Lời khuyên dinh dưỡng cho người cao tuổi

Bài‌ ‌được‌ ‌viết‌ ‌bởi‌ ‌Bác‌ ‌sĩ‌ ‌chuyên‌ ‌khoa‌ ‌I‌ ‌Nguyễn‌ ‌Xuân‌ ‌Tâm,‌ ‌‌Khoa‌ ‌Hồi‌ ‌sức‌ ‌cấp‌ ‌cứu‌ ‌-‌ ‌Bệnh‌ ‌viện‌ ‌Đa‌ ‌khoa‌ ‌Quốc‌ ‌tế‌ ‌Vinmec‌ ‌Phú‌ ‌Quốc‌.‌

Chế độ ăn uống hợp lý và một cuộc sống lành mạnh luôn đi đôi với nhau, đặc biệt là đối với người tuổi trên 65. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phần lớn các bệnh mà người cao tuổi mắc phải là do thiếu chế độ ăn uống hợp lý. Ví dụ, chất béo trong thực phẩm có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và tuyến tụy. Các bệnh thoái hóa như loãng xương và tiểu đường cũng liên quan đến chế độ ăn uống.

1. Lời khuyên dinh dưỡng cho người cao tuổi

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM cho biết, quá trình lão hóa thường đi kèm với giảm nhu cầu năng lượng do giảm hoạt động thể lực và giảm chuyển hóa cơ bản.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu năng lượng ở người trên 60 tuổi là 1.900 kcal với nam và 1.800 kcal với nữ.

Dưới đây là một số khuyến cáo về dinh dưỡng đối với người cao tuổi:

  • Cần ăn đa dạng thực phẩm để nhận được nhiều loại dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đảm bảo đủ năng lượng, cân đối đầy đủ các chất, phân bố bữa ăn hợp lý.
  • Hạn chế mỡ động vật, nên ăn nhiều cá, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Chọn gạo mềm, dẻo, không xát quá trắng. Trong chế độ ăn hàng ngày, nên giảm cơm và dùng thêm các loại ngô, khoai.
  • Bảo đảm cung cấp đủ chất đạm cho cơ thể. Nên ăn cá nhiều hơn thịt, mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 lần cá và không ăn quá 3 quả trứng. Nên tăng sử dụng đạm thực vật như đậu hũ, tàu hũ ky, sữa đậu nành, các loại đậu đỗ,...
  • Thường xuyên uống sữa, chọn loại giảm béo, ít đường để bổ sung canxi đề phòng loãng xương, có thể chọn sữa chua sẽ dễ tiêu hóa hơn. Ngoài ra, để chú trọng phòng ngừa loãng xương, cần tăng cường thực phẩm giàu canxi như cá nhỏ ăn cả xương, tép ăn nguyên cả vỏ, rau xanh,...
  • Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (vitamin C, vitamin E, beta-caroten) có trong rau quả tươi, nhiều màu sắc, đặc biệt là rau xanh lá như rau ngót, rau đay, mồng tơi,..., dầu thực vật, các loại gia vị như hành, hẹ, gừng, nghệ,...
  • Uống đủ nước, khoảng 6 - 8 ly mỗi ngày. Chú ý: Uống nước thường xuyên dù không khát, nhất là vào mùa hè.
  • Hạn chế thực phẩm nhiều đường ngọt, kể cả mật ong.
  • Ăn muối vừa phải, giảm gia vị mặn (muối, nước tương, nước mắm), hạn chế thực phẩm mặn như khô, mắm, thức ăn kho mặn,...
  • Hạn chế thức uống có cồn.
  • Ăn đa dạng nhiều loại trái cây nhiều màu sắc. Riêng với trái cây ngọt chỉ nên ăn vừa phải. Nên ăn cả trái sẽ giúp nhận được nhiều chất xơ hơn là chỉ ép lấy nước.

Đặc biệt lưu ý hạn chế tác nhân gây ung thư:

  • Tránh thức ăn bị mốc vì có thể chứa aflatoxin gây ung thư gan.
  • Không đun chất béo ở nhiệt độ cao để phòng ngừa chất béo dạng trans gây nguy hiểm.
  • Thay cách chế biến chiên, xào bằng luộc, hấp.
  • Hạn chế thịt muối xông khói, phơi khô,...
  • Hạn chế các chất gây ô nhiễm, rửa sạch rau quả nhiều lần, gọt vỏ khi ăn.

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, người cao tuổi cần vận động vừa sức, thường xuyên để giúp tăng tuần hoàn máu, ăn ngon miệng, chắc xương, hạn chế mất khối cơ, giảm táo bón, rèn luyện trí não.

Vì sao nấm Aflatoxin trong thực phẩm mốc dễ gây ung thư?
Lưu ý tránh thức ăn bị mốc vì có thể chứa aflatoxin gây ung thư gan.

2. Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi

  • Nên uống mỗi ngày 1 ly sữa ít béo, ít đường để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
  • Sinh hoạt điều độ, ăn ngủ đúng giờ, kết hợp vận động để tiêu hóa tốt hơn, cải thiện sức khỏe.
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi ăn.
  • Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ.
  • Ưu tiên chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế món rán, nướng để giảm hấp thu cholesterol và giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.
  • Cần thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh thực đơn quá đơn điệu để ăn uống ngon miệng hơn.
  • Nên chế biến các món ăn mềm, nhừ, thái nhỏ để nhai nuốt và tiêu hóa dễ hơn.
  • Không ăn quá no, đặc biệt là vào buổi tối.
  • Chọn thực phẩm theo bệnh lý: Một số người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp,... nên cần chọn đúng loại thực phẩm phù hợp, có tác dụng kiểm soát bệnh tật. Cụ thể, cần tây, dưa leo, cà chua, bí đao, khoai từ, rau diếp, mộc nhĩ, giá đậu,... giúp ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp và tim mạch. Thực phẩm tốt cho bệnh nhân đái tháo đường gồm bí xanh, rau muống đỏ, rau ngót, hoa atiso, khổ qua,...
  • Sau khi ăn, nên ngồi tại chỗ hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút để giúp dạ dày nhào trộn thức ăn, dễ tiêu hóa hơn.
  • Ngoài ra, người cao tuổi cần phơi nắng tối thiểu 15 - 30 phút mỗi ngày nhằm giúp cơ thể tạo vitamin D, chống loãng xương, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

Người cao tuổi nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ tinh thần thoải mái và duy trì vận động vừa sức để cải thiện sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ.

Các bạn hãy theo dõi website: Vinmec.com để cập nhật những thông tin về dinh dưỡng, sức khỏe, cũng như đặt lịch khám/tư vấn một cách nhanh chóng nếu có nhu cầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan