Chế độ ăn trong bệnh lý viêm thực quản bạch cầu ái toan

Bài viết được viết bởi ThS.BS Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chế độ ăn là một phần quan trọng trong điều trị viêm thực quản bạch cầu ái toan (VTQDBCAT). Bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho bệnh nhân thật đầy đủ và phối hợp với bệnh nhân trong việc thực hiện các phác đồ này.

1. Chế độ ăn công thức gồm các acid amin cơ bản

Đây là chế độ ăn công thức chỉ sử dụng các acid amin cơ bản và đã chứng minh đạt được hiệu quả lui bệnh ở bệnh nhân VTQDBCAT tương đương như dùng thuốc, giúp hạn chế việc sử dụng thuốc kéo dài.

Mối liên quan giữa dị ứng thức ăn và tổn thương niêm mạc thực quản đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu do vậy áp dụng chế độ ăn loại trừ các dị nguyên sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

Một phân tích gộp cho thấy tỷ lệ đáp ứng về mô bệnh học khi sử dụng chế độ ăn là 90,8% và khoảng thời gian để đạt được sự lui bệnh trên mô bệnh học ở người lớn là 2 tuần.

Điểm quan trọng khi thực hiện chế độ ăn này là phải đặt sonde dạ dày để bơm các hỗn hợp dinh dưỡng chỉ gồm những acid amin cơ bản sau đó mới dần dần bổ sung các loại thức ăn trong cùng một nhóm sau mỗi 5 - 7 ngày để xác định chính xác dị nguyên.

Acid amin Threonine có tác dụng gì?
Chế độ ăn công thức gồm các acid amin cơ bản giúp cải thiện tình trạng viêm thực quản bạch cầu ái toan

Tuy nhiên việc thực hiện được sẽ tốn khá nhiều chi phí cũng như đòi hỏi phải nội soi nhiều lần sau mỗi lần tiếp xúc lại với một loại đồ ăn. Ngoài ra việc ăn qua sonde sẽ ảnh hưởng đến vị giác cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Trên thực tế, chỉ những cơ sở chuyên sâu ở nước phát triển và khi gia đình bệnh nhân thật sự có điều kiện mới có thể áp dụng chế độ ăn này.

2. Chế độ ăn dựa vào kết quả test dị ứng

Chế độ ăn này còn gọi là chế độ ăn loại trừ trực tiếp, là chế độ ăn dựa trên kết quả test áp da hoặc lẩy da để xác định loại thức ăn đóng vai trò dị nguyên từ đó điều chỉnh chế độ ăn. Khi áp dụng chế độ ăn này, tỉ lệ thuyên giảm triệu chứng và phục hồi về mô bệnh học cao (78%).

Bệnh nhân sẽ được kiểm tra với các loại thức ăn thông thường bao gồm thịt (thịt gà, thịt bò, thịt lợn), rau củ (đậu, khoai lang, khoai tây, cà rốt...), hoa quả (táo, lê, đào...), ngũ cốc (lúa mì, gạo, lúa mạch, ngô...), trứng, sữa, đậu nành.

Điểm hạn chế của các test dị ứng là có giá trị dự báo thấp, hiện đối với test áp da vẫn chưa có sự chuẩn hóa đối với dị ứng thức ăn và còn thiếu các công cụ đánh giá hiệu lực trong các nghiên cứu, hiện test này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, cần tiến hành nội soi và sinh thiết nhiều lần để phát hiện dị nguyên.

Test dị ứng
Chế độ ăn dựa vào kết quả test dị ứng còn nhiều hạn chế và cần kết hợp với những xét nghiệm khác

3. Chế độ ăn loại trừ truyền thống

Ưu điểm của chế độ ăn này là không phải áp dụng các test dị ứng mà loại trừ luôn 6 loại thức ăn bao gồm sữa bò, đậu tương, lúa mì, trứng, đậu phộng, cả tôm/cua, hiệu quả cao, hạn chế việc sử dụng thuốc kéo dài.

Ban đầu chế độ ăn này được áp dụng cho trẻ em và ghi nhận đạt được sự cải thiện cả về triệu chứng lâm sàng và tổn thương trên mô bệnh học. Sau đó, một nghiên cứu tiền cứu tiến hành trên người lớn cũng cho thấy kết quả tương tự.

Lợi ích của chế độ ăn này so với chế độ ăn công thức gồm các acid amin cơ bản là cho phép người bệnh ăn nhiều các loại thức ăn khác như thịt, ngũ cốc, rau, hoa quả... và việc vẫn ăn uống được qua đường miệng giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như tạo điều kiện cho người bệnh tuân thủ điều trị và thích ứng tốt hơn.

Khi đạt được sự thuyên giảm triệu chứng trên cả lâm sàng và mô bệnh học, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn ăn lại từng loại trong 6 thức ăn loại trừ và theo dõi mỗi 4 - 6 tuần bằng nội soi có sinh thiết.

Hoa quả
Khi ăn chế độ ăn loại trừ truyền thống, người bệnh được tăng cường các loại trái cây

Theo một nghiên cứu trên trẻ em, thứ tự các loại thức ăn dị ứng nhiều nhất là sữa bò (81%) sau đó đến đậu tương (19%), lúa mì (14%). Khi sử dụng chế độ ăn này, cần lưu ý hướng dẫn một số loại thức ăn thay thế nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh.

Một số thức ăn có thể sử dụng đối với bệnh nhân bị viêm thực quản bạch cầu ái toan là: Thịt, thịt gà, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm chức năng cung cấp vitamin B, calcium, vitamin D, dầu thực vật, đậu tương, các loại dầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Arias A, Gonzalez-Cervera J, Tenias JM và cộng sự (2014). Efficacy ofdietary interventions for inducing histologic remission in patients with eosinophilic esophagitis: a systematic review and meta- analysis. Gastroenterology, 146:1639-48.
    2. Spergel JM, Andrews I, Brown-Whitehorn TF và cộng sự (2005). Treatment of eosinophilic esophagitis with specific food elimination diet directly by a combination of skin prick and patch tests. Ann Allergy Asthma Immunol, 95:336-43.
    3. Amir F.Kagalwalla, Sally Ritz (2012). Eosinophilic Esophagitis. Humana Press. Chapter 24. Dietary Treatment of Eosinophilic Esophagitis.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

244 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan