Các tư thế cho con bú phù hợp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cho con bú đúng cách không phải là vấn đề đơn giản nhất là đối với những người lần đầu tiên làm mẹ. Vậy có những tư thế nào cho con bú đúng cách, giúp bé có thể bú được nhiều sữa mà không bị sặc và mẹ cũng thoải mái, có cảm giác được nghỉ ngơi.

1. Các tư thế cho con bú đúng cách

1.1 Tư thế ngồi

Mỗi cữ bú có thể kéo dài đến 30 phút, do đó bà mẹ nên chọn một chỗ ngồi có điểm tựa thoải mái ở trên giường hoặc ghế ngồi. Tư thế phổ biến và cũng dễ nhất là mẹ bế bé nằm ôm vào lòng, hai tay tạo thành vòng cung vững chắc.

Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé. Đảm bảo ba điểm: Đầu - lưng- mông bé nằm trên một đường thẳng và bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt của bé chạm ngực mẹ.

Lưu ý: một sai lầm thường gặp đó là mẹ cho bé nằm ở tư thế ngửa và chỉ có đầu nghiêng về phía ngực mẹ, điều này sẽ làm cho bé cảm thấy không thoải mái khi bú mẹ và không tốt cho cổ của bé.

Ngoài ra, còn có một số cách bế bé bú ở tư thế ngồi khác như:

Các tư thế cho con bú phù hợp
Mẹ có thể lựa chọn tư thế ôm bé sao cho cảm thấy thoải mái và thuận tiện nhất

Lưu ý: Mẹ có thể lựa chọn tư thế ôm bé sao cho cảm thấy thoải mái và thuận tiện nhất và phải đảm bảo tư thế 3 điểm thẳng hàng ( đầu -lưng-mông) và trẻ nằm nghiêng về hướng mẹ, bụng chạm bụng và mặt chạm ngực.

1.2. Tư thế nằm

Nếu mẹ không đủ sức khỏe để ngồi, mẹ có thể nằm trên giường và cho bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Tuy nhiên mẹ nên tập ngồi dậy và đi lại sớm sau sinh để khí huyết lưu thông, giúp mau hồi phục sức khỏe và sớm cho bé bú ở tư thế ngồi.

Đây là tư thế mà rất nhiều mẹ thực hiện bởi vì bé sẽ ti được lượng sữa nhiều ở tư thế này. Khi cho con bú ở tư thế này mẹ nằm nghiêng song song với con sau đó đặt con sát cạnh người rồi lấy tay đỡ lấy đầu con và hướng dần cho con quay đầu vào vú của mình để bú.

Đây là tư thế mẹ được thư giãn và thoải mái nhất nên mẹ rất dễ bị ngủ quên và con cũng vậy. Nếu mẹ ngủ quên mà không rút đầu ti ra khỏi miệng của con thì có thể đầu ti sẽ đè lên mũi của con dẫn đến tình trạng ngạt thở rất nguy hiểm. Vì vậy, khi thực hiện tư thế này mẹ phải luôn tỉnh táo để quan sát con, đảm bảo an toàn khi cho con bú, chỉ ngủ khi ti mẹ được rút ra khỏi miệng của bé.

Các tư thế cho con bú phù hợp
Đây là tư thế mà rất nhiều mẹ thực hiện bởi vì bé sẽ ti được lượng sữa nhiều ở tư thế này

1.3.Tư thế cho bú song sinh

Hai bé bú cùng lúc hai bên sẽ tận dụng hoàn toàn lượng sữa của mẹ, vì khi một bé bú bên này, sữa ở bầu ngực bên kia cũng chảy theo. Tư thế cho bé bú song sinh như sau:

Đặt hai bé song song hai bên hông của mẹ, hai chân bé để sau lưng mẹ, đầu bé hướng về trước và mặt áp vào đầu vú của mẹ.

Để tránh mỏi tay vì nâng đỡ người bé, mẹ có thể dùng khăn hoặc gối chữ U lót ở dưới. Nhưng không được đặt bé tựa hoàn toàn xuống gối vì bé sẽ không bú được sữa.

Lần lượt từng bé, khi bé này ổn định thì tiếp tục bé còn lại.

Tuy sinh đôi nhưng có bé bú yếu hơn, bé bú mạnh hơn. Bé yếu hơn trong việc ngậm bắt vú mẹ nên cho bú trước, sau khi ổn định bé này thì cho bé bú mạnh hơn bú.

Thay đổi vị trí qua lại cho hai bé để lượng sữa tiết ra đều nhau, đầu vú không bị chênh lệch và bảo vệ mắt bé hoạt động cân đối.

Các tư thế cho con bú phù hợp
Đặt hai bé song song hai bên hông của mẹ, hai chân bé để sau lưng mẹ, đầu bé hướng về trước và mặt áp vào đầu vú của mẹ

2. Mẹo giúp việc cho con bú trở nên hiệu quả

2.1. Học cách nhận biết tín hiệu đói của bé

Khi đói, bé trở nên tỉnh táo và hoạt bát hơn. Bé có thể đưa cả bàn tay vào miệng để mút hoặc ngoảnh đầu tìm kiếm bầu vú mẹ. Khi thấy có vật bất kỳ - chẳng hạn cánh tay của mẹ chạm vào má mình, bé có thể quay về phía đó, sẵn sàng để bú. Động thái này được gọi là phản xạ tìm kiếm.

Hãy cho bé bú khi thấy có dấu hiệu này. Đợi đến khi bé khóc mới cho bú thì có thể đã muộn, hơn nữa khi bé đã bực mình thì việc ngậm bắt vú đúng cách cũng trở nên khó khăn hơn. Càng về sau, mẹ sẽ càng nhạy bén hơn và có thể nhanh chóng nhận biết tín hiệu đói của bé để cho bú kịp thời.

2.2 Tuân theo chỉ dẫn của bé

Sau khi chọn được tư thế ngồi thoải mái cho mẹ và con, bé đã ngậm bắt vú đúng cách, bà mẹ nên tuân theo chỉ dẫn của bé, Một số trẻ cần bú cả hai bên trong mỗi cứ bú, một số khác lại thấy thỏa mãn ngay sau khi bú một bên. Một khi bé còn mút và nuốt, bà mẹ nên giúp bé bú cạn bầu sữa thứ nhất, để bé được nhận phần sữa giàu chất béo cuối cữ bú.

Thường bé sẽ tự nhả vú mẹ khi đã bú no và có thể ngủ thiếp đi. Nếu bé bú hết sữa một bên mà vẫn chưa đủ thì có thể chuyển sang bú bên kia.

2.3.Ôm bé sát người mẹ

Bé còn khá xa lạ với thế giới mới và cần được ôm thật gần mẹ. Tiếp xúc da kề da giúp bé ít khóc hơn, nhịp tim và nhịp thở đều đặn hơn.

2.4.Tránh sử dụng núm vú giả trong vài tuần đầu

Trong vài tuần đầu sau sinh, cha mẹ nên tránh cho bé sử dụng núm vú giả, bình sữa và bổ sung sữa công thức, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu cần bổ sung sữa thì trước tiên nên dùng sữa mẹ vắt ra, nhưng tốt nhất vẫn là cho bé bú trực tiếp vì điều này giúp cơ thể mẹ sản sinh sữa và khiến bé khỏi bị nhầm lẫn giữa núm giả và núm thật trong thời gian bắt đầu học bú mẹ.

2.5. Biết khi nào cần đánh thức bé

Trong những tuần đầu sau khi sinh, mẹ cần đánh thức bé nếu đã quá 4 giờ kể từ thời điểm bắt đầu cữ bú trước. Mẹ có thể áp dụng một vài cách sau để đánh thức bé: thay tã, cho bé tiếp xúc da kề da với mẹ, mát xa lưng, bụng và chân của bé. Nếu bé thường xuyên ngủ thiếp đi khi đang bú, mẹ cần theo dõi sát cân nặng và kiểm tra xem bé ngậm bắt vú có đúng không.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới chào đời, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến khi 24 tháng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

122.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan