Gừng và nghệ có thể giúp chống đau và ốm?

Gừng và nghệ là 2 trong số những thành phần được nghiên cứu là thảo dược. Cả hai đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ qua để điều trị những bệnh từ đau nửa đầu đến viêm mãn tính. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để giúp giảm đau, giảm buồn nôn và tăng cường hệ miễn dịch.

1. Gừng và nghệ là gì?

Gừng và nghệ là hai loại cây có hoa được sử dụng rộng rãi trong y học tự nhiên. Gừng có nguồn gốc từ Đông Nam Á và từ lâu đã được sử dụng như phương thuốc tự nhiên cho các tình trạng sức khoẻ khác nhau. Đặc tính dược phẩm của nó chủ yếu là do sự hiện diện của hợp chất phenolic bao gồm cả gingerol-là một hoá chất được cho là có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh.

Nghệ thường được sử dụng như một loại gia vị trong chế biến của người Ấn Độ. Nó có chứa hợp chất curcumin, được chứng minh là có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa một số bệnh mãn tính. Cả gừng và nghệ có thể được sử dụng ở trạng thái tươi, khô hoặc nghiền khi thêm vào các món ăn.

2. Công dụng của nghệ và gừng có đặc tính giúp giảm đau và bệnh tật

Mặc dù, vẫn còn bằng chứng hạn chế về công dụng của nghệ và gừng khi sử dụng cùng nhau, nhưng các nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng cả hai đều có tác dụng giảm đau và bệnh tật.

2.1. Giảm viêm

Viêm mãn tính được cho là đóng vai trò trung tâm cho sự phát triển các tình trạng sức khoẻ như bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Hơn nữa, nó còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến tình trạng tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấpbệnh viêm ruột.

Gừng và nghệ có đặc tính chống viêm mạnh, nên nó có thể giúp giảm đau và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Một nghiên cứu được thực hiện ở 120 người bị viêm xương khớp cho thấy khi uống 1 gam chiết xuất từ gừng mỗi ngày và kéo dài trong khoảng 3 tháng có tác dụng giảm viêm hiệu quả cũng như giảm mức độ oxit nitric - là một phân tử đóng vai trò chính trong quá trình viêm. Tương tự, một đánh giá 9 nghiên cứu cho thấy rằng uống từ 1 đến 3 gam gừng mỗi ngày kéo dài trong khoảng từ 6 đến 12 tuần cũng giúp giảm mức protein phản ứng C9CRP) - là một chất đánh dấu viêm.

Bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Gừng và nghệ rất tốt cho việc chống viêm ở người bệnh viêm khớp dạng thấp

Trong khi đó, các nghiên cứu trên ống nghiệm và trên người chỉ ra rằng chiết xuất từ củ nghệ có thể làm giảm một số dấu hiệu viêm. Một số nghiên cứu cũng lưu ý rằng nó có thể hiệu quả như các loại thuốc chống viêm như: Ibuprofenaspirin.

Hay một đánh giá 15 nghiên cứu cũng cho kết quả rằng bổ sung nghệ có thể làm giảm nồng độ CRP, interleukin-6 (IL-6) và malondialdehyde (MDA), tất cả đều được sử dụng để đo mức độ viêm trong cơ thể.

2.2. Giảm đau

Cả gừng và nghệ đều đã được nghiên cứu về khả năng giúp giảm đau mãn tính. Các nghiên cứu cho thấy hợp chất curcumin trong củ nghệ, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm đau do viêm khớp gây ra. Trên thực tế, một đánh giá của 8 nghiên cứu cho thấy dùng 1,000 mg curcumin sẽ mang lại hiệu quả trong việc giảm đau khớp như một số loại thuốc giảm đau ở những người bị viêm khớp.

Hay một nghiên cứu khác thực hiện ở 40 người người viêm xương khớp cho thấy uống 1,500 mg curcumin mỗi ngày giúp giảm đau đáng kể và cải thiện chức năng thể chất so với những người sử dụng giả dược.

Gừng cũng được chứng minh làm giảm đau mãn tính liên quan đến viêm khớp, cùng với một số điều kiện khác. Trong một nghiên cứu tiến hành kéo dài khoảng 5 ngày ở 120 phụ nữ được uống 500 mg bột rễ gừng với tần suất 3 lần mỗi ngày giúp giảm cường độ và thời gian đau kinh nguyệt. Hay một nghiên cứu khác được tiến hành ở 74 người cho thấy dung 2 gam gừng trong 11 ngày giúp giảm đau cơ thể đáng kể do tập thể dục.

2.3 Hỗ trợ chức năng miễn dịch

Nhiều người sử dụng nghệ và gừng khi có một số dấu hiệu bệnh đầu tiên với hy vọng sẽ tăng cường chức năng miễn dịch và có thể chống lại các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm.

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng gừng có sở hữu đặc tính tăng cường miễn dịch mạnh mẽ. Hay một nghiên cứu trong ống nghiệm cũng chỉ ra rằng gừng tươi có hiệu quả chống lại virus hợp bào hô hấp ở người (HRSV) - có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp ở hầu hết mọi đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Một nghiên cứu trong ống nghiệm khác cũng chỉ ra chiết xuất từ gừng đã ngăn chặn sự phát triển của một số chủng mầm bệnh đường hô hấp.

Tương tự, các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cũng chỉ ra chất curcumin trong nghệ cũng có đặc tính chống virus và có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của virus cúm A.

triệu chứng cảm lạnh
Người bị cảm lạnh có thể sử dụng gừng và nghệ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh

Cả nghệ và gừng đều có thể làm giảm mức độ viêm, có thể giúp cải thiện chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật sử dụng liều nghệ hoặc gừng tập trung. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định làm thế nào mỗi loại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe miễn dịch của con người khi được tiêu thụ với lượng thực phẩm bình thường.

2.4. Giảm buồn nôn

Một số nghiên cứu quan sát đã cho thấy rằng gừng có thể là một phương thuốc tự nhiên hiệu quả để làm dịu dạ dày và giúp giảm buồn nôn. Trong một nghiên cứu được thực hiện ở 170 phụ nữ cho thấy uống 1 gam bột gừng mỗi ngày và kéo dài trong 1 tuần có hiệu quả trong việc giảm buồn nôn liên quan đến thai kỳ như một loại thuốc chống buồn nôn thông thường nhưng ít tác dụng phụ hơn.

Hay một đánh giá 5 nghiên cứu cũng cho kết quả tương tự, uống ít nhất 1 gam gừng mỗi ngày có thể giúp giảm đáng kể buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. Một nghiên cứu khác còn chỉ ra gừng có thể làm giảm buồn nôn do say tàu xe, hóa trị và một số rối loạn tiêu hóa nhất định.

Mặc dù vậy, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá tác dụng của nghệ đối với chứng buồn nôn, nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó có thể bảo vệ chống lại các vấn đề tiêu hóa do hóa trị liệu, có thể giúp giảm các triệu chứng như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

3. Một số tác dụng phụ tiềm ẩn

Khi được sử dụng ở mức độ vừa phải, cả gừng và nghệ đều được coi là bổ sung an toàn và lành mạnh cho chế độ ăn đầy đủ. Tuy nhiên, nó vẫn có một số tác dụng phụ tiềm ẩn cần nên được xem xét.

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gừng có thể làm giảm quá trình đông máu đồng thời can thiệp vào chất làm loãng máu khi sử dụng với số lượng lớn. Hơn nữa, gừng có thể ảnh hưởng đến cả lượng đường trong máu nên những người dùng thuốc để giảm mức độ đường có thể tham khảo chuyên gia trước khi sử dụng chất bổ sung này.

Bột nghệ chỉ được tạo thành khoảng 3% curcumin theo trọng lượng, do đó, cần phải tiêu thụ với một lượng lớn mới tìm được các công dụng của nó. Tuy nhiên, khi sử dụng ở liều cao, curcumin có liên quan đến các tác dụng phụ như phát ban, đau đầu và tiêu chảy.

Mặc dù nghiên cứu về tác dụng sức khỏe tiềm ẩn của cả gừng và nghệ rất phong phú, nhưng các bằng chứng về ảnh hưởng của hai loại củ này cùng được sử dụng vẫn còn hạn chế. Để chắc chắn trước khi bổ sung, bạn nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia.

Bệnh nhân xuất hiện đau đầu dữ dội cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại
Sử dụng bột nghệ liều cao, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như đau đầu, phát ban,...

4. Cách dùng gừng và nghệ

Có rất nhiều cách để thêm gừng và nghệ vào chế độ ăn để thu được nhiều lợi ích sức khỏe mà mỗi loại củ này mang lại. Hai thành phần củ này có thể phối hợp tốt với nhau trong các món salad, món xào và nước sốt để tăng thêm hương vị và lợi ích sức khỏe cho các công thức nấu ăn.

Gừng tươi có thể được sử dụng như pha trà, hoặc thêm vào súp, sinh tố, cà ri. Chiết xuất từ rễ gừng cũng có sẵn ở dạng bổ sung và được chứng minh là có hiệu quả nhất với liệu 1,500 - 2,000 mg mỗi ngày.

Còn nghệ thì có thể làm tăng màu sắc và sức hấp dẫn của món ăn. Các chất bổ sung từ nghệ có thể cung cấp curcumin đậm đặc và dùng với liều 500mg hai lần mỗi ngày để giảm đau và viêm.

Tóm lại, một số nghiên cứu đầy hứa hẹn đã phát hiện ra rằng gừng và nghệ có thể có tác dụng mạnh mẽ đối với buồn nôn, đau, viêm và chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các bằng chứng về tác dụng của hai loại được sử dụng cùng nhau, và hơn nữa phần lớn các nghiên cứu hiện tại chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan