Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim hiệu quả

Rối loạn nhịp tim ngày càng xuất hiện phổ biến và có xu hướng trẻ hóa, nếu không phát hiện kịp thời bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm về tính mạng. Vậy điều trị rối loạn nhịp tim thế nào và sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim thế nào cho hiệu quả? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi - Cố vấn cao cấp Trung Tâm Tim mạch - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.

1. Tìm hiểu chung về rối loạn nhịp tim

1.1 Rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp tim là căn bệnh tim đặc trưng, do tần số hoặc nhịp tim bất thường, có thể quá nhanh, quá chậm, quá thất thường,... Bệnh này phổ biến nhiều hơn ở nam giới ở 70% các trường hợp, chỉ 30% là nữ giới.

Rối loạn nhịp tim do tần số hoặc nhịp tim bất thường
Rối loạn nhịp tim do tần số hoặc nhịp tim bất thường

Rối loạn nhịp tim xảy ra khi xung động điện ở tim hoạt động bất thường, được chia ra các dạng:

  • Rối loạn tần số: Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm.
  • Tim hoạt động không đều: Lúc nhanh, lúc chậm, lúc đập quá sớm,...
  • Rối loạn vị trí: Loạn nhịp bắt nguồn trong tâm nhĩ hoặc tâm thất.
  • Mức độ thường xuyên hay đôi khi,...

1.2 Triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Các triệu chứng thường gặp của rối loạn nhịp tim là:

  • Nhịp tim nhanh: Tim đập nhiều hơn 100 nhịp/phút.
  • Nhịp tim chậm: Tim đập ít hơn 60 nhịp/phút.
  • Khó thở.
  • Đau tức ngực.
  • Choáng váng, chóng mặt.
  • Đánh trống ngực.
  • Ngất xỉu.
  • Thở ngắn.
  • Yếu, mệt mỏi.
  • Ngực có cảm giác đè nén.

Tất nhiên các triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác, nhưng nếu bạn bị đa số các triệu chứng này thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Tùy cơ địa mỗi người mà bác sĩ sẽ có phương hướng xử lý thích hợp.

1.3 Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nhiều người bị bẩm sinh, có người do quá trình sống gặp vấn đề về tim. Nhìn chung, rối loạn nhịp tim có thể gây ra do:

  • Tăng huyết áp.
  • Sẹo cơ tim, do biến chứng cơn đau tim.
  • Bệnh động mạch vành.
  • Cường giáp: tuyến giáp hoạt động quá mức.
  • Suy giáp: tuyến giáp suy yếu.
  • Thay đổi cấu trúc tim, bệnh cơ tim.
  • Thuốc bổ sung không kê toa: thực phẩm bổ sung, thuốc dị ứng,...
  • Rối loạn thần kinh thực vật tim

Bệnh rối loạn nhịp tim có thể gặp phải ở bệnh nhân mọi lứa tuổi, rất phổ biến và có thể kiểm soát bằng cách giảm yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ gây loạn nhịp tim như:

1.4 Phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Khi có triệu chứng nghi bị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bằng việc thu thập các thông tin và tình trạng tim gồm:

  • Hỏi về triệu chứng bệnh, lịch sử y tế.
  • Khám lâm sàng.
  • Theo dõi bằng Điện tim Holter (điện tim 24 giờ) để ghi lại hoạt động suốt cả ngày của tim.
  • Điện tâm đồ: Phát hiện hoạt động điện của tim.
  • Siêu âm tim: Theo dõi hình ảnh về cấu trúc, kích thước và chuyển động của tim.
  • Theo dõi triệu chứng: Kiểm tra nhịp tim ở thời điểm có triệu chứng loạn nhịp tim.
  • Test gắng sức: Rối loạn nhịp dễ biểu hiện vào lúc bệnh nhân gắng sức, chạy bộ hoặc đạp xe đạp tại chỗ.
  • Xét nghiệm kiểm tra các tình trạng bệnh khác với triệu chứng tương tự.
  • Máy ghi điện tâm đồ cấy dưới da: Phát hiện nhịp tim bất thường.
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng: Theo dõi nhịp tim và huyết áp khi bệnh nhân thay đổi tư thế nằm ngang và đứng lên.
  • Đo điện sinh lý tim.
  • Kiểm tra bất thường của tuyến giáp.

Tùy vào tình trạng biểu hiện loạn nhịp tim và tiền sử bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp chẩn đoán phù hợp. Khi xác định được chính xác nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim của bạn hoặc bệnh lý khác, bác sĩ sẽ tìm ra liệu trình điều trị phù hợp.

2. Loạn nhịp tim có nguy hiểm không?

Không phải mọi tình trạng rối loạn nhịp tim đều gây nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, đây là một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương cho cơ tim, suy tim và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng đột tử. Mức độ nguy hiểm của tình trạng loạn nhịp tim phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Tình trạng loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột quỵ, suy tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác
Tình trạng loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột quỵ, suy tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác

Dưới đây là mô tả chi tiết về một số biến chứng của rối loạn nhịp tim:

  • Đột quỵ: loạn nhịp tim có thể tạo điều kiện cho sự hình thành cục máu đông. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể qua dòng máu. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó có thể gây tắc nghẽn trong các mạch máu nhỏ và dẫn đến đột quỵ. Trong trường hợp đột quỵ kéo dài, lượng tế bào chết gia tăng, tăng nguy cơ và giảm khả năng phục hồi của người bệnh.
  • Làm giảm khả năng bơm máu của tim: theo thời gian, loạn nhịp tim có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy tim, nơi tim không thể đủ mạnh để cung cấp đủ máu cho cơ thể.
  • Gây tắc mạch và tạo ra nhiều biến chứng:loạn nhịp tim có thể gây tắc mạch, dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau như nhồi máu lách, nhồi máu thận, nhồi mạc treo, tắc mạch gây hoại tử chi, và nhiều tác động tiêu cực khác.

3. Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Tùy vào nguyên nhân và từng loại rối loạn nhịp tim mà bác sĩ đưa ra phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp được sử dụng để điều trị:

3.1 Điều trị nhịp tim chậm:

Có thể dùng thuốc. Nhung nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ sử dụng 1 thiết bị nhỏ có tên là máy tạo nhịp tim, cấy dưới cơ ngực. Máy sẽ hỗ trợ tạo các xung điện, hỗ trợ kích thích và khôi phục tần số tim cần thiết, tránh đột tử.

3.2 Điều trị nhịp tim nhanh:

Có nhiều phương pháp được sử dụng để điều trị nhịp tim nhanh như:

  • Thuốc điều trị: Thuốc chống loạn nhịp tim để kiểm soát và khôi phục nhịp tim bình thường.
  • Liệu pháp phế vị: Thao tác đặc biệt này được dùng để ngăn chặn chứng nhịp nhanh trên thất bằng việc tác động lên dây thần kinh phế vị và hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim.
  • Đốt điện (catheter ablation): Các sóng điện sẽ đốt các ổ nhịp tim bệnh lý hoặc đốt đường dẫn truyền điện học phụ của tim,... để phòng ngừa nhịp tim không đều, nhịp nhanh.
  • Sốc chuyển nhịp: Tác động lên các xung điện để khôi phục nhịp tim bình thường.

Khi các phương pháp can thiệp trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim, bao gồm:

  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Cải thiện lưu lượng máu đến tim, được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nặng do mắc bệnh động mạch vành.
  • Phẫu thuật Maze: Bác sĩ sẽ rạch các đường lên tầng nhĩ của tim, tạo nhiều mô sẹo để cắt các đường đi của xung điện gây loạn nhịp tim.

4. Các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim

Sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim là sự lựa chọn ưu tiên trong điều trị loạn nhịp tim
Sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim là sự lựa chọn ưu tiên trong điều trị loạn nhịp tim

Loạn nhịp tim thường được ưu tiên điều trị bằng thuốc trước tiên, nếu không hiệu quả mới xét đến các biện pháp can thiệp lên tim vì có thể gây biến chứng hoặc tái phát. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc trong thời gian dài để điều chỉnh rối loạn xung điện và phục hồi nhịp tim bình thường. Các cơ chế tác động của thuốc gồm:

  • Ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường.
  • Kéo dài thời gian trơ và tăng thời gian phục hồi cơ tim.
  • Giảm hoặc tăng tốc độ dẫn truyền xung điện trong tim.

Với 3 cơ chế trên, các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim được sử dụng gồm:

4.1 Các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim

Nhóm thuốc này có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim, ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường, gồm các thuốc: Dronedarone, sotalol, amiodaron, propafenone,...

4.2 Nhóm thuốc chẹn beta

Nhóm thuốc này có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim để giảm gánh nặng hoạt động cho tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, gồm các thuốc: Atenolol, metoprolol, bisoprolol,...

4.3 Nhóm thuốc chẹn kênh canxi

Nhóm thuốc này có tác dụng giãn mạch, làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, gồm các thuốc: diltiazem, verapamil,...

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các thuốc phụ trợ như:

  • Digoxin: Là một glycoside tim giúp tăng sức co bóp cơ tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
  • Adenosine: Là chất chủ vận purin giúp giãn mạch và làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất.

5. Một số tác dụng phụ khi sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim

Nhìn chung, các thuốc chống rối loạn nhịp tim đều cần được bác sĩ kê rõ liều dùng và bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ sử dụng. Bởi nếu sử dụng sai cách, loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ như:

  • Khiến tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn.
  • Sưng chân.
  • Dị ứng thuốc.
  • Sạm da do nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
  • Mắt mờ.
  • Mất cảm giác ngon miệng.
  • Táo bón, tiêu chảy,...
Nếu sử dụng sai cách, các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim có thể gây ra tác dụng phụ
Tuỳ vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đề xuất liệu trình điều trị nhịp tim nhanh phù hợp

6. Một số lưu ý khi sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim

Trong quá trình sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim, người bệnh cần tuân thủ những quy tắc sau đây:

  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc, không tự y án mua thuốc, ngừng sử dụng hoặc tăng liều lượng mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
  • Ưu tiên lựa chọn thực phẩm có lợi cho tim mạch, như trái cây và rau củ, đồng thời giảm thiểu ăn mặn và tránh sử dụng các chất kích thích.
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định và phù hợp để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Trong trường hợp có bệnh lý nền, hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu muốn kết hợp sử dụng thuốc Đông y, hãy thảo luận với bác sĩ để đảm bảo rằng các liệu pháp này không tương tác xấu với thuốc đang sử dụng.

7. Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân điều trị rối loạn nhịp tim

Khi điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim, ngoài sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim và điều trị theo đúng liệu trình của bác sĩ thì chế độ sinh hoạt cũng rất quan trọng. Việc có thói quen sinh hoạt phù hợp sẽ giúp hạn chế những diễn tiến của rối loạn nhịp tim.

Theo đó, hãy tập cho mình các thói quen sinh hoạt lành mạnh sau:

  • Thường xuyên ăn thực phẩm tốt cho tim: Chất béo rắn, trái cây, rau và ngũ cốc, thực phẩm ít muối.
  • Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục mỗi ngày, bài tập và cường độ tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Hạn chế uống rượu, hút thuốc và các chất kích thích khác.
  • Duy trì cân nặng ổn định.
  • Kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp ổn định.
  • Tái khám định kỳ.
  • Ngoài ra, bạn có thể tham khảo 1 số liệu pháp thay thế và bổ sung để giảm bớt căng thẳng, điều hòa cơ thể như thiền định, yoga, các kỹ thuật thư giãn.
Tái khám định kỳ và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời về tình trạng rối loạn nhịp tim
Tái khám định kỳ và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời về tình trạng rối loạn nhịp tim

Trên đây là các phương pháp và thông tin về điều trị rối loạn nhịp tim và sử dụng các nhóm thuốc chống loạn nhịp tim, mọi thắc mắc cần tư vấn, hãy liên hệ với đội ngũ tư vấn viên và chuyên gia của Vinmec để được giải đáp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan