Đột nhiên trẻ đi tập tễnh – Những điều cần lưu ý

Bài viết được viết bởi Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Nghĩa - Trưởng Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Đón con ở cổng trường (Mẫu giáo, Tiểu học), bố mẹ thấy trẻ đi tập tễnh, nhăn nhó kêu đau ở háng, đôi khi đau ở gối, gặng hỏi cháu nói không bị ngã...Cả nhà hốt hoảng lo lắng. Có người khuyên nên xoa bóp dầu; có người mách tìm ông lang. Đôi khi chợt nhớ "gọi điện thoại hỏi người thân" thì được chỉ dẫn tới bác sĩ "tây y". Hiềm nỗi ở nước ta, Bác sĩ chuyên Chỉnh hình Nhi, người am hiểu về bệnh xương khớp trẻ em, lực lượng còn quá mỏng. Gặp các trường hợp như thế này: trẻ không bị ngã, không sốt, khớp háng, không sưng khớp , X-quang không thấy gì đặc biệt - thế mà trẻ cứ kêu đau, đi tập tễnh... các bác sĩ cũng đau đầu, do dự. Vậy bệnh nằm ở chỗ nào?

Một số nguyên nhân gây nên bệnh cảnh lâm sàng trên

Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua

Điển hình nhất là bệnh “Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua” (Transient Synovitis of The Hip in Children) ở trẻ em. Bệnh này hay gặp ở các nước Âu - Mỹ: có tới 30% trẻ tới khám ở các Phòng khám Chỉnh hình Nhi do bệnh này. Từ đầu năm 2000 trở lại đây, bệnh này mới được quan tâm tới ở nước ta. Trước đây bệnh bị chẩn đoán nhầm với lao khớp, viêm khớp. Khi kỹ thuật siêu âm khớp háng được cập nhật, bệnh “Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua” ở trẻ em ngày càng được phát hiện nhiều hơn. Cần theo dõi nhiệt độ, kiểm tra tốc độ máu lắng, công thức bạch cầu, CRP để chẩn đoán phân biệt với viêm khớp háng mủ. Siêu âm cả hai khớp háng để so sánh và tìm ra dịch đọng ở cùng đồ trước:

Đây là kỹ thuật đáng tin cậy, không gây đau đớn - để chẩn đoán và theo dõi bệnh lý “Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua” ở trẻ em. Bệnh “Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua” ở trẻ em còn có tên gọi "Háng bị cúm", "Háng bị nhiễm độc" - thực ra rất "lành tính", dễ điều trị: nghỉ ngơi, dùng thuốc chống viêm không steroid (Ibuprophen) 3 - 4 ngày là khỏi. Trường hợp đau kéo dài, bác sĩ cho vào viện kéo dãn khớp háng liên tục 3 - 7 ngày tình trạng sẽ ổn, trẻ lại tiếp tục đi học như bình thường.

Đột nhiên trẻ đi tập tễnh – Những điều cần lưu ý

Hoại tử chỏm vô mạch

Bên cạnh bệnh “Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua” ở trẻ em còn có bệnh “Hoại tử chỏm vô mạch” (Bệnh Viêm xương khớp háng nguyên phát; Bệnh Legg - Perthes - Calvé) ở trẻ em. Ngày xưa bệnh này được gọi là Hoại tử chỏm vô khuẩn để chẩn đoán phân biệt với bệnh lao khớp háng. Bệnh cảnh lâm sàng không rầm rộ nên dễ bị bỏ sót; chỉ đến khi chụp X-quang mới thấy chỏm xương đùi đã biến dạng. Vì thế các cháu mắc bệnh “Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua” cần được theo dõi lâu dài để sàng lọc bệnh Legg - Perthes - Calvé. Tiên lượng xa của bệnh “Hoại tử chỏm vô mạch” ở trẻ em khá nguy hiểm vì hậu quả là khớp háng bị thoái hóa sớm vào độ tuổi thanh niên, đặt ra yêu cầu phải phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

Nguyên nhân khác

Một bệnh ít gặp hơn: “Kén xương vô căn” (Kyste Essentiel, Unicameral Bone Cyst) đầu trên xương đùi; hiếm gặp hơn nữa là bệnh “U dạng xương đầu trên xương đùi”; ngoài ra còn một số bệnh của khớp cùng chậu, cơ quanh khớp háng... cũng có thể gây các triệu chứng đau háng - gối, đi tập tễnh một cách đột nhiên cần được chẩn đoán phân biệt để điều trị đạt hiệu quả; vì mỗi loại bệnh có cách đặc trị riêng.

Tóm lại, khi thấy trẻ đột nhiên đi tập tễnh và kêu đau gối hoặc quanh háng chúng ta cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên gia Chỉnh hình Nhi với đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân sinh bệnh và có phương pháp điều trị hợp lý, chính xác, tránh được các di chứng sau này.

Xem thêm:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan