Kiểm soát bệnh đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực là một triệu chứng gây mệt mỏi, khó chịu và khiến nhiều người lo ngại về tình trạng sức khỏe tim mạch của mình. Một số cơn đau vùng ngực không xuất phát từ các bệnh tim mạch, nó thường không nguy hiểm. Số cơn đau còn lại đa phần sẽ bắt nguồn từ bệnh tim mạch, đặc biệt là liên quan đến động mạch vành, thường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm.

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lương Võ Quang Đăng - Bác sĩ Nội Tim Mạch - Trưởng khoa khám bệnh, nội khoa - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

1. Đau thắt ngực là gì?

1.1 Đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu kinh điển cảnh báo sự xuất hiện của bệnh thiếu máu cơ tim, còn được gọi là bệnh động mạch vành. Động mạch vành là các mạch máu quan trọng chịu trách nhiệm cung cấp máu đến nuôi trái tim. Khi hệ thống mạch vành hoạt động không hiệu quả, việc cung cấp máu cho tim sẽ bị giảm, dẫn đến các triệu chứng đau thắt ngực xuất hiện ở mức độ và vị trí khác nhau.

Cơn đau thắt ngực điển hình thường xuất hiện ở vùng trước tim, có thể lan sang trái, có thể lan tỏa lên cổ hàm dưới hoặc vùng vai trái, và có thể lan rộng xuống mặt trong cánh tay đến phần ngón út. Người bệnh thường mô tả cảm giác như có sự ép nặng ở vùng trước ngực, gây khó thở hoặc như có ai đó đặt sức ép mạnh lên lồng ngực. Thường đi kèm với cảm giác này là toát mồ hôi nhiều, tay chân trở nên tái lạnh, và có thể buồn nôn hoặc nôn mửa.

dau-that-nguc-1
Vị trí và hướng lan của cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành

1.2 Phân loại cơn đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực được phân thành hai nhóm dựa trên hoàn cảnh xuất phát cơn đau và thời gian mà cơn đau kéo dài:

● Cơn đau thắt ngực ổn định hoặc bệnh mạch vành mạn ổn định: Thường mỗi bệnh nhân đều có một mức độ gắng sức riêng, và khi đạt đến mức đó, cơn đau thắt ngực xuất hiện với các cảm giác như được mô tả ở trên. Cơn đau thắt ngưc ổn định thường giảm dần trong khoảng thời gian từ 5 - 15 phút sau khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc chống đau thắt ngực ngậm/xịt thuốc dưới lưỡi.

● Cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp: Cơn đau có thể bắt đầu mà không liên quan đến gắng sức, và thời gian kéo dài lâu hơn 20-30 phút hoặc thậm chí còn lâu hơn với cường độ đau nặng. Đặc biệt, cơn đau thắt ngực không ổn định sẽ không giảm đi sau khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc chống đau thắt ngực ngậm/xịt thuốc dưới lưỡi. Đây là dạng bệnh nguy hiểm đòi hỏi phải chữa trị ngay lập tức tại bệnh viện.

2. Triệu chứng cơn đau thắt ngực

Cảm giác từ triệu chứng cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành thường sẽ bao gồm 3 cơn đau như sau:

● Cảm giác lồng ngực như bị bóp nghẹt hay đè nặng, dẫn đến cảm giác đau thắt, bắt đầu từ vị trí sau xương ức sau đó lan dần lên cằm, vai bên trái và tiếp tục lan rộng xuống cánh tay.

● Cảm giác đau thắt sẽ tăng khi gắng sức, khi bị xúc động mạnh hoặc ở nhiệt độ rất lạnh, các cơn đau sẽ xuất hiện theo quy luật và thường kéo dài từ 3 đến 15 phút.

● Cảm giác đau sẽ giảm nhẹ khi bệnh nhân được nghỉ ngơi hoặc sử dụng nitroglycerin

Bên cạnh triệu chứng cơn đau thắt ngực, bệnh nhân sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khó thở, buồn nôn và nôn mửa

3. Nguyên nhân dẫn đến cơn đau thắt ngực là gì?

Các nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

● Tắc nghẽn động mạch vành do mảng xơ vữa: Sự tích tụ của mảng xơ vữa trong động mạch vành có thể làm hẹp động mạch, gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim và xuất hiện triệu chứng đau ngực. Nếu mảng xơ vữa nứt vỡ đột ngột, quá trình đông máu sẽ được khởi động, hình thành huyết khối lấp kín động mạch vành, gây ra nhồi máu cơ tim.

● Co thắt khu trú hoặc lan tỏa trong động mạch vành: Động mạch vành có thể bị co thắt ở một vị trí cụ thể hoặc lan tỏa ra nhiều phần khác nhau, làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho trái tim.

● Rối loạn chức năng vi mạch vành: Có thể xảy ra rối loạn trong việc hoạt động của các mạch máu nhỏ, gọi là vi mạch vành, gây hiện tượng thiếu máu cơ tim.

Nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn đau thắt ngực là gì? Tắc nghẽn động mạch vành do xơ vữa
Nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn đau thắt ngực là gì? Tắc nghẽn động mạch vành do xơ vữa

4. Yếu tố tăng nguy cơ đau thắt ngực

Hút thuốc: Tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài có thể gây hại cho động mạch, dẫn đến tạo cơ hội cho việc các mảng chất béo tích tụ và gắn kết trên thành động mạch, gây tắc nghẽn dòng máu.

● Bệnh đái tháo đường: Có bệnh đái tháo đường tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Bệnh này làm tăng khả năng xơ vữa động mạch và tăng nồng độ cholesterol trong máu.

● Cholesterol cao: Mức cao của cholesterol gây hiện tượng thu hẹp các động mạch trong cơ thể, đặc biệt trong các động mạch cung cấp máu cho trái tim. Loại cholesterol "xấu" này tăng nguy cơ đau thắt ngực và bệnh tim.

● Tiền sử gia đình: Nếu có người trong gia đình mắc bệnh tim, nguy cơ mắc bệnh này cũng tăng cao.

● Tuổi tác: Lứa tuổi cao, đặc biệt là nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

● Thiếu vận động: Hiện tượng ít hoạt động vận động hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

● Béo phì: Béo phì gây tác động tiêu cực đối với sức khỏe tim mạch.

● Căng thẳng thường xuyên: Cuộc sống căng thẳng có thể đóng góp vào nguy cơ bệnh tim.

Thuốc lá làm tăng nguy cơ đau thắt ngực
Thuốc lá làm tăng nguy cơ đau thắt ngực

5. Phương pháp chẩn đoán cơn đau thắt ngực

Để chẩn đoán cơn đau thắt ngực, các bác sĩ thường sẽ chỉ định các phương pháp sau: điện tâm đồ (ECG) và điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim và siêu âm tim gắng sức, cắt lớp vi tính đa dãy (CT coronary angiography), chụp động mạch vành qua da (coronary angiography), các xét nghiệm (xét nghiệm men tim để loại trừ hội chứng mạch vành cấp)

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể thực hiện các xét nghiệm chức năng gan, thận và các yếu tố nguy cơ khởi phát như cholesterol, triglyceride, nồng độ đường huyết... để đánh giá toàn diện về các nguy cơ có thể xảy ra và các bệnh lý có liên quan.

6. Điều trị cơn đau thắt ngực

Mục tiêu của việc điều trị cơn đau thắt ngực là cải thiện lưu lượng máu đến trái tim và khả năng hoạt động của trái tim. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

6.1 Nghỉ Ngơi:

Bệnh nhân cần được khuyến nghị nghỉ ngơi khi có cơn đau thắt ngực. Việc giảm hoạt động giúp giảm tải công việc trái tim.

6.2 Sử dụng thuốc:

Cơn đau thắt ngực (hay bệnh tim thiếu máu cục bộ) cần được tối ưu hóa điều trị bệnh. Bên cạnh chế độ ăn và thay đổi lối sống, các thuốc tim mạch được kê sẽ giúp bạn điều chỉnh những yếu tố trên nằm trong những giới hạn cho phép. Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định cho bạn dùng thêm những loại thuốc như sau:

● Aspirin: Được sử dụng để giảm đông máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong mạch máu.

● Nitrate (như nitroglycerin): giúp dãn tạm thời các mạch máu bị hẹp, cải thiện dòng chảy qua tim.

● Thuốc ức chế beta: Được sử dụng để làm chậm nhịp tim và giảm công co bóp.

6.3 Phẫu Thuật:

Nếu thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân có tắc nghẽn mạch máu nghiêm trọng, có thể cần phẫu thuật.

● Nong Mạch Vành: là phương pháp mở rộng các mạch máu bị hẹp hoặc bị tắc.

Đặt Stent Mạch Vành: Stent là một ống kim loại nhỏ được đặt vào mạch máu để giữ cho nó mở rộng và thông thoáng.

Phẫu Thuật Bắc Cầu Mạch Vành: Trong trường hợp tắc nghẽn mạch máu nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Quá trình điều trị đau thắt ngực sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Việc tư vấn và theo dõi của bác sĩ là rất quan trọng để xác định phương án điều trị tốt nhất cho mỗi trường hợp.

7. Phòng ngừa cơn đau thắt ngực

Nếu bạn đã hoặc đang mắc bệnh thiếu máu cơ tim, việc duy trì điều trị thường xuyên là một phần quan trọng để ngăn ngừa tái phát các cơn đau thắt ngực, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện khả năng vận động, và giảm thiểu nguy cơ mắc những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, và tử vong liên quan đến bệnh tim mạch. Nếu bạn chưa mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc chưa từng trải qua cơn đau thắt ngực, dưới đây là một số cách bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa:

Loại bỏ hoặc giảm thiểu tác động của các yếu tố nguy cơ tim mạch:

● Bỏ hút thuốc.

● Điều trị và kiểm soát đường huyết nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường.

● Điều trị và kiểm soát mức cholesterol nếu bạn có rối loạn mỡ máu.

● Điều trị và kiểm soát huyết áp nếu bạn có tăng huyết áp.

Điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách:

● Giảm thực phẩm giàu chất béo không có lợi, như da, mỡ động vật, lòng đỏ trứng, và thực phẩm biến đổi từ động vật, và tăng cường thực phẩm từ nhóm rau xanh và trái cây tươi.

● Giảm tiêu thụ bia và rượu.

● Thực hiện ít nhất 30 phút vận động thể dục thể thao hàng ngày với mức độ đủ để làm cơ thể toát mồ hôi.

Nếu bạn đã được chẩn đoán và đang điều trị bệnh thiếu máu cơ tim và đặc biệt là đang xuất hiện các cơn đau thắt ngực, hãy tuân thủ đúng liều lượng và loại thuốc mà bác sĩ đã chỉ định. Ngoài ra, hãy tuân thủ lịch hẹn tái khám và theo dõi sức khỏe tim mạch theo định kỳ, điều này rất quan trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Người cao tuổi
    Kiểm soát đau ở người có tuổi

    Đau cấp hay mạn tính là một trong số các phàn nàn hay gặp nhất của người có tuổi. Đánh giá và điều trị hội chứng đau ở người cao tuổi có thể khó khăn. Suy giảm nhận thức, nhất ...

    Đọc thêm
  • Safeesem
    Công dụng thuốc Safeesem

    Safeesem thuộc nhóm thuốc tim mạch, được bào chế dưới dạng bào chế dưới dạng viên nén, quy cách đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên. Cùng tham khảo một số thông tin về Safeesem trong bài viết dưới ...

    Đọc thêm
  • thuốc điều trị tăng huyết áp
    Công dụng thuốc Bisomark

    Thuốc Bisomark có công dụng trong kiểm soát tăng huyết áp ở mức độ nhẹ đến vừa, cơn đau thắt ngực hoặc hỗ trợ điều trị suy tim mãn tính ổn định. Để dùng thuốc Bisomark an toàn và hiệu ...

    Đọc thêm
  • metopram 10
    Công dụng thuốc Metopram 10

    Metopram 10 được bào chế dưới dạngviên nén, quy cách đóng gói: Hộp 2 vỉ x 10 viên; hộp 3 vỉ x 10 viên và hộp 10 vỉ x 10 viên. Thành phần chính có trong thuốc là Lisinopril (dưới ...

    Đọc thêm
  • Người lớn tuổi thuộc nhóm có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao
    Nhồi máu cơ tim do các yếu tố nhiệt độ và môi trường?

    Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những yếu tố về nhiệt độ và ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và gây tử vong. Trong bài viết này, chúng ta ...

    Đọc thêm