Các trường hợp cần xét nghiệm ure trong máu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xét nghiệm ure trong máu là xét nghiệm quan trọng, có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị. Định lượng urea nitrogen trong máu là xét nghiệm thăm dò chức năng thận được sử dụng rộng rãi nhất. Bài viết sau đây sẽ giúp quý độc giả tìm hiểu về các trường hợp cần chỉ định xét nghiệm ure.

1. Ý nghĩa xét nghiệm ure máu

1.1 Sinh lý ure trong cơ thể

Ure là sản phẩm quan trọng nhất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa protein, là sản phẩm chính cuối cùng của sự chuyển hóa nitrogen , được tổng hợp từ ammonia sinh ra do sự khử amin của acid amin trong chu trình urea ở gan. Đây được xem là con đường thoái hóa chính của protein trong cơ thể. Ure được tạo ra ở gan theo chu trình Crebs-Henseleit. Quá trình hình thành ure được thể hiện qua sơ đồ sau đây:

Protein--> acid amin --> NH3 -->Carbamyl phosphate --> Citrulin --> Arginen --> Urê

Urea được bài tiết chủ yếu ở thận nhưng một lượng nhỏ cũng được bài tiết qua mồ hôi và thoái hóa ở ruột nhờ vi khuẩn.

Các protein trong chu trình có thể là các protein ngoại sinh, tức là các thực phẩm chứa đạm được cơ thể tiêu thụ hàng ngày sẽ được các protease của đường tiêu hóa chuyển hóa thành các acid amin, các acid amine này sẽ được tái hấp thu và được chuyển hóa thành amoniac và amoniac sẽ được chuyển hóa thành ure ở gan. Các protein trong chu trình cũng có thể là các protein nội sinh từ quá trình dị hóa các protein của các tổ chức mô trong cơ thể. Tất cả các protein này sẽ được hợp lại thành một nguồn chung chuyển hóa thành acid amin, các acid amin không giữ nguyên cấu trúc mà tiếp tục tham gia phản ứng chuyển hóa để tạo ra NH3 và CO2. NH3 tự do là chất rất độc đối với cơ thể, NH3 được vận chuyển tới gan dưới dạng kết hợp. Tại gan, NH3 được chuyển hóa thành ure.

Do quá trình chuyển hóa NH3 thành ure diễn ra tại gan nên nếu gan bị rối loạn chức năng, quá trình chuyển hóa này sẽ bị suy giảm, lượng ure máu tạo thành thấp hơn, nồng độ NH3 trong cơ thể tăng lên. NH3 là một chất độc, tích lũy NH3 có thể gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng (như bệnh não do tăng amoniac).

Ure được đào thải ra khỏi cơ thể qua hai con đường:

  • Đường tiêu hóa: một phần ure được đào thải trong lòng ruột được chuyển hóa thành amoniac nhờ tác dụng của các enyme urease của ruột.
  • Đường thận: Ure được vận chuyển từ gan đến thận bằng các tế bào máu, thận tiếp tục lọc ure qua các cầu thận , sau đó được tái hấp thu thụ động qua ống thận, đào thải ure ra ngoài qua đường nước tiểu.
Các trường hợp cần xét nghiệm ure trong máu
Ure ra ngoài qua đường nước tiểu

Như vậy nồng độ ure máu phụ thuộc chặt chẽ vào chức năng gan thận. Thận là con đường chủ yếu đào thải ure, nếu thận bị rối loạn chức năng, khả năng đào thải ure qua đường tiểu giảm, nồng độ ure máu tăng do đó xét nghiệm ure được sử dụng để kiểm tra chức năng gan và thận. Nồng độ ure máu trong ngưỡng bình thường là 3,3-8,3 mmol/l. Nồng độ này trở nên độc khi > 33mmol/L, lúc này các triệu chứng lâm sàng có thể biểu hiện ở tim như viêm màng ngoài tim, phổi, tiêu hóa (nôn), thần kinh (bệnh não do rối loạn chuyển hóa) ..

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm ure trong máu vượt quá hoặc thấp hơn ngưỡng trên nhưng chức năng gan thận vẫn bình thường. Do ngoài chức năng thận và gan, nồng độ ure máu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: khẩu phần protein được cung cấp qua chế độ ăn, quá trình dị hóa protein nội sinh và tình trạng thăng bằng điện giải trong cơ thể.

1.2 Các trường hợp tăng và giảm ure máu

Các nguyên nhân chính gây tăng ure máu gồm:

  • Chế độ ăn giàu protein
  • Dị hóa protein tăng do cơ thể sốt, suy dinh dưỡng, nhịn đói, bỏng, bệnh lý u tân bình
  • Xuất huyết đường tiêu hóa
  • Suy thận do các nguyên nhân trước thận (mất nước, giảm thể tích máu, suy tim..), tại thận (tổn thương cầu thận, tổn thương ống thận) và sau thận (sỏi thận, xơ hóa sau phúc mạc, u bàng quang hay tử cung, u biểu mô tuyến, ung thư tuyến tiền liệt..)
  • Nhiễm trùng nặng, ngộ độc thủy ngân
  • Ngoài ra một số thuốc có thể gây tăng nồng độ urease máu như thuốc ức chế men chuyển angiotensin, acyclovir, allopurinol, thuốc chống động kinh, một số loại kháng sinh và lợi tiểu, thuốc chống viêm không phải steroid ..

Các nguyên nhân chính gây giảm ure máu bao gồm:

  • Trẻ đang độ tuổi phát triển
  • Phụ nữ đang có thai
  • Máu bị pha loãng do lọc máu, có thai những tháng cuối, tăng gánh thể tích, hội chứng thận hư
  • Hội chứng tiết ADH không thích hợp
  • Suy gan: xơ gan, viêm gan cấp hoặc mạn tính, xâm nhiễm di căn lớn
  • Bệnh Celian
  • Chế độ ăn không cung cấp đủ protein, hội chứng giảm hấp thu.
  • Ngoài ra một số thuốc có thể gây giảm nồng độ urease máu như cloramphenicol, streptomicin ..

2. Các trường hợp cần xét nghiệm ure trong máu

Chỉ định xét nghiệm urê máu có thể thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Sử dụng phối hợp với định lượng creatinine huyết thanh giúp chẩn đoán phân biệt ba dạng nhiễm trùng đường tiểu: trước thận, tại thận và sau thận.
  • Sự tăng nồng độ urea nitrogen trong máu xảy ra khi tưới máu thận không đủ, sốc, giảm thể tích máu (nguyên nhân trước thận), viêm thận mạn, xơ hóa thận, hoại tử ống thận, viêm cầu thận (nguyên nhân tại thận) và tắc nghẽn đường tiểu (nguyên nhân sau thận). Sự tăng thoáng qua cũng có thể xảy ra khi ăn nhiều protein. Nồng độ không dự đoán được với bệnh gan.
  • Khi bác sĩ cần đánh giá chức năng thận của bệnh nhân, giúp phát hiện sớm tình trạng suy thận để đưa ra các phương án điều trị kịp thời.
  • Khi cần đánh giá mức độ nặng của suy thận để quyết định bệnh nhân có cần lọc máu cấp cứu hay không.
  • Xét nghiệm ure trong máu là xét nghiệm không thể thiếu để đánh giá chức năng thận trước khi điều trị bằng các loại thuốc có dược tính mạnh, có khả năng gây độc cho thận. Đây là một xét nghiệm bổ trợ nhằm xác định thận bệnh nhân có chịu được dược tính của thuốc hay không.
Các trường hợp cần xét nghiệm ure trong máu
Xét nghiệm ure trong máu đánh giá chức năng thận
  • Trong trường hợp bệnh nhân bị suy thận, xét nghiệm urê máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây suy thận. Suy thận có nguồn gốc trước thận (do mất nước, giảm thể tích máu, suy tim,..), tỷ lệ ure/creatinin thường lớn hơn 40. Trong khi suy thận do các nguyên nhân khác, tỷ lệ ure/creatinin thường nhỏ hơn 40. Việc xác định được nguyên nhân gây suy thận sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị chính xác, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
  • Trường hợp urê máu tăng, kết quả tỷ lệ nồng độ urê nước tiểu/urê máu có thể giúp cung cấp các thông tin giúp xác định nguồn gốc suy thận. Ở người bình thường và suy thận chức năng, nồng độ urê nước tiểu/urê máu>10. Ở người suy thận thực thể, nồng độ urê nước tiểu/urê máu>10.
  • Xét nghiệm ure máu còn được chỉ định khi cần đánh giá nhu cầu chuyển hóa của bệnh nhân. Từ kết quả xét nghiệm có thể xác định được lượng protein bệnh nhân đang sử dụng. Nếu bệnh nhân đang điều trị các bệnh cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt, dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Để thực hiện xét nghiệm ure trong máu, bệnh nhân sẽ được lấy khoảng 2ml máu, bệnh nhân không cần chuẩn bị trước cũng không cần nhịn ăn trước khi lấy máu, thời gian làm xét nghiệm thường mất khoảng 1 giờ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: