Những điều bạn nên biết về biến chủng Delta của SARS-CoV 2

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến chủng của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm: Biến chủng đáng quan tâm (VOIs) và Biến chủng đáng quan ngại (VOCs). Ý nghĩa của phân loại này là những biến chủng trong nhóm đáng quan ngại đang gây ra nhiều nguy cơ cho cộng đồng hơn.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Trưởng đơn nguyên truyền nhiễm - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City

1. Tìm hiểu về biến chủng Delta của SARS-CoV 2

Biến chủng đáng quan tâm (VOIs): khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có một gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.

Biến chủng đáng quan ngại (VOCs): là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng, giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng hay giảm hiệu quả của các vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

Biến chủng Delta, được báo cáo lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020, hiện đã lan đến 135 quốc gia và trở thành biến chủng chiếm ưu thế tuyệt đối (tới 93%) ở tất cả những nơi mà nó có mặt, gây ra một làn sóng dịch mới, làm đảo lộn thành quả chống dịch ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả ở những quốc gia đã từng rất thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 nhờ vắc xin. Khu vực Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến chủng này, với số ca mắc bệnh và số ca tử vong tăng rất cao.

Biến chủng Delta, được báo cáo lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020
Biến chủng Delta được báo cáo lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020

2. Biến chủng Delta của SARS-CoV 2 nguy hiểm và có tỷ lệ lây lan nhanh

Xuất hiện ở Việt nam từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021), biến chủng Delta đang gây ra nhiều hệ lụy cả về y tế và đời sống xã hội, với số ca nhiễm và số ca tử vong tăng vọt so với những đợt dịch trước đây.

Các tài liệu của CDC Hoa Kỳ cho rằng biến chủng Delta lây nhiễm gấp hơn 2 lần so với các biến chủng cũ, khả năng lây nhanh tương đương với bệnh thủy đậu.

Khả năng lây mạnh có thể do khả năng nhân lên rất nhanh của virus trong cơ thể. Một nghiên cứu mới đây của Trung Quốc cho rằng những người nhiễm biến chủng Delta có thể mang lượng virus gấp 1000 lần so với virus nguyên bản. Nghiên cứu này cũng nhận thấy có thể phát hiện được người mang virus sớm hơn và thời gian mang virus kéo dài hơn so với chủng cũ.

Các triệu chứng của biến chủng Delta tương tự như của chủng virus cũ. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân thường có triệu chứng ốm sớm hơn, nhất là ở những người trẻ. Điều này có thể do virus phát triển nhanh hơn rất nhiều trong đường hô hấp.

Tuy nhiên, những người đã được tiêm vắc xin Covid -19 đầy đủ thường không biểu hiện triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ nếu nhiễm biến chủng Delta. Các triệu chứng thường giống như cúm mùa, như là ho, sốt, hoặc đau đầu, và mất khứu giác (không ngửi thấy mùi).

Biến chủng Delta gây bệnh nặng hơn. Ở những người chưa được tiêm vắc xin, biến chủng Delta có thể gây bệnh nặng hơn so với chủng cũ. Các nghiên cứu từ Canada và Scotland báo cáo tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta cao hơn so với bệnh nhân nhiễm biến chủng Alpha hoặc chủng ban đầu.

Các vắc xin hiện có vẫn có hiệu quả cao để phòng nhiễm Covid-19 và cũng hiệu quả với biến chủng Delta, nhưng thấp hơn, vào khoảng 90% so với chủng cũ.

Các báo cáo ở Hoa Kỳ cho thấy hầu hết bệnh nhân nhập viện (đến 97%) do COVID-19 chưa được tiêm vắc xin, và các vùng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp thì có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao hơn. Vắc xin cũng có tác dụng phòng các ca bệnh nặng, mà có thể dẫn đến tử vong. Ở Hoa Kỳ có nhiều người từ chối, hoặc trì hoãn tiêm vắc xin, và có nhiều người bệnh ước gì họ đã không làm thế.

Không vắc xin nào có hiệu quả 100%. Khi một vắc xin Covid-19 được công bố có hiệu quả 90 %, có nghĩa là có thể có khoảng 10% những người đã tiêm vẫn nhiễm virus. Có những ca nhiễm COVID-19 sau tiêm vắc xin được gọi là đột phá, vẫn có khả năng lây nhiễm cho nhiều người khác, mặc dù người nhiễm có thể có rất ít triệu chứng, tuy nhiên là hiếm gặp. Nguy cơ bị nhiễm virus và làm lây nhiễm chủ yếu vẫn là ở nhóm người chưa được tiêm vắc xin.

Do có những ca nhiễm đột phá này, nên những người đã tiêm vắc xin vẫn được CDC Hoa Kỳ khuyến cáo mang khẩu trang khi ở trong phòng kín, khi không rõ những người khác trong phòng đã được tiêm vaccine hay chưa. Bộ Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo thực hiện 5K với tất cả những người đã tiêm vắc xin.

Sau khi tiêm Vắc xin Covid 19 có thể xuất hiện một vài phản ứng từ nhẹ tới nặng tại vị trí tiêm
Chủ động tiêm phòng là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc Covid 19

Chủng Delta hiện đang là biến chủng trội nhất của COVID-19, nhưng biến chủng Lambda từ Nam Mỹ cũng đang nổi lên. Nếu muốn trở lại cuộc sống bình thường trước khi có đại dịch, phần lớn dân cư phải được tiêm chủng. Càng có nhiều người không được tiêm chủng, các chủng mới càng có nguy cơ xuất hiện và phát triển, gây hậu quả khó lường.Bạn cần nhớ rằng, không có loại vắc xin nào có thể giúp con người phòng tránh 100% các bệnh lây truyền. Do vậy, sau khi được tiêm phòng Covid – 19 bạn vẫn phải tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đưa ra:

  • KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
  • KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế...). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
  • KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác ít nhất 2m.
  • KHÔNG TẬP TRUNG: không tập trung đông người.
  • KHAI BÁO Y TẾ: Thực hiện khai báo Y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng Bluezone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095, hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Vì sức khỏe cộng đồng, toàn dân chung tay phòng tránh và đẩy lùi dịch Covid -19.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan