F0 nên ăn uống như thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Theo thống kê có hơn 80% F0 không có triệu chứng, xuất hiện triệu chứng chỉ khoảng 20%. Vì vậy việc cách ly F0 không có triệu chứng, không bệnh lý nền hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Khi ở nhà, bệnh nhân có nhiều điều kiện ăn, ở, ngủ, tập thể dục, môi trường sống và vệ sinh sẽ tốt hơn. Từ đó, giúp bệnh nhân tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể lực, mau chóng phục hồi. Vậy F0 nên ăn uống như thế nào?

1. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị COVID-19 mức độ nhẹ, không triệu chứng

Suy dinh dưỡng có thể là yếu tố tác động tiêu cực đến khả năng của hệ miễn dịch, hay nói cách khác là gây suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân nhiễm trùng, trong đó có SARS CoV 2. Sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến Covid 19 theo nhiều khía cạnh, bao gồm mức độ nghiêm trọng, thời gian phục hồi, khả năng xảy ra biến chứng và tỷ lệ tử vong.

Chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ kết hợp với phác đồ điều trị phù hợp vừa hỗ trợ ngăn ngừa và khắc phục tình trạng nhiễm virus, đặc biệt là ở những bệnh không triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, vừa góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như cá nhân và gia đình người bệnh.

Mục đích của liệu pháp dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid 19:

  • Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, cân đối theo nhu cầu từng nhóm tuổi, từng trường hợp bệnh riêng biệt;
  • Phòng ngừa hiện tượng teo cơ hay suy dinh dưỡng;
  • Đối với F0 là trẻ nhỏ cần đảm bảo duy trì quá trình tăng trưởng và phát triển theo độ tuổi của bé.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng

F0 nên ăn uống như thế nào? Để trả lời câu hỏi này người bệnh cần thực hiện theo những nguyên tắc chung sau đây:

  • Duy trì chế độ ăn uống như bình thường, đảm bảo đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng thông qua các loại thực phẩm đa dạng để thể trạng, thể chất được duy trì bình thường;
  • Bổ sung vào chế độ ăn thêm 1 đến 2 bữa phụ (có thể bao gồm sữa, các chế phẩm từ sữa...), đặc biệt khi kèm theo sốt, ho, mệt mỏi, ăn kém;
  • Tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu protein (từ thịt, cá, đậu, các loại hạt) để tránh teo cơ và tăng cường miễn dịch;
  • Tăng cường bổ sung trái cây tươi, các loại rau xanh, một số gia vị (như tỏi, gừng) để cải thiện sức đề kháng;
  • Bổ sung đủ nước, trung bình khoảng 2 lít mỗi ngày hoặc nhiều hơn kèm theo dấu hiệu sốt, tiêu chảy.

2.1. Chế độ ăn đầy đủ và cân đối

  • F0 ăn gì? Bệnh nhân Covid 19 cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, sữa và chế phẩm từ sữa, nhóm lipid, các loại rau củ (ưu tiên rau có màu vàng hoặc xanh thẫm), thịt cá, trứng, các loại hạt...;
  • Không tự ý bỏ bữa: Người bệnh cần đảm ăn đầy đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ;
  • Hạn chế bổ sung quá nhiều thực phẩm ngọt, tốt nhất lượng đường nên dưới 10% tổng năng lượng bổ sung;
  • Không tự ý kiêng cữ các loại thực phẩm nếu không bị dị ứng thực phẩm;
  • Người gầy và trẻ nhỏ cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm hay món ăn giàu năng lượng và chất đạm (protein).
F0 nên ăn uống như thế nào cho nhanh khỏe là điều mà mọi người cần lưu ý trong thời điểm dịch bệnh Covid-19

2.2. Chế độ dinh dưỡng an toàn

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhưng phải đảm bảo an toàn theo các nguyên tắc sau:

  • Không sử dụng đồ ăn uống quá mặn, quá ngọt hay chứa cồn (như rượu, bia);
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không ăn thức ăn ôi, thiu hay quá hạn sử dụng;
  • Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo đúng hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Xem ngay: F0 điều trị tại nhà nên ăn gì?

3. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm cho F0

3.1. F0 nên ăn uống gì?

  • Các loại thực phẩm bổ sung tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn...;
  • Các loại hạt;
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa;
  • Các loại thịt, cá, tôm...;
  • Các loại trứng: trứng vịt, trứng gà, trứng cút...;
  • Dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá...;
  • Các loại rau củ;
  • Hoa quả tươi.

3.2. F0 kiêng ăn gì?

  • Các loại mỡ nguồn gốc động vật hay các loại phủ tạng;
  • Thực phẩm quá mặn do chứa nhiều muối như thực phẩm đóng hộp, dưa hay cà muối...;
  • Nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt;
  • Các loại thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá...

4. Nhu cầu dinh dưỡng cho F0 nhẹ và không triệu chứng

4.1. Nhu cầu dinh dưỡng cho F0 là người trưởng thành

  • Năng lượng cơ bản: Khoảng 30-35 kcal/kg cân nặng/ngày, trong đó chất đạm chiếm 15-20%, chất béo 20-25%, chất đường bột 50-65% tổng năng lượng;
  • Cung cấp đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, D, E, nguyên tố kẽm và selen. Số lượng rau xanh nên cung cấp khoảng 300g/ngày, hoa quả tươi khoảng 200g/ngày;
  • Lượng chất xơ cung cấp khoảng 18-20g/ngày;
  • Lượng muối cung cấp khoảng 5g/ngày;
  • Bổ sung lượng nước theo nhu cầu, nên sử dụng nước ấm và chia nhiều lần uống trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống nước khi thấy khát. Bên cạnh nước lọc, bệnh nhân Covid 19 có thể lựa chọn thêm nước ép hoa quả hoặc dung dịch Oresol để tăng cường bổ sung các chất điện giải.
F0 kiêng gì
F0 kiêng rượu bia để sức khỏe sớm bình phục

4.2. Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em

  • Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ định kỳ thông qua cân nặng và lượng thức ăn trẻ bổ sung mỗi ngày;
  • Chế độ dinh dưỡng cân đối 4 yếu tố chính: lipid, vitamin và khoáng chất, các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate), chất đạm (từ động vật và thực vật). Lưu ý trong ngày phải có ít nhất 1 bữa ăn có khẩu phần cân đối;
  • Mỗi ngày trẻ phải được bổ sung ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm, bao gồm tinh bột, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ, rau củ, thịt cá, trứng, các loại hạt, rau củ màu vàng hoặc xanh thẫm;
  • Hạn chế sử dụng thức ăn quá ngọt, lượng đường bổ sung nên dưới 5% tổng năng lượng ăn vào;
  • Cung cấp đủ lượng nước nhu cầu, đặc biệt tăng cường nước ép trái cây tươi và không dùng nước ngọt công nghiệp;
  • Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi bổ sung sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày, trẻ trên 2 tuổi 500ml/ngày;
  • Tránh các loại thức ăn dễ gây buồn nôn, nôn ói và thay bằng món ăn hợp khẩu vị, dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.

Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong kiểm soát và điều trị Covid-19. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo sức khỏe và nhanh chóng cải thiện thể trạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

975 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan