Khi nào xét nghiệm PCR SARS-COV-2 dương tính có ý nghĩa?

Bài viết của Chuyên viên Y tế Hồ Thị Nhân - Tin sinh và Thống kê Y học - Khối Phát triển và Cải tiến công nghệ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Virus SARS-COV-2 là loại virus gây ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh được công nhận hiện nay là test nhanh và xét nghiệm PCR. Vậy khi nào xét nghiệm PCR SARS-COV-2 dương tính có ý nghĩa?

1. Khi nào xét nghiệm PCR SARS-COV-2 dương tính có ý nghĩa?

Xét nghiệm PCR SARS-COV-2 dương tính được khẳng định là người bệnh đã nhiễm virus SARS-COV-2 gây bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đã có trường hợp xét nghiệm PCR SARS-COV-2 dương tính sau nhiễm COVID-19 nhưng được chẩn đoán không phải là đang nhiễm bệnh và không lây nhiễm cho người khác. Cũng có một số trường hợp được khuyến cáo rằng, người bệnh không cần xét nghiệm virus SARS-COV-2 trong vòng 3 tháng sau mắc COVID-19? Tại sao lại có khuyến cáo như vậy?

Xét nghiệm PCR nhân bản vật liệu di truyền của virus. Một mảnh RNA của virus trong mẫu đường hô hấp có thể được nhân lên thành 2 nghìn tỷ bản sau 40 chu kỳ (Ct). Nếu số lượng nhỏ chu kỳ (Ct nhỏ) cần để nhân bản tức là lượng RNA của virus nhiều và có nhiều khả năng là virus còn sống và ngược lại. Vì xét nghiệm PCR có độ nhạy cao, một lượng nhỏ mảnh RNA của virus đã chết cũng có thể cho kết quả dương tính. Đối với SARS-CoV-2, mảnh RNA của virus đã chết có thể tồn tại trong đường thở đến 3 tháng sau hết người bệnh hết các triệu chứng Covid-19. Vì thế, xét nghiệm PCR có thể dương tính trong 3 tháng sau nhiễm virus cấp tính mà không có virus còn sống và không lây nhiễm cho người khác. Hiện tượng này cũng khá phổ biến đối với virus RNA khác, chứ không chỉ SARS-COV-2.

Đây là lý do vì sao, người bệnh được khuyến cáo không cần xét nghiệm virus học SARS-COV-2 trong vòng 3 tháng sau nhiễm COVID-19. Trong thời gian 3 tháng này, trừ khi có triệu chứng nghi tái nhiễm COVID-19 trở lại thì có thể cần làm xét nghiệm virus học SARS-COV-2.

Ngoài ra, việc thay đổi (fluctuation) kết quả các lần xét nghiệm sau nhiễm như từ âm tính sang CT cao và ngược lại nhiều khả năng do những thay đổi tự nhiên (variation) trong các lần lấy mẫu đường thở để xét nghiệm.

2. Tại sao PCR SARS-COV-2 dương tính sau ngày 10 của bệnh không còn là quan ngại?

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy đối với bệnh COVID-19 nhẹ, vừa hoặc không triệu chứng, thời gian virus còn sống và có khả năng lây nhiễm là ≤10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng hoặc xét nghiệm lần đầu tiên dương tính. Đối với bệnh COVID-19 nặng, thời gian virus còn sống và có khả năng lây nhiễm có thể đến ≤20 ngày. Vì thế, xét nghiệm sau ngày thứ 10 đối với bệnh COVID-19 vừa, nhẹ, không triệu chứng hoặc sau 20 ngày đối với bệnh COVID nặng cho kết quả dương tính cũng chỉ là do xác của virus và không còn quan ngại vấn đề lây nhiễm nữa. Riêng bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, thời gian virus còn sống và có khả năng lây nhiễm có thể kéo dài hơn 20 ngày.

Vì vậy người bệnh được khuyến cáo không cần xét nghiệm virus SARS-COV-2 trong vòng 3 tháng sau mắc COVID-19 nếu không có triệu chứng nghi tái nhiễm. Tuy nhiên mọi người vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để đảm bảo phòng chống dịch và giảm nguy cơ tái lây nhiễm chủng mới từ cộng đồng.

Tài liệu tham khảo:

  • Clinical Guidance for Recovered/Previously Positive COVID-19 Patients. (https://www.utsouthwestern.edu/covid-19/clinicians/recovered-patients.html)
  • Ending Isolation and Precautions for People with COVID-19: Interim Guidance. (https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/duration-isolation.html)

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

542 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: