Gãy thân xương đùi điều trị thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình.

Gãy thân xương đùi hay gãy xương đùi là sự gián đoạn cấu trúc toàn vẹn của xương đùi do chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp gây đau và hạn chế vận động khớp háng, khớp gối. Gãy thân xương đùi ảnh hưởng nặng nề tới khả năng vận động và sức khỏe vì vậy cần được điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây gãy thân xương đùi

Xương đùi là xương dài nhất và chắc khoẻ nhất trong cơ thể. Vì xương đùi rất chắc khỏe nên lực chấn thương phải đủ mạnh mới có thể làm gãy xương. Thông thường tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương đùi.

Ngoài ra gãy thân xương đùi còn do một số nguyên nhân sau:

  • Nguyên nhân trực tiếp: Do lực chấn thương đập trực tiếp vào đùi. Va đập, cây đè, bánh xe lăn qua, sập hầm...
  • Nguyên nhân gián tiếp: Chấn thương tạo nên lực bẻ xoắn làm gãy xương đùi, do gấp xoay đùi quá mức trong tai nạn thể thao, tai nạn lao động.
  • Nguyên nhân bệnh lý: Xương bị yếu do bệnh lý nay chỉ cần 1 chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy xương , ví dụ; U xương, nang xương, thưa xương, mềm xương, lao xương, viêm xương
  • Gãy xương đùi ở trẻ sơ sinh: Do xoay thai, kéo thai, ngôi mông

Gãy xương đùi rất khác nhau và tùy thuộc vào lực tác động gây gãy xương. Những mảnh vỡ của xương có thể nằm đúng vị trí hay dịch chuyển, và chỗ gãy xương có thể kín (da còn nguyên vẹn) hoặc hở (xương đâm xuyên da).

Gãy xương đùi được phân loại tùy thuộc vào:

  • Vị trí gãy xương (thân xương đùi được chia thành ba đoạn: Đoạn xa, đoạn giữa và đoạn gần)
  • Các kiểu gãy xương (ví dụ: xương có thể bị gãy ở nhiều hướng khác nhau như gãy ngang, gãy dọc, gãy chéo, gãy nhiều mảnh, gãy 2 hay 3 đoạn)
  • Da, cơ , mạch máu , thần kinh có thể bị tổn thương kèm theo.
Thai nhi ngôi mông
Ngôi mông là nguyên nhân gãy xương đùi ở trẻ sơ sinh

2. Điều trị gãy thân xương đùi

2.1 Sơ cứu phòng và chống sốc

Tiến hành giảm đau cho bệnh nhân:

  • Toàn thân: Khi đã loại trừ những tổn thương kết hợp: Morphin, Promedol, hoặc các thuốc giảm đau khác.
  • Tại chỗ: Novocain 0.25% x80 - 100ml phóng bế gốc chi.

Không gây tê ổ gãy vì khó xác định vị trí chính xác ổ gãy, dễ gây nhiễm khuẩn ổ gãy khi gây tê (vì xung quanh xương đùi có nhiều cơ bám, mạch máu nuôi dưỡng phong phú).

  • Cố định gãy xương: Sử dụng nẹp có sẵn như nẹp gỗ hoặc tre( cần 3 nẹp , 1 nẹp từ nách đến gót chân, 1 nẹp từ mông đến gót chân, 1 nẹp từ bẹn đến gót chân, cần đệm lót nẹp để tránh đau và chèn ép) để cố định khớp trên và dưới chỗ gãy( khớp háng và khớp gối), nẹp Thomas, nẹp của các hãng chỉnh hình sản xuất. Nếu không có nẹp thì có thể sử dụng các túi cát để chèn ở vùng gối và cổ bàn chân, hoặc buộc chân gãy vào chân lành.

Tiến hành băng bó cầm máu vết thương( Gãy hở), nếu cố vết thương mạch máu thì có thể:

  • Kẹp mạch: Khi thấy mạch máu chảy.
  • Băng nút khi vết thương xuyên.
  • Băng chèn khi đứt động mạch .

2.2 Phương pháp điều trị bảo tồn (nắn bó bột hoặc kéo liên tục)

Sốc phản vệ độ 3
Điều trị bằng phương pháp điều trị bảo tồn cho bệnh nhân gãy xương đùi đang bị sốc

Được chỉ định trong các trường hợp gãy xương đùi sau:

  • Trẻ em dưới 12 tuổi, người già yếu (sơ sinh không bó bột mà nẹp bằng bìa cứng.)
  • Gãy xương đùi không hoặc ít di lệch, gãy rạn, gãy không hoàn toàn.
  • Gãy xương đùi trên bệnh nhân có bệnh lý toàn thân không cho phép phẫu thuật.
  • Gãy xương đùi ở bệnh nhân đang trong tình trạng sốc
  • Chưa đủ kíp mổ, chưa đủ trang thiết bị để phẫu thuật gãy xương đùi. Kéo liên tục để chờ mổ.

2.3 Phương pháp điều trị phẫu thuật

Phương pháp điều trị phẫu thuật gãy xương đùi được chỉ định cho:

  • Gãy thân xương đùi ở người lớn
  • Trẻ em trên 12 tuổi
  • Điều trị bảo tồn thất bại
  • Liền lệch.
Gãy xương đùi khi mắc u tương bào đơn độc điều trị thế nào?
Gãy thân xương đùi ở người lớn sẽ điều trị theo phương pháp phẫu thuật

Kỹ thuật thực hiện đóng đinh nội tuỷ kín:

  • Bệnh nhân nằm trên bàn chỉnh hình. Kéo nắn chỉnh ổ gãy hết di lệch chồng khi kiểm tra dưới màn tăng quang.
  • Rạch da dài 6cm từ mấu chuyển lớn lên trên, tách cơ mông bộc lộ đỉnh mấu chuyển lớn, tạo lỗ vào ống tủy, dùng khoan ống tủy chuyên dụng để khoan ống tuỷ.
  • Đóng đinh nhỏ hơn kích thước đường kính của khoan một số, số vít chốt ngang được bắt tuỳ theo đặc điểm giải phẫu bệnh của ổ gãy (kỹ thuật này chỉ định cho gãy 1/3 T và 1/3G thân xương đùi).

Kỹ thuật thực hiện đóng đinh nội tủy kín ngược dòng( áp dụng cho gãy 1/3 dưới xương đùi):

  • Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn mổ, gối gấp 60 - 90 độ.
  • Rạch da dài 6cm từ cực dưới xương bánh chè đến lồi củ trước xương chày.
  • Rạch gân bánh chè, bộc lộ rãnh liên lồi cầu, tạo lỗ vào ống tuỷ ở rãnh liên lồi cầu, trước điểm bám dây chằng chéo sau 1,2 mm, dùng khoan ống tủy chuyên dụng để khoan hoặc kiểm tra ống tuỷ.
  • Đóng đinh nhỏ hơn kích thước đường kính của khoan một số, số vít chốt ngang được bắt tuỳ theo đặc điểm giải phẫu bệnh của ổ gãy (kỹ thuật này chỉ định cho gãy 1/3 D).

Kỹ thuật thực hiện đóng đinh nội tủy mở ổ gãy: Tương tự như kỹ thuật trên nhưng bộc lộ ổ gãy để nắn chỉnh cố định ổ gãy bằng Davier và sau đó tiến hành như kỹ thuật trên. Đối với gãy xương đùi hở phải rửa sạch ổ gãy, cắt lọc lọc vết thương và tiến hành đóng đinh như kỹ thuật đã mô tả trên nhưng không khoan ống tủy.

Dùng kháng sinh dự phòng trước trong và sau mổ. Dùng trong ngày đối với gãy kín mới. 7 ngày đối với trường hợp gãy cũ, chậm liền xương, khớp giả và gãy hở.

kháng sinh dự phòng
Kháng sinh dự phòng cần dùng trước trong và sau mổ.

2.4 Biến chứng do phẫu thuật gãy xương đùi

Ngoài những rủi ro trong phẫu thuật nói chung, như mất máu hay các vấn đề liên quan đến gây mê, những biến chứng của phẫu thuật gãy xương đùi có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương dây thần kinh và mạch máu
  • Cục máu đông
  • Thuyên tắc mỡ (tủy xương đi vào máu và có thể di chuyển đến phổi; tình trạng này cũng có thể xảy ra khi gãy xương mà không phẫu thuật)
  • Di lệch xương hay không thể cố định các mảnh xương vỡ đúng vị trí
  • Chậm liền xương hay không liền xương (khi chỗ gãy liền xương chậm hơn bình thường hoặc không liền xương)
  • Kích ứng do dụng cụ (đôi khi đầu đinh hoặc vít có thể gây kích ứng cho các cơ bắp và gân nằm phía trên).

3. Phục hồi chức năng sau điều trị gãy thân xương đùi

Hầu hết gãy thân xương đùi phải cần từ 4 đến 6 tháng để liền xương hoàn toàn. Một số trường hợp kéo dài lâu hơn, đặc biệt là khi gãy hở hay gãy thành nhiều mảnh.

Nhiều bác sĩ khuyến khích bệnh nhân nên vận động chân sớm trong giai đoạn hồi phục. Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về việc đặt trọng lượng lên chân bị tổn thương là điều rất quan trọng để tránh xảy ra các sự cố.

Phục hồi chức năng gãy xương đùi là áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu, thuốc để thúc đẩy quá trình liền xương, các chức năng vận động khớp háng, khớp gối và phòng ngừa các biến chứng (teo cơ, cứng khớp...).

Để tránh các biến chứng do gãy thân xương đùi gây ra, cần tiến hành điều trị nhanh chóng và kịp thời. Giúp rút ngắn thời gian điều trị và phục hồi. Áp dụng các bài tập vật lý trị liệu theo đúng hướng dẫn của bác sĩ giúp đem lại hiệu quả phục hồi sớm nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan