Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc

Bài viết được viết bởi TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tăng huyết áp không chỉ là bệnh hay xảy ra ở người cao tuổi, bệnh đang có xu hướng gia tăng và trẻ hoá, hiện nay có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí ở trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nếu tăng huyết áp ở người trẻ mà không điều trị thì tuổi thọ của những người này sẽ giảm đi 10-20 năm so với người cao tuổi bị tăng huyết áp. Do đó việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tăng huyết áp có ý nghĩa quan trọng.

Để phát hiện chính xác và sớm, chúng ta cần kiểm tra huyết áp định kỳ. Chỉ xác định là có tăng huyết áp khi đã đo 2-3 lần khác nhau trong vòng vài tuần ở những điều kiện tối ưu như nghỉ ngơi 15 phút, sau đi tiểu, nhiệt độ môi trường phù hợp, đo ở tư thế tay ở vị trí ngang tim, dùng băng quấn phù hợp với lứa tuổi và cần phải đo cả hai tay.

Ngoại trừ những trường hợp cao huyết áp kịch phát, tăng huyết áp có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi chế độ ăn, vận động, thay đổi lối sống.

1. Giảm muối là biện pháp hàng đầu trong điều trị hạ áp

Có 60% người tăng huyết áp có thể kiểm soát được bệnh bằng cách giảm muối trong chế độ ăn. Tuy nhiên cần kiểm tra toàn diện để đánh giá bệnh lý tim mạch, bệnh lý thận, các bệnh lý chuyển hóa đi kèm,... để được điều trị đặc hiệu.

Làm cách nào để giảm muối trong khẩu phần?

Nên giới hạn muối ở mức không vượt quá 5g/ngày. Ngoài lượng muối có sẵn tự nhiên trong thực phẩm (thường là 2g muối đối với thức ăn không ướp muối); lượng muối dùng để nêm vào thức ăn trong 1 ngày là khoảng 3 g muối, tương đương 1 muỗng cà phê gạt ngang muối hoặc 2 muỗng cà phê nước mắm hoặc 2 muỗng canh nước tương.

Muối tinh luyện là loại muối được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới
Giảm khầu phần muối là biện pháp điều trị hạ áp hiệu quả hàng đầu

Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối (mì gói, đồ hộp, lạp xưởng, xúc xích, giò chả, tương khô, chao...), các loại hải sản khô (cá khô, tôm khô, mực khô...) hoặc làm mắm, thực phẩm muối chua,.. Tốt nhất nên loại các thực phẩm này ra khỏi thực đơn hàng ngày.

Không nên nêm thêm nước mắm, nước tương đối với thức ăn đã nêm nếm hoặc khi ăn trái cây không nên chấm muối.

Một chén canh chứa khoảng 0.8 -1g muối, tuỳ theo thực đơn và thời tiết mà bạn có thể húp hết nước. Ví dụ trời nóng, không ăn món kho bạn có thể húp hết nước của 2 chén canh trong hai bữa cơm chính.

Đối với các món nước như phở, hủ tiếu,... 1 tô sẽ chứa khoảng 1.8-2g muối (hoặc nhiều hơn nếu ăn hàng quán) chỉ nên húp một phần nước khi ăn.

Đối với mì tôm chỉ nên nêm 1/3 đến 1/2 gói bột nêm khi chế biến. Một gói mì tôm chứa 4g muối, vượt quá 3g muối dành cho nêm nếm.

Có thể thay các loại dưa muối bằng rau củ ngâm dấm đường. Cách làm: Bắp cải, củ cải, cà rốt, dưa leo, mướp đắng cắt khúc hoặc lát dày, gừng ớt xắt nhỏ, rắc ít muối, trộn đều để 1 giờ, vắt bỏ nước. Trộn rau củ với nước dấm đường, để lạnh nữa ngày là ăn được.

Việc giảm muối giai đoạn đầu sẽ khá khó khăn, nhưng thường chỉ sau 2 tuần chúng ta có thể thích nghi dần với vị nhạt. Có thể dùng vị chua và vị ngọt và bổ sung các nhóm rau gia vị khi chế biến để tăng khẩu vị. Ví dụ canh chua, thịt bò xào hành tây và thơm... là những món có lượng muối nêm thấp nhưng ăn ngon vì áp dụng 2 nguyên tắc trên.

Đối với trẻ em, việc nêm nếm gia vị (muối, bột nêm,...) là không cần thiết vì nhu cầu về muối của trẻ đã có đủ từ thực phẩm và sữa (0.2 g/ngày). Ngoài việc tạo thói quen ăn nhạt cho bé, việc giảm muối ở thời thơ ấu còn có tác dụng dự phòng tăng huyết áp sau này.

ăn dặm ở trẻ sinh non
Nên giảm muối từ thời thơ ấu khi chế biến món ăn cho trẻ

2. Tăng kali trong chế độ ăn

3.5g/ngày hoặc 50mg/kg cân nặng. Nếu một ngày bạn ăn được 300-500g rau, đặc biệt các loại rau lá xanh đậm và rau củ có màu vàng; 300g trái cây gần như đã bảo đảm được hơn 3g kali trong khẩu phần. Nếu chưa thể thực hiện ngay việc ăn nhạt thì bạn vẫn có thể giảm nguy cơ của bệnh bằng cách ăn nhiều rau và trái cây.

3. Tăng calci

Ăn cá nhỏ luôn xương, nghêu sò, uống sữa, ăn mè, ăn nhiều rau xanh là những biện pháp tăng calci trong khẩu phần. Chỉ cần uống 200ml sữa bột không béo, 50g nghêu sò, 1 muỗng mè là có thể đáp ứng được 70% nhu cầu calci trong ngày.

4. Kiểm soát năng lượng và chất béo

Nếu bạn có thừa cân cần tiết chế ăn uống, giảm năng lượng (500kcal/ngày) và chất béo. Hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu: da, lòng đỏ trứng, phủ tạng (gan, tim, thận...), kem, bơ, thức ăn chiên, xào, rán,...

Quản Lý Ngoại Trú Tiểu Đường - Tăng Mỡ Máu Tại Bệnh Viện Vinmec
Bạn nên kiểm soát năng lượng và chất béo dung nạp vào cơ thể mỗi ngày

5. Giảm rượu

Nếu bạn nghiện rượu nên cắt giảm dưới mức 26g/ngày tương đương không quá 2 lon bia 330 ml hoặc 1 chung rượu đế.

6. Tăng vận động

Ngoài hoạt động thường ngày cần vận động thêm 30 phút các hoạt động thể dục thể thao như đi bộ, chạy, nhảy dây, bơi lội, bóng bàn... phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

874 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan