Khi nào cần xét nghiệm Bilirubin?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trong quá trình phá hủy các tế bào hồng cầu và quá trình bài tiết trong dịch mật sẽ sản xuất ra sắc tố màu vàng được gọi là Bilirubin. Bệnh nhân có bệnh lý về gan mật hoặc trẻ em sau sinh thường mắc phải triệu chứng vàng da, vàng mắt, tuy nhiên, còn có nhiều bệnh lý khác cũng dẫn tới triệu chứng này. Xét nghiệm Bilirubin giúp chẩn đoán cụ thể nguyên nhân dẫn đến vàng da, vàng mắt ở người bệnh.

1. Xét nghiệm bilirubin là gì?

Bilirubin là một sắc tố vàng da cam, là chất thải của sự vỡ hồng cầu bình thường trong máu. Bilirubin đi qua gan và cuối cùng sẽ đi ra khỏi cơ thể. Xét nghiệm Bilirubin là dùng để kiểm tra nồng độ bilirubin trong máu.

Hầu hết các phòng thí nghiệm sẽ đo nồng độ bilirubin trực tiếp. Rồi sau đó lấy tổng lượng bilirubin trong cơ thể trừ cho lượng trực tiếp, từ đó sẽ ước tính được lượng bilirubin gián tiếp hoặc có thể thực hiện 3 loại Bilirubin toàn phần, trực tiếp và gián tiếp.

Lượng bilirubin trực tiếp hay gián tiếp lớn hơn lượng bình thường gợi ý nhiều loại bệnh về gan. Thường thì, lượng bilirubin cao sẽ cho thấy tỷ lệ huỷ hoại tế bào máu đỏ ngày càng tăng.

Các hình thức xét nghiệm Bilirubin:

  • Bilirubin máu: là hình thức xét nghiệm nồng độ Bilirubin thông qua chỉ số máu
  • Bilirubin chọc hút dịch ối: là xét nghiệm đối với bệnh nhân đang mang thai, Bilirubin có thể được đo thông qua dịch nước ối.
  • Bilirubin niệu: Có thể được đo trong nước tiểu (xét nghiệm Bilirubin tiểu). Thông thường nước tiểu sẽ không chứa Bilirubin nhưng nếu kết quả chỉ ra là có, Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Lượng Bilirubin xuất hiện trong nước tiểu thường dự đoán tình trạng Bilirubin ứ đọng, chưa được đào thải khỏi cơ thể bằng gan.

Dù thực hiện bằng hình thức nào thì rủi ro liên quan đến xét nghiệm bilirubin cũng là rất nhỏ.

2. Xét nghiệm bilirubin để làm gì?

Đôi khi bilirubin được đo như một phần của những xét nghiệm thường quy. Nồng độ bilirubin trong máu người nam có thể hơi cao hơn người nữ. Những người Mỹ gốc Phi có nồng độ bilirubin trong máu thấp hơn những nhóm người châu Mỹ khác.

Ở trẻ lớn và người lớn, xét nghiệm bilirubin được thực hiện để:

  • Chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý liên quan đến gan mật như: sỏi mật, viêm túi mật, viêm gan tắc mật, u đường mật,...
  • Đánh giá bệnh hồng cầu hình liềm hoặc các bệnh lý khác gây ra thiếu máu tán huyết.
  • Một số bệnh di truyền như hội chứng Gilbert, căn bệnh ảnh hưởng tới việc gan xử lý bilirubin thế nào. Mặc dù bệnh vàng da có thể xảy ra ở một số người mắc hội chứng Gilbert, tình trạng này thường không nguy hiểm.
  • Bệnh gây tắc nghẽn đường mật như sỏi mật, ung thư đường mật, viêm gan tắc mật hay ung thư tuyến tụy.
  • Huỷ hoại nhanh chóng hồng cầu trong máu, như bệnh hồng cầu hình liềm hoặc dị ứng với máu nhận từ việc truyền máu.

Ở trẻ sơ sinh:

  • Bilirubin được dùng để chẩn đoán vàng da trong 24 giờ đầu sau sinh;
  • Thâm tím nặng khi sinh;
  • Xét nghiệm nồng độ Bilirubin trong máu để có thể điều trị kịp thời trước khi bilirubin không liên hợp dư thừa gây tổn thương cho những tế bào não của trẻ, gây hậu quả chậm phát triển trí tuệ, suy giảm khả năng học tập và phát triển, mất thính lực, rối loạn vận động mắt, thậm chí là tử vong.

Ở thai nhi:

  • Bilirubin có thể được đo trong nước ối nếu bác sĩ nghĩ thai nhi có tình trạng hủy hoại hồng cầu.
xet-
Xét nghiệm bilirubin được thực hiện để đánh giá bệnh hồng cầu hình liềm hoặc các bệnh lý khác gây ra thiếu máu tán huyết

3. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm bilirubin?

Bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm bilirubin cùng với các xét nghiệm khác khi có những dấu hiệu bất thường về:

  • Triệu chứng vàng da;
  • Tiền sử uống rượu bia quá nhiều;
  • Nghi ngờ ngộ độc thuốc;
  • Tiếp xúc virus viêm gan;
  • Nước tiểu màu đậm hổ phách;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Đau vùng bụng nghi ngờ (hạ sườn phải, vùng đầu tụy ống mật chủ,...);
  • Mệt mỏi, uể oải đi kèm với bệnh gan mãn tính.
  • Nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu tán huyết, trường hợp này phải thực hiện chung với các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng tán huyết.

4. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Bilirubin?

4.1. Trước khi xét nghiệm

Trước khi xét nghiệm nồng độ bilirubin trong máu cần:

  • Tránh tập luyện gắng sức quá mức vì có thể làm tăng nồng độ bilirubin.
  • Tránh sử dụng những thuốc như: barbiturate, penicillin, và salicylate liều cao vì làm giảm nồng độ bilirubin trong máu và thuốc kháng virus HIV Atazanavir có thể làm tăng nồng độ bilirubin gián tiếp.
  • Bạn không nên ăn hay uống trong vòng 4 giờ trước khi xét nghiệm. Không cần chuẩn bị gì đặc biệt ở trẻ nhỏ khi xét nghiệm Bilirubin.
  • Hãy báo cho bác sĩ biết nếu người bệnh dị ứng với thuốc; hay chảy máu; dùng thuốc chống đông máu như aspirin, clopidogrel (Plavix), hay warfarin (Coumadin);
  • Có nguy cơ mang thai.

4.2 Quy trình thực hiện xét nghiệm bilirubin

Bước 1: Quấn băng cố định quanh tay để ngưng máu lưu thông.

Bước 2: Sát trùng khu vực tiêm bằng cồn y tế

Bước 3: Tiêm kim vào tĩnh mạch để lấy lượng máu vừa đủ cho xét nghiệm

Bước 4: Gỡ dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu. Thoa gạc băng hoặc bông gòn tẩm cồn lên vị trí tiêm.

Bước 5: Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm trong 10 - 20 phút giúp cầm máu, tránh dùng tay nâng đồ vật sau khi xét nghiệm.

Bước 6: Thu thập máu vào ống nghiệm vô trùng bảo quản.

Bước 7: Máu được gửi đến phòng xét nghiệm để xác định nồng độ Bilirubin.

5. Cách đọc kết quả

xet-nghiem-bilirubin-2
Đọc kết quả xét nghiệm Biliburin như thế nào?

5.1. Khi nào là kết quả bình thường

Ở trẻ lớn và người lớn:

  • Giá trị bình thường của Bilirubin trực tiếp từ: 0 – 0.3 mg/dl.
  • Giá trị bình thường của Bilirubin toàn phần ( gồm cả trực tiếp và gián tiếp) từ: 0.3 – 1.9 mg/dl.
  • Giá trị Bilirubin gián tiếp: 0,1 - 1,0 mg/dL

Ở trẻ sơ sinh:

  • Lượng Bilirubin bình thường: Dưới 5 mg/dl, nhưng hơn 60% trẻ sơ sinh mắc bệnh vàng da và lượng bilirubin hơn 5 mg/dl.

5.2 Khi nào là kết quả bất thường

Chỉ số bilirubin trong máu bất thường khi:

  • Bilirubin trực tiếp lớn hơn 0,3 mg/dL
  • Bilirubin toàn phần lón hơn 1,9 mg/dL.

Những kết quả này thay đổi nhẹ tuỳ vào phòng xét nghiệm và đa số là dành cho đàn ông trưởng thành.

Kết quả bình thường của phụ nữ và trẻ con có thể khác đôi chút, và kết quả sẽ bị ảnh hưởng bởi một vài loại thức ăn nhất định, liều thuốc hay tập luyện nặng nhọc.

Thạc sĩ. Bác sĩ Mỹ có kinh nghiệm trên 6 năm làm bác sĩ Nội khoa tại các Bệnh viện Trung Ương huế, Bệnh viện Đại học Y dược Huế; Bệnh viện Tâm Trí Đà nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện là Bác sĩ Nội Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: