Biến chứng và cách phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay gây tê, ngứa ran và yếu các cơ ở bàn tay. Đây là hệ quả khi dây thần kinh bị chèn ép. Nếu tình trạng này kéo dài đôi khi sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, khiến tay bị mất chức năng vĩnh viễn. Do vậy người bệnh khi mắc hội chứng ống cổ tay cần được điều trị đúng cách và tích cực phòng ngừa.

1. Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?

Cơ chế của hội chứng ống cổ tay là do sự chèn ép trên dây thần kinh giữa. Lúc này, các chức năng của dây thần kinh giữa bị hạn chế, biểu hiện ra các triệu chứng của bệnh. Nếu tiếp tục diễn ra trong thời gian dài và không được can thiệp đúng cách, chính các triệu chứng này sẽ bộc lộ nặng nề hơn, gây ra biến chứng và để lại di chứng về sau.

1.1. Biến chứng trên chức năng cảm giác

Dây thần kinh giữa có chức năng là cảm nhận cảm giác ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Chính vì thế, khi bị chèn ép, người bệnh có cảm giác các ngón tay này bị sưng phồng lên một cách mơ hồ. Sau đó, họ sẽ rõ ràng hơn về cảm giác tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, đôi khi đi lên cẳng tay về phía vai.

Các cơn tê, ngứa và đau ban đầu chỉ xuất hiện khi người bệnh làm việc, gập duỗi cổ tay quá mức. Về sau sẽ kéo dài liên tục và trở thành biến chứng là các cơn đau cổ tay và bàn tay mãn tính. Các cơn đau này có khi kèm theo loạn trương lực giao cảm phản xạ, gián tiếp gây khó khăn trong cử động tay.

Biến chứng của các cơn đau, tê do thần kinh không chỉ khu trú tại chỗ cơ quan gây bệnh mà còn ảnh hưởng thần kinh trung ương, dẫn đến hội chứng đau mạn tính toàn thân. Điều này khiến người bệnh lo âu, căng thẳng kéo dài, trầm cảm, chán ăn, mất ngủ và gây suy giảm chất lượng cuộc sống.

1.2. Biến chứng trên chức năng vận động

Ngoài vai trò cảm nhận cảm giác như trên, dây thần kinh giữa cũng chịu trách nhiệm vận động cho các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Khi bị chèn ép, người bệnh cảm thấy các ngón tay yếu và vụng về hơn, có các cơn đau chót, bị chuột rút khi dùng tay để làm việc.

Về lâu dài, khả năng cử động không còn được đảm bảo, người bệnh thậm chí không thể thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách... Cuối cùng, các cơ bị yếu liệt hoàn toàn, trở nên lỏng lẻo và không còn sức cơ.

1.3. Biến chứng trên chức năng dinh dưỡng

Tương tự như các sợi thần kinh ngoại biên khác, dây thần kinh giữa cũng có chức năng nuôi dưỡng cho nhóm cơ được chi phối.

Khi bị chèn ép trong ống cổ tay, các chất cần thiết cung cấp cho cơ bị hạn chế, chức năng nuôi dưỡng không còn. Hệ quả là các cơ của ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn, đặc biệt là ngón cái, bị teo lại, các sợi cơ trở nên lỏng lẻo, mất sự dẻo dai, mất sức cơ.

Hội chứng ống cổ tay
Người bệnh sẽ có cảm giác tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, đôi khi đi lên cẳng tay về phía vai.

2. Cách phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

Không có một cách thức nào được chứng minh là có hiệu quả để ngăn ngừa diễn tiến đến hội chứng ống cổ tay ngoài việc tích cực giảm thiểu các căng thẳng, áp lực đặt lên cổ tay.

Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, bạn nên tham khảo các phương pháp sau:

  • Giảm sử dụng lực cổ tay, ngón tay: Nếu công việc của bạn liên quan đến bàn phím hay nhạc cụ, các vật dụng cầm tay nói chung, hãy nhẹ nhàng đến mức có thể. Nếu phải ngồi viết tay kéo dài, bạn nên sử dụng có ngòi bút lớn, mềm mại và mực chảy tự do.
  • Nghỉ giải lao thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và uốn cong tay và cổ tay định kỳ trong 10 đến 30 giây mỗi 15 – 30 phút làm việc. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn sử dụng các thiết bị rung hoặc phải sử dụng một lực cổ tay lớn. Một gợi ý khác là bạn sắp xếp thực hiện một công việc có tính chất khác biệt xen kẽ với nhiệm vụ chính khi có thể.
  • Cải thiện tư thế: Tư thế ngồi không đúng cách, hai vai hướng về phía trước quá mức, rút ​​ngắn cơ cổ sẽ gây đè nén trên các rễ dây thần kinh ở cổ. Điều này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến cổ tay, ngón tay và bàn tay của bạn.
  • Thay đổi “con chuột” điều khiển máy tính: Hãy chắc chắn rằng con chuột máy tính của bạn hoàn toàn khiến cho bạn thoải mái mà không làm căng đau cổ tay của bạn. Đồng thời, giữ bàn phím của bạn ở độ cao ngang với khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút.
  • Giữ ấm cho bàn tay: Bạn có nhiều khả năng bị đau tay và cứng khớp nếu phải làm việc liên tục trong môi trường lạnh. Nếu bạn không thể kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, hãy đeo găng tay không có ngón để có thể giữ ấm cho bàn tay và cổ tay nhưng vẫn không làm cản trở công việc.
Hội chứng ống cổ tay
Nếu bạn không thể kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, hãy đeo găng tay không có ngón để có thể giữ ấm cho bàn tay và cổ tay nhưng vẫn không làm cản trở công việc

Cùng với những tiến bộ trong phương tiện chẩn đoán và điều trị, hội chứng ống cổ tay không còn là một bệnh lý gây ra biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và tích cực can thiệp. Bên cạnh đó, nắm được các cách đề phòng và kiên trì thực hiện mỗi ngày không chỉ giúp cho bạn giữ gìn một đôi bàn tay khỏe mạnh và còn nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan