Dấu hiệu rách vết khâu tầng sinh môn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Rất nhiều mẹ bầu khi sinh con được bác sĩ cắt tầng sinh môn và khâu lại hoàn chỉnh sau ca sinh nở. Tuy nhiên, có khi tình trạng vết khâu tầng sinh môn bị rách, dẫn đến chảy máu khiến nhiều chị em lo lắng. Vậy dấu hiệu rách vết khâu tầng sinh môn là gì và chị em phải xử lý như thế nào?

1. Nguyên nhân vết khâu tầng sinh môn bị rách

Vết khâu tầng sinh môn ở phụ nữ sau sinh cũng giống như vết khâu sau phẫu thuật ở những vùng khác trên cơ thể. Thông thường, nếu sản phụ sau sinh được chăm sóc cẩn thận và không xuất hiện bất kỳ biến chứng nào, thì vết khâu tầng sinh môn sẽ tự lành sau 2-3 tuần. Sau khoảng 1 tháng, tầng sinh môn sẽ tương đối ổn định, phục hồi cảm giác. Hiện nay các bác sĩ thường sử dụng loại chỉ tự tiêu để khâu tầng sinh môn, điều này sẽ giúp chị em không cần phải cắt chỉ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thuận lợi để tầng sinh môn được tự lành hẳn. Trên thực tế, vết khâu tầng sinh môn có thể bị rách do một số nguyên nhân như sau

  • Quá trình vệ sinh vết may tầng sinh môn chưa sạch, nhiều dị vật còn sót lại khiến cho vết thương khó hồi phục.
  • Sau khi khâu, các mô mới tại tầng sinh môn khá yếu, dễ bị tổn thương bởi chỉ khâu, khiến cho vết khâu tầng sinh môn bị lỏng lẻo và đứt rời.
  • Thói quen sinh hoạt chưa tốt của một số chị em, chẳng hạn như ngồi lệch một bên, bế con sai tư thế, phải thay tã hoặc đi lại nhiều, làm vết khâu bị hở, rách hay đứt chỉ.

2. Dấu hiệu rách vết khâu tầng sinh môn

Đau
Đau và nóng rát khi tiểu tiện là dấu hiệu rách vết khâu tầng sinh môn

Rách vết khâu tầng sinh môn khiến cho vết thương bị nhiễm trùng, lên mủ, ngứa, chảy máu... Nếu bạn nhận thấy những bất thường sau đây, tốt nhất là nên đến cơ sở y tế để được tư vấn

  • Vết khâu tầng sinh môn bị đau bất thường, lên mủ và có mùi hôi (dấu hiệu nhiễm trùng ở tầng sinh môn)
  • Sốt hay ớn lạnh
  • Đau vùng bụng dưới
  • Cảm giác đau và nóng rát khi đi tiểu
  • Không thể kiềm chế khi mắc đại tiện
  • Không thể kiểm soát trung tiện
  • Chảy máu nhiều hoặc ra cục máu đông.

3. Vết khâu tầng sinh môn bị rách phải làm gì?

Nhiễm trùng là nguy cơ đầu tiên khi bị rách vết khâu tầng sinh môn. Hơn nữa, tình trạng này làm cho quá trình hồi phục bị ảnh hưởng, gây nhiều đau đớn, để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ. Như vậy, khi nhận thấy có bất thường xảy ra sau khi khâu tầng sinh môn thì các chị em cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Các bác sĩ phụ khoa sẽ kiểm tra tình trạng tổn thương ở tầng sinh môn để tư vấn những cách xử lý kịp thời. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể dùng biện pháp massage để giúp vết sẹo mềm mại hoặc làm phẫu thuật thẩm mỹ lại. Bên cạnh đó, chị em nên chú ý vấn đề vệ sinh ở vùng kín. Chú ý thực hiện nhẹ nhàng, đúng cách và luôn giữ vùng kín khô ráo, vì vết thương sau mổ ở vùng này khá nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng.

Mặt khác, khi các chị em có vết khâu tầng sinh môn bị rách thì cũng không nên quá lo lắng mà hãy chủ động đi khám bác sĩ . Việc lựa chọn một cơ sở y tế uy tín và có chuyên môn lâu năm cũng góp phần giúp cho vết khâu tầng sinh môn nhanh chóng hồi phục và mang tính thẩm mỹ cao.

4. Khi nào có thể quan hệ bình thường trở lại?

Phụ nữ
Đừng quá “nóng lòng” trong khi vết khâu tầng sinh môn đang hồi phục

Vấn đề rách vết khâu tầng sinh môn ảnh hưởng trực tiếp đến bộ phận sinh dục nên rất nhiều chị em thắc mắc sau bao lâu thì vết khâu tầng sinh môn lành hẳn, hoặc khi nào có thể quan hệ bình thường trở lại.

Sau khi thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn, sinh con và khâu lại hoàn chỉnh, thông thường chị em sẽ phải cần một khoảng thời gian 2 - 3 tuần để vết khâu ăn liền lại. Tốt nhất để cho việc hồi phục chức năng hoàn toàn thì chị em nên đợi hơn một tháng để có thể quan hệ tình dục bình thường trở lại. Để quá trình hồi phục diễn ra nhanh và an toàn nhất, chị em cần lưu ý những điều như sau để chăm sóc vết khâu tầng sinh môn đúng cách

  • Thời gian đầu có thể việc đi lại sẽ rất khó khăn và đau , nhưng hãy cố gắng đi lại nhẹ nhàng vì điều này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, vết thương bớt sưng đỏ
  • Không nên đi lại mạnh và lên xuống cầu thang quá nhiều, tránh đi giày cao gót, hạn chế vận động mạnh hay làm những việc nặng, ảnh hưởng đến tư thế
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo, dễ làm cho vết khâu tầng sinh môn bị đứt chỉ
  • Lựa chọn đồ lót rộng rãi, mềm mại, thoải mái, thoáng mát
  • Sau khi tiểu tiện hay đại tiện nên rửa lại bằng nước sạch
  • Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh đồ cay nóng, rượu bia, thuốc lá
  • Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi tại nhà.

Hy vọng những thông tin về vết khâu tầng sinh môn trên đây có thể giúp chị em chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và kiến thức trước và sau khi sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

409.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan