Hỏi đáp tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 dành cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Trung Hiệp - Trưởng khoa xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Vấn đề xoay quanh vắc xin Covid-19 đang được cộng đồng vô cùng quan tâm, trong đó có những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh tự miễn, người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch... Vậy vắc xin có thực sự mang lại đáp ứng miễn dịch cho nhóm đối tượng đặc biệt này hay không, cùng theo dõi những giải đáp từ bác sĩ để hiểu rõ hơn vấn đề này.

1. Giải pháp bảo vệ những người bị suy giảm miễn dịch trước đại dịch Covid-19 là gì?

Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch không chỉ có sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng mà khi nhiễm virus SARS - Cov2 cũng dễ chuyển biến nặng hơn so với những người có sức khỏe bình thường.

Việc tiêm chủng vắc xin cũng vậy, tất cả bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch chỉ nhận được hiệu lực bảo vệ 50% sau tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, nhóm người bệnh có tình trạng miễn dịch là những đối tượng sau đây:

  • Người bệnh nhiễm HIV ở mọi giai đoạn.
  • Những người mắc bệnh hoặc đang trải qua quá trình điều trị khiến hệ miễn dịch bị ức chế như bệnh nhân đang hóa trị, xạ trị, bệnh nhân sau ghép tạng, sau ghép tủy xương hoặc ghép tế bào gốc tạo máu, bệnh nhân đa u tủy xương (bệnh ung thư tế bào miễn dịch sinh kháng thể),
  • Người mắc bệnh lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, vảy nến hoặc những bệnh lý rối loạn di truyền ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, cần dùng thuốc điều trị ức chế miễn dịch toàn thân kéo dài.
  • Tất cả những bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh hoặc những thuốc điều trị miễn dịch không chỉ giới hạn trong các nhóm thuốc kháng TNF, alemtuzumab, ofatumumab, rituximab, thuốc ức chế tyrosine kinase hoặc ức chế PARP.
  • Tất cả những bệnh nhân dùng corticosteroid với liều tương đương 20mg prednisolon/ngày từ 1 tháng trở lên.

Những nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch tham gia vào các thử nghiệm vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer, Moderna chưa đủ nhiều để đánh giá đầy đủ hiệu quả bảo vệ và những tác dụng phụ. Theo đó, tất cả nhóm bệnh nhân trên đều nằm trong nhóm nguy cơ cao bị thể nặng/nguy kịch khi nhiễm SARS-CoV-2. Vì thế, đây là nhóm được ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 hàng đầu.

Để giảm thiểu rủi ro khi tiêm vắc xin, người bệnh cần thông báo đầy đủ cho bác sĩ tại thời điểm tiêm chủng để các bác sĩ thăm khám sàng lọc biết được các thuốc mà người bệnh hiện đang dùng. Từ đó phân tích các lợi ích, nguy cơ khi tiêm chủng, cũng như chọn thời điểm tiêm chủng thích hợp trong khi vẫn duy trì được quá trình điều trị bệnh nền đang có.

Theo khuyến cáo trong các phác đồ tiêm chủng của Vương quốc Anh, tất cả những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch tiêm vắc xin Covid-19 trước điều trị (với điều kiện có thể trì hoãn quá trình điều trị bệnh chính) thì nên tiêm vắc xin Covid-19 trước đủ 2 tuần thì bắt đầu tiến hành quá trình điều trị bệnh chính. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc lợi ích, nguy cơ việc trì hoãn điều trị bệnh chính một cách khoa học, tỉ mỉ.

Xét nghiệm hiệu giá kháng thể bảo vệ sau tiêm chủng cho nhóm người bệnh suy giảm miễn dịch chưa phải là khuyến cáo bắt buộc tại thời điểm này. Sau tiêm chủng, nhóm bệnh nhân này vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách 2m, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và tránh nơi tụ tập đông người...

Về cơ bản, vắc xin Covid-19 hoạt động rất tốt trên cơ thể người không mắc bệnh liên quan suy giảm miễn dịch. Khi vào cơ thể, vắc xin cần kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra những tế bào lympho B, tế bào lympho T phản ứng để tạo kháng thể cố định virus khi chúng xâm nhập vào cơ thể, cuối cùng tiêu diệt nó. Tuy nhiên, trên cơ địa người có tình trạng suy giảm miễn dịch, khả năng kích hoạt, huy động các tế bào lympho B, T phản ứng sinh miễn dịch, trí nhớ “kẻ thù” của tế bào miễn dịch sẽ suy giảm. Do đó, khả năng sinh kháng thể bảo vệ sẽ giảm ở nhóm bệnh nhân này.

Để minh chứng, nhóm người không có tình trạng bệnh suy giảm miễn dịch sau 1 liều vắc xin đã tham gia nghiên cứu đã có kháng thể trong máu có thể định lượng được, trong khi nhóm bệnh nhân sau ghép tạng chỉ có 20% kháng thể định lượng được trong máu. Đó là một sự khác biệt vô cùng lớn về đáp ứng miễn dịch mà các nhà chuyên khoa, bệnh nhân cần nắm được. Bên cạnh đó, sau đủ 2 liều vắc xin (với những vắc xin cần tiêm 2 liều) thì những người không bị tình trạng suy giảm miễn dịch sẽ được bảo vệ tốt, trong khi nhóm bệnh nhân ghép tạng/ghép tế bào gốc tạo máu/ghép tủy chỉ đạt 50% mức bảo vệ, 50% còn lại không thể sinh kháng thể bảo vệ.

Xem ngay: Những điều cần chú ý khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay

tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch chỉ nhận được hiệu lực bảo vệ 50% sau tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19

2. Hiện nay có biện pháp nào để đo lường đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng?

Việc đo nồng độ, hiệu giá bảo vệ của kháng thể kháng nCoV-2 chỉ là một phần nổi của tảng băng, hiện nay cơ chế miễn dịch bảo vệ cơ thể chúng ta trước nCoV-2 vẫn chưa được hiểu biết hoàn toàn đầy đủ. Điều này là do hệ thống miễn dịch con người vô cùng phức tạp, nồng độ kháng thể chỉ là một phương pháp đo lường mức độ bảo vệ về miễn dịch dịch thể, còn miễn dịch tế bào ( hoạt tính, độc lực diệt nCoV-2 của các tế bào lympho T, NK...), trí nhớ miễn dịch,... còn chưa thể đo lường được.

Ví dụ, nồng độ kháng thể kháng nCoV-2 cao, nhưng miễn dịch tế bào, trí nhớ miễn dịch có thể không có thì khả năng bảo vệ tổng thể chưa thực sự toàn diện. Tuy nhiên, xét về logic hiệp đồng của hệ thống miễn dịch, thông thường khi sinh được kháng thể, đặc biệt kháng thể đủ nồng độ/hiệu giá bảo vệ thì được coi là bảo vệ tốt vì thông thường các tế bào miễn dịch (lympho B, T) và kháng thể làm việc cùng nhau, hiệp đồng tác chiến trong đáp ứng với mầm bệnh.

Theo đó, những người mắc bệnh gây suy giảm miễn dịch, hoặc dùng thuốc điều trị gây ức chế hệ thống miễn dịch thì rất phức tạp, vì mỗi thuốc, mỗi bệnh gây ức chế miễn dịch theo một cơ chế khác nhau. Do đó, các khâu trong toàn chu trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể người có thể bị ức chế một chỗ/điểm nào đó. Chính vì vậy, nhóm bệnh nhân này sẽ có những “dị hình” về đáp ứng miễn dịch. Ví dụ, có bệnh nhân đáp ứng của tế bào lympho B bình thường, nhưng tế bào lympho T lại bị bất hoạt,... hoặc ngược lại. Do đó, nếu tế bào lympho T mà không có đáp ứng thì cũng không bảo vệ được. Cũng như việc kháng thể trong máu sau tiêm vắc xin thấp, nếu tế bào lympho T được kích hoạt và có trí nhớ miễn dịch tốt thì vẫn được bảo vệ.

Do vậy, chỉ định lượng nồng độ kháng thể trong máu thì bác sĩ cũng không thể kết luận “Bạn có nồng độ kháng thể cao nên bạn được bảo vệ” hay cũng không thể kết luận “Bạn không có đủ nồng độ kháng thể trong máu nên chưa hề được bảo vệ bởi vắc xin”.

3. Với những câu hỏi trên, những bệnh nhân sau ghép có nên làm xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc-xin không?

CDC Hoa Kỳ không khuyến cáo làm test kháng thể trên diện rộng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, bởi vì trên 95% người bình thường sẽ sinh kháng thể bảo vệ ở nhóm người có hệ thống miễn dịch bình thường. Tuy nhiên, trên những người bệnh ghép thì nên làm xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin. Theo đó, cả bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa phải hiểu rõ, kháng thể không phải là tất cả thông tin nói về khả năng bảo vệ.

Tất cả bệnh nhân suy giảm miễn dịch sau tiêm vắc xin 1 tháng, xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm kết quả âm tính tức là bạn đã không có đáp ứng bảo vệ tốt. Vậy nếu xét nghiệm kháng thể dương tính thì sẽ như thế nào? Có một khoảng giá trị “dương tính” khá rộng, vì không ai biết chi tiết khả năng phản ứng của hệ lympho T của bạn. Trên thực tế, đa số bệnh nhân sau ghép phải sử dụng các thuốc ức chế lympho T, vì lympho T là tế bào miễn dịch có vai trò chính trong cơ chế thải ghép.

Do đó, bất chấp mức độ dương tính mạnh hay yếu của xét nghiệm kháng thể, bạn vẫn được yêu cầu sử dụng các biện pháp phòng covid-19 cẩn thận.

Xem ngay: Những câu hỏi liên quan đến vắc-xin Covid-19 với người bệnh ung thư và người chăm sóc bệnh nhân ung thư

tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
Những người bệnh ghép nên làm xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin

4. Với những câu hỏi trên, người bệnh có cần tiêm thêm 1 liều để tăng cường đáp ứng miễn dịch?

Đây là một câu hỏi lớn, vì các nghiên cứu đang tiến hành trên nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Trước hết, tất cả những bệnh nhân nhóm này cần phải hoàn thành đủ liệu trình tiêm chủng phòng Covid-19 theo đúng lịch. Thứ hai, nếu sau tiêm đủ liều vắc xin mà xét nghiệm kháng thể âm tính, bạn có thể được chỉ định tiêm thêm liều thứ 3. Hiện nay, tại Pháp, chính phủ đất nước này cho phép tất cả những người có tình trạng suy giảm miễn dịch được chấp thuận cho tiêm liều vắc xin liều thứ 3.

Tại nhiều bang của nước Mỹ, tất cả những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch hãy đến điểm tiêm chủng và trình bày rõ căn cứ, tiền sử bệnh hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch đủ điều kiện sẽ được tiêm tăng cường liều vắc xin thứ 3. Hiện nay, qua quan sát ban đầu những ai có đáp ứng sinh kháng thể yếu, không đáp ứng sau 2 liều vắc xin thì liều thứ 3 giúp tăng đáng kể hiệu giá bảo vệ.

Một câu hỏi tiếp tục được đưa ra trong trường hợp này là những nhóm người bị suy giảm miễn dịch không hề sinh đáp ứng kháng thể bảo vệ sau tiêm vắc xin thì có nên giảm/ngừng thuốc ức chế miễn dịch để có hiệu lực bảo vệ với vắc xin Covid-19?

Với những bệnh nhân sau ghép yêu cầu phải dùng thuốc chống thải ghép, thuốc ức chế miễn dịch, nếu giảm liều hoặc ngưng thuốc thì hội chứng thải ghép xuất hiện sẽ vô cùng nguy hiểm cho người bệnh. Còn trường hợp bỏ thuốc ức chế miễn dịch ở bệnh nhân mắc bệnh tự miễn thì cũng cũng có nguy cơ tương tự, đặc biệt nguy cơ bệnh nhân xuất hiện đợt cấp là rất lớn. Do đó, quyết định dừng điều trị thuốc chống thải ghép hay ức chế miễn dịch để đổi lấy hiệu quả chủng ngừa Covid-19 là quyết định vô cùng khó khăn.

Vậy những bệnh nhân suy giảm miễn dịch sau ghép nhưng không sinh kháng thể kháng nCoV2 sẽ được bảo vệ bằng cách nào? Câu trả lời là việc tiêm chủng liều vắc xin thứ 3 và hi vọng sinh đáp ứng bảo vệ hoặc có thể truyền kháng thể đơn dòng kháng nCoV2 nếu người bệnh nằm trong vùng nguy hiểm dễ bị lây nhiễm. Kèm theo đó là việc bảo vệ nghiêm ngặt nhóm bệnh nhân này bằng biện pháp cơ học như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc >2m, rửa tay thường xuyên và không tụ tập nơi đông người...

Theo thông tin mới nhất, có thể ngày 13/8/2021 tới đây, FDA sẽ có thể chấp thuận chính thức cho nhóm bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch tiêm liều vắc xin phòng Covid-19 thứ 3.

tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
Bệnh nhân suy giảm miễn dịch cần phải hoàn thành đủ liệu trình tiêm chủng phòng Covid-19 theo đúng lịch

Sự chấp thuận này sẽ mở ra cơ hội tăng khả năng bảo vệ cho 3% dân số Mỹ hiện đang mắc bệnh, tình trạng bệnh hoặc đang dùng thuốc gây suy yếu hệ thống miễn dịch có khả năng bảo vệ cao hơn. Hiện nay, 2 vắc xin được khuyên tiêm liều thứ 3 cho nhóm bệnh nhân này tại Mỹ là vắc xin của Pfizer và Moderna. Liều vắc xin thứ 3 đặc biệt giúp nhóm bệnh nhân sau ghép tạng tăng khả năng bảo vệ, tuy nhiên nhiều người trong nhóm có tình trạng ức chế miễn dịch vẫn được bảo vệ tốt với phác đồ tiêm 2 liều như tiêu chuẩn hiện nay.

Theo một nghiên cứu tại Trường Đại học Y tế công cộng Blomberg thuộc Đại học Johns Hopkins chỉ ra, có đến 50% bệnh nhân sau ghép tạng không sinh kháng thể bảo vệ sau tiêm vắc xin covid-19 theo chuẩn phác đồ hiện tại. Tuy nhiên, việc tiêm thêm liều thứ 3 thì có đến 50% trong số đó đã xuất hiện hiệu giá bảo vệ. Ý kiến phê duyệt chính thức tiêm thêm 01 liều vắc xin cho nhóm bệnh nhân sau ghép hoặc những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch tương đương sau ghép sẽ được ủy ban tham vấn của FDA thảo luận với CDC Hoa Kỳ vào ngày 13/8. Sau cuộc họp này, nếu CDC đồng thuận thì sẽ đưa ra hướng dẫn chính thức toàn nước Mỹ để các bác sĩ lâm sàng triển khai đồng loạt.

Thực trạng phê duyệt tiêm bổ sung thêm liều vắc xin thứ 3 đã được triển khai tại các nước như:

  • Pháp: chính thức chấp thuận từ Thứ 4, ngày 11/8/2021.
  • Đức, Hungary: chấp thuận ngay sau Pháp.

Chính quyền Mỹ hy vọng: từ Thứ 2 tuần tới, ngày 15/8/2021 các bác sĩ lâm sàng cả nước có thể bắt đầu kê đơn tiêm liều thứ 3 cho nhóm bệnh nhân sau ghép và những bệnh nhân có tình trạng ức chế miễn dịch tương đương nhóm sau ghép. Vắc xin của Pfizer được chấp thuận cho tiêm liều thứ 3 này.

Hiện nay, các khuyến cáo tại Mỹ đa số tiêm vắc xin Pfizer và Moderna, chưa có đủ căn cứ nghiên cứu tình trạng sinh kháng thể ở nhóm bệnh nhân này khi tiêm 1 liều vắc xin J&J. Các dữ liệu về tiêm thêm 1 liều J&J ở nhóm này đang nghiên cứu và có thể được công bố trong tháng 8 này.

5. Việc pha trộn vắc xin cùng cơ chế, cùng dạng bào chế có triển vọng trong tăng cường sinh miễn dịch bảo vệ đối với nhóm này không?

Đáp án của câu hỏi trên hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào các nghiên cứu đang được tiến hành ở Mỹ, kết quả sẽ có vào đầu mùa thu này. Do đó, việc của chúng ta lúc này là sẽ chờ đợi thêm và thực hiện nghiêm chỉnh khi có công bố chính thức.

Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là việc làm cần thiết không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân khỏi các biến chứng nặng mà còn thể hiện trách nhiệm, chung tay phòng chống dịch bệnh với cả cộng đồng. Đặc biệt với những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch - nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm chủng nên thực hiện tiêm chủng theo đúng phác đồ và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần tuân thủ theo đúng nguyên tắc phòng dịch 5k của Bộ Y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

884 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan