Cách bảo quản mẫu và triển khai giải phẫu bệnh

1. Xét nghiệm giải phẫu bệnh là gì?

Giải phẫu bệnh học là một trong những bộ phận của phòng xét nghiệm trong bệnh viện. Đây là nơi thực hiện các xét nghiệm sinh thiết, tế bào học, khám nghiệm tử thi theo yêu cầu của bộ phận lâm sàng.

Nhiệm vụ của xét nghiệm giải phẫu bệnh học là tiếp nhận, lấy mẫu bệnh phẩm, triển khai nhuộm tiêu bản, đọc các tiêu bản giải phẫu bệnh, bảo quản mẫu, hội chẩn bởi bác sĩ giải phẫu bệnh nhằm đưa ra chẩn đoán bệnh lý chính xác. Trong số đó, các hoạt động chăm sóc bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu.

Nội dung hoạt động của chuyên khoa giải phẫu bệnh bao gồm:

  • Công tác huấn luyện: Giảng dạy bộ môn giải phẫu bệnh cho sinh viên, đào tạo chuyên ngành giải phẫu bệnh cho đối tượng học nội trú, cao học, chuyên khoa I và sau đại học thuộc các chuyên ngành liên quan;
  • Công tác chuyên môn: Gồm xét nghiệm chẩn đoán tế bào học, mô bệnh học, sinh thiết tức thì, hóa mô miễn dịch;
  • Công tác nghiên cứu khoa học: Tham gia và hướng dẫn các đề tài các cấp, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, đóng góp những công trình nghiên cứu khoa học ở các cấp trong nước và quốc tế.

2. Triển khai các loại xét nghiệm giải phẫu bệnh

2.1. Chẩn đoán tế bào học

Đây là xét nghiệm lấy mẫu tế bào từ tổ chức trong cơ thể bệnh nhân đem phết lên lam kính. Sau đó, kỹ thuật viên tiến hành nhuộm mẫu bằng các loại thuốc nhuộm khác nhau để đánh giá sự thay đổi về mặt tế bào học trên kính hiển vi, từ đó đưa ra chẩn đoán bệnh lý.

2.2. Chẩn đoán mô bệnh học

Chẩn đoán mô bệnh học đề cập đến việc dùng kính hiển vi kiểm tra mô bệnh phẩm để xác định dấu hiệu của bệnh. Cụ thể trong y học lâm sàng, xét nghiệm mô bệnh học là công tác kiểm tra mẫu sinh thiết hoặc tiêu bản phẫu thuật do một bác sĩ giải phẫu bệnh học thực hiện, sau khi đã xử lý mẫu bệnh phẩm này và đặt trên các phiến kính.

2.3. Chẩn đoán sinh thiết tức thì

Chẩn đoán sinh thiết tức thì là phương pháp xét nghiệm mô bệnh học nhanh, thường được ứng dụng trong phẫu thuật. Phẫu thuật viên sẽ lấy một phần hoặc toàn bộ khối u, chuyển đến khoa giải phẫu bệnh. Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành cắt lấy bệnh phẩm trên máy cắt lạnh để làm tiêu bản và dựa vào đó để xác định u lành hay ác tính và loại mô học.

2.4. Chẩn đoán hóa mô miễn dịch

Chẩn đoán hóa mô miễn dịch giúp xác định nguồn gốc các khối u kém biệt hóa, phân biệt các tế bào u lành với ung thư trong nhiều trường hợp khó chẩn đoán bằng xét nghiệm mô bệnh học thông thường. Loại xét nghiệm này được ứng dụng vào trong chẩn đoán một số đột biến gen như đột biến gen P53 trong nhiều loại ung thư, đột biến gen EGFR trong ung thư phổi, đột biến gen Her2 trong ung thư vú. Ngoài ra, còn dùng để tiên lượng và định hướng điều trị ung thư, đặc biệt là liệu pháp nhắm trúng đích.

Thông qua việc triển khai các xét nghiệm giải phẫu bệnh cần thiết, bác sĩ sẽ có thêm cơ sở để chẩn đoán, từ đó có thể chỉ định một liệu trình điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Chẩn đoán hóa mô miễn dịch
Xét nghiệm chẩn đoán hóa mô miễn dịch

3. Kết quả triển khai giải phẫu bệnh học

Các kết quả triển khai giải phẫu bệnh học có thể thay đổi tùy thuộc vào loại ung thư. Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo triển khai giải phẫu bệnh học đều có những phần sau đây:

  • Thông tin nhận dạng

Những thông tin sơ bộ bao gồm họ tên, ngày sinh, số hồ sơ bệnh án, thông tin liên lạc của bệnh nhân dành cho bác sĩ và phòng thí nghiệm. Ngoài ra, trong thông tin nhận dạng giải phẫu bệnh còn có mô tả sơ về mẫu mô hoặc mẫu xét nghiệm của người bệnh, bao gồm phần nào của cơ thể được cắt bỏ hay sinh thiết bằng phẫu thuật.

  • Mô tả tổng thể

Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành mô tả ban đầu về mẫu mô, bao gồm kích thước, hình dạng, màu sắc, trọng lượng và tính chất cảm quan. Mô ung thư thường được đo bằng đơn vị kích thước “cm”.

  • Mô tả bằng kính hiển vi:

Nhà nghiên cứu bệnh học cắt mô thành các lớp mỏng, đặt chúng lên các phiến kính, nhuộm chúng bằng thuốc nhuộm và nhìn chi tiết bằng kính hiển vi. Nhà nghiên cứu bệnh học lưu ý các tế bào ung thư trông như thế nào, chúng so sánh với các tế bào bình thường như thế nào và liệu chúng có lan vào mô gần đó hay không.

4. Thông tin hướng dẫn chẩn đoán và điều trị

Những phần dưới đây là thông tin chi tiết sau khi triển khai giải phẫu bệnh, có giá trị hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, bao gồm:

4.1. Mức độ

Bác sĩ giải phẫu bệnh tiến hành xác định mức độ ung thư. Tùy từng bệnh ung thư mà sẽ có tiêu chuẩn xác định mức độ cụ thể, phản ánh khả năng phát triển và lan rộng của ung thư. Nói chung, các mức độ có thể đánh giá như sau:

  • Mức độ 1: Nhẹ, khả năng biệt hóa tế bào vẫn còn tốt. Các tế bào bệnh phẩm trông hơi khác so với các tế bào bình thường. Tuy nhiên, tốc độ phát triển không nhanh như tế bào ác tính;
  • Mức độ 2: Vừa phải, khả năng biệt hóa trung bình. Các tế bào bệnh phẩm trông không giống bình thường. Chúng đang phát triển nhanh hơn bình thường;
  • Mức độ 3: Nặng, khả năng biệt hóa kém. Các tế bào trong mẫu bệnh phẩm trông rất khác so với những tế bào bình thường. Chúng đang phát triển, xâm lấn hoặc lây lan nhanh.

4.2. Khả năng xâm lấn

Ung thư không xâm lấn nghĩa là khối tế bào ác tính đang nằm trong một bộ phận nào đó của cơ thể. Ung thư có khả năng lây lan được gọi là xâm lấn. Ung thư di căn là khi tế bào ác tính đã lây lan sang một bộ phận khác của cơ thể, ví dụ như lan sang hạch bạch huyết, phổi, não.

4.3. Các tế bào xung quanh khối u

Đối với mẫu tế bào bệnh lý, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy ra thêm một vùng mô bình thường xung quanh khối u, đây gọi là phần rìa của khối u. Bác sĩ giải phẫu bệnh học sẽ nghiên cứu khu vực này để xem nơi đây có chứa tế bào ung thư hay không. Có ba kết quả có thể xảy ra:

  • Có ung thư: Các tế bào ung thư được tìm thấy ở phần rìa của khối u. Như vậy, bệnh nhân cần được phẫu thuật tương đối nhiều;
  • Không phát hiện ung thư: Phần rìa không chứa tế bào ung thư;
  • Có các tế bào ung thư ở phần rìa, nhưng chúng chưa lây lan toàn bộ khu vực này. Bệnh nhân nhiều khả năng phải phẫu thuật bổ sung.

4.4. Các hạch bạch huyết

Các hạch bạch huyết là những câu trúc nhỏ, trơn, hình bầu dục dẹp, rải rác dọc theo các mạch bạch huyết, là một phần của hệ thống miễn dịch. Bác sĩ giải phẫu bệnh có thể sinh thiết các hạch bạch huyết gần khối u để xem ung thư đã lan rộng đến các hạch này chưa.

4.5. Tỷ lệ phân bào

Đây là chỉ số cho thấy mức độ phân chia nhanh chóng của các tế bào ung thư. Để có được con số này, nhà giải phẫu bệnh học phải đếm số lượng tế bào phân chia trong một lượng mô nhất định. Tỷ lệ phân bào thường được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư.

4.6. Giai đoạn ung thư

Khi đã xác định được giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ lựa chọn một phương pháp điều trị thích hợp nhất.

4.7. Chẩn đoán

Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ cân nhắc tất cả những dữ kiện trên đây và đưa ra chẩn đoán bệnh lý, theo sau đó là tư vấn về phương án điều trị.

4.8. Đề nghị kiểm tra bổ sung

Nếu tình trạng ung thư của bệnh nhân là khó chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra bổ sung. Bệnh nhân có thể phải làm thêm một số xét nghiệm để hỗ trợ xác định chẩn đoán.

5. Bảo quản mẫu giải phẫu bệnh

tủ lạnh bảo quản mẫu
Hình ảnh tủ lạnh bảo quản mẫu

Mẫu bệnh phẩm cần được bảo quản đúng cách, bởi nếu quy trình bảo quản gặp vấn đề nào đó, mẫu giải phẫu bệnh có thể bị hỏng, dẫn đến sai lệch kết quả xét nghiệm:

  • Đối với bệnh phẩm tế bào phết lam, cần tiến hành cố định bằng cồn tuyệt đối hoặc để khô tự nhiên trước khi vận chuyển. Bảo quản ở nơi khô ráo, tránh để phát sinh ẩm mốc, bám bẩn vào lam kính, đặc biệt là bên mặt lam có bệnh phẩm;
  • Đối với bệnh phẩm dịch, không cần cố định nếu được phết lam trong vòng 12 giờ. Nếu bảo quản mẫu dịch trong tủ lạnh 2 - 4 độ C thì có thể để được 72 giờ. Nếu cần bảo quản lâu hơn, có thể cố định mẫu bằng dung dịch ethanol 50% với tỷ lệ 1:1 tùy theo thể tích;
  • Đối với bệnh phẩm là mẫu mô (sinh thiết hoặc bệnh phẩm mổ), thường phải cố định bằng formol ngay sau khi lấy. Mục đích là để bảo toàn (hoặc chỉ làm thay đổi rất ít) cấu trúc cơ bản của tổ chức tế bào, chống lại quá trình tiêu hủy do men nội bào và ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.

Xét nghiệm giải phẫu bệnh học giúp bác sĩ xác định chẩn đoán các khối u và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả giải phẫu bệnh, tuy nhiên cách bảo quản và triển khai mẫu là những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chẩn đoán.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan