nhiều năm dẫn đến suy thận mạn, có nguy cơ biến chứng suy thận gây hậu quả xấu cho người bệnh.

1. Viêm cầu thận mạn là gì?

Bệnh bao gồm các tình trạng tăng sinh, phù nề, xuất tiết và hoại tử hyalin, xơ hóa một phần hoặc toàn bộ cầu thận. Bệnh tiến triển mạn tính qua nhiều năm dẫn đến xơ teo cả hai thận. Bệnh có thể diễn tiến thành từng đợt, sau 10-15 năm thì sẽ xuất hiện suy thận mạn tính không hồi phục.

Viêm cầu thận mạn là bệnh lý khá nguy hiểm, khi mắc bệnh này chức năng thận sẽ bị suy giảm, mất dần khả năng loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể và đào thải các chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể và gây ra các biến chứng nặng nề như:

  • Suy thận cấp tính làm mất chức năng lọc của thận, tích tụ các chất độc hại nhanh chóng, một số trường hợp người bệnh phải lọc máu khẩn cấp.
  • Suy thận mạn tính là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, khi chức năng thận bị mất hoàn toàn thì cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận với chi phí rất cao nếu muốn duy trì sự sống.
  • Cao huyết áp do các chất thải tích tụ nhiều trong máu.
  • Hội chứng thận hư
viem-cau-than-man-tinh-1
Viêm cầu thận mạn là bệnh lý khá nguy hiểm, khi mắc bệnh này chức năng thận sẽ bị suy giảm

2. Dấu hiệu nhận diện bệnh viêm cầu thận mạn

Khi viêm cầu thận cấp diễn ra trên 3 tháng không khỏi do không được điều trị hoặc được điều trị không tích cực, gián đoạn thì sẽ chuyển sang giai đoạn viêm cầu thận mạn tính. Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ suy thận hoặc có thể là chưa suy thận.

Các chức năng của thận bắt đầu suy giảm một cách từ từ, vì vậy, triệu chứng của bệnh rất đa dạng, đôi khi do tình cờ xét nghiệm nước tiểu qua khám bệnh vì một lý do nào đó mà thấy có protein và hồng cầu niệu còn các triệu chứng khác rất kín đáo không xuất hiện. Hầu hết các trường hợp viêm cầu thận mạn thường có da và niêm mạc nhợt nhạt, ngứa, phù.

Phù là một triệu chứng điển hình nhất của viêm cầu thận mạn. Giai đoạn đầu của bệnh có thể phù kín đáo, chưa ảnh hưởng gì đến sức khỏe, vì vậy, người bệnh vẫn có thể lao động, làm việc, ăn ngủ và sinh hoạt bình thường, thậm chí không biết mình bị phù.
Nếu bệnh bắt đầu chuyển nặng thì phù rất rõ như phù mặt, dưới da quanh mắt cá trước xương chày, vùng cùng cụt, dưới da đầu mà ngay người bệnh cũng có thể cảm nhận và thấy được. Đặc điểm là phù mềm, ấn thấy lõm trên một nền cứng như ở mắt cá chân.
Khi bệnh nặng thì phù có thể là biểu hiện dưới dạng cổ trường, tràn dịch màng phổi, hoặc tràn dịch màng tinh hoàn. Đa số các trường hợp là ăn kém do chán ăn, đau cơ, nhức xương, buồn nôn hoặc nôn ( tăng ure máu).

viem-cau-than-man-tinh-2
Phù là triệu chứng điển hình nhất của viêm cầu thận mạn.
  • Tiểu ít, lượng nước tiểu thay đổi tùy từng bệnh nhân và từng giai đoạn của bệnh. Viêm cầu thận mạn ở giai đoạn càng tiến triển thì tình trạng thiểu niệu càng thấy rõ.
  • Tăng huyết áp: Ở giai đoạn khi chưa có suy thận hoặc suy thận nhẹ, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp thấp. Nhưng khi suy thận giai đoạn III, IV thì tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp trên 80%.
  • Thiếu máu: Khi chưa có suy thận, không có thiếu máu hoặc chỉ thiếu máu nhẹ. Nhưng khi có suy thận, thiếu máu xuất hiện và ngày càng nặng dần, đôi khi có liên quan chặt chẽ với các giai đoạn suy thận.
  • Các triệu chứng biểu hiện hội chứng ure cao: Ở giai đoạn khi đã có suy thận như nôn, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, các biểu hiện tim mạch, thần kinh, toan máu gây thở sâu, rối loạn nhịp thở và nặng nhất là hôn mê do ure máu cao.
  • Khi bệnh tiến triển từ từ có thể bao gồm các biểu hiện như sút cân, nôn và buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, ngứa, đi tiểu nhiều vào ban đêm, hay bị co giật cơ bắp, chuột rút, chảy máu cam.
  • Protein niệu, khi protein niệu trên 3,5g/24g giờ là đã có hội chứng thận hư đi kèm. Nhưng khi suy thận đến giai đoạn nặng thì protein niệu thường dưới 1g/24 giờ.
  • Hồng cầu niệu, đái máu vi thể, rất ít khi có đái máu đại thể. Nếu như có đái máu đại thể tái phát nhiều lần thì thường là biểu hiện của bệnh cầu thận IgA.
  • Trụ niệu gồm hồng cầu, trụ hạt nhưng không phải trụ niệu lúc nào cũng có.
  • Ure, creatinin, axit uric máu tăng, mức lọc cầu thận giảm khi có suy thận. K+ máu thường tăng khi có suy thận. Ca++ máu giảm ở suy thận giai đoạn II trở đi. Na+ máu thường giảm do phù và chế độ ăn nhạt.
  • Hồng cầu, huyết sắc tố giảm khi có suy thận. Khi siêu âm thấy kích thước thận bình thường khi chưa có suy thận, thận teo nhỏ đều 2 bên khi có suy thận. Xquang thấy bóng thận teo nhỏ, đều ở hai bên khi đã ở giai đoạn suy thận.

Chẩn đoán bệnh xác định dựa vào các triệu chứng phù, tái phát nhiều lần, đái ít, tăng huyết áp, thiếu máu, protein niệu, hồng cầu niệu, trụ hạt, trụ hồng cầu, ure, creatinin máu tăng, mức lọc cầu thận giảm. Siêu âm, Xquang thận hai bên thận teo nhỏ đều.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan