Mối liên quan giữa hormone Prolactin với sự tiết sữa mẹ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hormone Prolactin là hoóc môn đóng vai trò chính trong sản sinh sữa mẹ và làm tăng lượng sữa mẹ. Mức độ prolactin trong cơ thể của mẹ cao trong khi mang thai và ngay sau khi sinh em bé, nhưng cơ thể bạn giải phóng prolactin để đáp ứng với sự kích thích ở ngực. Nếu không cho con bú hoặc không hút sữa mẹ, mức prolactin sẽ bắt đầu giảm xuống.

1. Hormone Prolactin là gì?

Hormone Prolactin (viết tắt là PRL), là một là hormone peptide, được mã hóa bởi gen prolactin. Ở người, chỉ số prolactin tồn tại dưới 3 dạng peptide và một số peptide có khối lượng phân tử lớn hơn.

Chỉ số prolactin ở nữ giới có vai trò kích thích các tuyến sữa để sản xuất sữa, đồng thời cũng tác động lên nhiều chức năng khác của tế bào. Hormone Prolactin được tiết ra từ thùy trước tuyến yên trong sự đáp ứng với sự ăn uống, giao phối, điều trị với estrogen, sự rụng trứng và cho con bú để tiết sữa mẹ.

2. Mối liên quan giữa hormone Prolactin với sự tiết sữa mẹ

Sau khi mẹ sinh em bé, nhau thai rời khỏi cơ thể, nồng độ estrogen và progesterone sẽ bắt đầu giảm xuống. Việc giảm hai hoóc môn này cho phép prolactin kích thích các tuyến sữa trong vú để tạo ra sữa mẹ. Trong vài ngày đầu sau khi sinh em bé, prolactin làm tăng mạnh lượng sữa, nên thường gây ra sự căng tức sữa khi sữa non chuyển tiếp thành sữa mẹ.

Sự tiết sữa mẹ được duy trì và điều khiển bởi Prolactin. Có nghĩa là khi trẻ mút vú sẽ kích thích bài tiết Prolactin. Prolactin vào máu đến tuyến vú kích thích các tế bào tiết ra sữa. Nồng độ Prolactin trong máu đạt tối đa vào khoảng 30 phút sau khi bé bú, giúp tạo sữa cho bữa bú sau.

Qua cơ chế tạo sữa như trên, để có nhiều sữa thì cần phải có nhiều Prolactin.

3. Làm thế nào để tăng mức độ prolactin hơn

Mối liên quan giữa hormone Prolactin với sự tiết sữa mẹ
Làm thế nào để tăng mức độ prolactin hơn

Trong cơ chế tiết sữa còn có sự tự điều chỉnh sữa được tiết ra. Khi các nang sữa ứ đầy sữa nhưng không được thoát ra ngoài, các tế bào tiết sữa sẽ tiết ít lại. Do vậy, để vú tiếp tục tạo sữa tốt thì sữa mẹ phải được chảy ra khỏi vú.

Cách tốt nhất để tăng hormone prolactin là cho con bú thường xuyên hơn hoặc dùng máy hút sữa để hút sữa ra ngoài. Tốt nhất là khi con được sinh ra, mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoặc hút sữa ít nhất hai đến ba giờ mỗi ngày. Càng kích sữa điều độ, não của bạn sẽ sản sinh ra prolactin nhiều hơn.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ nuôi con bú ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế tiết sữa mẹ. Các bà mẹ ăn uống đầy đủ sẽ có đủ sữa và chất lượng sữa tốt cho con bú. Ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, rau xanh.... Uống 1,5 đến 2 lít nước/ngày vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.

Mẹ cũng cần có chế độ nghỉ ngơi, lao động vừa phải. Nếu phải lao động nhiều mà ăn uống không đủ, cơ thể mẹ sẽ phải sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong các mô của cơ thể để tạo sữa và vận động, dẫn đến mẹ bị suy dinh dưỡng.

Ngoài ra còn có một số loại thảo mộc và thuốc nhất định có thể giúp tăng cường mức prolactin cho mẹ. Tuy nhiên, mẹ nên dùng những loại có thương hiệu và uy tín để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.

Điều quan trọng không phải chỉ nâng cao mức prolactin sẽ tạo ra nguồn sữa mẹ khỏe mạnh mà sự kích thích vú mẹ và việc đưa sữa mẹ ra khỏi ngực cũng quan trọng không kém.

Việc kích thích vú mẹ tốt nhất là cho con bú thường xuyên. Để cho con bú mẹ thường xuyên, mẹ cần phải cho con bú đúng cách với khớp ngậm đúng, nếu mẹ không thể tự cho con bú đúng, hoặc bà mẹ bị núm ti dẹt, ti thụt vào trong nên nhờ sự hỗ trợ của các dịch vụ tư vấn sữa mẹ để được hỗ trợ kịp thời.

4. Những điều ảnh hưởng đến mức độ prolactin trong cơ chế tiết sữa

Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến việc giải phóng prolactin khi đang cho con bú.

  • Dặm sữa ngoài: Nếu cho em bé uống thêm sữa công thức hoặc cho em bé bú nước giữa các lần bú thì cơ thể mẹ sẽ không đưa tín hiệu để giải phóng các prolactin.
  • Sử dụng ti giả quá sớm: Việc sử dụng ti giả trong những ngày đầu và tuần đầu cho con bú sẽ làm con không muốn ngậm và kích thích vú mẹ vì đã có cái thay thế. càng cho bé bú, cơ thể mẹ càng sinh ra prolactin nhiều hơn. Khi trẻ sử dụng núm vú giả, người mẹ sẽ mất đi cơ hội để tăng prolactin và cho nguồn sữa mẹ khỏe mạnh.
  • Thuốc ngừa thai có chứa estrogen: Sự thay đổi về cân bằng estrogen và prolactin sẽ làm ảnh hưởng đến việc cung cấp sữa mẹ. Thuốc tránh thai có chứa estrogen gây ra sự giảm sản lượng sữa của mẹ.
  • Phẫu thuật ngực: Phẫu thuật ngực được thực hiện gần quầng vú hoặc núm vú có thể gây tổn thương cho các dây thần kinh báo hiệu não giải phóng prolactin.
  • Kem gây tê: Không nên sử dụng kem gây tê để điều trị đau núm vú. Không chỉ nó có thể làm tê miệng em bé, mà nó còn có thể làm tê liệt các dây thần kinh trong vú. Nếu các dây thần kinh không thể gửi tín hiệu đến não, prolactin sẽ không được giải phóng.
  • Rượu, cà phê, thuốc lá: Tất cả những chất kích thích này có thể dẫn đến giảm mức độ prolactin nói chung và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé nói riêng. Tốt nhất là mẹ nên tránh xa các chất kích thích này để không gây hại cho cả mẹ và bé.
  • Trầm cảm: Mức độ prolactin thấp hơn ở những bà mẹ bị trầm cảm. Tuy nhiên, các bà mẹ sau sinh thường bị trầm cảm, vì vậy người mẹ hãy nói chuyện, tâm sự và nhờ tới sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình thường xuyên hơn.
Mối liên quan giữa hormone Prolactin với sự tiết sữa mẹ
Chất kích thích này có thể dẫn đến giảm mức độ prolactin

Do vậy, chỉ số prolactin trong cơ thể của mẹ cao nếu mẹ cho con bú, hút sữa thường xuyên và ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Nếu các mẹ cho con bú ít, không hút sữa mẹ hoặc làm những điều ảnh hưởng đến mức độ prolactin thì prolactin sẽ bắt đầu giảm xuống. Trong trường hợp không cho con bú sữa mẹ hoàn toàn thì việc sản xuất sữa mẹ sẽ chậm lại và cuối cùng sẽ mất đi.

Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa, có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa như:

  • Khám sàng lọc các bệnh lý cho mẹ và bé trước sinh
  • Sinh thiết gai nhau, chọc ối..
  • Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi ( siêu âm 3D, 4D)
  • Theo dõi sinh, đỡ sinh các trường hợp sinh thường, sinh khó
  • Khám điều trị các bệnh lý tiền sản giật, nhau tiền đạo, thai kỳ kèm các bệnh lý nội khoa phức tạp...
  • Phẫu thuật lấy thai các trường hợp mổ lấy thai lần 1, lần 2, lần 3...
  • Khám, điều trị các bệnh lý phụ khoa.
  • Khám, tư vấn các cặp vợ chồng hiếm muộn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan