Bệnh nhân tiểu đường nên được tiêm các loại vắc xin này hàng năm

Lâu nay, việc tiêm vắc xin đã được thế giới công nhận là một phương pháp an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho việc phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm. Ở bệnh nhân tiểu đường, hệ thống miễn dịch dễ bị tấn công, khiến cho người bệnh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, phế cầu, thủy đậu,... Do đó tiêm phòng vắc xin cho bệnh nhân tiểu đường là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hoá không đồng nhất, có đặc điểm là tăng glucose huyết do khiếm khuyết về việc tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây nên tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

2. Bệnh nhân tiểu đường nên tiêm loại vắc xin nào?

Tiêm vắc xin giúp cơ thể phòng ngừa, giảm nhẹ các bệnh truyền nhiễm. Ở bệnh nhân tiểu đường, hệ thống miễn dịch dễ bị tấn công, dẫn tới việc tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt khi mắc những bệnh này, tỷ lệ biến chứng và tử vong là khá cao. Vì vậy chúng ta cần chú ý tiêm vắc xin phòng ngừa với những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường.

Vậy những vắc xin nào nên được tiêm cho người bệnh tiểu đường?

tiêm vắc xin
Ở bệnh nhân tiểu đường, hệ thống miễn dịch dễ bị tấn công, dẫn tới việc tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm

2.1 Vắc xin phòng bệnh cúm

Cúm là bệnh rất thường gặp và có thể là khởi phát của các bệnh nghiêm trọng khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Ở bệnh nhân bị tiểu đường khi mắc bệnh cúm tình trạng nhiễm khuẩn xấu hơn, nhiều biến chứng mạch vành, nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn 2–4 lần, tỷ lệ nhập viện cao hơn 6 lần và tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.

Các bệnh nhân bị tiểu đường được khuyến cáo cần tiêm vắc xin cúm mỗi năm một lần vào mùa thu (hoặc mùa đông xuân) để bảo vệ và phòng ngừa.

2.2 Vắc xin phòng phế cầu

Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và viêm màng não,... khiến người bệnh phải nhập viện và dễ tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ tử vong cao gấp gần 3 lần do biến chứng viêm phổi trong số những người nhập viện (gấp 4,4 lần ở đái tháo đường type 1 và 1,2 lần ở đái tháo đường type 2).

Người bị đái tháo đường cần được tiêm vắc xin phế cầu khuẩn polysaccharide (PPSV23). Bệnh nhân dưới 65 tuổi cần tiêm một liều và tiêm một liều nữa khi ≥ 65 tuổi, với điều kiện liều sau cách liều trước ít nhất là 5 năm. Người mắc đái tháo đường có các bệnh lý đi kèm như hội chứng thận hư, bệnh thận mạn, tình trạng suy giảm miễn dịch và người sau ghép tạng cũng cần tiêm vắc xin PCV13.

Vắc xin phế cầu có thể tiêm vào cùng thời điểm với vắc-xin cúm hay vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Mỗi người bệnh cần tiêm ít nhất một mũi vắc-xin.

2.3 Vắc xin phòng viêm gan siêu vi B

Ở những bệnh nhân tiểu đường, nguy cơ nhiễm viêm gan B (HBV) cao gấp 2,1 lần so với người không bị tiểu đường. Việc kiểm soát đường huyết kém và suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường làm tăng sự bùng phát của viêm gan siêu vi B, khiến viêm gan tiến triển, tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan.

Việc tiêm phòng viêm gan B cho bệnh nhân tiểu đường là cần thiết. Người bệnh cần được tiêm chủng ngừa 3 liều vaccine: mũi đầu tiên và mũi thứ hai sau 1 tháng, mũi thứ ba sau 5 tháng kế tiếp.

Vắc xin phòng viêm gan B (HBV)
Vắc xin phòng viêm gan siêu vi B

2.4 Vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván

Bệnh ho gà rất nguy hiểm đối với trẻ còn quá nhỏ. Vì vậy, cần cho trẻ tiêm đủ 5 liều vacxin DTAP trước 7 tuổi, vào các thời điểm khi trẻ được 2, 4, 6 tháng, 15-18 tháng và 4-6 tuổi.

Ngoài ra, trẻ vị thành niên (thường khuyến cáo tiêm với trẻ 1-12 tuổi) và người lớn cũng nên được tiêm một liều tăng cường miễn dịch để duy trì sự miễn dịch bảo vệ với bệnh ho gà cũng như ngăn vi khuẩn truyền từ người lớn sang trẻ nhỏ.

Đối với trẻ lớn (trên 11 tuổi) và người lớn, cần tiêm nhắc lại vắc xin TDAP - là vaccine ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà, có liều kháng nguyên bạch hầu nhỏ hơn.

Phụ nữ có thai cũng được đề nghị nên tiêm một liều TDAP cho mỗi lần mang thai (tốt nhất là từ các tuần 27 đến 36) để bảo vệ cho trẻ sơ sinh đối với bệnh ho gà.

2.5 Một số vắc xin khác có thể tiêm thêm ở bệnh nhân tiểu đường

Có những loại vắc xin khác cũng được khuyến cáo có thể tiêm thêm cho các bệnh nhân tiểu đường như:

Vắc xin phòng bệnh thủy đậu (Chickenpox): áp dụng với tất cả bệnh nhân tiểu đường trên 60 tuổi.

Vắc xin phòng bệnh Zoster (Shingles hay zona): cần tiêm 01 liều cho các bệnh nhân tiểu đường ≥ 60 tuổi

Vắc xin phòng virus u nhú ở người (HPV): áp dụng với nữ giới ≤ 26 tuổi hoặc nam giới ≤21 tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan