Điều trị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch não

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh nhân xuất huyết não nếu được điều trị kịp thời sẽ giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng. Một số bệnh nhân xuất huyết não có thể hồi phục, đi lại được sau quá trình điều trị.

1. Xuất huyết não nguy hiểm như thế nào?

Xuất huyết não là một dạng tai biến mạch máu não rất nguy hiểm, bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và dữ dội, nếu bệnh nặng, mạch máu vỡ ra, máu chảy tràn vào các nhu mô não gây ra hôn mê sâu, rối loạn nhịp tim, nhịp thở.

Với các bệnh nhân bị xuất huyết não thể nhẹ thường có biểu hiện rối loạn ý thức, không tỉnh táo, thậm chí lú lẫn. Ở thể nặng thì sẽ có biểu hiện co cứng toàn thân, lên cơn co giật, hôn mê sâu, đôi khi có nôn chất đen và sốt. Nếu phát hiện bệnh muộn và không được cấp cứu kịp thời đúng phương pháp thì tỉ lệ tử vong lên tới 81%.

Các bệnh nhân may mắn “thoát chết” thường phải sống chung với di chứng xuất huyết não về thần kinh hoặc vận động, trong đó chỉ có khoảng 1/5 bệnh nhân có khả năng phục hồi chức năng, sống tự lập, trở về với cuộc sống sau 1 năm điều trị bệnh.

Chấn thương sọ não
Xuất huyết não thường khởi phát một cách đột ngột và dữ dội

2. Điều trị xuất huyết não

  • Lưu thông đường thở: Để bệnh nhân nằm đầu cao 30o giúp cho tuần hoàn máu trở về tim tốt hơn, góp phần làm giảm áp lực trong sọ và phù não. Để đầu nghiêng về một bên, tránh chất trào ngược vào đường hô hấp gây viêm phổi hút, móc hút đờm dãi, chống tụt lưỡi.
  • Điều chỉnh tim mạch và huyết áp: Cần theo dõi trên máy theo dõi 24/24 giờ các chỉ tiêu mạch, huyết áp. 85% bệnh nhân bị xuất huyết não do huyết áp cao, cần phân biệt giữa tăng huyết áp phản ứng và bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp từ trước. Nếu bệnh nhân tăng huyết áp phản ứng thì số đo huyết áp tâm thu ít khi vượt quá 180mmHg, không có triệu chứng tổn thương các cơ quan đích, không cần điều chỉnh huyết áp, sau 3 - 5 ngày điều trị đột quỵ huyết áp sẽ trở lại bình thường.
  • Chống phù não tích cực: Phù não thường xuất hiện sau 2 - 3 giờ đột quỵ, đạt tối đa sau 24 giờ, tồn tại và kéo dài từ 5 - 10 ngày, hậu quả gây tăng áp lực trong sọ, làm giảm áp lực tưới máu não và có thể gây tụt, kẹt não nên phải điều trị tích cực. Một số loại thuốc chống phù não gồm: mannitol, glycerol, magie sunfat,..
  • Phẫu thuật nếu cần thiết: Đối với những trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não nặng, phương pháp phẫu thuật sẽ giúp giảm phù và ngăn chặn sự chảy máu não. Khi não bị phù, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạm thời cắt bỏ một phần hộp sọ để làm giảm áp lực lên não. Việc hồi phục từ một cơn xuất huyết não thường rất chậm. Sau đó, bác sĩ sẽ tầm soát xem bạn có bị các chứng như túi phình động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch hoặc ung thư hay không.

3. Chăm sóc người bệnh sau xuất huyết não

Sau khi bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, nguy cơ di chứng để lại là rất cao, vì vậy việc điều trị và chăm sóc đúng cách đóng vai trò rất lớn đến kết quả hồi phục sau xuất huyết não cho người bệnh. Chăm sóc sai cách, lơ là trong công tác điều trị khiến khả năng hồi phục có thể không cải thiện mà còn có nguy cơ tái phát cao, vì vậy người nhà cần tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về các phương pháp điều trị và thực hiện đúng theo phác đồ sau:

3.1 Phục hồi chức năng vận động

  • Thực hiện bài tập phục hồi chức năng vận động và nhận thức như hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các động tác vận động, co duỗi chân tay ngày 2 lần để các cơ được vận động, không bị co cứng.
  • Xoa bóp các cơ, chi cho bệnh nhân để giảm thiểu nguy cơ teo cơ, rút gân do ít vận động.
  • Nếu bệnh nhân bị liệt toàn thân, nên thường xuyên giúp bệnh nhân thay đổi tư thế nằm nghiêng, ngồi... để tránh nguy cơ lở loét vùng lưng,
  • Đưa bệnh nhân đến bệnh viện theo đúng hẹn để thực hiện các bài tập vật lý trị liệu.
  • Đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái được vận động mỗi ngày.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể bệnh nhân sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày, luôn đảm bảo cơ thể khô thoáng trước khi nằm.
  • Giao tiếp với bệnh nhân thường xuyên dù bệnh nhân đã mất nhận thức hay chưa, để tinh thần người bệnh luôn được thoải mái, sảng khoái.

3.2 Chế độ dinh dưỡng phù hợp

  • Bệnh nhân xuất huyết não cần nạp từ 1.800 – 2.200 kcal mỗi ngày làm năng lượng.
  • Chia nhỏ bữa ăn hằng ngày, tránh việc để bệnh nhân ăn quá no có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây khó thở, nghẹt thở.
  • Chọn lựa các thực phẩm giàu chất xơ có trong các loại rau củ, trái cây. Chế biến thực phẩm thanh đạm, hạn chế sử dụng dầu mỡ và nhiều gia vị cho bệnh nhân.
  • Chế biến các món ăn dạng lỏng, mềm, dễ hấp thu để bệnh nhân tiêu hóa tốt hơn.
  • Nếu có thể tự ăn uống nên để bệnh nhân tự thực hiện, không thúc ép, nhai nuốt chậm rãi để tăng thêm cơ hội vận động tay.Trường hợp hôn mê sâu, sống thực vật sẽ được tiến hành truyền dinh dưỡng qua ống theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên truyền chậm, nhẹ nhàng để tránh gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Đối với người xuất huyết não người nhà cần lưu ý giảm lượng muối để tránh nguy cơ tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Đây chính là một trong những nguyên nhân xuất huyết não.
muối
Cần lưu ý giảm lượng muối để tránh nguy cơ tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu, gây xuất huyết não

4. Các biện pháp phòng bệnh tái phát

  • Bệnh xuất huyết não có xu hướng tái phát mạnh nếu không có biện pháp kiểm soát và phòng tránh bệnh tốt.
  • Để phòng tránh bệnh xuất huyết não cần tránh cho thân nhiệt người bệnh thay đổi đột ngột. Giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh, các đợt gió mùa và áp suất không khí lên cao vào mùa hè.
  • Không nên tắm khuya và tiếp xúc với gió, đặc biệt đối với người cao huyết áp.
  • Cố gắng luôn ổn định tinh thần. Tránh làm việc hay suy nghĩ dẫn đến stress, tránh xúc động mạnh và hãy nhớ ngủ đủ giấc.
  • Kiêng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Nên ăn nhiều rau xanh và chất xơ tránh bị táo bón.
  • Điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim...
  • Không vận động thể lực quá mạnh như: đá bóng, vác nặng hay chạy nhanh...
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những xáo trộn trong cơ thể.
  • Tuân thủ nghiêm tục các chỉ định yêu cầu của bác sĩ và tái khám đúng hẹn
  • Dự trữ thuốc cấp cứu xuất huyết não trong trong nhà để kịp thời sử dụng khi có người phát bệnh.

Kỹ thuật điều trị lấy huyết khối động mạch não đã được áp dụng tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng nhằm tăng cơ hội chữa trị cho bệnh nhân nhồi máu não nói riêng và các bệnh lý về huyết khối nói chung.

Kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn:

Kỹ thuật được chỉ định cho các bệnh nhân:

  • Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình mạch não
  • Nhồi máu não do tắc động mạch não lớn.
  • Xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch não

Điểm nổi trội ưu việt của phương pháp đó là sử dụng máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0máy chụp cắt lớp CT 640 dãy phục vụ cho kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối động mạch não.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02363711111 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Đà Nẵng.

63.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan