Bệnh phình động mạch chủ nguy hiểm thế nào và điều trị ra sao?

Phình động mạch chủ là hiện tượng động mạch chủ tăng kích thước với đường kính trên 50% và biến dạng thành hình túi, hình thoi làm thành mạch căng ra rất dễ bị vỡ. Bệnh thường liên quan đến những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường. Hầu hết các trường hợp bệnh, bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh sau khi được sau khi khám kiểm tra sức khỏe, hoặc sau các triệu chứng đau bụng, đau lưng.

1. Phình động mạch chủ nguy hiểm như thế nào?

Biến chứng nguy hiểm nhất của phình động mạch chủ là vỡ mạch tại vị trí phình. Biến chứng này xảy ra có thể gây tử vong cho bệnh nhân do tình trạng mất máu cấp với các biểu hiện đau tức ngực, khó thở nhiều, da xanh nhợt, tụt huyết áp. Nguyên nhân được tìm ra có thể liên quan đến chấn thương, huyết áp cao không kiểm soát.


Nguyên nhân của phình động mạch có thể liên quan đến huyết áp cao không kiểm soát
Nguyên nhân của phình động mạch có thể liên quan đến huyết áp cao không kiểm soát

 

  • Tắc động mạch ngoại vi cấp tính: Do tác động của dòng chảy hay ngoại lực, huyết khối trong lòng mạch có thể bong ra, di chuyển đến mạch ngoại vi gây ra thiếu máu tại các chi, các tạng. Biến chứng này hiếm gặp nhưng nếu gặp sẽ để lại hậu quả nặng nề.
  • Phình động mạch chủ dọa vỡ: Đau tại vùng có túi phồng là dấu hiệu cảnh báo động mạch chủ sắp vỡ. Đây là một cấp cứu ngoại khoa hoặc can thiệp. Các thăm dò chức năng cận lâm sàng như CT và siêu âm có thể giúp chẩn đoán và điều trị bệnh.
  • Tách thành động mạch chủ: là một biến chứng nặng nề, điều trị phức tạp, chẩn đoán xác định bằng chụp CT động mạch chủ.
  • Viêm quanh khối phồng: Gây đau âm ỉ, có thể rò rỉ vào các tạng xung quanh (ống tiêu hóa, phổi).

2. Điều trị bệnh phình động mạch chủ như thế nào?

Mục tiêu của việc điều trị - cả với tiến hành theo dõi bệnh nhân và phẫu thuật - là nhằm giúp động mạch chủ của bạn không bị vỡ. Việc bác sĩ lựa chọn hình thức điều trị nào phụ thuộc vào kích thước của động mạch và quá trình phát triển bệnh.

2.1. Điều trị nội khoa

Bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện điều trị này nếu động mạch phình nhẹ và không có biểu hiện triệu chứng bệnh. Nếu động mạch chủ tiếp tục phồng lên, bác sĩ sẽ sắp xếp các cuộc hẹn thường xuyên hơn, đồng thời điều trị những bệnh khác liên quan trực tiếp đến bệnh như tăng huyết áp, căn bệnh này có thể khiến tình trạng phình động mạch chủ xấu đi.

Người bệnh cũng sẽ được cho thực hiện các xét nghiệm hình ảnh định kỳ và siêu âm ổ bụng 6 tháng một lần sau khi được chẩn đoán bệnh, việc làm này sẽ giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh toàn diện hơn.


Siêu âm ổ bụng 6 tháng một lần sau khi được chẩn đoán bệnh
Siêu âm ổ bụng 6 tháng một lần sau khi được chẩn đoán bệnh

2.2. Can thiệp đặt stent-graft

Bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp đặt giá đỡ (stent graft) nếu động mạch chủ có kích thước từ 1,9 đến 2,2 inch (4,8 đến 5,6 cm) hoặc lớn hơn, hoặc nó phình với tốc độ rất nhanh. Giải phẫu của túi phình thuận lợi cho đặt Stent-Graft. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh phẫu thuật nếu có một số các triệu chứng như đau nhiều vùng bụng, động mạch chủ của người bệnh có dấu hiệu xơ cứng, rò rỉ, hoặc đau.

2.2.1. Phẫu thuật mổ mở

Phình động mạch chủ ngực:

● Nếu phồng ở đoạn lên của động mạch chủ ngực:

Có thể dùng một đoạn động mạch nhân tạo để ghép nhưng nếu phồng ở sát gốc động mạch chủ (thường làm hở cả van động mạch chủ và ảnh hưởng đến cấp máu vào các động mạch vành) thì có thể phải tiến hành cả thay van động mạch chủ.

● Nếu phồng ở đoạn quai động mạch chủ:

Phẫu thuật sẽ phải tiến hành thay toàn bộ quai động mạch chủ và nối lại các nhánh mạch cấp máu cho não và cấp máu cho tay.

● Nếu phồng ở đoạn xuống của động mạch chủ:

Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ phần động mạch bị phồng và ghép đoạn động mạch nhân tạo. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay với tổn thương động mạch chủ xuống chủ yếu là can thiệp đặt Stent-Graft sẽ có nhiều ưu điểm hơn.

● Nếu phồng ở đoạn cuối của động mạch chủ ngực và đoạn đầu của động mạch chủ bụng (nơi có nhiều nhánh cho các tạng trong ổ bụng):

Sử dụng một đoạn mạch nhân tạo để ghép sau khi đã cắt bỏ khối phồng. Tiếp đó là nối các nhánh động mạch tạng có nối với đoạn mạch vừa cắt bỏ vào đoạn ghép đó.

Khi khối phồng được cắt bỏ sẽ để lại một mảng thành động mạch nơi có các nhánh tạng chính của động mạch chủ bụng. Sau khi đoạn mạch nhân tạo được ghép vào động mạch chủ bụng thì tiến hành ghép những nhánh động mạch có nối trực tiếp với đoạn mạch đã cắt vào đoạn mạch nhân tạo này.

Bệnh nhân được chỉ định mổ khi mạch đã phồng to đường kính trên 6 cm, hoặc phồng lên nhanh chóng.

Phình động mạch chủ bụng:

● Tiến hành cắt bỏ túi phồng và ghép mạch.

● Mở bụng theo đường trắng giữa.

● Để không cho máu chảy ra khỏi động mạch, ta tiến hành kẹp ngang động mạch chủ ở đầu trên và đầu dưới khối phồng động mạch. Tiếp đó là mở khối phồng theo hình chữ T ở hai đầu hay cắt túi phồng ngang qua chỗ động mạch không bị phồng.

● Ghép đoạn động mạch nhân tạo vào chỗ khối phồng đã bị mở ra hoặc cắt bỏ đi. Thực hiện như sau:

➔ Đoạn ghép hình ống: Đầu trên nối vào đầu trung tâm không bị phồng của động mạch chủ bụng, đầu dưới nối vào đoạn ngay trên chỗ chạc ba động mạch chủ bụng chia ra hai động mạch chậu gốc.

➔ Đoạn ghép có hình ba chạc: Đầu chính nối vào đầu trung tâm không bị phồng của động mạch chủ bụng, hai đầu dưới nối vào các động mạch chậu gốc phải và trái.

Thời gian kẹp động mạch chủ bụng để tiến hành phẫu thuật có thể cho phép là 60 phút.

Phẫu thuật nối tắt động mạch nách-đùi (Axillo bifemoral bypass):

● Dùng cho các bệnh nhân có toàn trạng nặng hoặc đang bị bội nhiễm khối phồng động mạch chủ bụng.

● Tiến hành nối tắt động mạch nách-đùi đồng thời thắt động mạch chủ bụng ở đầu trung tâm khối phồng hoặc làm nghẽn khối phồng.

Phình động mạch chủ bụng được chỉ định phẫu thuật khi đã có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, đường kính đoạn phồng > 5cm hoặc có đường kính tăng lên hơn 0,5 cm mỗi năm, hoặc động mạch phồng thành hình túi (thường dễ vỡ và thường bị bội nhiễm).

2.2.2. Đặt giá đỡ (stent graft) động mạch chủ

Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn, có đường mổ tại đùi. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ, trong trạng thái tỉnh táo hoàn toàn. Từ đường mổ ở đùi, bác sĩ sẽ sẽ luồn dụng cụ vào mạch máu lên đến vị trí khối phồng. Stent graft đặt vào sẽ giúp máu không lưu thông vào khối phình nữa. Đặc biệt, đây là một phương pháp can thiệp hiện đại, ít có biến chứng, hay ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, và có thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật mổ mở.

Việc áp dụng kỹ thuật Stent-Graft trong điều trị bệnh lý động mạch chủ là một bước đột phá của nền y học hiện đại giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, thời gian nằm viện và hiệu quả vượt trội so với phương pháp phẫu thuật truyền thống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe