Chẩn đoán và điều trị suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy hô hấp cấp tiến triển là tình trạng bệnh lí nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân, cần được can thiệp điều trị kịp thời.

1. Suy hô hấp cấp tiến triển là gì?

Suy hô hấp cấp tiến triển (acute respiratory distress syndrome - ARDS) xảy ra khi dịch tích tụ đầy trong các phế nang của phổi. Lượng dịch này ngăn cản quá trình trao đổi khí, khiến lượng oxy vào máu giảm xuống, làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và xảy ra các hậu quả nghiêm trọng.

Suy hô hấp cấp tiến triển thường xảy ra trên những bệnh nhân đã bị bệnh mức độ nghiêm trọng, hoặc đã bị chấn thương nặng. Khó thở mức độ nặng - triệu chứng chính của suy hô hấp cấp tiến triển, thường tiến triển trong vòng vài giờ tới vài ngày sau khi bị chấn thương đột ngột hoặc nhiễm khuẩn.

Nhiều bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tiến triển đã không thể qua khỏi. Tỉ lệ tử vong tăng lên theo tuổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh cảnh. Trong số những bệnh nhân qua khỏi suy hô hấp cấp tiến triển, một số có thể hồi phục hoàn toàn, trong khi số còn lại đối mặt với những tổn thương phổi kéo dài.

2. Triệu chứng của suy hô hấp cấp tiến triển

Suy hô hấp
Triệu chứng khó thở thường gặp ở suy hô hấp cấp

Các dấu hiệu của suy hô hấp cấp tiến triển sẽ khác nhau tùy vào tốc độ tiến triển, vào nguyên nhân gây ra suy hô hấp cấp và mức độ nặng của nó, cũng như các bệnh lí nền của tim và phổi hiện có. Các dấu hiệu có thể xuất hiện là:

  • Khó thở mức độ nghiêm trọng.
  • Thở mạnh hoặc thở nhanh bất thường.
  • Tụt huyết áp.
  • Mệt mỏi một cách khó hiểu, hoặc cực kỳ mệt.

Suy hô hấp cấp tiến triển thường xảy ra sau khi đã bị bệnh nghiêm trọng hoặc bị chấn thương nặng, và đa số bệnh nhân đã nhập viện từ trước đó.

3. Nguyên nhân gây ra suy hô hấp cấp tiến triển

Cơ chế xảy ra suy hô hấp cấp tiến triển là do lượng dịch thoát ra từ các mạch máu nhỏ của phổi, số dịch này tràn vào đầy trong các phế nang, nơi máu trao đổi oxy. Lúc bình thường có một màng bảo vệ để ngăn không cho dịch thoát ra khỏi lòng mạch. Tình trạng chấn thương hoặc bệnh lí nghiêm trọng có thể gây tổn hại tới lớp màng này và khiến dịch thoát ra ngoài, gây ra suy hô hấp cấp tiến triển.

Các nguyên nhân nền thường gặp gây ra suy hô hấp cấp tiến triển bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn: Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra suy hô hấp cấp tiến triển là nhiễm khuẩn (một tình trạng nhiễm khuẩn nặng và lan rộng).
  • Hít phải các chất độc hại: Hít phải nồng độ cao khói thuốc hoặc hơi hóa chất có thể gây ra suy hô hấp cấp tiến triển.
  • Viêm phổi nặng: Những trường hợp viêm phổi nặng thường ảnh hưởng tới cả năm thùy của hai bên phổi.
  • Chấn thương đầu, ngực hoặc các chấn thương nặng khác: Tai nạn (chẳng hạn như ngã cao, đâm xe ô tô,...) có thể trực tiếp gây tổn thương phổi hoặc tổn thương khu vực não kiểm soát hô hấp.
  • Các nguyên nhân khác: Viêm tụy cấp, truyền máu số lượng lớn, bỏng,...

4. Yếu tố nguy cơ của suy hô hấp cấp tiến triển

Những bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp cấp tiến triển thường đã nhập viện từ trước vì những bệnh lí nặng, và nguy cơ xuất hiện suy hô hấp cấp tiến triển sẽ rất cao nếu bị nhiễm khuẩn huyết.

Những bệnh nhân có tiền sử lạm dụng rượu mạn tính đối mặt với nguy cơ mắc suy hô hấp cấp tiến triển cao hơn, và cũng dễ bị tử vong hơn.

5. Biến chứng của suy hô hấp cấp tiến triển

trầm cảm và mất trí nhớ
Trầm cảm và mất trí nhớ là biến chứng xuất hiện sau khi bệnh nhân khỏi suy hô hấp cấp

Trong quá trình nằm viện điều trị suy hô hấp cấp tiến triển, rất nhiều các vấn đề khác có thể xảy ra:

  • Đông máu lòng mạch: Nằm thở máy trong quá trình điều trị làm tăng nguy cơ xuất hiện đông máu lòng mạch. Cục máu đông có thể di chuyển theo hệ tuần hoàn tới một hoặc cả hai phổi, gây tắc mạch phổi.
  • Tràn khí màng phổi: Trong đa số trường hợp suy hô hấp cấp tiến triển, quá trình điều trị cần phải thở máy, tuy nhiên một trong các biến chứng của thở máy là gây tràn khí màng phổi.
  • Nhiễm khuẩn: Bệnh nhân thở máy đối mặt với nguy cơ bị nhiễm khuẩn phổi cao hơn.
  • Xơ phổi: Xơ phổi do sự dày lên của các mô và do mô sẹo ở các phế nang có thể xảy ra sau vài tuần kể từ khi suy hô hấp cấp tiến triển xuất hiện. Xơ phổi khiến quá trình trao đổi khí không còn hiệu quả.

Nhờ các phương pháp điều trị hiện đại, các bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tiến triển có thể qua khỏi, nhưng nhiều bệnh nhân phải chịu tổn thương và di chứng kéo dài:

  • Vấn đề về hô hấp: Nhiều bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn nhưng có một số bệnh nhân phải chịu các vấn đề về hô hấp trong suốt phần đời còn lại.
  • Trầm cảm: Đa số bệnh nhân trải qua suy hô hấp cấp tiến triển cho biết họ cũng đối mặt với một thời kỳ trầm cảm.
  • Các vấn đề với trí nhớ và nhận thức: Sau khi bị suy hô hấp cấp tiến triển, một số bệnh nhân bị mất trí nhớ và rối loạn nhận thức, các vấn đề này có thể nhẹ dần đi theo thời gian hoặc tồn tại vĩnh viễn.
  • Mệt mỏi, yếu cơ: Thời gian điều trị kéo dài khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và yếu cơ.

6. Chẩn đoán suy hô hấp cấp tiến triển

Chẩn đoán suy hô hấp cấp
Chuẩn đoán suy hô hấp

Không có xét nghiệm chuyên biệt nào dành cho suy hô hấp cấp tiến triển. Chẩn đoán bệnh dựa trên thăm khám lâm sàng, chụp X-quang lồng ngực và đo nồng độ oxy; đồng thời cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lí khác cũng có những triệu chứng tương tự.

7. Điều trị suy hô hấp cấp tiến triển

Mục tiêu đầu tiên của điều trị suy hô hấp cấp tiến triển là cải thiện nồng độ oxy trong máu.

  • Cung cấp oxy: Để cải thiện nồng độ oxy máu, bệnh nhân có thể được thở oxy qua mặt nạ, với những trường hợp nặng sẽ cần thở máy.
  • Kiểm soát lượng dịch vào - ra: Lượng dịch vào và ra khỏi cơ thể cần được kiểm soát chặt để đạt sự cân bằng.
  • Thuốc điều trị: Các thuốc điều trị thường sử dụng trong suy hô hấp cấp tiến triển bao gồm:
    • Thuốc phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn.
    • Thuốc giảm đau.
    • Thuốc chống đông máu.
    • Thuốc hạn chế trào ngược dạ dày.
    • Thuốc an thần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

  • Nguồn tham khảo: mayoclinic.org
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan