Bệnh viêm da Pellagra do thiếu vitamin PP

Bệnh Pellagra thường được biết đến khi bệnh đã xuất hiện các triệu chứng ra bên ngoài cơ thể của bệnh nhân. Lúc này, người bệnh phải đến khi bác sĩ chẩn đoán và để được áp dụng phương pháp điều trị thích hợp.

1. Bệnh Pellagra là gì?

Bệnh viêm da pellagra là do chế độ ăn kiêng thiếu niacin hoặc tryptophan hoặc thiếu cả hai và mất cân bằng các acid amin. Đặc biệt ở những người chế độ ăn kiêng ngô hoàn toàn.

Nguyên nhân gây bệnh Pellagra:

  • Ăn ngô hoặc lúa miến nguyên chất, không chế biến.
  • Chỉ ăn ngô và ăn lúa miến mà không ăn thêm các loại ngũ cốc khác.
  • Rối loạn hấp thụ của cơ quan tiêu hóa do thiếu vitamin PP và các vitamin nhóm B khác như B1, B2, B6.
  • Nhiều chị em muốn giảm cân sau sinh, ăn chế độ ăn hoàn toàn bằng rau cũng dễ gây ra bệnh.
  • Kém hấp thu các chất dinh dưỡng.
  • Ăn uống mất cân bằng axit amin có thể ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp niacin của cơ thể.
  • Chán ăn tâm thần.
  • Tiêu chảy kéo dài.
  • Do dùng một số loại thuốc làm ảnh hưởng tới chuyển hoá và hấp thụ vitamin PP.
  • Do khối u ác tính.

Ngoài ra, bệnh pellagra còn gặp ở những người nghiện rượu nặng. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời làm bệnh pellagra phát triển.

2. Vitamin PP

Vitamin PP
Thiếu Vitamin PP do rối loạn chức năng hấp thụ của hệ tiêu hoá có thể gây bệnh Pellagra

Vitamin PP (hay nicotinamide) là một loại thuốc dinh dưỡng thuộc vitamin nhóm B. Có trong nhiều thực phẩm như: nấm men, thịt, cá, sữa, trứng, rau xanh và các hạt ngũ cốc; tuy nhiên, một số lượng nhỏ vitamin này trong ngũ cốc tồn tại ở dạng khó hấp thu.

Vitamin PP có vai trò sống còn trong các phản ứng chuyển hóa như: hô hấp tế bào, phân giải glycogen, chuyển hóa lipid. Vì vậy, nếu thiếu vitamin PP sẽ gây ra nhiều rối loạn với các biểu hiện như: chán ăn, suy nhược cơ thể, dễ bị kích thích, viêm lưỡi, viêm miệng, viêm da, đặc biệt là các vùng da hở ở như chân, tay; tiêu chảy, rối loạn tâm thần (trong bệnh Pellagra mức độ nặng).

Hậu quả của thiếu Vitamin PP: khi khẩu phần ăn bị thiếu hụt (ngũ cốc, chế độ ăn thiếu protein có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin PP trong cơ thể) hay trong các trường hợp tăng nhu cầu về vitamin PP như: Bệnh cường tuyến giáp, đái tháo đường, xơ gan, trong thời gian mang thai và cho con bú... có thể cần thiết phải bổ sung nicotinamid.

Bên cạnh đó người mắc bệnh pellagra (bệnh này có nguyên nhân do thiếu vitamin PP như khẩu phần ăn không đủ, do điều trị bằng thuốc chống lao isoniazid, hoặc do giảm chuyển hóa tryptophan thành acid nicotinic trong bệnh Hartnup, hoặc do u ác tính)... cần phải dùng vitamin PP để điều trị.

vitamin PP
Vitamin PP có nhiều trong một số loại thực phẩm được sử dụng hằng ngày

3. Triệu chứng lâm sàng điển hình

Bệnh pellagra đặc trưng bởi tam chứng "3 chữ D": Viêm da (dermatitis), tiêu chảy (diarrhea) và giảm trí nhớ (dementia).

  • Giai đoạn đầu:

Các biểu hiện về tiêu hóa là triệu chứng tiền triệu hay gặp nhất trước khi xuất hiện các biểu hiện bệnh về da. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tiêu chảy...

Tổn thương da xuất hiện về mùa hè, sau đó có những đợt vượng bệnh hoặc tái phát theo mùa.

Các thay đổi về da là các biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh, vị trí hay gặp là vùng tiếp xúc với ánh nắng hoặc vùng cọ xát nhiều. Biểu hiện ban đầu thường là ban đỏ ở vùng mu tay kèm theo ngứa và cảm giác rát bỏng, tổn thương đối xứng và da hơi phù nề nhẹ.

Ở một số bệnh nhân, mụn nước xuất hiện sau vài ngày bị ban đỏ, các tổn thương liên kết với nhau thành bọng nước rồi vỡ ra. Trong một số trường hợp khác xuất hiện các vảy da khô màu nâu.

  • Giai đoạn thứ 2:

Tổn thương da trở nên cứng, khô ráp, dễ vỡ màu hơi nâu. Thượng bì các ngón tay dày và các nếp gấp bị xóa. Xuất hiện các vết nứt đau ở lòng bàn tay và ngón tay.

Khi giai đoạn nặng kéo dài, da bệnh nhân trở nên cứng hơn, khô hơn, dễ vỡ hơn và trên da phủ một lớp vảy màu hơi đen do xuất huyết.

Vị trí tổn thương hay gặp là ở mặt, cổ, mu của tay và chân. Các vị trí khác thường hiếm gặp hơn.

Mu tay là vị trí hay gặp nhất; tổn thương có thể lan lên cẳng tay và tạo hình ảnh giống như "găng tay" trong bệnh pellagra.

Ở chân, tổn thương từ mu chân đến phía dưới cẳng chân, vùng gót thường không bị tổn thương. Phía trước, tổn thương lan tới ngón chân hoặc mu của ngón chân cái. Phía trước và sau của cẳng chân cũng có thể bị tổn thương, tạo ra hình ảnh “đi ủng".

Ở mặt tổn thương đối xứng. Tổn thương lan từ bờ bên mũi ra toàn bộ mũi, trán, má, cằm, môi và hiếm khi lan lên mi mắt và tai. Có thể gặp hình cánh bướm giống như trong bệnh lupus đỏ hệ thống.

pellagra
Hình ảnh bàn tay của người bị bệnh pellagra

Trên trán luôn có bờ hẹp da lành giữa vùng ban đỏ và tóc. Mặt thường chỉ bị tổn thương nhẹ. Tổn thương ở mặt không bao giờ xuất hiện đơn độc mà thường kèm với các tổn thương ở tay hoặc nơi khác.

Vị trí hay bị khác là vùng vai, khuỷu, cánh tay và đầu gối.

Bệnh có thể gây biểu hiện viêm âm hộ, âm đạo được gọi là viêm âm hộ, âm đạo pellagra và tổn thương vùng quanh hậu môn và bìu.

  • Rối loạn tâm thần: Mệt mỏi về tinh thần, thể chất, chóng mặt, đau các dây thần kinh, rối loạn thị giác, nhìn không rõ, vẻ mặt lạnh nhạt, giảm trí nhớ hay buồn vô cớ, thiểu năng tinh thần.
  • Tam chứng pellagra: nếu những triệu chứng càng trầm trọng bệnh càng nặng, bệnh nhân có thể giảm thân nhiệt toàn thân, liệt và trầm cảm pellagra. Có khi bệnh nhân sốt cao làm cơ thể suy sụp có thể dẫn đến tử vong.

4. Triệu chứng lâm sàng không điển hình

  • Hồng ban dạng pellagra: Triệu chứng da là chủ yếu kèm theo ít triệu chứng về tiêu hóa và thần kinh. Tiến triển lành tính thường gặp ở người già yếu. Thể này có thể chuyển sang bệnh pellagra thực sự.
  • Thể không rõ rệt: Thường gặp ở trẻ em thiếu sinh tố hoặc phụ nữ có thai hoặc thiểu năng chức năng gan, rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp xuất hiện sau những sang chấn tinh thần, sau phẫu thuật.

5. Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán bệnh có thể dựa vào xét nghiệm các chất chuyển hóa của niacin giảm trong nước tiểu và giải phẫu bệnh

Nước tiểu
Xét nghiệm niacin trong nước tiểu giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý pellagra

6. Điều trị bệnh viêm da Pellagra

  • Điều trị đặc hiệu là uống niacinamide (còn gọi là vitamin PP).
    • Dành người lớn: người lớn có thể bổ sung khoảng 10 - 20mg/ngày.
    • Đối với trẻ em: trẻ em (giới tính nam) từ 14 - 18 tuổi: liều dùng khoảng 16mg/ngày. Trẻ em (giới tính nữ) từ 14 - 18 tuổi: liều dùng chỉ khoảng 14mg/ngày.
  • Chế độ ăn giàu vitamin (đặc biệt các vitamin nhóm B khác) và đạm năng lượng cao là cần thiết.
  • Bôi kem chống nắng: kem kẽm.
  • Thuốc bong vảy: salicylic 5%.

7. Chế độ sinh hoạt phù hợp cho bệnh viêm da Pellagra

  • Nên ăn các loại ngũ cốc khác nhau tránh chỉ ăn hai loại ngũ cốc là ngô và lúa miến đơn thuần
  • Chế độ ăn nên kèm theo thịt cá và các chất có nhiều vitamin nhất là vitamin nhóm B để phục hồi sức khỏe
  • Nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên, phát hiện một số bệnh có liên quan.
  • Không uống nhiều rượu bia
  • Bảo vệ và bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan