Chú ý khi tắm gội cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Khi bị sốt xuất huyết, rất nhiều bệnh nhân đã kiêng tắm, kiêng gội do sợ tắm nước vào sẽ ốm, sốt nặng hơn. Tuy nhiên, điều này không hề là thói quen tốt. Vậy tắm gội khi bị sốt xuất huyết như thế nào là đúng cách?

1. Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, lây truyền sang người lành do bị muỗi Aedes aegypti đốt. Biểu hiện đặc trưng của sốt xuất huyết là bệnh nhân bị sốt cao và có các đốm xuất huyết dưới da, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu hạ.

Ở giai đoạn đầu, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 - 40 độ C. Giai đoạn từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện. Vào thời điểm này, bệnh nhân có thể giảm sốt hoặc hết sốt. Khi hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên. Xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.

2. Sốt xuất huyết có được tắm gội không?

Khi bị bệnh sốt xuất huyết, người bệnh thường lo lắng, không biết rằng có thể tắm được không, một số bệnh nhân chọn cách lau người sơ qua bằng nước ấm. Đặc biệt là nhiều trẻ nhỏ với sức khỏe yếu, bố mẹ luôn lo lắng không dám tắm cho con, sợ con ốm hoặc sốt nặng hơn.

Tuy nhiên, thực tế là khi bị bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân hoàn toàn có thể tắm rửa bình thường. Bệnh nhân chỉ cần lưu ý không tắm và ngâm người trong nước lâu, tắm với nước có độ ấm vừa phải. Tuyệt đối không tắm với nước lạnh. Nếu gội đầu, đặc biệt là những bệnh nhân nữ tóc dày thì nên sấy khô, tránh để tóc ẩm lâu khiến cơ thể bị lạnh.

Tắm nước ấm giúp ngủ nhanh
Sốt xuất huyết hoàn toàn có thể tắm rửa bình thường

Riêng trường hợp sốt xuất huyết hạ tiểu cầu, bạn cần tránh kỳ cọ mạnh bởi sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ, cực kỳ nguy hiểm. Tăng tính thấm của thành mạch, giảm tiểu cầu... thường xuất hiện trong giai đoạn giữa, khoảng từ ngày 3 đến ngày thứ 7 của bệnh và gây ra các đốm xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau ở dưới da, màu đỏ hoặc vết bầm tím, bệnh nhân cũng có thể bị chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Xuất huyết dưới da thường xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi...

Chính vì thế, trong thời gian này, bạn nên hạn chế việc tắm gội bởi sẽ làm cho thành mạch giãn mạnh, khiến tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn. Tốt nhất là bạn nên dùng khăn ấm lau người.

Dùng khăn ấm lau người
Dùng khăn ấm lau người khi bị hạ tiểu cầu

Nếu trong trường hợp vì lý do nào đó mà bệnh nhân cần phải tắm, nên cho bệnh nhân tắm bằng nước ấm. Tuyệt đối không được dùng nước lạnh để tắm gội vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.

Do đó, tùy theo trường hợp và tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh nhân, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh để quyết định việc bệnh nhân có nên tắm hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

231.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan