Cảnh giác viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ

Viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ là một trong những bệnh lý hậu sản thường gặp. Sản phụ cần cảnh giác trước tai biến này vì nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây viêm tắc động mạch phổi, thận và dễ dẫn đến tử vong.

1. Viêm tắc tĩnh mạch là gì?

Tĩnh mạch là các mạch máu trong cơ thể, làm nhiệm vụ vận chuyển máu từ các chi và các cơ quan trở lại tim. Viêm tĩnh mạch tình trạng viêm trong tĩnh mạch. Nếu cục máu đông là nguyên nhân gây viêm thì được gọi là viêm tắc tĩnh mạch. Khi cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch sâu, tình trạng này được gọi là viêm tĩnh mạch huyết khối sâu hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).

2. Viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ - tai biến thường gặp

Nguy cơ xuất hiện viêm tắc tĩnh mạch kéo dài suốt thai kỳ, đặc biệt cao điểm ở giai đoạn hậu sản.

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thuyên tắc tĩnh mạch là thuyên tắc phổi (tỷ lệ tử vong 12 - 15%) , xuất phát từ huyết khối tĩnh mạch sâu. 3 nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai là huyết khối tĩnh mạch nông, huyết khối tĩnh mạch do viêm nhiễm vùng sinh dục và huyết khối tĩnh mạch buồng trứng. Hầu hết huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện từ tuần 15 - 20 của thai kỳ.

Các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu gồm cả yếu tố bẩm sinh và yếu tố mắc phải (béo phì, nằm bất động lâu, chấn thương, bệnh viêm nhiễm, đa hồng cầu, hồng cầu hình liềm, giãn tĩnh mạch chi dưới,...). Nếu những yếu tố này xuất hiện ở thời kỳ hậu sản thì nguy cơ huyết khối tĩnh mạch dẫn tới viêm tĩnh mạch sau đẻ sẽ tăng cao. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh liên quan đến sản khoa là ứ trệ tuần hoàn, đa sản, tuổi mẹ cao, tuổi thai dưới 36 tuần, sinh với hỗ trợ thủ thuật hoặc sinh mổ, tiền sản giật, xuất huyết, chuyển dạ kéo dài, lưu thông mạch máu (hệ tĩnh mạch) bị cản trở, tăng sinh sợi huyết,...

3. Triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch sau sinh

  • Các triệu chứng thường xuất hiện muộn, sau đẻ khoảng 12 - 15 ngày;
  • Sốt nhẹ, rét run, mạch nhanh;
  • Nếu viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thì sản phụ có biểu hiện phù chân, màu trắng, nóng, ấn vào thấy đau, gót chân không nhấc được khỏi giường;
  • Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến viêm tắc động mạch phổi, thận và gây tử vong.
Cảnh giác viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ
Phù chân - Triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch sau sinh

4. Chẩn đoán viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ

  • Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng;
  • Siêu âm chi bị ảnh hưởng: Là phương pháp sử dụng sóng âm cho thấy dòng máu chảy qua tĩnh mạch và động mạch;
  • Kiểm tra mức độ D-dimer: Là xét nghiệm máu để kiểm tra chất phóng thích trong cơ thể khi cục máu đông tan;
  • Chụp cắt lớp vi tính, chụp MRI để kiểm tra sự hiện diện của cục máu đông;
  • Nếu phát hiện cục máu đông, bác sĩ có thể lấy mẫu máu để xét nghiệm các rối loạn đông máu gây huyết khối.

5. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch sau sinh

  • Xét nghiệm máu chảy, máu đông, thời gian Quick và tỷ lệ Prothrombin để theo dõi tiến triển của bệnh và khả năng đáp ứng điều trị;
  • Bất động chi bị viêm tắc tĩnh mạch ít nhất 3 tuần sau khi bệnh nhân hết sốt;
  • Sử dụng kháng sinh toàn thân kết hợp với corticoid sau vài ngày dùng kháng sinh;
  • Sử dụng thuốc chống đông: Heparin 25.000 UI/kg cân nặng/24 giờ tiêm tĩnh mạch hoặc nhỏ giọt tĩnh mạch. Cũng có thể sử dụng Dicoumarol 2 - 10mg/24 giờ (kháng sinh vitamin K, tác dụng chậm). Đồng thời theo dõi kết quả điều trị bằng xét nghiệm thời gian Howell, Quick.

6. Phòng ngừa viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ

Để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu gây viêm tắc tĩnh mạch trong sản khoa, sản phụ cũng như nhân viên y tế cần chú ý tới những vấn đề sau:

  • Sản phụ có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi, có huyết khối tĩnh mạch sâu trước khi mang thai cần được điều trị bằng thuốc kháng đông ngay từ khi mang thai;
  • Điều trị các ổ viêm trong khi mang thai như viêm đường tiết niệu, sinh dục;
  • Sản phụ cần nâng cao chân và mang vớ áp lực;
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh tăng cân quá mức;
  • Tránh mất nước và bất động lâu trong suốt giai đoạn trước sinh, giai đoạn chuyển dạ và hậu sản;
  • Phòng ngừa nhiễm khuẩn ối và chuyển dạ kéo dài;
  • Trong khi sinh: Không để sót rau, tuân thủ đúng các chỉ định kiểm soát tử cung và chế độ tiệt trùng, vệ sinh;
  • Sau khi sinh: Tránh bế sản dịch, vệ sinh và chăm sóc tầng sinh môn đúng quy trình
Cảnh giác viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Viêm tắc tĩnh mạch sau đẻ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Vì vậy, phụ nữ có tiền sử huyết khối tĩnh mạch, có nguy cơ mắc bệnh hoặc đang có biểu hiện bệnh cần ngay lập tức đi khám để nhận được lời khuyên từ bác sĩ trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan