Làm thế nào để nhận diện mức độ testosterone quá thấp?

Testosterone là một loại hormon có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe của nam giới. Thiếu đi loại hormon này khiến cho phái mạnh gặp phải những rắc rối đáng lo ngại cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, làm thế nào để nhận diện được mức độ testosterone của mình vẫn đang là một nỗi băn khoăn lớn của nhiều người.

1. Testosterone là gì?

Testosterone được coi là “nhựa sống” đối với nam giới. Nó được sản sinh ra chủ yếu tại tế bào Leydig của tinh hoàn và một phần nhỏ của tuyến thượng thận. Thời điểm sớm nhất mà testosterone bắt đầu được sản xuất thường là vào tuần thứ bảy của thai kỳ. Trong giai đoạn dậy thì, nồng độ testosterone sẽ tăng dần và đạt mức đỉnh điểm trong những năm cuối tuổi thiếu niên, sau đó sẽ giảm dần hoặc chững lại khi tuổi tác càng lớn. Ở những người đàn ông trưởng thành, testosterone được phóng thích khoảng 4-10 mg/ngày. Từ độ tuổi 30 trở đi, lượng testosterone sẽ có xu hướng giảm nhẹ vào mỗi năm.

Hormone testosterone có vai trò hết sức quan trọng tới sức khỏe của nam giới, nó không chỉ giúp đời sống tình dục của phái mạnh trở nên viên mãn mà còn là chìa khóa giúp hoàn thiện sức khỏe, các cơ quan và các đặc tính của nam giới. Nồng độ testosterone sẽ được đo thông qua xét nghiệm máu và sự thay đổi của chỉ số này phản ánh lên các vấn đề về sức khỏe của nam giới.

2. Định lượng testosterone theo độ tuổi

Bởi vì cơ thể mỗi người đều có tình trạng sức khỏe khác nhau vì vậy mức testosterone trong máu cũng khác nhau, nó tùy thuộc vào chức năng của tuyến giáp, tình trạng protein và một vài yếu tố khác:

Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA), mức testosterone bình thường đối với đàn ông trưởng thành là ít nhất 300 nanogram mỗi deciliter (ng/dL). Nếu nam giới có mức testosterone dưới 300 ng/dL thì khả năng cao người đó có testosterone thấp. Nữ giới ở độ tuổi từ 19, nồng độ testosterone bình thường sẽ dao động từ 8-60 ng/dL.

Ở độ tuổi từ 18-19, testosterone sẽ đạt đến mức đỉnh điểm, sau đó giảm dần trong suốt phần còn lại của tuổi trưởng thành.

Trong thời gian thai kỳ, testosterone rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phát triển của hệ thống sinh sản của nam giới. Bên cạnh đó, mức testosterone cũng ảnh hưởng đến chức năng của não bộ, nếu nồng độ hormon này của thai nhi quá cao sẽ dẫn tới nguy cơ mắc hội chứng tự kỷ sau này.

Nồng độ testosterone tự nhiên trong máu sẽ ở mức cao nhất trong thời niên thiếu và đầu tuổi trưởng thành.

Testosterone quyết định tới các dấu hiệu thể chất của nam giới, từ việc phát triển cơ bắp, thay đổi giọng nói trầm tới cấu trúc khuôn mặt trở nên nam tính hơn.

Chỉ số Testosterone thấp
Nồng độ testosterone tự nhiên trong máu sẽ ở mức cao nhất trong thời niên thiếu và đầu tuổi trưởng thành

3. Xét nghiệm testosterone

Để biết được mức testosterone trong máu của bạn là bao nhiêu, nồng độ thấp hay cao, bạn cần thực hiện xét nghiệm testosterone. Xét nghiệm testosterone có hai loại chính:

  • Testosterone toàn phần: Xét nghiệm giúp đo tải lượng cả testosterone gắn với protein và testosterone tự do.
  • Testosterone tự do: Xét nghiệm giúp chỉ định lượng testosterone tự do. Testosterone tự do có thể cung cấp thêm thông tin về một số tình trạng sức khỏe của bạn.

4. Các dấu hiệu và triệu chứng của nồng độ testosterone thấp

Thông qua việc định lượng testosterone sản sinh trong cơ thể có thể giúp bác sĩ đánh giá được khả năng sinh sản cũng như khả năng tình dục của phái mạnh. Nếu testosterone có nồng độ quá thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tổng thể của nam giới. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bạn đang có nồng độ testosterone thấp trong máu:

Giảm ham muốn tình dục:

Có thể thấy, testosterone là một yếu tố không thể thiếu trong các hoạt động tình dục, nó hình thành và thúc đẩy ham muốn ở nam giới. Chính vì vậy, nếu nồng độ testosterone bị giảm sẽ khiến cho cánh mày râu ngày càng mất đi ham muốn tình dục và không đạt được cực khoái khi bước vào “cuộc yêu”, lâu dần, họ sẽ không còn hứng thú với chuyện chăn gối nữa.

Gặp vấn đề trong việc cương cứng:

Bên cạnh vai trò kích thích ham muốn tình dục, testosterone cũng có một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng- giúp đạt và duy trì sự cương cứng. Mặc dù testosterone không trực tiếp gây ra sự cương cứng nhưng nó kích thích các thụ thể của não, sản sinh ra phần tử kích thích các phản ứng hóa học cần thiết cho sự cương cứng. Nếu nồng độ testosterone quá thấp có thể làm cho nam giới gặp khó khăn trong việc cương cứng khi quan hệ tình dục hoặc trong khi ngủ.

Giảm lượng tinh dịch:

Testosterone là mắt xích quan trọng giúp cho tinh hoàn và tuyến thượng thận sản xuất ra tinh dịch - chất lỏng có màu trắng sữa, là trợ thủ đắc lực cho sự chuyển động và quá trình thụ tinh của tinh trùng. Những nam giới có nồng độ testosterone thấp sẽ có nguy cơ bị suy giảm về thể tích tinh dịch tiết ra, ảnh hưởng xấu tới chất lượng tinh trùng và quá trình thụ tinh.

Gây rụng tóc:

Testosterone là một nhân tố quan trọng tham gia vào quá trình hình thành và phát triển tóc và lông, vì vậy, nếu thiếu hụt đi loại hormon này có thể khiến cho nam giới bị rụng lông và tóc.

Cơ thể mệt mỏi:

Sự suy giảm testosterone trong máu là một trong những nguyên nhân chính khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi cực độ, giảm năng lượng, mất động lực làm việc. Nếu tình trạng mệt mỏi tiếp diễn thường trực trong một thời gian dài có thể khiến bạn bị suy kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như công việc và chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Mất cơ bắp:

Testosterone cũng tham gia vào quá trình hình thành nên khối cơ bắp của cơ thể, vì vậy, những nam giới có lượng testosterone thấp thường dễ bị suy giảm khối lượng cơ và mất dần cơ bắp.

Chỉ số Testosterone thấp
Testosterone cũng tham gia vào quá trình hình thành nên khối cơ bắp của cơ thể

Dễ bị béo phì:

Nam giới có nồng độ testosterone thấp thường gặp phải tình trạng mỡ thừa nhiều do không đủ lượng testosterone trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất, gây tích trữ lượng cholesterol cao dẫn tới béo phì. Ngoài ra, một số trường hợp xuất hiện hiện tượng mô ngực mở rộng hay còn gọi là ngực to ở nam giới.

Giảm khối lượng xương:

Testosterone là hormon tham gia vào quá trình sản xuất và củng cố sự chắc khỏe của xương. Khi cơ thể bị thiếu hụt testosterone, các tình trạng như loãng xương, mất xương, xương mỏng hoặc giảm lượng xương có thể xảy ra, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Ảnh hưởng tới tâm trạng:

Khi nồng độ hormon sinh dục nam bị giảm xuống mạnh khiến cánh mày râu không thể thoát khỏi những bất ổn trong tâm trạng và tinh thần. Nhiều trường hợp đã gặp phải các triệu chứng tiêu cực cả về sức khỏe lẫn tâm sinh lý, dẫn tới trầm cảm, u uất và mất tập trung.

5. Các biện pháp giúp tăng nồng độ testosterone tự nhiên

Nếu bạn nhận thấy có bất cứ dấu hiệu và triệu chứng nào của sự suy giảm testosterone, bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, xây dựng chế độ ăn uống khoa học ngay từ ngày hôm nay. Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giúp cải thiện nồng độ testosterone trong máu:

Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Những hoạt động thể chất với cường độ vừa phải giúp nồng độ hormon testosterone tự nhiên tăng lên, nhờ đó giúp cải thiện chức năng tình dục và sinh lý.

Giảm cân: béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sản xuất testosterone ở tinh hoàn, vì vậy, nếu bạn đang bị thừa cân, hãy giảm cân theo phương pháp lành mạnh.

Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học: bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ động vật, tinh bột để cải thiện nồng độ testosterone trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa được các bệnh lý nghiêm trọng khác. Tích cực bổ sung các chất dinh dưỡng, giàu vitamin cho cơ thể.

Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu: thuốc lá và rượu bia có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn cương dương, suy giảm ham muốn tình dục và khiến nồng độ testosterone bị giảm mạnh. Vì vậy bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá cũng như hạn chế sử dụng rượu bia ngay hôm nay để cải thiện sức khỏe của mình

Chỉ số Testosterone thấp
Bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá cũng như hạn chế sử dụng rượu bia ngay hôm nay để cải thiện sức khỏe của mình

Lưu ý các loại thuốc đang điều trị: Tác dụng phụ của các loại thuốc bạn đang sử dụng để điều trị các bệnh lý khác cũng có thể làm cho testosterone bị suy giảm. Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để nhận được những chỉ định cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan