Biến chứng và điều trị viêm cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trưởng nhóm Tuần hoàn ngoài cơ thể - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ là chuyên gia về Tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật tim và hồi sức tim, điều trị nội khoa Tim mạch.

Viêm cơ tim là sự viêm nhiễm ở cơ tim (bao gồm tế bào cơ tim, khoảng kẽ và các mạch máu ở tim). Đây là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không có phác đồ điều trị viêm cơ tim kịp thời, người bệnh có thể tử vong chỉ sau 24 - 48h.

1. Tổng quan về bệnh viêm cơ tim

Viêm cơ tim là sự viêm nhiễm mạn tính hoặc cấp tính cơ tim. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi thường gặp ở người trẻ tuổi và có tỉ lệ tử vong nhanh chóng nếu không được chẩn đoán kịp thời.

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm cơ tim thường ở thể nhẹ, người bệnh dễ nhầm lẫn với cảm sốt thông thường và dễ bỏ qua. Trường hợp viêm cơ tim do viêm nhiễm, người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt cao lên đến 41 độ C, đau cơ, khớp, mệt mỏi, tim đập nhanh, hạ huyết áp, tim đập yếu, đau tức ngực, khó thở....Thông thường, bệnh tiến triển nhanh - chậm phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ ảnh hưởng đến cơ tim. Trong một số trường hợp, nếu không được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị viêm cơ tim kịp thời, bệnh nhân viêm cơ tim có thể tử vong nhanh sau 24 - 48h.

Để chẩn đoán viêm cơ tim, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi qua siêu âm tim, điện tim, X Quang ngực, MRI tim, xét nghiệm máu, chụp động mạch vành và sinh thiết cơ tim.

Siêu âm tim
Khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến tim mạch, người bệnh cần theo dõi tim mach qua siêu âm để được chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp

2. Nguyên nhân viêm cơ tim

Mỗi nguyên nhân viêm cơ tim sẽ có những triệu chứng và mức độ ảnh hưởng sức khỏe khác nhau. Các nguyên nhân chính bao gồm: Do vi khuẩn, virus, xoắn khuẩn, nấm, tia xạ, thuốc và các loại hóa chất. Một số nguyên nhân khác như: Ảnh hưởng sau sinh, do bia rượu,...thậm chí viêm cơ tim không có nguyên nhân.

Các chuyên gia thống nhất nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cơ tim là do các siêu vi Enterovirus (70 serotypes): Coxsackie A4; A16; B1-5. Các siêu vi này chiếm 50% trường hợp viêm cơ tim do siêu vi trực tiếp từ dịch mũi, mô tim, họng, phân của người bệnh giai đoạn cấp tính. Viêm cơ tim có thể do tăng nhạy cảm hoặc thứ phát sau phản ứng thuốc. Mức độ thay đổi từ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cho đến bệnh nặng, diễn tiến nhanh.

Viêm cơ tim thường nặng và có tỷ lệ tử vong cao nhất khi nguyên nhân do virus, bạch hầu ở trẻ em, viêm cơ tim kèm suy tim, rối loạn nhịp tim và tắc mạch.

3. Các biến chứng của viêm cơ tim

Viêm cơ tim là bệnh lý nguy hiểm và phức tạp, thường kèm theo viêm nội tâm mạc và viêm màng ngoài tim. Các biến chứng thường gặp của viêm cơ tim bao gồm: Suy tim mất bù, tắc mạch ngoại vi do cục máu đông, rối loạn nhịp tim nặng,

Viêm cơ tim do virus thường dễ bị bỏ sót trong chẩn đoán nhưng lại diễn tiến trong thời gian rất nhanh, có nguy cơ tử vong và đột tử cao. Khi virus xâm nhập vào cơ thể thường khởi phát viêm họng, sốt, sau 5 - 7 ngày sẽ xâm nhập vào tim và các cơ quan khác. Tuy nhiên, quá trình này thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường.

Virus tấn công vào tim làm tổn thương tế bào cơ tim, gây rối loạn nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim và dẫn đến trụy mạch. Một số trường hợp bệnh nhân tử vong chỉ sau 1 đến 2 ngày dù được phát hiện sớm.

Để phòng ngừa các biến chứng của viêm cơ tim, bệnh nhân không nên chủ quan với các triệu chứng cảm cúm thông thường, khi có các dấu hiệu sốt cao, đau cơ, tức ngực, khó thở cần đi khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán kịp thời và theo dõi điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim hiệu quả
Biến chứng thường gặp của bệnh viêm cơ tim là rối loạn nhịp tim, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn tới tử vong

4. Điều trị viêm cơ tim

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có hướng điều trị viêm cơ tim khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là điều trị sớm và đủ thời gian, không để rối loạn nhịp tim, suy tim vì viêm cơ tim là bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

4.1 Điều trị triệu chứng

Tăng cường nghỉ ngơi, giảm ăn muối; Thở oxy ngắt quãng; Điều trị các rối loạn nhịp tim.

Điều trị suy tim bằng thuốc:

  • Thuốc trợ tim: dobutamin, dopamin, milrinone
  • Thuốc lợi tiểu: Dùng từng đợt 2- 3 ngày. Lợi tiểu thải muối như: lasix, hypothiazide. Lợi tiểu giữ K+: Aldacton
  • Bồi phụ đủ kali
  • Dự phòng tắc mạch: thuốc chống đông máu hoặc thuốc ức chế kết tập tiểu cầu
  • Điều trị rối loạn nhịp: thuốc, chuyển nhịp khẩn trương hoặc cấy dụng cụ khử rung chuyển nhịp tim (ICD)

4.2 Điều trị nguyên nhân

Theo phác đồ điều trị chuẩn

4.3 Hỗ trợ cơ học

Bệnh nhân suy tim với huyết động không ổn định và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc có thể cần được hỗ trợ tuần hoàn bằng dụng cụ: VAD (dụng cụ hỗ trợ thất) hoặc ECMO (Oxy hóa máu màng ngoài cơ thể)

4.4 Ghép tim

Các bệnh nhân viêm cơ tim mạn tính với suy tim mất bù giai đoạn cuối là đối tượng chỉ định cho ghép tim.

Các phương pháp điều trị viêm cơ tim cần thực hiện theo chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ. Để phòng ngừa viêm cơ tim, mọi người không được mất cảnh giác với các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus thông thường, khi có các dấu hiệu của bệnh, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan