Làm thế nào khi vết mổ sau sinh bị cứng, đau, ngứa?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Vết mổ đẻ bị cứng, đau và ngứa là những hiện tượng rất thường xảy ra đối với sản phụ sinh mổ. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây ra sự khó chịu trong cuộc sống.

1. Lý giải nguyên nhân vết mổ đẻ sau sinh bị cứng, đỏ

Thông thường, sản phụ sinh mổ sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để cơ thể hồi phục, ngay cả khi vết mổ đã lành bên ngoài nhưng vẫn cần có thời gian từ 1 đến 2 năm để các mô và dây thần kinh bên trong hồi phục hoàn toàn.

Sau một khoảng thời gian, khi chỉ khâu đã tiêu hết thì vết mổ sẽ mềm như bình thường, có nhiều trường hợp vết mổ hình thành sẹo lồi, mặc dù nhìn mất thẩm mỹ nhưng điều này lại không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ.

Một vài trường hợp sản phụ có vết mổ sau sinh bị cứng, đỏ hay ngứa có thể do nguyên nhân chỉ chưa tiêu hết, hiện tượng này cũng không có gì đáng ngại, hãy tiếp tục vệ sinh vùng bụng và khu vực vết mổ thật sạch sẽ, khi chỉ tiêu hết thì hiện tượng này sẽ không còn.

Đặc biệt, triệu chứng vết mổ đẻ bị cứng, đỏ kèm theo các biểu hiện như: đau bụng dữ dội, có nước chảy ra từ vết mổ, sốt cao hơn 38 độ C, chân bị đau sưng, chảy máu có cục máu đông lớn thì sản phụ cần đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức vì có thể vết mổ đẻ đã bị nhiễm trùng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời có thể dẫn đến biến chứng hoại tử, nhiễm trùng huyết, bục vết mổ hay tổn thương đến các bộ phận lân cận.

vet-mo-sau-sinh-bi-cung -1
Một vài trường hợp sản phụ có vết mổ sau sinh bị cứng, đỏ hay ngứa có thể do nguyên nhân chỉ chưa tiêu hết

2. Vết sẹo mổ sau sinh sẽ lành trong bao lâu?

Tùy vào cơ địa và sức khỏe thì mỗi sản phụ sau sinh sẽ có một khoảng thời gian để phục hồi sức khỏe và liền sẹo khác nhau. Nếu cơ thể bình thường thì sẽ phục hồi nhanh hơn, trong khoảng vài tuần đầu sau sinh, có thể nhận thấy rõ ràng quá trình liền sẹo bằng mắt thường. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này thì quá trình liền sẹo cũng sẽ chậm hơn và sản phụ sẽ không còn thấy đau đớn nữa.

Ngoài ra, thời gian để vết mổ sau sinh lành lại cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: loại chỉ khâu mà bác sĩ sử dụng, quá trình chăm sóc, vệ sinh vết mổ.

Để tránh vết mổ sau sinh bị đỏ, cứng thì sản phụ cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Không nên mặc quần áo quá chật, hãy mặc những bộ quần áo thoáng mát, rộng rãi để giúp không khí lưu thông, tránh cọ sát vào vết mổ.
  • Không nên tự ý luyện tập thể dục thể thao quá sức khi vết sẹo chưa lành, chỉ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng để tăng quá trình lưu thông máu và ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
  • Hạn chế để vùng da có sẹo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì nó có thể làm cho vết sẹo sẫm màu hơn.

3. Chăm sóc như thế nào để vết mổ sau sinh không bị ngứa?

vet-mo-sau-sinh-bi-cung -2
Sản phụ nên nằm nghiêng một bên để giúp giảm bớt các cơn đau

Sản phụ sinh mổ sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe hơn so với sản phụ sinh thường, ngoài việc chăm sóc để cơ thể lấy lại sức nhanh chóng thì làm thế nào để vết mổ sau sinh không bị cứng, ngứa là điều rất nhiều sản phụ quan tâm.

Theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa thì sản phụ sinh mổ cần có một chế độ ăn uống và chăm sóc khoa học mới có thể giúp cho vết mổ nhanh lành, không bị cứng, không bị ngứa do hình thành sẹo lồi.

Sản phụ nên nằm nghiêng một bên để giúp giảm bớt các cơn đau do quá trình co thắt tử cung để tống đẩy sản dịch ra ngoài, khi đứng lên, ngồi xuống nên thực hiện nhẹ nhàng.

Không tự ý tháo băng vết mổ và làm ướt phần băng gạc vô trùng trong khoảng thời gian 24 - 48 giờ sau sinh.

Quá trình chăm sóc và thay băng vết mổ cần phải đảm bảo vệ sinh, vô trùng, vô khuẩn. Sau khi cắt chỉ vết mổ thì sản phụ nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc cũng như kiêng cữ để tránh vết mổ sau sinh bị đỏ, ngứa và giúp nhanh lành hơn.

Sản phụ có thể dùng khăn ấm thấm ướt bằng nước muối loãng để nhẹ nhàng chườm lên khi vết mổ sau sinh bị ngứa và giúp giảm đau vết mổ khi thời tiết chuyển mùa. Tuyệt đối không dùng tay để gãi vết mổ vì điều này sẽ càng làm tổn thương và hình thành sẹo lớn. Một điều đặc biệt lưu ý là sản phụ không được tự ý dùng thuốc để thoa lên vết mổ vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.

Ngoài ra, để sẹo có độ thẩm mỹ cao hơn và tránh hình thành sẹo lồi, ngứa thì sản phụ cần kiêng ăn rau muống và hải sản (sản phụ sau sinh mổ ăn hải sản sẽ khiến cho vết mổ bị ngứa).

Mặc dù vết mổ đẻ bị cứng, đau, ngứa là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên để tránh những khó chịu cho biểu hiện này gây ra thì mỗi sản phụ nên tự trang bị cho bản thân những kiến thức nhất định về quá trình chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh. Khi cần thiết có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có thể chăm sóc cho bản thân tốt nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng phương pháp đẻ không đau đối với các sản phụ sinh mổ. Đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức chuyên nghiệp, các sản phụ sẽ sẽ được gây tê thần kinh bằng máy siêu âm trong điều trị đau sau mổ. Kết quả đánh giá hiệu quả giảm đau gần đây nhất cho thấy: Toàn bộ sản phụ sinh mổ đều không phải sử dụng morphin, tình trạng đau sau sinh khi vận động và sinh hoạt gần như không còn được ghi nhận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

290.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan