Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mọc răng sữa là giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ. Trung bình đến tháng thứ 6, trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên, 12 tháng có khoảng 6 răng và đến 24 tháng sẽ đầy đủ một hàm răng sữa.
1. Một chiếc răng sữa mọc trong bao lâu?
Một chiếc răng sữa mọc trong bao lâu được rất nhiều bà mẹ quan tâm, việc răng sữa mọc lên bình thường cho thấy dấu hiệu của sự phát triển hệ xương và răng, biểu hiện cơ thể trẻ không bị thiếu canxi.
Răng sữa cần một khoảng thời gian nhất định để nhú lên hết. Theo đó, trung bình đến tháng thứ 6, trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên, 12 tháng có khoảng 6 răng và đến 24 tháng sẽ đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới.
Thời gian mọc răng của bé khác nhau về thể chất, có một số bé 4 - 5 tháng đã mọc răng, nhưng cũng có bé khoảng 1 tuổi mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên, mẹ không phải lo lắng vì trẻ chỉ cần mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì vẫn hoàn toàn phát triển bình thường.
Trình tự và thời gian mọc răng của bé như sau:
- 4 cái răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới: 5-8 tháng
- 4 răng cửa bên: 7-10 tháng
- 4 răng hàm đầu tiên: 12-16 tháng
- 4 răng nanh: 14-20 tháng
- 4 răng hàm thứ 2: 20-32 tháng
Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng?
Đặc điểm bên ngoài của trẻ sơ sinh đủ tháng được thể hiện qua các tiêu chuẩn như: Cân nặng, chiều dài và hình thể. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng, qua đó có thể đánh giá tổng trạng sức khỏe và sự phát triển của bé yêu nhà mình.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ sắp mọc răng sữa
Quá trình mọc răng trẻ hay gặp phải các vấn đề về sức khỏe, do vậy, bậc phụ huynh cần quan tâm và chăm sóc bé hơn. Dưới đây là một số triệu chứng khi trẻ mọc răng:
- Chảy nước dãi: Quá trình mọc răng sẽ kích thích nước dãi trong khoang miệng của bé chảy ra nhiều hơn.
- Cằm và quanh miệng nổi ban: Do nước dãi chảy nhiều ra khỏi khoang miệng nên nó có thể khiến bé bị nổi ban ở vùng da khô như cằm hoặc quanh miệng.
- Bị ho, nổi cục ở lợi: Nước dãi chảy ra có khả năng khiến bé bị nghẹn, gây ho, nổi cục ở lợi.
- Bé thích cắn: Khi một chiếc răng chuẩn bị chồi lên khỏi lợi, điều đó khiến bé vô cùng bứt rứt, vì thế bé sẽ tìm cách giảm sự khó chịu thông qua việc cắn.
- Bị đau: Khi bị sưng lợi, bé sẽ quấy khóc do đau. Thông thường, chiếc răng đầu tiên mọc lên sẽ khiến bé bị đau nhất.
- Dễ cáu kỉnh và bú ít: Cơn đau răng và đau lợi là nguyên nhân làm bé mệt mỏi, quấy khóc và bú ít.
- Bị tiêu chảy, sốt: Thời điểm xuất hiện chiếc răng đầu tiên cũng là thời điểm hệ miễn dịch ở bé thay đổi. Do vậy, những tác nhân gây sốt bên ngoài dễ xâm nhập vào cơ thể của bé. Nếu bé sốt cao và kéo dài, cha mẹ nên đưa bé đi đến cơ sở y tế ngay.
- Ngủ không ngon: Cơn đau răng khiến bé khó chịu cả ngày nên bé sẽ không ngủ ngon giấc.
- Kéo tai, dùng tay chà vào má: Lợi, tai và má cùng có chung một đường dây thần kinh và có sự tác động qua lại. Nhưng khi các bé bị nhiễm trùng tai cũng có biểu hiện kéo tai thường xuyên. Do đó, bạn nên đưa bé đi khám nếu dấu hiệu kéo dài không liên quan đến mọc răng.
3. Cách chăm sóc trẻ khi mọc răng sữa
Mọc răng sữa thường kèm các triệu chứng như trên, vì thế sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của bé bị xáo trộn là điều bình thường, dễ hiểu. Dưới đây là cách chăm sóc khiến bé sẽ thoải mái, dễ chịu hơn khi mọc răng sữa:
- Khi bé không hào hứng với việc ăn uống như trước đây, bạn đừng cố ép bé ăn nhiều mà cách tốt nhất là chia nhỏ bữa ăn của bé và cho bé ăn các loại thức ăn mềm như cháo hạt để kích thích răng bé mọc nhanh hơn, việc nhai cũng làm bé thoải mái, không gây đau đớn.
- Dành thời gian trò chuyện, an ủi, ôm ấp yêu thương bé nhiều hơn vào thời điểm này.
- Trường hợp bé sốt trên 38,5 độ, cha mẹ có thể cho bé sử dụng thuốc hạ sốt sau khi đã tham khảo đầy đủ ý kiến của bác sĩ.
- Khi mọc răng, nhiều bé bị đi ngoài nhiều lần từ 3 – 6 ngày. Vì vậy mẹ cần cho bé uống thật nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất đi.
- Mẹ nên thường xuyên làm sạch những chiếc răng của bé bằng một miếng gạc nhỏ được làm ẩm, mềm chà lưỡi và răng bé một cách nhẹ nhàng.
- Dùng tay để mát-xa nhẹ nướu răng để bé đỡ đau nhức. Lưu ý: trước khi thực hiện, mẹ cần rửa tay sạch sẽ để tránh đưa vi khuẩn vào miệng bé.
- Giảm nhẹ cơn đau của bé bằng cách thu hút bé vào một hoạt động, trò chơi mà bé yêu thích như nghe nhạc, chơi đồ chơi mới...
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt.