Tập hít, giữ, thở ra, nín thở hậu COVID

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Coronavirus gây ra COVID-19 tấn công phổi và hệ hô hấp, đôi khi dẫn đến nhiều tổn thương đáng kể cũng như di chứng về lâu dài. Theo đó, COVID-19 thường dẫn đến viêm phổi và thậm chí là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), một dạng tổn thương phổi nặng. Vì vậy, các bài tập thở hậu covid giúp phục hồi chức năng phổi cần được nhận quan tâm nhất định để giúp lấy lại khả năng hít thở thoải mái nhất cho người bệnh.

1. Lợi ích của các bài tập thở hậu Covid

Hầu hết những người nhiễm SARS-CoV-2 có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần. Các trường hợp nhiễm virus nghiêm trọng có thể mất một tháng hoặc lâu hơn để hồi phục... Tuy nhiên, các nghiên cứu kỹ thuật thở đúng có thể giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn và làm giảm tác động của COVID-19 tới sức khỏe.

Theo giải phẫu sinh lý của hệ hô hấp, động tác hít thở sâu là điều kiện cơ bản để có thể nhanh chóng phục hồi chức năng cơ hoành và qua đó gián tiếp sẽ làm tăng dung tích sống của hai phế trường. Chính vì vậy, mục đích của những bài tập thở hậu Covid là để xây dựng khả năng hít thở sâu trong bất kỳ hoạt động nào, không chỉ khi nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, nếu biết tập thở ra hít vào đúng cách, liệu pháp này cũng có thể giảm bớt cảm giác lo lắng và căng thẳng, thường xảy ra đối với những người đã trải qua các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng hoặc đã nhập viện. Chất lượng giấc ngủ cũng có thể được cải thiện nhờ các bài tập thở tốt cho phổi này.

Bất kỳ ai cũng có thể hưởng lợi từ các kỹ thuật thở sâu; tuy nhiên, chúng lại đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phục hồi COVID-19. Các bài tập thở hậu Covid có thể được bắt đầu tại nhà trong thời gian tự cách ly và sau đó sẽ dễ dàng kết hợp vào thói quen hàng ngày của từng cá nhân, góp phần phục hồi chức năng hô hấp khi gắng sức cũng như phòng ngừa di chứng hậu Covid khó thở. Tập thở đúng cách sau khi điều trị Covid-19 đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp người bệnh tránh bị hụt hơi và tốt cho phổi hậu Covid.

2. Những điều cần lưu ý trước khi thực hiện các bài tập thở hậu Covid

Không nên bắt đầu các bài tập thở hậu Covid mà phải thăm khám bác sĩ ngay nếu:

  • Bị sốt
  • Bị hụt hơi hoặc khó thở khi nghỉ ngơi
  • Có bất kỳ cơn đau ngực hoặc tim hồi hộp
  • Bị phù chân mới xuất hiện

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần ngừng tập thể dục ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Chóng mặt
  • Khó thở hơn bình thường
  • Tức ngực
  • Da, đầu chi lạnh
  • Mệt mỏi quá mức
  • Nhịp tim không đều

Bất kỳ triệu chứng nào nêu trên cũng cần coi là trường hợp khẩn cấp và người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

3. Các bài tập thở hậu Covid

3.1. Hít vào môi mím chặt

Bài tập thở tốt cho phổi khi người bệnh phải hít được vào bằng mũi trong khi mím môi, sau đó thở ra bằng miệng và thời gian hít vào phải ít nhất gấp đôi thời gian thở ra.

Hình thức tập thở ra hít vào này từ lâu đã được dạy cho nhiều bệnh nhân bị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; sau này lại được tiếp tục khuyến nghị cho những bệnh nhân hậu COVID-19 khi vẫn đang gặp nhiều vấn đề về phổi.

Mặc dù có thể đơn giản, bài tập thở mím môi có thể làm giảm số lần hít thở và giữ cho đường thở được mở ra lâu hơn. Theo đó, khi có nhiều không khí có thể đi vào và ra khỏi phổi, người bệnh sẽ có thể hoạt động thể chất nhiều hơn.

3.2. Thở bằng bụng

Một trong các bài tập thở hậu Covid hiệu quả nhất là thở bằng bụng, còn được gọi là thở bằng cơ hoành.

Vốn đã được coi là bài tập cốt lõi của yoga và Thái Cực Quyền, thở bằng cơ hoành bao gồm "sự co lại của cơ hoành, mở rộng bụng và hít vào và thở ra sâu hơn, do đó làm giảm tần số hô hấp và tối đa hóa lượng dưỡng khí trong máu. Ngoài ra, lợi ích của thở bằng bụng còn góp phần giúp cân bằng cảm xúc và thích ứng với xã hội, cũng như ổn định các chuyển động hô hấp nhịp nhàng hơn.

Khi bắt đầu, người bệnh tập thở bằng bụng với tư thế nằm ngửa là dễ nhất để có thể thư giãn toàn thân. Đồng thời, tư thế nằm cũng giúp mắt dễ nhận thấy bụng của mình nở ra và thư giãn như thế nào trong từng thì hít vào và thở ra. Khi để bụng nở ra và co lại khi thở, hãy mím môi lại và dùng lưỡi hạn chế nhẹ phần sau của cổ họng bằng cách ấn vào vòm miệng. Hít vào chậm rãi, nhẹ nhàng rồi thở ra hoàn toàn bằng mũi để tạo điều kiện cho kỹ thuật thở này sẽ giúp làm dịu hệ thống thần kinh đồng thời.

Nếu hơi thở bị hạn chế nghiêm trọng do hậu Covid khó thở, người bệnh có thể thực hiện bài tập này trong tư thế nằm nghiêng hoặc ngồi, đứng thẳng lưng.

3.3. Tập thở luân phiên qua lỗ mũi

Thở qua mũi luân phiên là một bài tập có thể giúp đưa oxy vào cơ thể, làm dịu tâm trí và thải độc tố.

Để thực hiện bài tập thở này, hãy bắt đầu ở tư thế ngồi thẳng lưng và cho phép mình hít thở vài hơi tự do thật thoải mái để tĩnh tâm.

Bắt đầu bằng cách sử dụng bàn tay phải với ngón nhẫn và ngón út đặt trên lỗ mũi trái, trong khi ngón tay cái đặt trên lỗ mũi phải. Có thể đặt ngón trỏ và ngón giữa khép lại tựa trên giữa trán.

Khi hít vào, hãy đóng lỗ mũi phải bằng ngón tay cái để khí đi vào lỗ mũi trái. Sau đó, mở lỗ mũi phải khi thở ra và đóng lỗ mũi trái bằng ngón đeo nhẫn và ngón út.

Lặp lại chu kỳ này nhiều lần và đổi bên để bắt đầu cảm thấy tác dụng trong cải thiện đường thở. Tập thở luân phiên qua lỗ mũi nên được áp dụng cho người bệnh có triệu chứng COVID-19 là nhẹ và thường xuyên cảm thấy lo lắng về hậu Covid khó thở.

3.4. Thở vang dội

Động tác thở vang dội thành tiếng trong thì thở ra sẽ làm tăng sản xuất oxit nitric (NO) trong cơ thể, vốn là chất được thải ra tự nhiên trong đường hô hấp và được biết là chất kháng nấm, kháng vi-rút và kháng khuẩn. Một nghiên cứu cho biết lượng NO trong mũi sẽ tăng gấp 15 đến 20 lần bằng cách thở ra vang dội so với thở ra yên tĩnh.

Theo đó, người tập thở có thể bắt đầu ở tư thế ngồi thẳng lưng, nên hít vào bằng mũi từ từ đến khi đạt mức tối đa. Khi cảm giác phổi đã chứa đầy khí, mím môi và thở mạnh ra để tạo âm thanh lớn. Lặp lại bài tập này trong một phút.

3.5. Tập ngáp để mỉm cười

Bài tập thở bằng cách tập ngáp để mỉm cười có ưu điểm so với các bài tập nêu trên là có thể góp phần luyện tập thể chất, thông qua động tác kéo căng các cơ của ngực để giúp giữ được cơ bắp cử động tối ưu và tạo thêm không gian cơ hoành được mở rộng hơn.

Theo đó, một trong những cách dễ nhất để làm điều này là ngồi thẳng lưng ở mép giường hoặc ghế, dang hai cánh tay rộng ra hết mức có thể như thể đang muốn ôm ai đó khi hít vào, sau đó thả lỏng ngực và cánh tay khi thở ra. Đồng thời, vòm miệng trong lúc thở ra cần tạo hình như một cái ngáp sảng khoái rồi mỉm cười trong ba giây khi kết thúc động tác này.

Tóm lại, cũng giống như việc tập thể dục hay chơi thể thao để giúp cơ bắp khỏe mạnh hơn, các bài tập thở hậu covid sẽ giúp phổi khỏe mạnh hơn trong giai đoạn phục hồi sau mắc COVID-19. Cho dù chưa từng trải qua COVID-19, đang là bệnh nhân hiện tại hay đã khỏi bệnh từ lâu, các cách tập thở ra hít vào bài bản theo khoa học nêu trên hứa hẹn sẽ giúp cải thiện dung tích phổi cũng như hạn chế di chứng hậu covid khó thở trong tương lai.

Nguồn tham khảo: newsweek.com, arcnetwork.ca, hopkinsmedicine.org, enderley.nhs.uk

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan