Di chứng hậu COVID: Đau lưng và đau vai gáy

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Đau lưng có phải COVID hay không? Thực tế tình trạng đau lưng, đau vai gáy có thể gặp cả ở trong và sau khi điều trị khỏi COVID-19. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà nhưng không cải thiện các triệu chứng thì người bệnh cần sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

1. Đau lưng trong mùa Covid-19

1.1. Nguyên nhân gây đau lưng

Đau thắt lưng là một tình trạng rất phổ biến, với khoảng 90% số người bị nó vào một thời điểm nào đó trong đời. Ở nhiều quốc gia, đau thắt lưng là nguyên nhân đau mạn tính phổ biến nhất ở tuổi trung niên. Đau thắt lưng là một vấn đề sức khỏe quan trọng, không chỉ vì tỷ lệ phổ biến cao mà còn do những hậu quả để lại, quan trọng là gây cản trở sinh hoạt cá nhân, tiêu tốn chi phí cho các dịch vụ y tế, giảm khả năng lao động.

Đa phần các trường hợp đau lưng trong mùa COVID xảy ra ở những người trong độ tuổi lao động, thường hay gặp ở người làm việc văn phòng, sử dụng nhiều máy tính. Cơn đau xuất hiện ở vị trí thắt lưng, có thể 1 bên hoặc lan tỏa cả 2 bên. Tình trạng đau âm ỉ, thỉnh thoảng có những cơn đau nhói khi thay đổi tư thế. Đau giảm khi nằm nghỉ, tăng khi vận động, thậm chí có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Đau thắt lưng trong mùa COVID thường do tư thế khi chúng ta phải làm việc ở nhà với môi trường không phù hợp về nhiều mặt so với môi trường làm việc thông thường. Bàn ghế sử dụng để làm việc ở nhà thường không đúng chuẩn cho công việc văn phòng, thậm chí bạn còn làm việc ở các tư thế không tốt như nằm sấp, ngồi bệt dưới đất.

Tiếp đó là tình trạng ít vận động, ít đi lại, không thể tập thể dục, chúng ta thường hay ngồi hoặc nằm nhiều. Chưa kể đến tình trạng bị tăng cân, ức chế tâm lý khi ở nhà. Tất cả các yếu tố này cộng hợp lại có thể gây ra cơn đau lưng. Một số trường hợp khác, người bệnh khởi phát cơn đau lưng sau vận động quá sức, chẳng hạn như việc dọn dẹp nhà cửa, khiêng vật nặng.

1.2. Cần làm gì khi bị đau lưng trong mùa Covid-19?

Việc đầu tiên là không nên quá hoảng loạn, lo lắng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, bạn càng nên hạn chế đi đến bệnh viện. Không chỉ do nguyên nhân tăng nhiễm bệnh Covid-19 mà tình trạng bệnh nhân quá tải sẽ gây áp lực vô cùng to lớn cho đội ngũ bác sĩ đang thực hiện công tác phòng chống dịch.

Đau lưng cấp tính hầu như đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Theo đó, bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn và cần hạn chế ngồi làm việc lâu. Bố trí lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn phải ngồi làm việc liên tục thì nên có khoảng thời gian nghỉ giải lao, đứng lên vận động sau 1-2 tiếng. Bạn có thể sử dụng đai đeo thắt lưng nếu có sẵn ở nhà. Bên cạnh đó, bạn nên nằm nghỉ thay vì xoa bóp, vì xoa bóp không đúng có thể khiến cho cơn đau trầm trọng hơn. Các bài tập thể dục cho vùng lưng chỉ nên thực hiện sau khi cơn đau đã được kiểm soát và thuyên giảm, đồng thời nên thực hiện hàng ngày. Theo các chuyên gia sức khỏe, chế độ ăn uống cân đối, tập luyện thể dục tại nhà sẽ giúp bạn duy trì được cân nặng ổn định.

Hãy nhớ rằng tăng cân là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý chứ không riêng bệnh đau lưng. Nếu tình trạng đau lưng không thuyên giảm, bạn có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường để kiểm soát cơn đau như paracetamol, ibuprofen với sự tư vấn từ xa của các bác sĩ. Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp trên mà không kiểm soát được cơn đau hoặc tính chất cơn đau thay đổi theo chiều hướng nghiêm trọng hơn thì bạn nên đến bệnh viện để thăm khám.

Đau lưng có phải covid là thắc mắc của nhiều người
Đau lưng có phải covid là thắc mắc của nhiều người

2. Hậu COVID: Đối phó với đau vai gáy và lưng

COVID-19 cũng có tính chất giống như cúm mùa ( bệnh do virus gây ra) với các triệu chứng tương đồng nhau, nhiều trường hợp viêm phổi để lại di chứng đau lưng kéo dài.

Đau lưng kéo dài có thể gặp ở bất cứ bệnh nhân viêm phổi nào do nguyên nhân các chủng virus hay vi khuẩn gây nên. Theo những nghiên cứu ở phương Tây, đau lưng gặp ở 63% bệnh nhân viêm phổi do biến thể Delta, nhưng biến thể Omicron chỉ có 42%, trong khi cúm mùa lên tới hơn 70% số trường hợp.

Ba khu vực chính của cơ thể hay bị đau là: Vùng đầu và vai gáy; vùng thắt lưng; vùng quanh đầu gối.

2.1. Vì sao bệnh nhân bị đau vai gáy và lưng hậu COVID?

Lí do quan trọng nhất dẫn đến cơn đau, đó là khi cơ thể nhiễm các chủng virus, cả virus cúm cũng như virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID. Những virus này kích thích giải phóng các Cytokine, bao gồm một loạt chất trung gian hoá học của quá trình viêm. Cytokine dẫn đến sự hình thành Pyrogens và Prostaglandin E2. Pyrogens là sản phẩm của sự suy tế bào, nó giúp chống lại bệnh cúm/COVID-19 bằng cách gây sốt, nhưng Pyrogens cũng bám vào các dây thần kinh gây đau. Prostaglandin E2 là chất đặc hiệu kích hoạt các con đường đau.

Pyrogens và Prostaglandin E2 tập trung nhiều ở vùng cơ đầu và vai gáy, vùng cơ thắt lưng, vùng cơ xung quanh gối. Thông thường, những chất này có nồng độ cao trong 4-5 ngày. Vì thế mà đa số trường hợp chỉ đau cơ vài hôm, sau đó ổn định, đau tự hết mà không để lại di chứng.

Sau khi khỏi bệnh, nếu cơ thể tiếp tục mẫn cảm tăng tiết Pyrogens Prostaglandin E2 thì tình trạng đau sẽ tiếp tục kéo dài, có thể từ 6-9 tháng mới hết đau.

2.2. Biểu hiện và cơ chế bệnh sinh

Đau vùng đầu và vai gáy, đau vùng thắt lưng: Dễ nhầm với thoái hoá cột sống, viêm đĩa đệm đốt sống, phồng hay thoát vị đĩa đệm. Sau khi chụp Xquang, CT hay cộng hưởng từ, điều trị theo những hướng chẩn đoán này đều không có hiệu quả.

  • Đau mỏi người là triệu chứng thường gặp khi bị COVID-19 hoặc cúm mùa, di chứng đau có thể kéo dài 6-9 tháng ở người bị viêm phổi.
  • Đau vùng quanh gối cũng tương tự, bệnh nhân than phiền rất khó chịu, đau mỏi, trở trời cảm giác như kiến cắn và giòi bò trong xương, nửa đêm về sáng không sao ngủ được vì đau.

Nhưng dai dẳng hơn cả vẫn là tình trạng đau lưng và đau vai gáy. Bởi vì đau lưng và đau vai gáy còn một cơ chế nữa, đó là tổn thương tại phổi. Đây là lý do những bệnh nhân sau viêm phổi do COVID hoặc do cúm có tỉ lệ đau khá cao.

Đau vai gáy hậu covid
Đau vai gáy hậu covid là tình trạng khá phổ biến

2.3. Phòng ngừa và đối phó với đau vai gáy và lưng hậu COVID

Lưng là hàng rào bảo vệ phổi rất quan trọng: Để không bị tổn thương phổi thì bạn cần tránh và không để lưng bị lạnh, tức là phải giữ ấm cho lưng. Trẻ nhỏ đêm ngủ ra mồ hôi lưng thì cha mẹ cần lấy khăn thấm khô, nếu không trẻ sẽ rất dễ bị viêm phổi. Cũng như vậy, với bệnh nhân COVID, đặc biệt là biến thể Omicron hay làm vã mồ hôi ướt đẫm lưng vào ban đêm, do đó bạn cần nhớ phải lau khô ngay lập tức để giữ ấm phổi.

2.4. Lời khuyên của thầy thuốc

Tóm lại, đau vai gáy, đau lưng, đau quanh đầu gối là di chứng thường gặp ở những bệnh nhân viêm phổi do cúm, COVID, hay bất kì nguyên nhân gây viêm phổi do vi khuẩn hay virus nào khác. Biến thể Omicron có tỉ lệ đau thấp hơn cả trong số các nguyên nhân. Cơ chế đau có thể do tăng tiết quá mức các chất trung gian hoá học thuộc nhóm Pyrogens và Prostaglandin E2, nhưng đau kéo dài phần lớn do tình trạng tổn thương tại phổi.

Đau có thể thoáng qua hoặc đôi khi kéo dài 6 – 9 tháng. Ngoài dùng các thuốc giảm đau thì tập phục hồi chức năng, massage, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu là những biện pháp có thể khắc phục được tình trang đau. Các bài tập thở sâu và thiền, gồm có yoga, khí công, thở dưỡng sinh đông y cũng giúp cải thiện tình trạng này.

Trong trường hợp áp dụng các biện pháp trên không đem lại kết quả khả quan thì bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và được tư vấn hướng điều trị hiệu quả.

Biến chứng hậu COVID-19 tồn tại ở mỗi người khác nhau nhưng có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Bệnh nhân khi thăm khám sớm có thể kịp thời phát hiện và điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan