Cách quản lý bệnh hen phế quản trong suốt thai kỳ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hen phế quản (bệnh suyễn) là tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở đường hô hấp, dẫn đến khó thở từng cơn do sự co thắt của phế quản. Phụ nữ mang thai bị hen phế quản sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây thiếu oxy cho thai nhi.

1. Ảnh hưởng của hen phế quản trong thai kỳ và thai nhi

Hầu hết các bệnh nhân hen phế quản có thể mang thai và sinh nở một cách bình thường như những người khỏe mạnh khác. Tuy nhiên, những trường hợp hen nặng, không được kiểm soát tốt có thể gây ra những tác động tiêu cực trên thai do tình trạng thiếu oxy máu kéo dài. Nhiều nghiên cứu trong khoảng 20 năm trở lại đây cho thấy, những trường hợp hen phế quản ở bà bầu có nguy cơ đẻ non, thai nhẹ cân hoặc mắc một số bệnh lý (nhịp tim nhanh, co giật, hạ đường huyết...) cao hơn so với những bà mẹ không mắc bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ này là rất nhỏ nếu bệnh hen phế quản ở bà bầu được điều trị ổn định và nó còn có thể được giảm thiểu bằng cách duy trì sự kiểm soát bệnh hen phế quản tối ưu trong suốt thời kỳ mang thai.

2. Quản lý bệnh hen phế quản trước khi mang thai

Những khuyến cáo này áp dụng cho bất kỳ phụ nữ nào mang thai:

  • Tất cả những phụ nữ cần phải sử dụng thêm ít nhất 400 mg acid folic.Sử dụng acid folic có thể làm giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh. Acid folic cần phải cho bắt đầu trước khi có thai và tiếp tục cho đến ít nhất cuối 3 tháng đầu.
  • Ngưng hút thuốc lá và uống rượu, không sử dụng các chất kích thích.
  • Uống cà phê cần phải giới hạn ít hơn 250 mg mỗi ngày trong khi muốn có thai và trong thai kỳ.
  • Xét nghiệm máu đối với sởi, thủy đậu, HIV, viêm gan B có thể được khuyến cáo trước khi mang thai.

Đối với phụ nữ mắc hen phế quản mong muốn có thai, cần được bác sỹ khám và tư vấn, đảm bảo bệnh lý hen được kiểm soát ổn định trước khi mang thai.

Acid folic
Phụ nữ cần phải sử dụng thêm ít nhất 400 mg acid folic trước và trong khi mang thai 3 tháng đầu

3. Quản lý bệnh hen phế quản trong thai kỳ

Trong thai kỳ, săn sóc những phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần có sự tham gia giữa chuyên gia về hen phế quản và chuyên gia sản khoa. Khám bác sỹ chuyên khoa hen phế quản được sắp xếp căn cứ trên mức độ trầm trọng của hen phế quản trong thai kỳ. Phần lớn những phụ nữ cần phải đến thăm khám ở chuyên gia sản khoa hai đến bốn tuần một lần cho đến 28 tuần của thai kỳ. Giữa tuần thứ 28 và 36, phần lớn những phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần phải đến thăm khám hai tuần một lần. Những bà bầu bị hen phế quản thường đến thăm khám một tuần một lần giữa tuần thứ 36 và lúc sinh.

Nhiều thai phụ khi mang thai khi thấy tình trạng bệnh ổn định hoặc lo sợ nguy cơ của thuốc đến thai đã tự dừng thuốc, việc này có thể làm khởi phát cơn hen nặng đe dọa mẹ và bé. Vì vậy không tự ý dừng thuốc điều trị khi mang thai. Không tự ý dùng thuốc khác nếu chưa có ý kiến bác sĩ do có thể làm nặng tình trạng hen hoặc ảnh hưởng đến thai nhi.

3.1. Giám sát

Chức năng phổi của mẹ

Chức năng phổi bình thường là quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và tình trạng khỏe mạnh của con. Chức năng phổi có thể được giám sát ở bệnh viện. Giám sát ở nhà thường cung cấp thông tin quan trọng khi triệu chứng hen phế quản xấu hơn, đặc biệt trong đêm hay lúc thức dậy.

Những phụ nữ mang thai có thể được giám sát chức năng phổi tại nhà với lưu lượng đỉnh kế để đo lưu lượng thở ra đỉnh. Tùy thuộc vào tần suất các cơn bác sỹ có thể khuyến cáo đo hai lần mỗi ngày: một lần lúc thức dậy và đo lại 12 giờ sau. Giảm lưu lượng thở ra đỉnh báo hiệu một sự xấu hơn của hen phế quản và cần điều trị cấp cứu, ngay cả bệnh nhân cảm thấy khỏe.

Thăm dò chức năng phổi thực hiện ở phòng khám cũng có lợi để phân biệt thở ngắn phối hợp với sự xấu hơn của hen phế quản với thở ngắn mà nhiều phụ nữ trải qua trong thai kỳ.

Tình trạng khỏe mạnh của con:

Tình trạng khỏe mạnh của con được giám sát một cách cẩn thận qua những lần thăm khám trong suốt thai kỳ. Những lần thăm khám này đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ bị hen phế quản.

Thêm vào đó, những phụ nữ mang thai trên 24 tuần cần phải được giám sát cử động của con. Nếu con không cử động bình thường, cần gặp bác sĩ sản khoa tức thì. Điều này đặc biệt đúng đối với những phụ nữ mang thai bị hen phế quản hay bị lên cơn hen phế quản.

3.2. Tránh những yếu tố khởi phát cơn hen

Nhiều bước đơn giản có thể giúp kiểm soát những yếu tố môi trường làm xấu hơn tình trạng hen phế quản ở bà bầu. Những bước này bao gồm:

  • Tránh phơi nhiễm những dị nguyên đặc hiệu mà người bệnh có tình trạng dị ứng trước đó với lông thú, bụi nhà và chất kích thích không đặc hiệu, như khói thuốc lá, mùi hắc và phấn hoa.
  • Nếu thai phụ có dị ứng với bọ nhà hoặc bụi nhà, giữ môi trường sống sạch sẽ, thay căn ga, gối hàng tuần, hạn chế thảm, đồ nội thất có vải trong nhà, có thể sử dụng gối và chăn ga có màng bọc ngăn mạt bọ nhà.
  • Tránh hút thuốc chủ động và thụ động (hít khói thuốc từ người thân hoặc người xung quanh hút thuốc)
  • Những phụ nữ sẽ mang thai bị hen phế quản trong mùa bị cúm, cần phải tiêm phòng cúm. Không có những nguy cơ do tiêm phòng cúm trên sự phát triển thai.

3.3. Giáo dục

Hiểu về hen phế quản giúp cho bệnh nhân có thể quản lý tốt hơn những triệu chứng, dự phòng cơn hen phế quản và đối phó lại khi cơn hen phế quản xảy ra. Giáo dục hen phế quản giúp cho bệnh nhân có những chiến lược để nhận biết những dấu chứng và triệu chứng của hen phế quản, tránh những yếu tố có thể gây cơn hen phế quản, và sử dụng những thuốc kiểm soát hen phế quản một cách đúng đắn. Từ đó cần thiết lập một kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho những cơn cấp xảy ra đột ngột.

3.4. Điều trị bằng thuốc

Bà bầu bị hen suyễn
Thuốc hít được khuyến cáo sử dụng nhiều hơn vì có ít tác dụng phụ trên mẹ và thai nhi

Trong một số ít trường hợp ngoại lệ, những thuốc được sử dụng để điều trị hen phế quản ở bà bầu là giống như những thuốc được sử dụng để điều trị hen phế quản thông thường. Loại và liều lượng của những thuốc điều trị hen phế quản sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một cách tổng quát, thuốc hít được khuyến cáo sử dụng vì có ít tác dụng phụ trên mẹ và trên con. Có thể cần điều chỉnh loại hay liều lượng thuốc trong thai kỳ để tránh những thay đổi trong chuyển hóa của mẹ và những thay đổi trong độ trầm trọng của hen phế quản.

Tính an toàn của những thuốc kiểm soát hen phế quản: Khó để chứng minh những thuốc kiểm soát hen phế quản là hoàn toàn an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, những thuốc điều trị hen phế quản đã được sử dụng bởi những phụ nữ mang thai bị hen phế quản trong nhiều năm, chứng minh rằng phần lớn chúng hầu như chắc chắn mang lại ít hay không mang lại nguy cơ cho mẹ hay con.

Điều quan trọng trong việc cân nhắc những nguy cơ của những thuốc kiểm soát hen phế quản được so sánh với tác hại trầm trọng của hen phế quản không được điều trị tốt.

Những cơn hen phế quản ở bà bầu có thể làm giảm sự cung cấp oxy cho con, dẫn tới thai chậm phát triển hoặc suy thai. Thật vậy, vấn đề quan trọng là phải sử dụng thuốc điều trị hen phế quản ở bà bầu để dự phòng những triệu chứng hen phế quản. Trong phần lớn các trường hợp, hen phế quản không điều trị tốt gây nên nguy cơ nhiều cho cả mẹ và con hơn là sử dụng thuốc kiểm soát hen phế quản.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

612 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan