Chế độ dinh dưỡng cho bé 6 tháng

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và đúng cách cho trẻ nhỏ là một trong những vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ còn băn khoăn lo lắng. Trong những năm tháng đầu đời, cơ thể của bé luôn đòi hỏi nguồn dinh dưỡng đầy đủ để phát triển khỏe mạnh. Nhất là trong giai đoạn 6 tháng tuổi, cha mẹ nên cân nhắc cho trẻ tập ăn dặm để đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ.

1. Vì sao nên cho trẻ ăn dặm ở tháng thứ 6?

Khi trẻ được tròn 6 tháng tuổi, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến cáo nên cho trẻ tập ăn dặm vào thời điểm này. Bởi vì khi bé bước sang tháng thứ 6, cơ thể đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, trọng lượng của cơ thể gấp đôi so với lúc mới sinh, hệ tiêu hóa đã có khả năng hấp thụ các loại thức ăn đặc.

Trong những tháng đầu tiên kể từ lúc trẻ được sinh ra, có thể nói sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, khi được 6 tháng tuổi, cơ thể của bé cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn để phát triển khỏe mạnh, trong khi sữa mẹ lúc này lại không thể đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, vì vậy bạn nên bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm ở độ tuổi này.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng việc tiến hành cho trẻ ăn dặm phải được thực hiện theo đúng các nguyên tắc ăn dặm trong một giai đoạn nhất định, thường bắt đầu từ tháng thứ 6 và kết thúc quá trình vào tháng thứ 24.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên cho trẻ tập ăn dặm quá sớm (dưới 6 tháng tuổi) vì hệ tiêu hóa của trẻ chỉ có thể hấp thu các loại thức ăn ở dạng lỏng như sữa mẹ. Trái lại, việc cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 6 tháng tuổi) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ, chẳng hạn như chậm lớn, hệ miễn dịch yếu dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng.

Chế độ ăn dặm thực đơn của trẻ
Nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi

2. Các dấu hiệu nhận biết trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn lo lắng rằng liệu bé đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa. Đây là một dấu mốc quan trọng, giúp trẻ làm quen dần với các loại thức ăn mới ngoài sữa mẹ. Bạn có thể dựa trên những biểu hiện của trẻ để quyết định cho bé ăn dặm dưới đây:

  • Trọng lượng của cơ thể nặng gấp đôi so với lúc mới sinh
  • Bé đã tự ngồi dậy một mình
  • Bé không còn phản xạ đẩy thức ăn hoặc vật lạ ra khỏi miệng
  • Trẻ đã biết từ chối thức ăn không hợp khẩu vị bằng hành động ngoảnh đầu đi nơi khác.
  • Biết đưa miệng về phía trước khi cha mẹ cho ăn
  • Bé cảm thấy thích thú khi được cho ăn

3. Nên cho trẻ ăn dặm những gì?

Trước hết, bạn cần lưu ý rằng, ở độ tuổi này sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh. Các loại thức ăn đặc vào thời điểm này chỉ là nguồn dưỡng chất bổ sung và bạn vẫn nên cung cấp cho bé nhiều sữa mẹ.

Thông thường, nguồn thực phẩm ăn dặm đầu tiên cho trẻ là ngũ cốc, ví dụ như gạo hoặc bột yến mạch. Tuy nhiên, một số trẻ có dấu hiệu không thích ăn ngũ cốc, điều này là hoàn toàn bình thường. Nó không ảnh hưởng gì lớn cho trẻ nếu bạn bỏ qua giai đoạn cho ăn ngũ cốc và đi thẳng đến các loại thực phẩm xay nhuyễn khác. Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyến cáo rằng mẹ nên cho trẻ ăn thử ngũ cốc vì trong loại thực phẩm này không chỉ có chứa nhiều chất sắt, rất cần thiết đối với sự phát triển của bé 6 tháng tuổi, mà còn là cầu nối quan trọng, tạo sự thuận lợi cho trẻ khi mới tập ăn dặm.

Nếu bạn đang cho con bú, tránh trộn sữa mẹ với ngũ cốc trong những lần ăn thử đầu tiên để hạn chế phung phí sữa trong trường hợp trẻ không ăn được chúng. Lúc đầu, bạn nên trộn ngũ cốc với một ít nước, tới khi trẻ có thể thích nghi và muốn ăn, bạn có thể trộn chúng cùng với sữa mẹ.

Làm thế nào để trẻ sơ sinh không lười bú sữa mẹ?
Sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh

Những lần ăn thử đầu tiên, bạn nên cho trẻ ăn ngũ cốc lỏng, sau đó tăng dần độ đặc. Mỗi lần ăn dặm, hãy chỉ cho trẻ ăn một vài muỗng. Khi bé đã quen dần và muốn ăn nhiều hơn, bạn có thể tăng lên khoảng 3-4 muỗng/ lần cho ăn. Nếu bé đã ăn tốt ngũ cốc 1 lần/ ngày trong 1-2 tuần, bạn hãy thử cho bé ăn 2 lần/ngày, rồi sau đó bắt đầu chuyển sang các loại thực phẩm xay nhuyễn.

Khi cho bé tập ăn dặm với những loại thức ăn mà bé chưa từng ăn trước đó, hãy cho bé ăn ít nhất ba ngày liên tục trước khi thử một loại thực phẩm mới. Điều này giúp xác định được loại thực phẩm nào mà trẻ có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp được.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, một số thói quen ăn kiêng sau này của trẻ thường bắt đầu trong giai giai đoạn trứng nước. Theo một nghiên cứu vào năm 2014 đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ không ăn nhiều trái cây hoặc rau quả trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng tuổi có thể sẽ không ăn được nhiều những loại thực phẩm này khi lớn lên.

4. Không nên cho trẻ ăn dặm những gì?

Dưới đây là một số loại thực phẩm bạn không nên cho bé ăn trong giai đoạn này, bao gồm:

  • Mật ong nguyên chất: có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh. Bạn nên cho trẻ ăn sau khi trẻ được 12 tháng tuổi.
  • Sữa bò: không nên cho bé uống sữa bò lúc 6 tháng tuổi vì chúng không thể tiêu hóa đúng cách, thậm chí gây chảy máu tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.
  • Các loại cá: tránh cho bé ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, như cá ngừ.
  • Nước ép trái cây: các loại nước ép trái cây tự nhiên thường chứa rất nhiều đường. Lượng đường quá mức ở độ tuổi này có liên quan đến các vấn đề sau này trong cuộc sống. Cho trẻ uống nhiều nước ép trái cây chứa nhiều đường trong giai đoạn trứng nước sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc béo phì khi trẻ 6 tuổi.
nước ép
Nước ép trái cây làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ nhỏ

5. Những nguyên tắc cần lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

Việc cho trẻ ăn dặm cũng cần phải có những nguyên tắc thực hiện nhất định nhằm đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ một cách thuận lợi và khoa học. Dưới đây là một số nguyên tắc mà các bậc phụ huynh cần lưu ý:

Sử dụng các loại thức ăn có tính chất lỏng giống với sữa công thức hoặc sữa mẹ để bé có thể quen dần với việc ăn dặm. Trong những ngày đầu, bạn nên thực hiện theo nguyên tắc “ngọt- mặn”, nghĩa là cho trẻ ăn dặm với bột ngọt trước sau đó sẽ chuyển dần sang bột mặn để bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn cho trẻ.

Một nguyên tắc quan trọng khác mà mẹ cũng nên biết, đó là quy tắc “ít- nhiều”. Trong giai đoạn đầu, bạn nên cho trẻ ăn với số lượng ít, sau đó tăng dần khi trẻ đã thích nghi với việc ăn dặm. Phương pháp này sẽ rất hữu ích đối với hệ tiêu hóa còn “non nớt” của trẻ, giúp bé hấp thụ các nguồn dưỡng chất dồi dào và phong phú hơn mỗi ngày.

Nguyên tắc “loãng-đặc”, tức là loãng trước và đặc sau. Phương pháp này giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả hơn để tiêu hóa các loại thức ăn phức tạp.

“Tô màu chén bột” cũng là một trong những nguyên tắc trọng yếu mà cha mẹ cần lưu ý khi tập cho con ăn dặm. Nguyên tắc này được thực hiện dựa trên 4 nhóm thức ăn sau:

  • Nhóm bột đường: gồm bột mỳ, gạo, phở, bún, bột mì, bánh mỳ, khoai, ngô,...
  • Nhóm chất béo: gồm mỡ, dầu, pho mát, bơ,...
  • Nhóm đạm: gồm cá, thịt, sữa, trứng, tôm, đậu nành, đậu đỗ,...
  • Nhóm vitamin và các loại khoáng chất: gồm trái cây và rau củ quả.
ăn dặm
Giai đoạn đầu nên cho bé ăn với số lượng ít

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo rằng, khi nấu thức ăn cho trẻ 6 tháng tuổi không nên cho thêm các gia vị mặn như muối hoặc mắm vào đồ ăn của trẻ để tránh làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chức năng của thận.

Một nguyên tắc khác mà mẹ cần lưu ý là không nên ép trẻ ăn quá nhiều. Chính vì tâm lý sợ con ăn không đủ chất dinh dưỡng để phát triển thể chất đầy đủ đã vô tình áp đặt lên trẻ tâm lý biếng ăn, sợ ăn. Vì vậy, khi trẻ tỏ ra không muốn ăn thêm, bạn nên ngừng việc cho bé ăn dặm khoảng một tuần rồi sau đó mới tiếp tục trở lại để bé không bị quá căng thẳng hoặc có thái độ tránh né khi ăn dặm.

Chế độ dinh dưỡng cho bé 6 tháng tuổi bắt đầu ăn dặm rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến khẩu vị của bé sau này và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Nếu chế độ dinh dưỡng không phù hợp, ăn dặm không đúng cách sẽ rất dễ gây ra những rối loạn tiêu hóa. Nếu bạn đang bối rối và chưa biết mình nên xây dựng chế độ dinh dưỡng ăn dặm cho bé như thế nào thì có thể đến Khoa Nhi - Sơ sinh của các trung tâm y tế uy tín để được tư vấn dinh dưỡng toàn diện cho trẻ.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan