Căng thẳng, stress kéo dài có thể gây cường giáp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Cố vấn chuyên môn, Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Stress không chỉ tàn phá hệ thần kinh mà còn có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây ra bệnh cường giáp. Ngày nay, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về cường giáp ngày càng tăng, đặc biệt đối với nữ giới.

1. Cường giáp là gì?

Cường giáp là một hội chứng, tức là không phải một bệnh riêng biệt. Có nhiều bệnh gây ra hội chứng này, trong đó có thể kể đến bệnh Basedow - Bệnh cường giáp hay gặp nhất với bướu cổ có lồi mắt, cường giáp; cường giáp do bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp....

Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormon tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân...

Cường giáp gây nên nhiều tác động đến các cơ quan trong cơ thể nhưng biểu hiện rõ nhất trong những triệu chứng dưới đây:

  • Tiêu chảy: Nhu động ruột tăng thường xuyên chính là nguyên nhân khiến cho người bệnh bị cường giáp gặp phải tình trạng tiêu chảy kéo dài.
  • Bướu cổ: Cường tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị phì đại. Đây chúng là nguyên nhân khiến cho vùng cổ - nơi chứa tuyến giáp luôn phình to hơn.
  • Run tay: Triệu chứng run tay với bệnh nhân cường giáp thường rất khó kiểm soát với tần số nhanh, nhiều và biên độ nhỏ hơn.
  • Sụt cân: Bệnh cường giáp thường gây sụt cân nhanh chóng cho dù chế độ ăn uống vẫn bình thường. Người bệnh cần phải lưu ý đến triệu chứng này.
  • Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, giấc ngủ ngắn, hay bị ngắt quãng, ngủ không yên giấc là biểu hiện mà bệnh nhân cường giáp hay gặp.
  • Cơ thể yếu mệt, tính tình thay đổi, hay lo lắng: Cơ thể bệnh nhân cường giáp thường rất mệt mỏi, bệnh nhân không muốn vận động nhiều và không thể gắng sức.
Cường giáp
Cường giáp là một hội chứng, tức là không phải một bệnh riêng biệt

2. Căng thẳng, stress kéo dài có thể gây cường giáp

Theo các thống kê, tần suất mắc bệnh ở nam giới rất thấp so với nữ, vì thế nhiều người cho rằng đây là bệnh của phái nữ. Bệnh thường gặp nhất ở tuổi 30 - 40, có thể xảy ra ở người già nhưng hiếm khi xuất hiện trước 10 tuổi.

Stress, căng thẳng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cường giáp. Một số người xuất hiện bệnh này sau những stress tâm lý như bị ruồng bỏ, tai nạn giao thông... Đây là lý do khiến bệnh gặp nhiều ở công nhân, người đi làm xa quê tại các vùng núi, vùng sâu vùng xa, trí thức làm việc ở các lĩnh vực nhiều áp lực, người hay phải suy nghĩ...

Stress kéo dài sẽ tác động lên tuyến giáp bằng cách làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, bao gồm cả chức năng tuyến giáp. Do đó, stress cũng là yếu tố thuận lợi gây tăng cân, béo phì. Khi chức năng tuyến giáp bị giảm trong suốt quá trình căng thẳng, stress, lượng hormon triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) giảm. Ngoài ra, việc chuyển đổi hormon T4 sang T3 có thể không xảy ra, dẫn đến nồng độ hormon T4 tăng cao, gây ra cường giáp.

Không những vậy, căng thẳng còn ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động của tuyến giáp thông qua tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận nằm ở trên cùng quả thận, chịu sự tác động của stress. Mỗi khi stress, tuyến thượng thận giải phóng ra cortisol, giúp chống viêm, ức chế stress. Và sự tăng cortisol, glucocorticoid do stress sẽ làm giảm mức TSH trong máu. Khi chức năng tuyến giáp bình thường, sẽ có sự cân bằng giữa các hormon. Nhưng nếu stress gây ra sự mất cân bằng này, các triệu chứng bệnh cường giáp có thể tăng lên.

Nếu như cường giáp là do nguyên nhân từ iốt thì việc thừa hay thiếu iốt có thể xác định bằng định lượng iốt niệu, nhưng với stress, áp lực trong cuộc sống thì rất khó đánh giá.

Stress căng thẳng
Stress, căng thẳng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cường giáp

Do vậy, bác sĩ khuyến cáo đối với những người có các biểu hiện như: Tăng thân nhiệt, lúc nào cũng muốn tắm, muốn quạt, mệt, ăn khỏe nhưng sút cân nhanh, run tay chân, có các biểu hiện khó chịu ở mắt như cộm, rát, chảy nước mắt, rối loạn kinh nguyệt, giảm nhu cầu tình dục, rối loạn tiêu hóa, ở nam giới là hạ kali máu (có thể biểu hiện bằng hiện tượng liệt tạm thời)... thì nên đi khám nội tiết để xác định bệnh.

3. Biến chứng cường giáp

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

3.1 Biến chứng tim mạch

Đây là tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy tim ở người bệnh cường giáp.

3.2 Cơn bão giáp

khi tình trạng hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa nếu không kịp thời được chẩn đoán và điều trị.

3.3 Lồi mắt ác tính

Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

4. Giảm căng thẳng stress để hạn chế bệnh cường giáp

Một số cách sau đây sẽ giúp người bệnh giảm stress kéo dài và ổn định sức khỏe tuyến giáp bằng cách thay đổi trong cuộc sống hàng ngày như:

4.1 Ăn đúng cách

Hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, đầy đủ rau quả, tinh bột, chất đạm mỗi ngày. Việc giảm lượng cồn, caffeine và đường trong chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp ích cho việc điều hòa năng lượng tổng thể. Hãy dành thời gian để ngồi và thưởng thức bữa ăn, điều này sẽ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

4.2 Cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất

Hãy bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết như selenium, kẽm, sắt, vitamin A, B, C, và E...

4.3 Ngủ đủ giấc

Ngủ không đủ giấc vào ban đêm sẽ ảnh hưởng không tốt tới chứng cường giáp. Căng thẳng có thể sẽ gây khó ngủ ngon giấc. Nhưng một giấc ngủ ban đêm tốt sẽ có tác động rất lớn đến sức khỏe tuyến giáp. Bạn hãy tránh đồ công nghệ như điện thoại, tivi vào giờ trước khi đi ngủ. Ngồi thiền hoặc yoga có thể giúp cơ thể thư giãn. Việc thư giãn sẽ giúp giảm căng thẳng và rất tốt cho tuyến giáp.

Nên duy trì ngủ đủ giấc từ 7 - 8 giờ/đêm
Ngủ đủ giấc giúp giảm căng thẳng stress và hạn chế bệnh cường giáp

4.4 Tăng cường vận động

Tập thể dục có thể giảm căng thẳng vì làm giảm mức cortisol. Cortisol là một hormone được sản sinh từ tuyến thượng thận trong thời gian căng thẳng, khi bạn cảm thấy lo lắng, giận dữ hoặc sợ hãi.

4.5 Cười nhiều

Nghiên cứu của Đại học Loma Linda (Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng: Những người xem một đoạn video hài hước sẽ giảm hormone stress là cortisol và giảm epinephrin. Những người này cũng có sự gia tăng chất endorphins, tăng cường các cảm xúc hưng phấn, tăng miễn dịch và giảm trầm cảm.

4.6 Massage

Massage vừa giúp bạn thư giãn và giảm căng thẳng cơ bắp, vừa ảnh hưởng tích cực đến nồng độ hormone trong cơ thể. Nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Hoa Kỳ) cho thấy: Sau khi được massage 45 phút, giảm mức độ "hormone stress" là cortisol và giảm vasopressin - một loại hormone đóng một vai trò quan trọng trong các hành vi hung hăng, xung đột.

Các bệnh về tuyến giáp thường bị bỏ sót không được chẩn đoán từ 20 - 60% trong tổng số người mắc bệnh. Đó là lý do để Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho ra đời Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý về tuyến giáp. Sàng lọc & phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến như: Bướu cổ đơn thuần, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, ... để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan