Thông tin chung cần biết về vắc xin Covid-19 Pfizer

Bài viết của Dược sĩ Dương Thu Hương - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Vắc-xin COVID-19 của hãng BioNTech/Pfizer (BNT162b2) là vắc-xin phòng bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, được sản xuất theo công nghệ mới sử dụng vật chất di truyền dạng RNA. Vắc-xin được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021.

1. Thông tin chung về vắc xin Covid-19 Pfizer

Vắc xin Pfizer của nước nào? Vắc xin Covid-19 BioNTech/Pfizer của Mỹ còn có tên gọi khác là Comiranty. Trong mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg mRNA (được nhúng trong các lipid nanoparticle).

Dạng bào chế, quy cách đóng gói vắc xin là hỗn dịch tiêm đậm đặc, đóng lọ 0.45 ml tương đương 6 liều vắc-xin sau pha với 1.8 ml dung dịch pha loãng. Vắc xin Pfizer được bảo quản như sau:

  • Bảo quản tại nhiệt độ trong khoảng -90 độ C đến - 60 độ C: Hạn sử dụng 6 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản tại nhiệt độ trong khoảng -25 độ C đến -15 độ C: Bảo quản tối đa được 2 tuần, sau đó cần chuyển sang sử dụng và bảo quản ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C.
  • Bảo quản nhiệt độ 2 đến 8 độ C: Lọ vắc-xin chưa pha loãng có thể để tối đa 31 ngày. Vắc-xin sau pha loãng chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ

Chú ý: Ghi lại ngày bắt đầu bảo quản ở nhiệt độ 2- 8 độ C. Không được để đông băng lại lọ vắc-xin đã rã đông, quá trình rã đông ở nhiệt độ 2- 8 độ C trong khoảng 3 giờ.

Hiệu lực bảo vệ được tính từ thời điểm 14 ngày sau liều tiêm thứ 2 là 95%.

2. Phác đồ tiêm chủng vắc xin Covid-19 Pfizer

Phác đồ tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên, 2 mũi tiêm bắp 0.3 ml cách nhau tối thiểu 21 ngày.

  • Tiêm tiếp nối Pfizer sau mũi 1 AstraZeneca: Trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm AstraZeneca sau 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý.
  • Tiêm 2 loại vắc-xin mRNA khác nhau để hoàn thành lịch trình tiêm: Một số quốc gia hiện đã cho phép tiêm 2 loại vắc-xin mRNA khác nhau để hoàn thành lịch trình tiêm trong trường hợp thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, hiện tại chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả và tính an toàn của việc tiêm 2 loại vắc-xin mRNA. Bộ Y tế Việt Nam hiện khuyến cáo vắc-xin mRNA cần hoàn thành liệu trình tiêm với vắc-xin cùng loại.

3. Chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer

Những đối tượng cần chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer bao gồm:

  • Người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng (như sốc phản vệ) với liều vắc-xin mRNA Covid-19 trước đó hoặc thành phần của Comiranty (như polyethylene glycol)
  • Có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên với bất kì dị nguyên nào

Xem ngay: Một số loại vắc-xin Covid-19 nổi bật

pfizer
Vắc xin Covid-19 BioNTech/Pfizer của Mỹ còn có tên gọi khác là Comiranty

4. Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng vắc xin Pfizer

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng vắc xin Pfizer bao gồm:

  • Người đang mắc các bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.
  • Những người suy giảm chức năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù
  • Trong vòng 14 ngày trước điều trị corticoid liều cao (tương đương Prednisone ≥ 2mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày) hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
  • Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
  • Đã tiêm các vắc-xin khác trong vòng 14 ngày.

5. Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng vắc xin Pfizer

Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:

  • Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác
  • Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định
  • Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
  • Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
  • Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

+ Huyết áp tối thiểu <60 mmHg hoặc >90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa <90 mmHg hoặc >140 mmHg.

+ Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

6. Phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Pfizer

Các tác dụng không mong muốn thường hay xuất hiện có mức độ từ nhẹ đến trung bình và cải thiện khoảng 2 - 3 ngày sau tiêm vắc-xin, hay gặp nhất bao gồm:

  • Rất phổ biến: Đau đầu, Đau cơ, khớp, Đau/sưng tại vị trí tiêm, Mệt mỏi , Ớn lạnh, Sốt
  • Phổ biến: Buồn nôn, Mẩn đỏ tại chỗ tiêm
  • Không phổ biến: Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, ngứa chỗ tiêm
  • Hiếm: Liệt mặt ngoại biên cấp tính
  • Rất hiếm: phản ứng phản vệ, viêm cơ tim/ màng tim cấp sau tiêm vắc-xin

7. Theo dõi sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 Pfizer

7.1. Tại điểm tiêm chủng

Người được tiêm chủng nên ở lại điểm tiêm chủng từ 1-2 giờ để được theo dõi. Trường hợp có bệnh lý nền tim mạch, tiểu đường, hô hấp...có thể lâu hơn để nhân viên y tế theo dõi và đánh giá phản ứng sau tiêm.

pfizer
Đau, sưng tại vị trí tiêm là phản ứng thường gặp sau tiêm chủng vắc xin Pfizer

7.2. Tự theo dõi tại nhà

Người được tiêm chủng cần tự theo dõi ít nhất 1-2 ngày và tốt nhất 7 ngày sau tiêm vắc-xin với các dấu hiệu tại vị trí tiêm (sưng, nóng, đỏ, đau), thân nhiệt, ban trên da, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, ớn lạnh, rối loạn tiêu hóa... Nên có người giám sát theo dõi cùng trong vòng 48-72 giờ, không nên uống rượu bia trong thời gian này.

Người được tiêm chủng vắc xin cũng cần chú ý theo dõi tối thiểu 2 - 4 ngày sau tiêm các dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim/ màng ngoài tim như sau:

  • Đau ngực: đau thắt vùng sau xương ức, ngực trái hoặc phải, đau rát bỏng thay đổi theo nhịp hô hấp hoặc tư thế.
  • Khó thở ở các mức độ khác nhau, có thể từ khó thở nhẹ khi gắng sức đến khó thở dữ dội
  • Rối loạn nhịp tim: cảm giác tim đập nhanh/chậm bất thường, hoặc hồi hộp trống ngực.
  • Dấu hiệu nặng nguy kịch: tĩnh mạch cổ nổi, huyết áp tụt/ kẹt, đầu chi lạnh ẩm nổi vân tím.

8. Cách xử trí nếu có các phản ứng phụ sau tiêm chủng

Phản ứng phụ thông thường sau tiêm cần chú ý:

  • Không đắp, chườm tại chỗ tiêm sau thực hiện dịch vụ với các dấu hiệu tại chỗ (sưng, nóng, đỏ, đau).
  • Có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt (paracetamol, Panadol, Efferalgan...) nếu sốt từ 38.5 độ C trở lên, 4-6 giờ/ lần, hoặc khi có đau nhiều (đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm) ...
  • Các triệu chứng buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, ớn lạnh ...có thể tự hết sau 1-2 ngày, không cần can thiệp về y tế.

Người được tiêm chủng cần chú ý, đến ngay cơ sở y tế nếu có dấu hiệu nặng, bất thường sau tiêm chủng:

  • Miệng (ngứa, sưng môi và/hoặc lưỡi), họng (ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc)
  • Da (phát ban, sưng, tím tái). Sốt > 39 độ C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ.
  • Tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, cảm giác co thắt đường ruột)
  • Hô hấp (thở dốc, ho, thở khò khè, khó thở, cảm giác nghẹt thở)
  • Tim mạch (mạch yếu, chóng mặt, choáng, cảm giác muốn ngã), chân tay co quắp.
  • Có dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim/ màng ngoài tim.

Vắc xin phòng Covid-19 Pfizer là vắc xin được chỉ định tiêm chủng phòng bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Việc nắm rõ kiến thức tiêm chủng và thông tin về vắc xin sẽ giúp người tiêm chủng nắm được cách xử trí khi có các phản ứng phụ gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  • [1]https://www.cdc.gov/vaccines/covid-19/info-by-product/pfizer/index.html
  • [2] Quyết định số 3348/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế V/v ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid 19.
  • [3] https://www.cdc.gov/vaccines/covid-19/info-by-product/pfizer/downloads/storage-summary.pdf
  • [4] Bảo quản https://www.health.gov.on.ca/en/pro/programs/publichealth/coronavirus/docs/vaccine/COVID-19_Pfizer_vaccine_admin.pdf
  • [5] https://www.michigan.gov/documents/mdhhs/COVID-19_Vaccine_Information_for_Providers_FINAL_709212_7.pdf
  • [6]https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8133385/

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

156K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan