Chế độ vận động cho bệnh nhân loãng xương

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Bác sĩ Cơ - Xương - Khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Loãng xương là bệnh lý nguy hiểm có thể làm gãy xương nhưng ít có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Tùy từng trường hợp bệnh bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau. Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cũng có thể thực hiện các bài tập thể dục cho người loãng xương để đảm bảo sức khỏe.

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng làm cho xương bị yếu đi. Theo đó, cấu trúc xương bị tổn hại làm cho xương giòn, dễ gãy. Hậu quả cuối cùng là gãy xương.

Gãy xương là một biến chứng nặng nề của loãng xương, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống, thậm chí có nguy cơ tử vong. Theo ghi nhận có đến 20% gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu, 50% mất khả năng đi lại, 25% cần sự trợ giúp của y tá chăm sóc tại nhà, chi phí điều trị rất tốn kém. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị loãng xương sớm sẽ là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết.

Hiện nay, tỉ lệ loãng xương trong cộng đồng rất cao: cứ 3 người phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương, tỉ lệ này ở nam là 1/10.

Loãng xương
Loãng xương khiến khả năng vận động suy giảm

2. Điều trị loãng xương

Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ điều trị sẽ cho những chỉ định phù hợp. Việc điều trị thuốc phải tuân thủ lâu dài, kết hợp với chế độ ăn uống và bài tập thể dục cho người loãng xương mới đem lại hiệu quả.

Cùng với chế độ ăn uống, thuốc điều trị thì vận động hay các bài tập thể dục tốt cho xương khớp là một biện pháp không thể thiếu đối với việc phòng và điều trị loãng xương. Việc tập thể dục tác động lên các cơ bắp và xương sẽ giúp cho xương chắc khỏe hơn, đồng thời giữ thăng bằng tốt hơn, làm giảm té ngã. Việc thực hiện các bài tập thể dục cho xương khớp tùy thuộc vào khả năng và mức độ mất xương của từng người. Theo đó, bệnh nhân nên được kiểm tra mật độ xương và tư vấn bác sĩ trước khi luyện tập.

Các bài tập thể dục tốt cho xương khớp là các các bài tập mang trọng lượng cơ thể, có nghĩa là phải có tác động lực lên cẳng chân và bàn nhân, tác động lên các cơ bắp (ví dụ như đi bộ, đi bộ nhanh, aerobic, khiêu vũ, leo cầu thang, các bài tập cơ bắp như tập tạ, tập bằng dây cao su đàn hồi. Ngoài ra, còn một số bài tập giúp giữ thăng bằng tốt hơn như tập thái cực quyền,

Nếu bệnh nhân bị mất xương ít, không có các bệnh về cột sống thì nên tập các động tác mạnh hơn như: chạy bộ, đi bộ nhanh, aerobic, leo cầu thang, tập tạ, tập yoga...

Nếu bệnh nhân bị loãng xương nặng nên tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu mức độ thấp, dưỡng sinh, tập tạ với quả tạ nhỏ hơn, làm các công việc nhà, làm vườn... nên mang dụng cụ bảo vệ chậu hông khi luyện tập đối với đối tượng có nguy cơ ngã, đi giày dép chống trơn trượt.

Ngoài ra, bạn nên thực hiện bài tập thể dục cho người loãng xương ngoài trời buổi sáng để tăng cường hấp thu vitamin D. Tránh các vận động xoắn vặn nhiều, cúi cột sống quá mức, các vận động mạnh dễ té ngã. Thời lượng tập ví dụ: Aerobic 45 phút, 2-3 lần mỗi tuần. Đi bộ 30 phút mỗi ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan