Biến chủng Omicron nguy hiểm thế nào?

Hiện nay, trên thế giới đang ghi nhận những trường hợp mắc covid biến chủng mới, có tên gọi là Omicron. Biến chủng này được ghi nhận đầu tiên tại Nam Phi và có nguy cơ lan rộng ra nhiều nước. Vậy biến chủng Omicron nguy hiểm thế nào?

1. Biến chủng Omicron là gì?

Một nhóm chuyên gia tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2 (TAG-VE) chuyên độc lập theo dõi và đánh giá định kỳ sự tiến triển của SARS-CoV-2 và đánh giá xem các đột biến cụ thể và sự kết hợp của các đột biến làm thay đổi các đặc điểm của vi-rút. Nhóm này đã được triệu tập vào ngày 26 tháng 11 năm 2021 để đánh giá biến thể SARS-CoV-2: B.1.1.529 hay còn gọi là biến chủng Omicron.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24 tháng 11 năm 2021. Tình hình dịch tễ học ở Nam Phi được đặc trưng bởi ba chủng khác biệt trong các trường hợp được báo cáo, trong đó mới nhất chủ yếu là biến thể Delta.

Trong những ngày vừa qua, các ca nhiễm trùng đã gia tăng mạnh mẽ, trùng hợp với việc phát hiện ra biến chủng Omicron. Trường hợp nhiễm Covid biến chủng mới này được xác nhận đầu tiên là từ một mẫu vật được thu thập vào ngày 9 tháng 11 năm 2021.

Biến chủng mới này có một số lượng lớn các đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại. Bằng chứng sơ bộ thu được cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các chủng khác. Số lượng các trường hợp của biến thể này dường như đang tăng lên ở hầu hết các nơi ở Nam Phi.

Chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm PCR hiện tại tiếp tục phát hiện biến thể này. Một số phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng đối với một xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi, một trong ba gen mục tiêu không được phát hiện (là gen S bỏ qua hoặc lỗi đích gen S) và do đó xét nghiệm này có thể được sử dụng làm điểm đánh dấu cho biến thể này.

Sử dụng cách tiếp cận này, biến chủng mới đã được phát hiện với tốc độ nhanh hơn so với các đợt lây nhiễm trước đó, cho thấy rằng biến thể này có thể có ưu thế về sự tăng trưởng.

Có một số nghiên cứu đang được tiến hành và nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục đánh giá biến thể này. Tổ chức Y tế thế giới sẽ thông báo những phát hiện mới với các Quốc gia Thành viên và cho công chúng khi cần.

Dựa trên các bằng chứng được trình bày cho thấy sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học COVID-19, nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2 đã khuyến cáo WHO rằng biến thể này nên được chỉ định là biến thể đáng lo ngại. WHO đã công bổ B.1.1.529 là biến thể đáng lo và đặt tên là Omicron.

Do đó, các quốc gia được yêu cầu thực hiện những việc sau:

  • Các quốc gia cần tăng cường các nỗ lực giám sát và giải trình tự virus để hiểu rõ hơn về các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành.
  • Các quốc gia cần gửi trình tự bộ gen hoàn chỉnh và các dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu có sẵn công khai của tổ chức Y tế thế giới, chẳng hạn như GISAID.
  • Các quốc gia cần báo cáo các trường hợp/cụm ban đầu liên quan đến nhiễm biến chủng mới cho WHO thông qua cơ chế IHR.
  • Khi có điều kiện cần phối hợp với cộng đồng quốc tế, thực hiện điều tra thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để nâng cao hiểu biết về các tác động tiềm ẩn của chủng mới đối với dịch tễ học COVID-19, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng, phương pháp chẩn đoán, đáp ứng miễn dịch, kháng thể trung hòa, hoặc các đặc điểm liên quan khác.

Các cá nhân cần thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ mắc COVID-19, bao gồm các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng đã được chứng minh như đeo khẩu trang vừa vặn, vệ sinh tay, giữ khoảng cách, cải thiện sự thông thoáng của không gian trong nhà, tránh không gian đông đúc và thực hiện tiêm chủng đầy đủ.

WHO có các phân SARS-CoV-2 gồm biến thể đáng quan tâm (VOI) và biến thể đáng lo ngại (VOC).

SARS-CoV-2 VOI là một biến thể SARS-CoV-2:

  • Với những thay đổi di truyền được dự đoán hoặc biết là có ảnh hưởng đến các đặc điểm của virus như khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, vượt qua hệ thống miễn dịch, thoát chẩn đoán hoặc điều trị.
  • Và đã được xác định là gây ra sự lây truyền cộng đồng đáng kể hoặc nhiều cụm COVID-19, ở nhiều quốc gia với tỷ lệ bệnh lây lan càng tăng cùng với số trường hợp gia tăng theo thời gian, hoặc các tác động dịch tễ học rõ ràng khác cho thấy một nguy cơ mới đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

SARS-CoV-2 VOC là chỉ một biến thể SARS-CoV-2 đáp ứng định nghĩa của biến thể đáng quan tâm và thông qua đánh giá so sánh, đã được chứng minh là có liên quan đến một hoặc nhiều thay đổi dưới đây ở một mức độ có ý nghĩa toàn cầu về sức khỏe cộng đồng:

  • Làm tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học COVID-19.
  • Hoặc làm tăng độc lực hoặc thay đổi biểu hiện bệnh lâm sàng.
  • Hoặc làm giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng hoặc các phương pháp chẩn đoán, vắc xin, phương pháp điều trị có sẵn.
Biến chủng Omicron nguy hiểm thế nào?
Biến chủng Omicron có tên gọi khác là B.1.1.529

2. Biến chủng omicron có nguy hiểm không?

2. 1. Khả năng lây truyền của biến chủng Omicron

Vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền cao hơn hay không (ví dụ: dễ lây lan từ người sang người hơn) so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta. Số lượng người dương tính đã tăng lên ở các khu vực của Nam Phi bị ảnh hưởng bởi biến chủng này. Tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ học đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do chủng Omicron hay các yếu tố khác hay không.

2. 2. Mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến chủng Omicron gây ra

Vẫn chưa rõ liệu nhiễm chủng Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Dữ liệu thu thập sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải là kết quả của nhiễm trùng cụ thể với Omicron.

Hiện tại, chúng ta chưa có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến chủng Omicron khác với các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo ban đầu là ở các sinh viên đại học, nhưng việc hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần. Tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả chủng Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong,

2. 3. Hiệu quả của việc nhiễm SARS-CoV-2 trước đây

Bằng chứng thu thập sơ bộ cho thấy có thể có tăng nguy cơ tái nhiễm Omicron (tức là những người đã từng bị COVID-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với chủng Omicron), so với các biến thể cần quan tâm khác, tuy nhiên thông tin vẫn còn hạn chế.

2. 4. Hiệu quả của các loại vắc xin covid đang có đối với chủng Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với các biện pháp đối phó hiện có của chúng ta, bao gồm cả vắc xin.

Vắc xin ngừa Covid vẫn rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh nặng và tử vong, bao gồm cả việc chống lại biến thể lưu hành ưu thế, Delta. Các loại vắc-xin hiện nay vẫn có hiệu quả chống lại bệnh nặng và tử vong.

2. 5. Hiệu quả của các xét nghiệm hiện tại đối với chủng Omicron

Các xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi tiếp tục phát hiện nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng Omicron. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem liệu có bất kỳ tác động nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh hay không.

2. 6. Hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện tại với covid biến chủng mới

Corticosteroid và thuốc chẹn thụ thể IL6 sẽ vẫn có hiệu quả để điều trị bệnh nhân bị COVID-19 nặng. Các phương pháp điều trị khác sẽ được đánh giá để xem liệu chúng có còn hiệu quả hay không với những thay đổi đối với các bộ phận của vi rút trong biến thể Omicron.

2. 7. Các nghiên cứu đang được tiến hành về biến chủng Omicron

Ở thời điểm hiện tại, WHO đang phối hợp với đông đảo các nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về Omicron. Hiện tại, các nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng (bao gồm cả các triệu chứng), hiệu suất của vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán, và hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích các quốc gia đóng góp thu thập và chia sẻ dữ liệu bệnh nhân nhập viện thông qua Nền tảng dữ liệu lâm sàng COVID-19 của WHO để mô tả nhanh các đặc điểm lâm sàng và kết quả của bệnh nhân.

Nhiều thông tin sẽ được cập nhật trong những ngày tới. TAG-VE của WHO sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá dữ liệu khi nó có sẵn và đánh giá cách các đột biến trong Omicron thay đổi đặc điểm của vi rút.

Biến chủng Omicron nguy hiểm thế nào?
Các xét nghiệm PCR giúp bác sĩ phát hiện biến chủng Omicron

3. Cần làm gì với biến chủng Omicron?

3. 1. Các hành động được đề xuất cho các quốc gia

Vì Omicron đã được chỉ định là một Biến thể đáng lo ngại, có một số hành động mà WHO khuyến nghị các quốc gia thực hiện, bao gồm:

  • Tăng cường giám sát và xác định trình tự các trường hợp nhiễm.
  • Chia sẻ trình tự bộ gen trên cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, chẳng hạn như GISAID.
  • Báo cáo các trường hợp hoặc cụm ban đầu cho WHO.
  • Tiến hành điều tra thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn liệu Omicron có các đặc điểm lây truyền hoặc bệnh tật khác nhau hay tác động đến hiệu quả của vắc xin, phương pháp điều trị, chẩn đoán hoặc các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng.
  • Các quốc gia cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả để giảm lây lan COVID-19 nói chung, sử dụng phương pháp phân tích rủi ro và cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học.
  • Ngoài ra, một điều quan trọng là sự mất bình đẳng trong tiếp cận với vắc xin COVID-19 cần được giải quyết khẩn cấp để đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, nhận được liều đầu tiên và liều thứ hai, cùng với việc tiếp cận điều trị và chẩn đoán một cách công bằng.

3. 2. Các hành động được đề xuất cho mọi người

Các bước hiệu quả nhất mà các cá nhân có thể thực hiện để giảm sự lây lan của vi rút COVID-19 là:

  • Giữ khoảng cách với những người khác ít nhất 1 mét.
  • Đeo khẩu trang vừa vặn
  • Mở cửa sổ để đảm bảo thông gió.
  • Tránh không gian kém thông gió hoặc đông đúc
  • Giữ tay sạch sẽ
  • Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay gấp lại hoặc khăn giấy
  • Tiêm phòng khi đến lượt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: who.int, cdc.gov

53.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan