Hồi sức trong sốc giảm thể tích tuần hoàn

Sốc giảm thể tích tuần hoàn là một tình trạng cấp cứu rất nguy hiểm liên quan đến sự giảm sút một cách đột ngột khối lượng máu và dịch trong cơ thể, gây ra rất nhiều hệ quả trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Hồi sức trong sốc giảm thể tích tuần hoàn là một quá trình rất cần thiết để có thể cứu sống được tính mạng của người bệnh trong những trường hợp này.

1. Sốc giảm thể tích tuần hoàn

Sốc giảm thể tích tuần hoàn là tình trạng giảm tưới máu những tổ chức trong cơ thể một cách đột ngột do mất đi một lượng lớn thể dịch lòng mạch, có thể là mất máu hay mất huyết tương. Hậu quả của tình trạng này đó là làm giảm cung lượng tim, tăng cản trở lưu thông máu nên khiến người bệnh bị thiếu máu đến nuôi dưỡng những hệ cơ quan trong cơ thể. Sốc giảm thể tích tuần hoàn cần được phát hiện và xử lý đúng lúc để tránh những di chứng không mong muốn, ngược lại nếu phát hiện quá muộn và không thể hồi sức cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân thì bệnh nhân có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng tụt huyết áp trong thời gian dài và cuối cùng là suy đa dạng kéo theo tử vong xảy ra trên bệnh nhân này.

Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra sốc giảm thể tích tuần hoàn đó là:

  • Mất máu: Có thể xảy ra do chấn thương như vết thương liên quan đến mạch máu, vỡ tạng đặc hay gãy vỡ những xương lớn trong cơ thể... Một số bệnh lý khác như xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày ruột, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản... Những bệnh nhân bị ho ra máu có liên quan đến những bất thường đường hô hấp hay bệnh lý sản khoa như thai ngoài tử cung, rách tử cung, mất máu trong sinh đẻ cũng có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn do mất máu.
  • Mất nước: Một số tình trạng bệnh lý dẫn đến sốc mất nước như tiêu chảy cấp, nôn mửa nhiều lần, đái tháo nhạt, sử dụng thuốc lợi tiểu, tăng áp lực thẩm thấu, truyền quá nhiều dung dịch ưu trương... Bệnh nhân bị bỏng nặng, say nắng hoặc bệnh nhân hậu phẫu, bị tắc ruột và viêm tụy cấp cũng có thể gặp phải tình trạng sốc giảm thể tích tuần hoàn do mất nước.

Dấu hiệu lâm sàng của sốc giảm thể tích tuần hoàn bao gồm:

  • Về sinh hiệu: Mạch nhanh nhỏ, không bắt hay khó bắt được, trung bình lớn hơn 120 lần/phút, thời gian đổ đầy mao mạch thường lớn hơn 2 giáy. Huyết áp tụt bé hơn 90 mmHg (huyết áp tâm thu) hay thậm chí là thấp hơn 40mmHg so với huyết áp của những người bình thường.
  • Một số triệu chứng khác như thiểu niệu, vô niệu, hạ huyết áp tư thế, vã mồ hôi, khô màng nhầy, chậm chạp, kích thích, hôn mê, da lạnh, áp lực tĩnh mạch trung tâm giảm so với trạng thái bình thường, áp lực mao mạch phổi bít giảm, giảm cung lượng tim...

Về cận lâm sàng, một số yếu tố xét nghiệm lâm sàng cũng giúp gợi ý đến tình trạng sốc giảm thể tích tuần hoàn đó là:

  • Lactate máu lớn hơn 3 mmol/L
  • Hct và protein máu tăng đối với sốc do nguyên nhân mất nước
  • Hồng cầu, Hb và Hct giảm đối với sốc do nguyên nhân mất máu
  • Rối loạn nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan
  • Nếu bệnh nhân có viêm tụy cấp thì Lipase, Amylase sẽ tăng trong những trường hợp này.
  • Nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng tiêu cơ vân cấp thì men CK cũng sẽ tăng cao.
Choáng do mất máu
Sốc giảm thể tích tuần hoàn là tình trạng giảm tưới máu những tổ chức trong cơ thể một cách đột ngột

2. Hồi sức trong sốc giảm thể tích tuần hoàn

Về vấn đề hồi sức tuần hoàn đối với những bệnh nhân bị sốc do giảm thể tích tuần hoàn thì cần tuân theo một số nguyên tắc cơ bản như sau:

  • Phục hồi cung cấp oxy
  • Ưu tiên bù dịch, tìm ra nguyên nhân để điều trị triệt để.
  • Điều trị phối hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Hồi sức cấp cứu với những tình trạng bệnh nhân sốc giảm thể tích bao gồm những bước xử trí ban đầu như sau:

  • Khảo sát và kiểm soát đường thở cho bệnh nhân để đảm bảo sự thông khí, tránh gây ra những biến chứng hô hấp cho bệnh nhân.
  • Nếu sốc do mất máu và có vết thương hở đang chảy máu thì cần băng ép để cầm máu ngay lập tức cho bệnh nhân.
  • Cố định cột sống cổ nếu bệnh nhân có những dấu hiệu nghi ngờ tổn thương cột sống cổ và tránh gây ra những ảnh hưởng có thể làm xuất hiện thêm tổn thương, chấn thương cho những bệnh nhân này.
  • Tìm và tiến hành đặt đường truyền tĩnh mạch lớn và chắc chắn trên cơ thể bệnh nhân để truyền dung dịch Natri Clorid 0.9% trong thời gian sớm nhất.
  • Sau khi đã thực hiện những bước sơ cứu thì cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chó chuyên môn trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu để có những điều trị tiếp theo cho bệnh nhân, lưu ý trong có trình đưa bệnh nhân đi cấp cứu thì để bệnh nhân ở tư thế nằm, giữ đầu bằng.

Sau khi được đưa đến những cơ sở y tế có chuyên môn thì hồi sức trong sốc giảm thể tích tuần hoàn được tiến hành như sau:

  • Cung cấp oxy cho bệnh nhân ở mức tối đa bằng cách cho bệnh nhân thở oxy kính bằng đường mũi với nồng độ 4 5L/phút hay thở mặt nạ oxy với nồng độ 6 – 10L/phút. Có thể đặt nội khí quản nếu bệnh nhân có dấu hiệu trào ngược phổi hay suy hô hấp và rối loạn ý thức. Một số trường hợp cần thiết sẽ được chỉ định thở máy. Điều cần lưu ý trong bước này đó là cần đặt bệnh nhân ở tư thể nằm ngửa, đầu thấp và đưa 2 chân lên cao.
  • Bù dịch cho bệnh nhân bằng cách đặt đường truyền tĩnh mạch lớn, hoặc ống thông tĩnh mạch trung tâm để truyền nhanh dung dịch Natri Clorid 0.9% hay dung dịch Ringer Lactat, tiếp đến là truyền hồng cầu khối theo áp lực tĩnh mạch trung tâm và đo huyết áp trung bình của bệnh nhân. Có thể truyền HES hoặc Gelatin trong thời gian chờ để được truyền máu, với mục đích giữ lại lượng dịch trong lòng mạch, ngăn chặn nguy cơ tiếp tục thoát dịch.
  • Cầm máu bằng một số phương pháp như băng ép những vết thương hở đang còn chảy máu, có thể chỉ định mổ để khảo sát và tìm ra nguồn máu đang chảy trong cơ thể như ổ bụng để kiểm soát lượng máu chảy ra từ khu vực này. Một số kỹ thuật cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán vị trí chảy máu và nguyên nhân chảy máu trong giai đoạn này đó là chụp mạch hoặc nội soi dạ dày.
  • Điều trị phối hợp với những phương pháp như truyền tiểu cầu, truyền huyết tương đông lạnh, truyền yếu tố VII trong một số trường hợp cần thiết. Nếu bệnh nhân truyền chất chống đông Citrat vào và có hiện tượng hạ Calci hoặc hạ Magie thì có thể điều trị phối hợp với Calci clorua, Magie Clorua để kiểm soát tình trạng này. Đắp chăn, dùng đèn tỏa nhiệt, kháng sinh dự phòng và chăm sóc vết thương hở cũng rất cần thiết và hay được áp dụng trên lâm sàng. Cần lưu ý điều trị một số biến chứng trong quá trình hồi sức tuần hoàn như sốc phản vệ, bệnh lý phổi cấp nguyên nhân do truyền máu.
Cấp cứu sốc giảm thể tích tuần hoàn ở trẻ em
Hồi sức trong sốc giảm thể tích tuần hoàn bao gồm rất nhiều vấn đề cần phải xử lý chính xác
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan