Không nên giấu khi trẻ bị bạo lực

Bạo lực học đường đang là nỗi lo, sự trăn trở của nhiều bậc phụ huynh đang có con em ngồi trên ghế nhà trường. Vậy các bậc phụ huynh cũng như con trẻ cần được trang bị kiến thức gì để trẻ tránh được nguy cơ bị bạo lực.

Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Quách Thúy Minh- Trung Tâm bệnh và điều trị tự kỷ , Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec (ảnh).

Bác sỹ Quách Thúy Minh- Trung Tâm bệnh và điều trị tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec.


Thưa bác sỹ, thực trạng bạo lực học đường dường như đang ngày một gia tăng với nhiều sự phức tạp khiến các bậc cha mẹ thấy không yên tâm, bác sỹ có thể nói gì về thực tế đáng báo động nêu trên?
Bạo hành trẻ nói chung hay bạo lực học đường nói riêng khi xảy ra ở bất kỳ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tổn hại về thể lực, thậm chí có thể cả ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Tuy nhiên điều nguy hại hơn những vết thương về thể xác là những tổn thương lớn về tinh thần, những tổn thương này sẽ rất khó phục hồi trong một tương lai gần.
Khi trẻ bị bạo lực tại trường học, sẽ gây ra 2 trạng thái, thứ nhất trẻ có thể thu mình, xa lánh, sợ sệt, sợ hãi mất tự tin, buồn bã, lo lắng, không tập trung học tập. Trạng thái thứ hai là sau khi bị bạo lực, trẻ trở nên hung bạo, xung động, khó kiềm chế, phản ứng dữ dội với những người bạo hành mình và cả những người xung quanh.
Và sau tất cả những phản ứng có phần tiêu cực đó trẻ sẽ trở thành con người thiếu niềm tin vào cuộc sống, luôn cảm thấy bất an, không kiếm tìm được niềm vui và hạnh phúc trong công việc.

Những hậu quả nghiêm trọng xảy ra khi trẻ bị bạo lực học học đường là điều ai cũng dễ nhận ra, vậy cha mẹ, thầy cô cần phải làm gì để giúp trẻ giảm thiểu được những sang chấn tinh thần do bạo lực học đường gây ra thưa bác sỹ?
Với cha mẹ của những trẻ bị bạo lực học đường không nên giấu diếm mà nên cởi mở hơn với dư luận xã hội. Với bản thân trẻ bị bạo lực, phụ huynh cần học cách làm bạn với trẻ để nắm được tâm tư tình cảm của trẻ, không nên áp đặt suy nghĩ chủ quan lên trẻ.
Nếu vấn đề không giải quyết được, các bậc phụ huynh có thể tìm đến các trung tâm tâm lý có uy tín để được các bác sỹ hỗ trợ kỹ năng nhằm giúp trẻ bộc lộ tâm tư tình cảm.
Với nhà trường, nên có nhiều hoạt động tập thể, sinh hoạt cộng đồng để trẻ có nhiều cơ hội giao lưu chia sẻ, học hỏi các kỹ năng xã hội và tiếp cận với nhiều tình huống khác nhau, từ đó có những ứng xử phù hợp.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với những người lao động, những người kém may mắn trong xã hội để trẻ thấy rằng còn đó những mảnh đời bất hạnh cần trợ giúp, như vậy suy nghĩ nhân văn sẽ dần hình thành trong suy nghĩ giúp trẻ lớn lên sẽ là những con người sống có mục đích, có lý tưởng.

Thực tế cho thấy hiện nay tại các nhà trường còn khá bị động trong việc giúp trẻ phòng tránh bạo lực học đường, vậy theo bác sỹ, các nhà trường hiện nay có nên tổ chức các khóa học về bạo lực học đường để giúp trẻ thoát bẫy bạo lực?
Việc nhà trường tổ chức các khóa học về bạo lực học đường là điều rất cần thiết và nên bắt đầu sớm càng tốt. Những khóa học như vậy sẽ dạy cho trẻ có những kỹ năng ứng phó khi xảy ra bạo lực.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng nhà trường nên tìm nhiều cách giúp đỡ trẻ bị bạo lực đang chịu đựng những sang chấn tinh thần, có như vậy trẻ mới cảm thấy mình được quan tâm, không bị bỏ rơi.
Trẻ bị bạo lực cũng giống như chim sợ cành cong, do vậy trẻ rất dễ mất niềm tin vào cuộc sống. Vậy nên hơn lúc nào khác, gia đình, bạn bè thầy cô phải là những chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp trẻ vượt qua nỗi đau, hòa nhập cuộc sống.

Xin cảm ơn bác sỹ!

Theo HQ online

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

215 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan