Cho con bú: Giờ đầu tiên sau sinh rất quan trọng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sữa non là những giọt sữa mẹ đầu tiên xuất hiện trong 72 giờ sau sinh, mẹ không nên bỏ qua cơ hội chỉ có một lần trong đời trẻ. Không ít người mẹ mới sinh cho con dùng sữa công thức rất sớm vì nghĩ mình chưa có sữa hay sữa chưa về đủ cho bé bú. Điều này có thể khiến mẹ vô tình bỏ qua nguồn sữa non nhiều lợi ích và cần thiết cho trẻ sơ sinh.

1. Sữa non là gì?

Sữa non là những giọt sữa mẹ đầu tiên, thường tiết ra trong những tháng cuối thai kỳ (từ khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ) và trong 48 - 72 giờ đầu sau sinh. Sữa non có màu vàng nhạt, sánh đặc và rất giàu dinh dưỡng. Khi bé ra đời, sữa non đã có sẵn trong bầu vú mẹ để cho bé bú.

Sau khi nhau thai đã được đẩy ra khỏi cơ thể mẹ (bé chào đời), nồng độ estrogen và progestogen sẽ giảm, nồng độ hormone prolactin tăng lên sẽ kích thích cơ thể mẹ tiết sữa, lượng sữa sẽ bắt đầu nhiều hơn bắt đầu từ ngày thứ 3 – 4 tùy thuộc vào lượng sữa bé bú và lượng sữa được vắt ra.

2. Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của sữa non đối với trẻ sơ sinh

Sữa non chứa ít đường lactose, chất béo và các vitamin tan trong nước nhưng lại rất giàu protein, lượng protein trong sữa non có thể cao gấp 10 lần so với sữa trưởng thành. Các vitamin tan trong chất béo nhiều hơn bao gồm: vitamin A cao gấp 2 lần sữa trưởng thành, vitamin E, vitamin K. Các khoáng chất như: sắt, kẽm... có nồng độ và hàm lượng khá cao nên sữa non là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất với bé sơ sinh, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu hóa, hấp thụ của bé.

Sữa non rất giàu các kháng thể tự nhiên, giúp em bé sơ sinh chống lại nhiễm trùng, phòng ngừa các bệnh mãn tính, chứa chất chống oxy hóa chống lại bệnh ung thư, bảo vệ cơ thể trẻ tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường ngoài để phát triển khỏe mạnh. Trong sữa non của mẹ còn có rất nhiều ganglioside, yếu tố quan trọng để phát triển não ở trẻ và tăng cường hệ miễn dịch đường ruột.

3. Sau sinh bao lâu thì cho bé bú sữa non?

Giờ đầu tiên sau khi sinh là thời gian rất quan trọng đối với mẹ và em bé. Nuôi con bằng sữa mẹ là một phản xạ tự nhiên có tổ chức và liên quan tới các hệ thần kinh. Vì vậy, ngay sau khi sinh, đặt em bé trên da mẹ có thể giúp con có đủ bình tĩnh để bắt đầu tìm kiếm vú theo bản năng. Nên cho con bú ngay sau khi sinh, trong vòng khoảng 30 phút đến 1 giờ. Mặc dù sữa non rất ít, chỉ khoảng 3 - 5ml sữa nhưng đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời mà bé bú được.

Cho con bú: Giờ đầu tiên sau sinh rất quan trọng
Nên cho con bú ngay sau khi sinh, trong vòng khoảng 30 phút đến 1 giờ

Lúc mới sinh ngày đầu tiên, dạ dày của bé giống như trái táo nhỏ, có dung tích khoảng 5 - 6ml, các bà mẹ yên tâm khi bé bú mẹ mà không sợ bé đói hay cần thêm sữa nhân tạo nữa. Sang ngày hôm sau và những ngày kế tiếp, dạ dày của bé sẽ giãn nở, khi đó nhu cầu lượng sữa sẽ tăng, đồng thời sữa mẹ cũng về đủ để bé bú.

Cố gắng cho con bú ngay sau khi sinh để kích thích tiết sữa và cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho bé. Nhiều bà mẹ có kích thước đầu ti quá lớn khiến trẻ khó ngậm, khó bú nên bé từ chối bú mẹ. Trường hợp này, mẹ hãy kiên trì cho con ngậm ti hoặc có thể vắt sữa non ra, sau đó dùng thìa nhỏ đút cho bé và nên tránh việc cho bé bú bình sớm. Việc cho bé bú nhiều lần càng giúp sữa mẹ về nhiều hơn.

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong khoảng 6 tháng đầu đời, đặc biệt tuần đầu sau sinh. Nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn sẽ được hưởng những lợi tốt nhất từ sữa mẹ. Lưu ý việc cho trẻ ăn thêm thức ăn ngoài như bú sữa bột trước khi cho ti mẹ sẽ khiến trẻ bú mẹ ít hơn.

4. Hướng dẫn cách cho trẻ bú sữa mẹ sớm nhất

Sau khi sinh khoảng 1 giờ, mẹ có thể cho bé bú được ngay, trừ trường hợp mẹ quá mệt hay có chỉ định đặc biệt của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe người mẹ. Người nhà hoặc nhân viên y tế có thể hỗ trợ mẹ, giúp cho bé bú mẹ bằng cách đỡ mẹ nằm nghiêng một bên (bên ngực cần cho bú) hoặc mẹ nằm ngửa, bế bé áp sát bụng mẹ và bụng bé với nhau, mặt bé quay về vú mẹ, giúp bé há miệng to để bé ngậm trọn núm vú mẹ, cằm bé áp sát vào bầu vú. Chú ý, trước khi cho bé bú mẹ cần lau sạch bầu vú bằng khăn ướt sạch và nặn bỏ giọt sữa đầu tiên.

Để đảm bảo duy trì nguồn sữa mẹ, mẹ nên cho bé bú “theo nhu cầu” hay cho bé bú “không hạn chế”. Cho bé bú mỗi khi trẻ có các biểu hiệu đòi bú (trẻ cựa quậy, há miệng), không nên chờ đợi đến khi bé khóc mới cho trẻ bú. Số lần trẻ bú mẹ có thể dao động từ 8 - 12 lần/ngày hoặc thậm chí nhiều hơn nữa. Không hạn chế số lần bú của bé.

Khi cho bé bú, mẹ hãy để bé bú theo nhu cầu và tự bé sẽ điều chỉnh theo cảm nhận riêng cho đến khi bé thấy đủ và sẽ tự nhả vú. Sau đó, mẹ có thể trẻ bú bên bầu vú còn lại để hai bên bầu vú được đều nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

125K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan