Bị suy buồng trứng sớm, liệu có thể có thai được không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Suy buồng trứng sớm được định nghĩa là sự khởi phát tình trạng thiểu năng sinh dục nguyên phát trước 40 tuổi. Thực tế, có khoảng 5-10% số phụ nữ được chẩn đoán suy buồng trứng sớm vẫn có thể thụ thai một cách tự nhiên sau khi được chẩn đoán suy buồng trứng sớm.

1. Suy buồng trứng sớm là gì?

Suy buồng trứng sớm là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Tùy thuộc vào nguyên nhân, suy buồng trứng sớm có thể phát triển ngay từ lúc tuổi dậy thì hoặc cũng có thể là bẩm sinh.

Suy buồng trứng sớm có thể được nhận biết qua những dấu hiệu như: Kinh nguyệt không đều trong nhiều năm, mấy tháng mới có một lần, kinh nguyệt ít, thậm chí không có kinh. Kèm theo nhiều triệu chứng tương tự mãn kinh như: dễ bốc hỏa, ra mồ hôi về đêm, dễ kích động, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo...Rối loạn tiết niệu: són tiểu, tiểu quá nhiều. Trên hình ảnh siêu âm của bệnh nhân bị suy buồng trứng sớm cho thấy trứng nhỏ không phát triển, xét nghiệm kiểm tra nồng độ estrogen giảm.

2. Nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm

  • Nhân tố miễn dịch: Các bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp tự miễn có thể đi kèm suy buồng trứng sớm.
  • Suy buồng trứng sớm do điều trị bệnh: Những phụ nữ phải cắt cả hai bên hoặc một bên buồng trứng có thể khiến cho chức năng của buồng trứng bị rối loạn gây suy buồng trứng sớm trước 40 tuổi.
  • Suy buồng trứng tự phát: bị tắt kinh đột ngột cũng là một trong những nguyên nhân quan trong trọng nhất của bệnh suy buồng trứng sớm, thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Biểu hiện lâm sàng: kinh nguyệt ít dần, thưa dần, đồng thời xuất hiện những triệu chứng ở thời mãn kinh như: bực bội, cáu gắt, khô âm đạo...
  • Nhiễm virus: Những loại virus gây bệnh như virus herpes simplex (HSV), virus gây ra bệnh quai bị có thể gây viêm buồng trứng hoặc buồng trứng tự miễn làm tổn thương buồng trứng gây suy buồng trứng sớm.
  • Giảm cân quá mức: Giảm cân quá mức khiến lượng chất béo bên trong cơ thể bị giảm nhanh dẫn đến ảnh hưởng tới lượng estrogen trong cơ thể, rối loạn kinh nguyệt, tắt kinh, buồng trứng bị suy sớm.
  • Thói quen sống không tốt như hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Áp lực tinh thần quá lớn: Phụ nữ nếu rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức, lâu dần có thể làm rối loạn chức năng thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến sự điều tiết nội tiết trong cơ thể, làm suy giảm chức năng buồng trứng sớm, giảm hormone estrogen khiến cho thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn.
suy-giam-buong-trung-muon-co-con-1
Áp lực tinh thần quá lớn có thể làm suy buồng trứng sớm

3. Nguy cơ nếu suy buồng trứng sớm không được điều trị

Trong trường hợp không điều trị estrogen ngoại sinh với liều dùng phù hợp, phụ nữ bị suy buồng trứng có các nguy cơ sau:

  • Các triệu chứng của thiếu hụt estrogen, bao gồm nóng bừng mặt do vận mạch, khô âm đạo, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, và thay đổi tâm lý, tất cả triệu chứng này đều có thể đáp ứng điều trị bằng estrogen.
  • Loãng xương, thường gặp ở phụ nữ trẻ, vì những bệnh nhân này có các rối loạn chức năng buồng trứng trước khi họ đạt được đỉnh khối xương ở người trưởng thành. Phụ nữ có suy buồng trứng sớm có tỷ lệ gãy xương do loãng xương cao.
  • Suy giảm chức năng nội mô, tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tử vong, có thể liên quan đến rối loạn chức năng nội mô.
  • Suy giảm ham muốn tình dục.
  • Suy giảm trí nhớ: Một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ dưới 43 tuổi, đã cắt cả 2 buồng trứng và không được điều trị thay thế estrogen có gia tăng nguy cơ mất trí nhớ và suy giảm nhận thức.

4. Bị suy buồng trứng sớm, liệu có thể có thai được không?

Trên thực tế có 5-10% số phụ nữ được chẩn đoán suy buồng trứng sớm vẫn có thể thụ thai một cách tự nhiên. Và có 50% phụ nữ bị suy buồng trứng sớm vẫn có hoạt động buồng trứng ( không liên tục và khó dự đoán trước) nhiều năm sau khi được chẩn đoán bệnh.

suy-giam-buong-trung-muon-co-con-2
Trên thực tế có 5-10% số phụ nữ được chẩn đoán suy buồng trứng sớm vẫn có thể thụ thai một cách tự nhiên.

Có rất nhiều phương pháp điều trị được thực hiện nhằm phục hồi chức năng của buồng trứng như dùng corticosteroid, oestradiol, clomiphene...Những người muốn có thai cần áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ tinh ống nghiệm xin trứng. Có thể làm thụ tinh ống nghiệm bằng cách lấy trứng của người khác hiến tặng cho thụ tinh với tinh trùng của chồng rồi đặt vào tử cung, tỷ lệ thụ thai sẽ cao hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan