Làm thế nào với ho khan hậu covid ở trẻ em?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Kể từ khi đại dịch COVID tấn công, số bệnh nhân gặp triệu chứng ho tăng lên đáng kể. Ho có thể kéo dài nhiều tuần hoặc vài tháng sau khi âm tính. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, tăng chi phí y tế, ho còn hạn chế các hoạt động xã hội vì lo lắng sẽ lây truyền bệnh cho người khác.

Trẻ ho khan hậu COVID gây ra nhiều khó chịu, kích thích nôn ói và dẫn đến biếng ăn, từ đó tạo tiền đề gây suy dinh dưỡng và chậm hồi phục sức khỏe. Cha mẹ cần lưu ý xử trí ho khan hậu COVID ở trẻ em, đặc biệt là dinh dưỡng.

1. Nguyên nhân trẻ bị ho khan hậu COVID

Về bản chất, ho là phản ứng có lợi của cơ thể nhằm loại bỏ các chất kích thích xâm nhập đường hô hấp như virus, bụi và chất nhầy. Khi phát hiện có "vật lạ" trong đường hô hấp, phản xạ được kích hoạt để gây ra ho, giúp loại bỏ chất kích thích ra ngoài.

Về mặt lý thuyết là vậy nhưng khi trẻ bị ho khan hậu COVID quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Thông thường, ho khan ở trẻ em có thể cải thiện với các thuốc giảm ho. Nếu kèm theo tiết đờm nhiều thì các loại thuốc long đờm có thể hiệu quả. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ hông nên cho con ở nhà uống thuốc mà phải đưa đi khám ngay nếu triệu chứng ho khan hậu COVID ở trẻ em dai dẳng không thuyên giảm, trẻ sốt cao hoặc khó thở.

Thời gian trẻ bị ho khan hậu COVID có thể diễn ra khoảng 3-4 tuần, thậm chí nhiều tháng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho khan hậu COVID ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Virus trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công vào các dây thần kinh cảm giác ho, từ đó tạo nên triệu chứng ho khan ở trẻ em;
  • Trẻ bị ho khan hậu COVID có thể do lượng virus trong cơ thể chưa hết hẳn dù đã xét nghiệm âm tính, nhiễm kèm thêm một loại siêu vi hô hấp khác hoặc do dị ứng, hít phải khói thuốc lá hay hóa chất...

Bên cạnh ho khan, nhiều trẻ hậu COVID còn có biểu hiện ho kèm theo đờm nhớt, nguyên nhân do bội nhiễm vi khuẩn gây viêm phế quản, viêm phổi hoặc nhiễm vi nấm đường hô hấp. Đặc biệt nguy cơ cao hơn nếu giai đoạn điều trị COVID-19 trẻ có sử dụng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch...

2. Trẻ bị ho khan hậu COVID phải làm sao?

Các hội chứng hậu COVID-19 thường gặp nhất ở trẻ em đều là các triệu chứng hô hấp bất thường như ho khan nhiều, ho khan kéo dài, cảm giác nặng tức ngực, thở hụt hơi hay thậm chí thở khó. Triệu chứng trên có thể gặp ở bất kỳ trẻ có viêm phổi hoặc không trong lúc nhiễm COVID, ở bất cứ mức độ bệnh, được chăm sóc tại nhà hay phải nhập viện.

Khi trẻ có các biểu hiện như vậy, bố mẹ cần chăm sóc, theo dõi tiến triển của triệu chứng. Hãy quan sát mức độ mệt mỏi của trẻ giai đoạn hậu COVID. Biểu hiện sự mệt mỏi của trẻ dưới các hình thức khác nhau: Nhanh mệt khi chạy nhảy hoặc chơi, thậm chí không muốn chơi. Trẻ có học tập bình thường không, tình trạng thở hổn hển.... Nếu có những dấu hiệu hô hấp bất thường, cha mẹ cần đưa con đi khám để được bác sĩ chỉ định các biện pháp thăm dò chức năng hô hấp như chụp X quang phổi hay đo hô hấp ký.

Nếu trẻ bị ho khan hậu COVID, hay thở hụt hơi, khó thở kèm theo có tổn thương phổi thì sẽ có các biện pháp xử trí khác nhau tùy theo từng mức độ. Với trẻ trên 12 tuổi, bác sĩ có thể chỉ định các bài tập hô hấp tương tự người trưởng thành. Trẻ nhỏ có thể tập một số bài tập phục hồi chức năng hô hấp nhẹ nhàng như thổi bóng với cường độ tăng dần... Đồng thời, cha mẹ cần tiếp tục vệ sinh mũi họng cho con hàng ngày, khuyến khích trẻ đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng để thích nghi với hội chứng hậu COVID-19.

3. Dinh dưỡng cho trẻ bị ho khan hậu COVID

Ho khan hậu COVID ở trẻ em thường gây khó chịu, đặc biệt là dễ gây buồn nôn, nôn trớ và khiến trẻ biếng ăn hơn. Tình trạng này có thể khiến bé bị thiếu chất, suy dinh dưỡng và làm chậm quá trình hồi phục. Vì vậy, bên cạnh, việc áp dụng các biện pháp điều trị kể trên và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất (bao gồm 4 nhóm chất chính là tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), cha mẹ có trẻ bị ho khan hậu COVID cần lưu ý thêm về việc lựa chọn món ăn, cách cho con ăn:

3.1. Lựa chọn món ăn phù hợp

Ho khan hậu COVID ở trẻ em làm tăng sự nhạy cảm với mùi vị và kích thích nôn ói nhiều hơn. Vì vậy, nên ưu tiên lựa chọn những món ăn trẻ thích và có mùi vị dễ chịu, chọn lựa các món ăn loãng và mềm sẽ hỗ trợ bé nuốt tốt hơn. Những món ăn thích hợp cho trẻ bị ho khan hậu COVID là cháo gà, cháo thịt heo, súp gà...

Trong số đó, súp gà rất tốt cho người bị ho. Súp gà vừa cung cấp nước, vừa bổ sung chất điện giải và axit amin, bổ sung nước làm loãng chất nhầy đường hô hấp, hạn chế tắc nghẽn và chống viêm họng, từ đó giảm ho khan ở trẻ em. Bên cạnh đó, thịt gà là thực phẩm giàu protein sẽ tăng cường cung cấp năng lượng cho cơ thể trẻ. Thịt gà còn chứa một loại axit amin gọi là cysteine, có tác dụng kháng virus, kháng viêm và hỗ trợ phá vỡ chất nhầy trong đường hô hấp.

3.2. Bổ sung nhiều nước

Tăng cường cho trẻ uống thêm nhiều nước giúp làm dịu cổ họng, hỗ trợ đàm loãng hơn và giảm ho khan hiệu quả. Khi cho trẻ uống nước cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nước ấm cho đến khi cơn ho dừng lại;
  • Ngoài nước lọc, có thể kết hợp giữa mật ong và chanh, gừng để giảm ho tốt hơn.

3.3. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày

Cha mẹ không nên thúc ép trẻ bị ho khan hậu COVID ăn quá nhiều trong một bữa mà hãy chia nhỏ thành 5-6 bữa mỗi ngày. Ăn mỗi lần một ít sẽ giúp bé ngon miệng hơn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Với trẻ còn bú mẹ cũng tương tự, mẹ hãy cho con bú theo nhu cầu, chia làm nhiều lần sẽ giúp con dễ chịu hơn, từ đó ho khan sẽ cải thiện.

4. Một số thực phẩm kiêng cữ cho trẻ bị ho khan hậu COVID

  • Tình trạng ho khan ở trẻ em đòi hỏi phải hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, giàu chất béo hay chế biến với quá nhiều gia vị... Những thực phẩm này dễ gây kích ứng cổ họng, gia tăng thêm đờm nhớt hoặc gây đầy bụng, khó tiêu...;
  • Không cho trẻ ho khan sử dụng thức ăn đông lạnh, kem, nước đá... vì nguy cơ làm khô lớp niêm mạc đường hô hấp, đồng thời tăng nhạy cảm hơn với viêm nhiễm và kích thích phản xạ ho nhiều hơn;
  • Thức ăn chưa nấu chín hoặc thực phẩm chế biến sẵn.

Ho khan là một triệu chứng thường gặp sau khi trẻ điều trị khỏi COVID19. Theo đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước, khuyến khích trẻ vui chơi, vận động để tăng cường thêm sức đề kháng. Bên cạnh đó, cũng cần kiêng cữ cho trẻ các thực phẩm làm cơn ho của trẻ trở lên trầm trọng hơn.

Nếu các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ kéo dài thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng hậu COVID-19 ở mỗi người khác nhau nhưng có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bệnh nhân khi thăm khám sớm có thể kịp thời phát hiện và điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan