Mụn cứng: Nguyên nhân, cách điều trị

Mụn cứng khác các loại mụn thông thường như mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen vì chúng xuất hiện sâu bên trong da và có thể gây đau. Nguyên nhân làm da nổi mụn cứng khá đa dạng và loại mụn này có thể khó điều trị, đồng thời có thể dẫn đến sẹo vĩnh viễn. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải đến gặp bác sĩ da liễu để có kế hoạch điều trị làm sạch da.

1. Mụn cứng là gì?

Đôi khi một số người nổi một nốt mụn cứng rất to và đỏ, không thấy nhân hay đầu mụn, gây đau nhức vô cùng. Lúc đó họ nghĩ rằng hẳn đây là mụn trứng cá, nhưng rất tiếc đó là mụn cục cứng dưới da.

Mụn cứng được xem là 1 thể nặng biến chuyển từ mụn trứng cá bị viêm nang lông và lan rộng vào mô trung bì của da. Mụn cứng thường sẽ không có đầu và nhân, có thể trồi lên hẳn trên bề mặt da. Thế nhưng chúng lại hình thành sâu bên trong với thành phần gồm ổ vi khuẩn, dịch mủ lan rộng ra nang lông xung quanh.

Trên thực tế, mụn nang và mụn cứng đều là những dạng nặng của mụn trứng cá. Tuy nhiên, mụn nang chứa đầy mủ và biểu hiện dưới dạng mụn đỏ và đầu trắng. Chúng cũng mềm hơn mụn cứng dưới da vì chúng chứa đầy mủ. Trong khi đó, mụn cứng hình thành dưới dạng những vết sưng tấy trên bề mặt da. Những nốt này có màu đỏ, đau và cứng hơn so với mụn nang và mụn trứng cá thông thường. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị của mụn nang và mụn cục cứng thường tương tự nhau.

Có nhiều loại mụn cứng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Nốt sần: Loại mụn này khá đau và có kích thước lớn. Khi bị nhiễm bệnh nằm sâu trong bề mặt da, nó sẽ phát triển thành nốt sần.
  • U nang: Giống như nốt sần, u nang cũng hình thành sâu dưới bề mặt da. Khi nhiễm trùng được bao quanh bởi một màng chứa đầy mủ, nó sẽ phát triển thành u nang, sau này cũng có thể để lại sẹo.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của mụn cứng

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự phát triển của mụn cứng trên mặt và trên cơ thể, bao gồm:

  • Việc sản xuất quá nhiều bã nhờn (dầu tự nhiên), về cơ bản là dầu trên khuôn mặt, khiến các tế bào da chết dính vào nhau và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Ngoài ra, vi khuẩn trên da cũng bắt đầu sinh sôi nảy nở, do đó gây ra sự bùng phát mụn nhiễm khuẩn. Do đó, khả năng nổi mụn cứng màu đỏ sẽ cao hơn.
  • Nổi mụn là một hiện tượng phổ biến ở tuổi dậy thì và lý do chính đằng sau nó là sự thay đổi nồng độ hormone. Sự gia tăng nội tiết tố cũng xảy ra trong thời kỳ mãn kinh, mang thai và sinh nở.
  • Các tế bào da chết và dầu thừa làm tắc nghẽn lỗ chân lông khiến vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào da và dẫn đến nổi mụn trên trán, mặt hoặc mụn trên bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể.
  • Di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng, khả năng một cá nhân bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về mụn cứng sẽ tăng lên nếu cha mẹ hoặc người thân của họ cũng từng bị.
  • Đôi khi nổi mụn cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là những loại gây mất cân bằng nội tiết tố.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có hóa chất mạnh, gây nhiễm trùng và dẫn đến nổi mụn trên da.
  • Một số nguyên nhân khác cũng bao gồm căng thẳng, sử dụng miếng chà thô trên vùng da, nặn hoặc cạy mụn...

3. Cách điều trị mụn cứng

Điều trị mụn cứng bằng các loại thuốc đặc trị:

  • Isotretinoin: Isotretinoin thường được kê đơn trong thời gian ngắn, kèm theo hướng dẫn sử dụng nếu mụn bùng phát trở lại. Isotretinoin là một loại thuốc có các tác dụng phụ và chỉ nên được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Khoảng tầm 40% bệnh nhân sẽ thuyên giảm khi điều trị bằng Isotretinoin và những người khác có hiệu quả điều trị tốt khi kết hợp Isotretinoin với thuốc kháng sinh uống hoặc Steroid tại chỗ.
  • Spironolactone: Loại thuốc này hoạt động bằng cách liên kết với các thụ thể Testosterone, từ đó ngăn chặn Testosterone tăng tiết dầu trong các tuyến bã nhờn. Khi dầu nhờn ít đi thì lỗ chân lông cũng sẽ ít có khả năng bị bít tắc hơn và mụn sẽ ít nổi hơn.
  • Thuốc tránh thai: Loại thuốc này có tác dụng điều chỉnh nội tiết tố nữ, kiểm soát sinh sản, ngăn chặn sự tăng của nội tiết tố Androgen (nội tiết tố nam). Từ đó, giữ nồng độ Testosterone ở mức thấp và giúp giảm sản xuất quá nhiều dầu.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh như ClindamycinErythromycin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) và chống viêm, giảm tỉ lệ hình thành mụn cứng.
  • Accutane: Là một dẫn xuất của Vitamin A có tác dụng hạn chế tối đa hoạt động của tuyến bã nhờn. Không có bã nhờn tiết ra sẽ hạn chế được vi khuẩn xâm nhập, từ đó giảm sự xuất hiện của mụn trứng cá, mụn cứng dưới da.
  • Thuốc bôi: Loại thuốc này được sử dụng song song với các loại thuốc uống. Thuốc uống có thể giúp giảm số lượng mụn cứng mới xuất hiện từ trong ra ngoài, trong khi đó thuốc bôi kết hợp có thể làm cho các nốt mụn được chữa lành nhanh hơn và giảm sắc tố, mô sẹo.
  • Retinol: Là một thành phần quan trọng của da giúp ngăn chặn hoạt động quá mức của tuyến dầu trên da. Ngoài ra hoạt chất này còn có thể phục hồi da, làm sáng vùng mụn rất tốt.
  • Axit salicylic: Axit salicylic là một chất tiêu sừng hiệu quả và được xem là một beta hydroxy acid (BHA). Axit salicylic giúp giảm mụn bằng cách tẩy đi tế bào chết ở da và giữ cho lỗ chân lông được thông thoáng. Ngoài ra, Axit salicylic cũng giúp ngăn ngừa bùng phát mụn về sau.
  • Benzoyl peroxide: Hoạt chất này giúp giảm các tế bào viêm nhiễm, tiêu diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes và giảm dầu nhờn hiệu quả.

Phương pháp điều trị mụn cứng bằng công nghệ hiện đại:

  • Lột da hoá học: Phương pháp này là bước tẩy tế bào chết chuyên sâu bằng cách sử dụng các loại hoạt chất nồng độ cao và mạnh để bôi và loại bỏ các lớp tế bào chết trên da, giúp thay thế lớp da mới khoẻ mạnh hơn. Khi tế bào da mới được thay thế sẽ giúp da mềm mại, mượt mà và hồng hào hơn, đồng thời loại bỏ hiệu quả mụn, sẹo thâm, cải thiện độ đàn hồi và giúp da căng bóng, tươi trẻ hơn.
  • Tiêm Steroid trong da: Phương pháp này thường dùng để điều trị mụn viêm, mụn cứng dưới da. Steroid (Cortisone)sau khi được pha loãng sẽ tiêm trực tiếp vào trong mụn. Bác sĩ thường sử dụng kim tiêm nhỏ và tiêm rất nhanh nên hầu như sẽ không gây đau.
  • Bắn Laser: Công nghệ sử dụng Laser hiện rất được ưa chuộng trong thẩm mỹ nói chung và việc trị mụn nói riêng. Các ánh sáng của tia Laser rất mạnh mẽ và có thể đi sâu vào trong gốc mụn cứng để tiêu diệt hoàn toàn ổ mụn, sau đó nốt mụn sẽ từ từ se lại. Ngoài ra, tia Laser còn kích thích da tự sản sinh Collagen và Elastin giúp nuôi dưỡng làn da trở nên khỏe mạnh hơn.
  • Phẫu thuật mụn cứng: Ở những bệnh nhân có mụn cứng quá to và gây đau nhức nhiều hoặc nguy cơ vỡ áp xe, thì buộc phải tiến hành mổ để lấy mụn ra ngoài. Vết mổ sẽ giải phóng ổ mủ gồm vi khuẩn Propionibacterium acnes, các tế bào bạch cầu bị mắc kẹt, keratin và dầu nhờn trong các mụn cứng.
  • Sử dụng ánh sáng xanh: Ánh sáng xanh có thể nhìn thấy với bước sóng 407 – 420 nanomet, tia sáng này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes. Lớp màng tế bào vi khuẩn có chứa sắc tố và khi được tiếp xúc với ánh sáng xanh, chúng sẽ bị kích thích, nóng lên, làm phá hủy lớp màng bảo vệ này và giết chết vi khuẩn.
  • Microneedling: Đây là phương pháp kích hoạt tái tạo Collagen sau sẹo mụn, đồng thời giúp da tái tạo nhanh hơn.

Cách phương pháp hỗ trợ mụn cứng tại nhà:

Bác sĩ sẽ gợi ý những biện pháp giúp làm dịu các triệu chứng của mụn cứng mà bạn có thể áp dụng tại nhà. Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải tự vệ sinh chăm sóc da cơ bản thật tốt để giữ cho làn da sạch sẽ và khỏe mạnh giữa những đợt bùng phát mụn. Dưới đây là một số cách có thể giúp chăm sóc da tại nhà:

  • Chườm đá lạnh hoặc khăn sạch lạnh lên da để làm dịu các vùng bị đau và giảm viêm.
  • Làm sạch da mặt bằng sữa rửa mặt có tính chất dịu nhẹ, không bào mòn, không chứa cồn, mỗi 2 lần một ngày.
  • Nên sử dụng nước ấm khi rửa mặt.
  • Hạn chế phơi nắng, đồng thời tránh để da tiếp xúc với ánh nắng.
  • Nếu có tóc dầu thì hãy gội đầu hàng ngày.

4. Cách dự phòng mụn cứng

Một số phương pháp dưới dây giúp dự phòng mụn cứng:

  • Vệ sinh các dụng cụ như khăn mặt, gối, chăn màn thường xuyên và phơi khô dưới ánh mắt mặt trời để giúp tiêu diệt vi khuẩn.
  • Có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mặt.
  • Không tự ý nặn mụn cứng tại nhà vì loại mụn này thường chứa nhiều mủ, dễ gây nhiễm trùng và lan sang những vùng da xung quanh.
  • Bảo vệ da khỏi môi trường tiêu cực như bụi bẩn, ánh nắng mặt trời, hóa chất độc hại... Che chắn da cẩn thận khi ra ngoài và vệ sinh sạch sẽ sau khi về nhà.
  • Không sử dụng các loại thuốc, kem bôi và sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc và không được bác sĩ chỉ định sử dụng.
  • Thường xuyên đi khám sức khỏe của da để phát hiện sớm tình trạng mụn cứng, từ đó đưa ra những phương pháp điều trị kịp thời.

Mụn cứng là 1 thể nặng của mụn trứng cá, gây khổ sở cho rất nhiều người và có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng trên da nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Vì thế, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên da, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp với làn da của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthgrades.com, healthline.com, medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan