Bệnh nhân hẹp tắc động mạch vành không nên hút thuốc lá

TS.BS Gerard Bonot, bác sĩ cao cấp Đơn vị Can thiệp mạch, Bệnh viện trường ĐH Brive (Pháp) khuyên với các bệnh nhân hẹp tắc động mạch vành, ngoài việc uống thuốc và khám định kỳ thì nên tuyệt đối tránh xa thuốc lá.

- Xin các bác sĩ cho em hỏi năm nay bố của em đã 73 tuổi. Ông bị hở van hai lá nặng và hẹp nhiều mạch vành. Bố em trước kia thì có đau ngực nhưng bây giờ thì không đau nhiều sau khi uống thuốc nhưng vẫn khó thở khi đi lại. Các bác sĩ bảo tim bố em to và bị suy tim em không biết là nên chữa cho bố em như thế nào và có tốn kém không? Xin cảm ơn. (Hoàng, 35 tuổi, Thái Nguyên)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Đầu tiên cho tôi gửi lời chào đến quý độc giả VnExpress. Cảm ơn câu hỏi của bạn. Khi bị bệnh mạch vành kèm theo hở van hai lá chỉ có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Suy tim không phải là chống chỉ định mổ. Đây là một phẫu thuật lớn và có nguy cơ, tuy nhiên phẫu thuật là cần thiết. Nhìn chung phẫu thuật này không quá tốn kém vì được bảo hiểm y tế chi trả phần lớn.

- Tôi bị suy động mạch vành, đã khám và điều trị ổn định 3 năm. Hiện tại, hàng ngày tôi vẫn uống các thuốc:amlođiphin, betaloc zook, thỉnh thoảng uống nitromĩilin 2,6mg. Xin cho biết cần bổ xung thuốc gì? Cứ uống như vậy hàng ngày có được không? (nguyen anh đường, 73 tuổi, sài sơn ,quốc oai)

- TS.BS Gerard Bonot, bác sĩ cao cấp Đơn vị Can thiệp mạch, Bệnh viện trường ĐH Brive (Pháp):

Bạn nên tiếp tục uống thuốc hàng ngày. Các thuốc bắt buộc cần có thêm là Aspirin 100mg, kết hợp theo dõi nghiệm pháp điện tim gắng sức 6 tháng đến một năm để theo dõi mức độ thích ứng của bệnh nhân khi gắng sức. Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra và điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu. Bạn cũng cần bỏ thuốc lá hoàn toàn (nếu hút thuốc).

TS.BS Gerard Bonot, bác sĩ cao cấp Đơn vị Can thiệp mạch, Bệnh viện trường ĐH Brive (Pháp).

- Tôi năm nay 54 tuổi tôi bị cao huyết áp nhưng không điều trị gì. Cách đây 3 tháng tôi bị nhồi máu cơ tim và được các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh cấp cứu đặt stent. Các bác sĩ cho biết các mạch vành của tôi đều bị xơ vữa nhưng chỉ đặt stent vào một động mạch quan trọng. Tôi rất lo lắng, có người nói với tôi là mổ tốt hơn tôi cũng không biết là nên thế nào. Xin ý kiến các bác sĩ (Dũng, 54 tuổi, Hưng Yên)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec :

Khi bị nhồi máu cơ tim thì can thiệp động mạch vành và đặt stent là phương pháp hiệu quả nhất, vì rất nhanh chóng và thuận lợi trong cấp cứu. Các bác sỹ chỉ giải quyết đặt stent một động mạch gây bệnh là hoàn toàn đúng. Hiện tại cần chụp lại động mạch vành để đánh giá thương tổn một lần nữa, trên cơ sở đó mới quyết định phương pháp điều trị thích hợp. Phẫu thuật cũng là một giải pháp nên cân nhắc.

- Trong gia đình tôi có nhiều người bị bệnh động mạch vành. Bản thân tôi bị tiểu đường đã hơn 10 năm và hiện tại đang phải dung thuốc tiêm. Gần đây tôi bị nặng vùng ngực và sau khi chụp động mạch vành, tôi được phát hiện bị hẹp nặng 2 nhánh động mạch vành và tắc một nhánh. Các bác sĩ cũng nói chức năng tim của tôi còn thấp chỉ số chỉ có 30%. Tôi còn bị suy thận độ 2. Có một số bác sĩ khuyên tôi nên phẫu thuật nhưng tôi lo mình không thể vượt qua được. Liệu tôi có nên đặt stent không? Tôi là phụ nữ năm nay 64 tuổi (Duy Minh, 64 tuổi, Hải Dương)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Có một số quan niệm sai lầm khi chức năng tim bị ảnh hưởng nhiều thì không nên phẫu thuật. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải như vậy. Ưu điểm chính của phẫu thuật so với can thiệp đặt stent là phẫu thuật phục hồi việc cấp máu cho tất cả các động mạch vành bị bệnh. Do vậy, mới có thể giúp cơ tim phục hồi được. Thương tổn động mạch vành càng phức tạp, chức năng cơ tim càng bị ảnh hưởng, phẫu thuật càng phát huy ưu thế. Trong trường hợp của bác, phẫu thuật có thể là một lựa chọn hợp lý.

- Chào các bác sĩ.

Tôi năm nay 35 tuổi, đợt vừa rồi tôi có khám sức khỏe tại công ty thì được kết luận theo kết quả điện tim là nghi thiếu máu cơ tim. Bình thường, mỗi lần bị trào ngược dạ dày thì nhịp thở của tôi cũng không ổn định nên tôi không chú ý. Nhưng gần đây có mấy lần khi ngủ thì tôi thấy hơi thở mình không sâu, chân tay tê và khó ngủ. Tôi không bị đau thắt ngực. Khi đi làm thì hơi chóng mặt và nhịp thở không đều. Vậy tôi có bị mắc bệnh này không. Nếu có thì hướng điều trị có phức tạp không ạ? Xin cảm ơn (Nguyễn Nguyệt Linh, 35 tuổi, Tôn Đức Thắng)

- TS.BS Gerard Bonot:

Khi trào ngược dạ dày thì cơn đau có thể giống như đau ngực. Nếu điện tâm đồ bất thường, các yếu tố nguy cơ khác, để loại trừ bệnh mạch vành bạn cần làm nghiệm pháp điện tim gắng sức, siêu âm tim, nên đeo máy Holter điện tim 24 giờ để tìm bất thường về nhịp tim. Hướng điều trị sẽ phụ thuộc vào xét nghiệm, chẩn đoán cuối cùng.

- Tôi là bệnh nhân ở quê năm nay đã 70 tuổi, cũng bị bệnh mạch vành. Các bác sĩ nói tôi bị bệnh do hút thuốc lá. Tôi đã được đặt 2 stent cách đây gần 2 năm. Mấy hôm trước tôi đau ngực và lên viện cấp cứu các bác sĩ nói tôi cần đặt thêm 3 cái nữa. Tôi không có điều kiện để làm vậy có thể có cách nào điều trị được không (Tuấn, 70 tuổi, Phúc Yên)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Theo như mô tả, bác bị bệnh nhiều thân động mạch vành (có thể là cả 3 thân). Trong trường hợp của bác, nếu như không có các chống chỉ định, nên lựa chọn phương pháp phẫu thuật. Phương pháp này có thể giải quyết được mọi chỗ hẹp tắc của động mạch vành, cũng như hạn chế được hiện tương tái hẹp nếu như đặt stent.

- Tôi là nam giới, năm nay 68 tuổi đã phát hiện bệnh hẹp van động mạch chủ nhiều năm. Tôi có đau ngực và được chụp động mạch vành phát hiện bị hẹp tắc động mạch vành nhiều chỗ. Các bác sĩ nói cả hai bệnh của tôi đều cần chữa trị ngay tôi chưa biết sẽ phải làm gì. Có người khuyên nên đặt stent trước rồi tính tiếp. Xin hỏi ý kiến các chuyên gia. (Hải Đăng, 68 tuổi, Hà nội)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Trong trường hợp của bác, chỉ định phẫu thuật là tuyệt đối, vì khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ giải quyết cả hai bệnh (thay van động mạch chủ và bắc cầu nối động mạch vành). Nếu đặt stent, sẽ có nguy cơ tắc stent trong lúc phẫu thuật tim hở. Vì vậy, không nên tiến hành đặt stent.

- Chào bác sĩ! Ba tôi 69 tuổi, lâu lâu bị đau thắt ngực!khám bác sĩ cho chụp MSCT phản quan hệ mạch vành! kết quả: hẹp 50% LAD I, hẹp 60-65% LAD II, hẹp 30% LM, hẹp 30-40% RCA và RCA II, RCA chiếm ưu thế. Xin hỏi bác sĩ, bệnh của ba tôi có cần phẩu thuật không? Nếu có phẫu thuật thì có nguy hiểm không? Ba tôi có bệnh cao huyết áp (trầm bỉnh tùng, 29 tuổi)

- TS.BS Gerard Bonot:

Theo như kết quả chụp cắt lớp mạch vành thì tổn thương của bác là không hẹp khít nên bạn nên cho bác làm nghiệm pháp điện tim gắng sức. Nếu kết quả nghiệm pháp âm tính, nên tiếp tục theo dõi 6 tháng đến một năm một lần cùng với điều trị thuốc Aspirin 10mg, Chẹn Beta, ức chế men chuyển vì bác có tiền sử tăng huyết áp. Nếu các cơn đau ngực tăng, hoặc kết quả nghiệm pháp điện tim dương tính, nên chụp mạch vành can thiệp. Chỉ có chụp mạch vành kiểm tra mới quyết định được việc có tái tưới máu cho bệnh nhân hay không (đặt Stent hoặc phẫu thuật).

TS.BS Gerard Bonot

- Mẹ của em năm nay đã 65 tuổi, mẹ em vốn sức khoẻ bình thường và không bao giờ đau ngực. Gần đây mẹ em đi khám sức khoẻ và các bác sĩ phát hiện mẹ em có bệnh mạch vành. Các bác sĩ chụp động mạch vành và bảo mẹ em bị tắc 2 nhánh chỉ còn thông một nhánh và phải mổ ngay. Em lo quá, không biết tại sao mẹ em lại không đau ngực bao giờ mà khi phát hiện lại nặng đến như vậy. Cách điều trị nào ít nguy hiểm cho mẹ em? (Thanh Lan, 30 tuổi, Yên Bái)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Trong một số trường hợp, dù bệnh mạch vành đã tiến triển ở giai đoạn nặng, nhưng bệnh nhân có rất ít triệu chứng. Điều này hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Mẹ của bạn đã bị bệnh ở giai đoạn nặng, điều trị nội khoa không còn thích hợp, cho nên chỉ định mổ của các bác sĩ rất có thể là chỉ định đúng.

- Bố em năm nay đã 82 tuổi, bị nhồi máu cơ tim tháng trước và được chuyển đến bệnh viện ở Hà Nội điều trị. Các bác sĩ đã đặt 2 stent và nói rằng bố em xuống bệnh viện hơi muộn nên kết quả điều trị không được tốt. Hiện tại bố em không còn đau ngực nữa nhưng vẫn phải điều trị suy tim và uống nhiều loại thuốc. Em không biết nếu các bác sĩ ở Bệnh viện huyện và tỉnh nếu cấp cứu kịp thời cho bố em thì liệu có tốt hơn không ? Bao lâu nữa thì bố em cần khám lại? (Minh Nguyên, 45 tuổi, Hà Tây)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Can thiệp động mạch vành và đặt stent là một kỹ thuật đòi hỏi phương tiện hiện đại và các bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn sâu. Không phải mọi địa phương ở Việt Nam đều có đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật này. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ thực hiện kỹ thuật tia huyết khối cũng rất hiệu quả nếu được tiến hành kịp thời. Hiện tại, bố của bạn đã qua giai đoạn cấp tính và nên đi khám lại thường xuyên bởi các bác sĩ chuyên khoa.

- Chào Bác sĩ cháu muốn hỏi: hẹp tắc động mạch vành có phải là 1 trong các nguyên nhân gây các bệnh về tim mạch, tai biến tim mạch như nhồi máu cơ tim hay không? làm thế nào để biết được mình có mắc các bệnh này? triệu chứng, dấu hiệu bệnh như thế nào? Giả sử xảy ra tai biến ở nhà thì có cách nào sơ cấp cứu an toàn nhất trước khi chuyển đến BV? (Đỗ Thị Hường, 25 tuổi, tp.Hồ Chí Minh)

- TS.BS Gerard Bonot:

Bệnh hẹp và tắc mạch vành đều là hai quá trình của bệnh mạch vành. Trong đó, hẹp mạch vành đơn giản làm cho bệnh nhân đau thắt ngực khi gắng sức, còn tắc mạch vành thường đau dữ dội, kéo dài cả lúc nghỉ và khi gắng sức, có thể gây nhồi máu cơ tim cấp. Trường hợp này cần phải nhập viện cấp cứu và chụp mạch vành cấp cứu càng sớm càng tốt vì nếu để muộn thì nhồi máu cơ tim sẽ nặng hơn. Nếu đã ngừng tim thì ngay lập tức dùng các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn (hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực) trước khi chuyển đến bệnh viện; nếu trường hợp suy tim, bệnh nhân thấy khó thở thì gọi cấp cứu.

- Tôi đã mổ bắc cầu được 8 năm tại bệnh viện ở Hà Nội. Sức khoẻ của tôi vẫn bình thường, nhưng vừa rồi đi chụp động mạch vành bác sĩ nói 3 cầu nối của tôi có một cầu nối đã bị tắc, tôi rất lo lắng không biết có nên phẫu thuật lại hay không? (Huy, 40 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành sử dụng động mạch ngực trong và tĩnh mạch hiển làm cầu nối. Cầu nối động mạch ngực trong hiếm khi bị hẹp tắc, các cầu nối tĩnh mạch hiển thường hay bị xơ vữa và có thể bị hẹp tắc. Cầu nỗi động mạch ngực trong thường được nối vào động mạch liên thất trước – động mạch quan trọng nhất của tim và có vai trò quyết định đến sự sống còn của bệnh nhân. Nếu bác có bị tắc một cầu nối tĩnh mạch hiển, nhưng cầu nối động mạch ngực trong vẫn còn thông tốt thì không nên quá lo ngại. Bác chỉ cần uống thuốc để khống chế triệu chứng. Nếu bác quá lo lắng hoặc triệu chứng rõ rệt hơn (đau ngực), thì có thể làm liệu pháp gắng sức để quyết định phương pháp điều trị tiếp theo.

- Em bị tim đập nhanh khoảng 5-6 lần (từ lúc 25 tuổi đến giờ), khoảng 30 phút thì tự nhiên hết, em cúi xuống đột ngột hay bước hẫng chân ở cầu thang cũng bị. Bác sĩ cho em hỏi em bị bệnh gì và cho em xin lời khuyên. Em xin chân thành cảm ơn. (Phạm Quyên, 37 tuổi, Tân Phong - Biên Hòa - Đồng Nai)

- TS.BS Gerard Bonot:

Em bị tim đập nhanh là bao nhiêu lần một phút? nhịp tim nhanh đều hay không đều? Theo như mô tả, có thể em đã bị loạn nhịp. Do đó em nên kiểm tra huyết áp ở hai tư thế nằm và đứng. Khi cảm thấy nhịp nhanh em nên làm điện tim ngay lập tức hoặc đến bệnh viện khám bác sĩ tim mạch để có những chỉ định chuyên sâu hơn như: Holter nhịp tim, siêu âm tim và thăm khám tổng thể về tim mạch.

- Bác sĩ cho hỏi, động mạch vành bị hẹp tối đa bao nhiêu phần trăm thì phải đặt Stent? Chân thành cảm ơn bác sĩ (thanh hùng, 32 tuổi)

- TS.BS Gerard Bonot:

Động mạch vành hẹp bắt đầu từ 70%/chụp MSCT mạch vành hoặc chụp mạch vành can thiệp thì phải đặt Stent nhưng đôi khi trong phòng chụp mạch các bác sĩ tim mạch còn sử dụng các kỹ thuật khác để đánh giá tổn thương hẹp trước khi quyết định đặt Stent.

- Mẹ em năm nay 72 tuổi được chẩn đoán là cơn đau thắt ngực. Mẹ em được dùng thuốc hiện tại không còn đau ngực nữa. Em đưa mẹ em đi khám trên Hà Nội chụp CT các bác sĩ bảo bị tổn thương cả 3 động mạch vành. Mẹ em không muốn phẫu thuật nhưng nếu đặt stent lại phải đặt rất nhiều em sợ không theo được, xin các bác sĩ cho lời khuyên. (Huy Đại, 27 tuổi, Thái Bình)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Có 3 phương pháp điều trị bệnh hẹp tắc động mạch vành: Điều trị nội khoa (dùng thuốc, thay đổi lối sống và điều trị các yếu tố nguy cơ); Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành và Can thiệp đặt stent động mạch vành. Tôi muốn nhấn mạnh rằng không phải cứ hẹp hoặc tắc động mạch vành là phải dùng mọi biện pháp làm thông hoặc phẫu thuật bắc cầu. Các nghiên cứu đã cho thấy ở những bệnh nhân đau ngực ổn định (trường hợp của mẹ bạn), điều trị nội khoa hay can thiệp đặt stent động mạch vành không thay đổi về khả năng sống còn, tuy nhiên đặt stent làm giảm triệu chứng nhiều hơn. Trong trường hợp này, tốt nhất nên chụp động mạch vành bằng đường ống thông để có thông tin đầy đủ và đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp thích hợp.

- Tôi đã đặt stent tại Bệnh viện Chợ Rãy Sài Gòn. Còn hẹp 50%. Dùng flavix thường xuyên, thuốc mỡ máu, thuốc tiểu đường, ... tập thể dục thường xuyên, sức khỏe ổn định. Tôi có cần đặt stent nữa không, xin được bác sĩ tư vấn. Đt 0937455493 (Nguyen trong Phi, 79 tuổi, Khu pho 10,Phuong Tan phong Bien hoa)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Hẹp 50% thông thường không có chỉ định can thiệp. Trong trường hợp của anh, tốt nhất nên kiểm tra bằng liệu pháp gắng sức.

- Xin cho tôi hỏi cách phòng và điều trị bệnh hẹp tắc động mạch vành/ Chế độ ăn uống tập luyện với những người bị bệnh này là gì. Xin cảm ơn các chuyên gia (Quang Minh, 38 tuổi, Hà Nội)

- TS.BS Gerard Bonot:

Đầu tiên, bạn phải thăm khám và điều trị các yếu tố nguy cơ. Nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ mà không có triệu chứng cần làm các xét nghiệm không xâm lấn như nghiệm pháp điện tim gắng sức, nếu nghi ngờ cần chụp cắt lớp mạch vành hoặc chụp mạch vành can thiệp.

Điều trị mạch vành phụ thuộc vào tổn thương để quyết định tái tưới máu bằng can thiệp hoặc phẫu thuật mạch vành. Nếu tổn thương nhẹ, điều trị nội khoa: Chẹn Beta, chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin),Statin, ức chế men chuyển, kiểm tra yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, phải bỏ thuốc lá (nếu hút).

TS.BS Gerard Bonot

- Thưa bác sĩ, chế độ ăn uống nào phù hợp cho các bệnh nhân hẹp tắc động mạch vành? Xin cảm ơn (Lan Vinh, 38 tuổi, Hà Nội)

- TS.BS Gerard Bonot:

Hạn chế thức ăn có nhiều mỡ động vật; không hút thuốc lá; nên ăn nhạt, đi bộ 30 phút một ngày; ăn nhiều rau, hoa quả; không nên ngồi lì một chỗ thay vào đó cần hoạt động cơ thể thường xuyên tùy theo tình trạng tim mạch của mình...

- Tôi năm nay 49 tuổi là nam giới, cả bố và mẹ tôi đều bị bệnh mạch vành. Tôi chưa thấy làm sao chỉ bị cao huyết áp và tăng mỡ máu nhưng vẫn chưa điều trị gì. Tôi muốn đi khám để phát hiện bệnh và nếu có thì chữa luôn tránh để biến chứng như cha mẹ mình. Các bác sĩ có khuyên nên làm như vậy không? (Khoa, 49 tuổi, ha noi)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Như vậy, anh vẫn chưa được điều trị tốt vì mỡ máu và huyết áp vẫn còn cao. Nếu trong gia đình anh đã có người bị bệnh động mạch vành, anh bắt buộc phải điều trị ổn định cao huyết áp và cao mỡ máu. Anh cũng nên có chế độ tập luyện thể thao thích hợp và thăm khám định kỳ. Nếu có bất kỳ biểu hiện liên quan, anh nên khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch và làm liệu sức gắng sức.

- Mẹ tôi năm nay 65 tuổi, bà bị huyết áp cao, thường xuyên chóng mặt và gặp các vấn đề liên quan đến huyết áp. Xin cho tôi hỏi những nguy cơ có thể xảy ra với mẹ tôi là gì? Xin cảm ơn (Phạm Hải Anh, 34 tuổi, Hà Nội)

- TS.BS Gerard Bonot:

Tăng huyết áp ảnh hưởng tới não (tai biến mạch máu não), tim (suy tim và nhồi máu cơ tim) và thận (suy thận). ở những người tăng huyết áp cần tìm nguyên nhân và biến chứng. Việc mẹ bạn chóng mặt có thể do tăng huyết áp nhưng cũng có thể liên quan đến bệnh thần kinh hoặc tai mũi họng. Bạn nên đưa mẹ đến khám các chuyên khoa trên. Nếu tăng huyết áp cần phải điều trị bằng các dòng ức chế men chuyển và lợi tiểu, chẹn Beta, chẹn canxi. Mẹ bạn nên đi khám bác sĩ tim mạch để có hướng điều trị chính xác.

- Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho tôi biết người bị bệnh hẹp mạch nên nên sinh hoạt và có chế độ dinh dưỡng như thế nào? Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay có những phương pháp điều trị và mổ mạch vành như thế nào, và chi phí cho quá trình mổ cho người bị hẹp mạch vành là bao nhiêu? (Võ Đức, 35 tuổi)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Chế độ ăn của bệnh nhân bị hẹp động mạch vành, nhằm mục đích kiểm soát cân nặng và tránh hiện tượng tăng mỡ máu. Có hai phương pháp điều trị phục hồi tưới máu động mạch vành là phẫu thuật bắc cầu nối và đặt stent đều có và phổ biến tại nước ta. Trên thế giới, phẫu thuật tốn kém hơn can thiệp đặt stent, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, do chúng ta phải nhập stent.

- Xin cho em hỏi, độ tuổi nào hay mắc các bệnh liên quan đến mạch vành? (Phạm Toàn, 34 tuổi, Hà Nội)

Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Nhìn chung người già có nguy cơ cao, nhưng cũng không loại trừ nhóm người trẻ.

- Tôi là nam giới năm nay mới 47 tuổi và thỉnh thoảng đau nhói vùng ngực, tôi hút thuốc lá hằng ngày, mỗi ngày gần một bao. Tôi đọc báo thấy bảo hút thuốc lá có nguy cơ xơ vữa mạch vành nên đi khám. Tôi đã ghi điện tâm đồ và các bác sĩ nói tim tôi bình thường. Tôi vẫn thường xuyên đau vùng ngực, hiện tôi rất lo lắng thì làm thế nào có thể biết được. Xin cảm ơn. (quang, 47 tuổi, haiphong)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Anh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa và làm liệu pháp gắng sức.

- Chào bác sĩ! Ba tôi năm nay 62 tuổi bị bệnh mạch vành lâu rồi, thời gian quan có đi nong tim ở bệnh viện Chợ Rẫy nhưng do bệnh lâu năm nên nong không được, bây giờ ba tôi vẫn uống thuốc hàng ngày, xin bác sĩ tư vấn phải can thiệp như thế nào. Xin cảm ơn bác sĩ. (Lâm Thị A Tiên, 34 tuổi)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Bệnh mạch vành của bác là đau ngực không ổn định. Điều trị nội khoa hoặc can thiệp động mạch vành đều có thể tiến hành được. Kết quả cuối cùng của hai phương pháp cũng không khác nhau. Bác nên tham khảo thêm các bác sĩ ngoại khoa xem có chỉ định can thiệp không.

- Cha tôi 84 tuổi, bị hẹp tắc đông mạch vành, có chỉ định của BS để mổ bắc cầu đông mạch vành. Quá trình mổ tim như vậy thì có nhiều nguy cơ xấu gi cho cha tôi ? (Nguyen dinh Phu, 50 tuổi, 766, Vo van Kiet, quan 5, TP.HCM)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Đương nhiên khi phẫu thuật cho các bệnh nhân lớn tuổi sẽ có nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên, nếu thương tổn động mạch vành cũng như tình trạng chức năng tim của ông thích hợp cho mổ bắc cầu nối (thương tổn động mạch vành phức tạp, chức năng tim suy giảm... ) thì cũng nên tiến hành phẫu thuật.

- Các phương pháp điều trị bệnh hẹp tắc động mạch vành hiện nay là gì? Chi phí và khám chữa bệnh ở đâu? Xin bác sĩ tư vấn. (Thảo Nhi, 38 tuổi, Hà Nội)

- TS.BS Gerard Bonot:

Đây là câu hỏi rất hay để chứng minh việc hội chẩn giữa các bác sĩ nội tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim mạch. Câu trả lời đơn giản tim được nuôi dưỡng bởi 3 động mạch lớn: động mạch thân chung, động mạch mạch liên thất trước và động mạch mũ; và động mạch vành phải. Nếu tổn thương một hoặc hai nhánh động mạch có thể điều trị bằng can thiệp mạch vành (đặt Stent). Nếu tổn thương ba nhánh thường phải phẫu thuật mạch vành nhất là những bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường. Ngoài ra còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương phức tạp như động mạch thân chung, chạc ba... cần phải hội chẩn để quyết định đặt Stent hay phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc nguy cơ nhồi máu cơ tim, chỉ định đặt Stent cấp. Trong tất cả trường hợp đều có điều trị nội khoa: Aspirins, chẹn Beta, Statin, ức chế men chuyển và kiểm tra yếu tố mạch vành

- BS. Bonot có khám bệnh tim thông thường không hay chỉ giới hạn là can thiệp mạch? (vũ Thu Hằng, 29 tuổi, Hà Nội)

- TS.BS Gerard Bonot::

Muốn xác định một bệnh nhân có cần phẫu thuật hay can thiệp mạch, các bác sĩ đều phải tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cụ thể. Ngoài nghiên cứu và thực hành can thiệp mạch, tôi vẫn thường xuyên khám và tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tại bệnh viện ở Pháp. Nếu bạn có nhu cầu khám các bệnh tim mạch thông thường, bạn vẫn có thể đến bệnh viện Vinmec để đăng ký khám. Tôi sẽ làm việc tại bệnh viện Vinmec (Hà Nội) từ ngày 7 đến 12/7.

TS.BS Gerard Bonot.

- Xin cho em hỏi, có phải người béo có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người gày, đúng không ạ? Tôi hay hồi hộp, khó thở liệu có phải bị hẹp tắc động mạch vành? (Đồng Lan, 35 tuổi, Hà Nội)

- TS.BS Gerard Bonot:

Người béo có nguy cơ mắc bệnh hơn người gày vì họ hay bị mắc các bệnh tăng huyết áp, mỡ máu tiểu đường. Khó thở có thể do thừa cần hoặc bệnh tim mạch. Nếu bạn thừa cân, khó thở, hồi hộp nên khám chuyên khoa tim mạch để loại trừ bệnh tim mạch.

- Thưa 2 bác sĩ, mẹ tôi năm nay 58 tuổi. Vừa qua, mẹ tôi có cảm giác mệt mỏi và tức ở ngực, đi khám ở bệnh viện thì bác sĩ tại đây bảo mẹ tôi bị hẹp mạch vành, mức độ nặng cũng không nặng mà nhẹ cũng không nhẹ. Trước kia,mẹ tôi cũng có đi khám và họ cũng có nói là mẹ tôi bị hẹp mạch vành mức độ nhẹ. Cùng với đó,mẹ tôi cũng bị bệnh tiểu đường, đau dạ dày và máu nhiễm mỡ. Thời gian vừa qua, qua quá trình điều trị, thì máu nhiễm mỡ và tiểu đường của mẹ tôi đã giảm, nhưng không hiểu sao bệnh mạch vành lại tăng lên mức độ. Vậy thưa bác sĩ, với bệnh lý của mẹ tôi, bác sĩ có thể cho tôi biết, nếu bị như vậy thì cần có phương pháp điều trị như thế nào để đỡ các triệu chứng trên và nếu mổ thì thông thường chi phí hết bao nhiêu. Cảm ơn bác sĩ. (Vo Duc, 35 tuổi)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Sự tiến triển bệnh của mẹ bạn là hoàn toàn dễ hiểu vì quả trình xơ vữa động mạch không bao giờ ngừng lại. Việc điều trị các yếu tô nguy cơ (cao huyết áp, tăng đường huyết...) chỉ làm chậm quá trình này mà thôi. Bạn cũng có thể tham khảo phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật có ưu thế khi thương tổn động mạch vành là phức tạp, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường.

- Tôi năm nay 49 tuổi, theo như bác sĩ tư vấn, tôi đã có một số biểu hiện của bệnh mạch vành. Tôi sống tại TP HCM, muốn khám với BS Bonot thì phải làm thế nào? (Trần Hải Nam, 69 tuổi, Bình Thạnh, TP HCM)

- TS.BS Gerard Bonot:

Tôi sẽ có 2 tuần thăm khám tại phòng khám đa khoa quốc tế Vinmec tại Vincom Center Đồng Khởi TP HCM từ ngày 14 đến 25/7. Bạn có thể đăng ký đến khám theo lịch làm việc hàng ngày của phòng khám.

- Xin chào 2 bác sĩ. Trước tiên e xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec là người trực tiếp thực hiện ca mổ sửa van 2 lá do hở van 2 lá cho e năm 2005. Hiện nay cuộc sống của em vẫn bình thường, em đã lấy vợ và có 1 cháu 3 tuổi. Hiện tại em vẫn dùng thuốc Aprovel 150mg với liều 1/2 viên/ngày. Em có kiểm tra huyết áp thì vẫn trong giới hạn bình thường. Xin bác sĩ Hà cho hỏi rằng liệu em có khả năng bị hẹp tắc động mạch vành không. Xin cảm ơn bác sĩ. (Thành Nguyễn, 30 tuổi, Thành phố Sơn la)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Người 30 tuổi thì có rất ít nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Anh đã được sửa van hai lá nên chức năng tim đã trở lại bình thường. Anh cũng nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện thể thao để tránh nguy cơ hẹp tắc động mạch vành trong tương lai.

- Kính thưa các bác sĩ. Xin các bác sĩ cho biết tại sao khi tôi uống nước chè (chè xanh hoặc chè búp vơi liều lượng vài cốc trong một ngày) lại có hiện tượng đau do hẹp hay nghẽn động mạch vành. Xin Cám ơn các Bác sĩ. (Cao xuân Thảo, 60 tuổi, Cầu Giấy Hà Nội)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Nếu bạn uống chè quá đặc thì có hàm lượng cafein cao, làm tăng nhịp tim. Ở những người bị động mạch vành thì khi tăng nhịp tim sẽ làm tăng tiêu thụ oxy cơ tim và dẫn đến đau ngực. Tuy nhiên, với người bình thường thì không có hiện tượng này.

Hàng trăm câu hỏi được đặt cho các vị khách mời trong tư vấn chiều 8/7.

- Tôi năm nay 35 tuổi, bị cao huyết áp cách đây 3 năm. 1 năm trở lại đây tôi bị đau ngực thường xuyên. Tôi đi vào Thành phố Hồ Chí Minh khám tại bênh viện Chợ Rẫy 02 lần, Trung tâm Medic 1 lần, chỉ xét nghiệm máu, chụp X quang tim phổi, điện tim gắng sức âm tính. Cho đơn thuốc về uống mà 6 tháng nay hiện tượng đau tức ngực không khỏi. Tôi uống thuốc huyết áp coversyl đều đặn. Bác sỹ cho tôi hỏi trường hợp của tôi phải khám tiếp theo như thế nào? có cần đề nghị chụp mạch vành không? xin cảm ơn! (Bui Dang Nghia, 35 tuổi, Dak lak)

- TS.BS Gerard Bonot:

Điều trị huyết áp bằng Coversyl là rất tốt. Nghiệm pháp gắng sức âm tính không đáng lo ngại. Bạn cần miêu tả kỹ hơn về hiện tượng đau, tức ngực: đau rát, đau lan tỏa, co kéo, đau nhói...; đau khi gắng sức?; có lan lên vai hoặc cánh tay hay không; thời gian đau kéo dài bao lâu? có thay đổi điện tim khi gắng sức không? Vì bạn còn trẻ nếu có nghi ngờ nên chụp thêm MSCT mạch vành. Nếu kết quả dương tính, nên chụp mạch vành can thiệp.

- Đầu năm 2013 tôi bị đau ngực, đi đo điện tim BS nói bị thiếu máu cơ tim, sau đó tôi xin nằm viện BS yều cầu chụp MS CT, kết quả bị xơ vữa mạch vành. Tôi lên TP HCM khám lại tại phòng khám Yersin làm các xét nghiệm như: đo điện tim, siêu âm tim, điệm tâm đồ gắng sức. Tất cả các chỉ số nằm trong giới hạn bình thường, BS nói không cần phải uống thuốc. Tôi vẫn chơi thể thao bình thường nhưng lúc này tăng cân(khoảng 5 kg), có lúc cũng đau ở ngực. Xin BS tư vấn cho tôi là có nên đi chụp mạch vành để xác định rõ tình trạng bệnh không? (Nguyễn Quốc Hận, 38 tuổi, 620 Phạm Hùng, Rạch Giá, Kiên Giang)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Bác nên đi làm liệu pháp gắng sức.

- Chào bác sĩ, ông xã cháu đặt stent cách đây gần 2 năm (40 tuổi) uống thuốc đều đặn mỗi ngày, bỏ hút thuốc, bia...thấy sức khỏe bình thường, có thể đi lốc, leo núi, leo cầu thang như người bình thường. Tuy nhiên nếu trong thời gian tới chỗ stent bị hẹp lại thì phải làm gì? Cháu nghe nói là sẽ nong, hoặc đặt stent khác lồng vào stent cũ....Stent là vĩnh viễn, không có cách nào lấy ra khỏi mạch vành phải không bác sỹ? Hiện tính trung bình thì thời gian phải nong hay đặt lại là bao nhiêu năm? Cám ơn bác sỹ. (Bùi Kim Thư, 42 tuổi, 2A TRần Phú)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Hẹp tắc strong stent là một vấn đề đến nay vẫn không giải quyết được, dù có rất nhiều thế hệ stent mới. Tùy vào giải phẫu của hệ mạch vành cũng như tình trạng chung của tim mà hiện tượng tái hẹp trong stent có gây ra triệu chứng đòi hỏi phải can thiệp hoặc phẫu thuật lại hay không. Không có một con số chính xác thời gian tái hẹp stent. Không lấy được stent ra mà chỉ có thể đặt thêm vào để giải quyết chỗ hẹp hoặc một bắc cầu nối.

- Cho tôi hỏi chồng tôi 56 tuổi cách đây 3 năm có bị bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính, bệnh viện có cấp cứu và đặt 2 Stent thông mạch vành. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi đặt Stent thì sử dụng thời gian bao lâu ? (Nguyễn Thị Quy, 50 tuổi, HUYEN NHA BE ,tp HO CHI MINH)

- TS.BS Gerard Bonot:

Stent sẽ được đặt vĩnh viễn trong lòng động mạch vành. Chồng chị cần thăm khám thường xuyên để loại trừ tái hẹp Stent hoặc tổn thương hẹp ở các vùng khác bằng nghiệm pháp điện tim gắng sức từ 6 tháng đến một năm một lần. Nếu chồng chị có triệu chứng đau mới cần phải đến bệnh viên ngay. Sau đặt Stent, chồng chị buộc phải dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu liên tục để phòng huyết khối trong Stent, đặc biệt không được tự động dừng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

- Thưa bác sĩ, mẹ tôi 66 tuổi, hiện tại mới phát hiện hở van 2 lá độ IV, hẹp nhẹ mạnh vành bên trái. Mẹ tôi có tiền sử: xuất huyết dạ dày (1986), rất hay xuất huyết dưới da (cẳng chân) do chấn thương hoặc tự phát.

Từ trước đến nay chưa phát hiện dấu hiệu bệnh tim. Gần đây mẹ tôi xuất hiện hiện tượng: thở hổn hển khi đi lại nhiều, môi nhợt nhạt

Tôi rất muốn hỏi 2 bác sĩ:

  1. trường hợp mẹ tôi cần Phẫu thuật sửa van có nên làm luôn cầu tại mạch vành luôn không hay PT sửa van nhưng có thể điều trị hẹp mạch bằng nội khoa.
  2. Cơ địa dễ xuất huyết thì sau PTh dùng thuốc chống đông liệu có gây nguy hiểm gì không? đặc biệt tại dạ dày?

Rất mong bác sĩ tư vấn. Gia đình tôi xin cám ơn!!! (Nguyen Linh, 30 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Nếu mẹ bạn bị hẹp nhẹ động mạch vành thì không cần thiết phải mổ bắc cầu nối trong lúc mổ sửa van hai lá. Sau khi sửa van, chỉ cần uống thuốc chống đông máu trong thời gian ngắn, bạn cũng không cần lo lắng quá về vấn đề chảy máu.

- Xin bác sĩ cho tôi hỏi tôi bị suy thận độ 3A kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid, hẹp động mạch vành 75%, nếu uống thuốc hạn chế tắc mạch và chống đông... thì thận sẽ suy nhanh hơn, còn nếu sợ suy thận nhanh mà không uống thuốc thì nguy cơ tắc mạch vành cũng nhiều hơn. Vậy xin bác sĩ cho biết tôi phải chọn giải pháp nào? (Hải Âu, 57 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Trường hợp của bạn cần xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

- Tôi bị hẹp mạch vành nhưng chưa phải đặt stent. Hiện tôi đang uống hàng ngày aspirin 81mg 1v/ngày. Nay tôi muốn chuyển qua plavix 75mg 1v/ngay có được không? Vì sao chỉ định ban đầu là aspirin mà không là plavix? Ngoài vấn đề giá tiền còn vấn đề gì khác về chuyên môn? Cám ơn bác sỹ. (Nguyen nam, 52 tuổi, Cmt8 cần thơ)

- TS.BS Gerard Bonot:

Bạn có thể dùng một trong hai loại thuốc này đều được. Chỉ định ban đầu là Aspirin vì loại thuốc này xuất hiện trên thị trường trước. Ở một số bệnh nhân việc dung nạp Aspirin kém hơn Plavix (gây đau dạ dày) nên bác sĩ chỉ định dùng Plavix nhưng ngược lại Plavix có nguy cơ gây chảy máu nhiều hơn Aspirin gây khó khăn cho bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp.

- Chồng tôi 57t , có bệnh cao huyết áp, thỉnh thoảng chồng tôi bị tăng huyết áp đột ngột về đêm , thấy ngực hơi nhói nhưng chủ yếu là có triệu chứng đầy hơi chướng bụng , đi siêu âm điện tim đồ thấy " hở van DMC : 2/4" , xin BS cho tôi biết tình trạng như vậy có nặng và nguy hiểm không ? Điều trị thế nào là tốt nhất có phải đó là nguyên nhân làm tăng huyết áp không. Xin cám ơn. (MPhuong, 54 tuổi, Phan Xich Long)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Hở van động mạch chủ 2/4 thường chưa có chỉ định phẫu thuật và bệnh cũng không quá nguy hiểm. Chồng bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và theo dõi tiến triển hở van động mạch chủ, điều trị cao huyết áp.

- Chào Bác sĩ, Xin bác sĩ cho em hỏi em thường bị những cơn đau thắt lồng ngực vào bất ky thời gian nào trong ngày có lúc chỉ 15 đến 20 giây, nhưng có lúc kéo dai 2 đến 3 phút.nhiều khi một ngày đau 2 hay 3, 4 lần, và đau 2 đến 3 ngày nhưng có khi cả 10 đến 20 ngày không sao cả. Đi khám bác sĩ bảo không sao? Nhưng khi cơn đau xuất hiện tôi chịu không nổi? Xin bác sĩ cho em biết em bị bệnh gì? Cảm ơn (Hưng, 39 tuổi)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau ngực không phải do bệnh động mạch vành. Nếu bạn vẫn chưa hài lòng với chẩn đoán của bác sĩ đa khoa, bạn có thể tìm đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Trong phần lớn bác sĩ sẽ cho bạn làm liệu pháp gắng sức.

- Chào Bác sĩ,

Mẹ em năm nay 68 tuổi, bị cao huyết áp độ 2 khoảng 3 năm nay. Năm ngoái có được chỉ định chụp MSCT, kết quả 2 nhánh lớn hẹp 30%-40%, nhánh nhỏ hẹp 1 chỗ 40-50%. Có uống thuốc điều trị mỗi ngày exforge 5/80mg 1v, concor 5mg 1v, Imdur 60mg 1v, Vaslor 20mg 1v, nhưng huyết áp không ổn định lắm. Nhất là thường xuyên thấy đau rêm rêm ở cạnh sườn và chính giữa ngực kéo dài, lâu lâu có những cơn nhói thoáng qua. Các đây 4 tháng có phát hiện bị xuất huyết máu ở dạ dày đã điều trị 4 tháng bằng thuốc Pantoloc 40mg thấy có đỡ đau ngực. Nhưng khoảng 2 tuần nay lại đau ngực lại dù bị dạy dày đã ổn định.

Xin hỏi bác sĩ đau ngực như vậy có đáng ngại không và cần điều trị thêm như thế nào?

Cám ơn bác sĩ. (Pham Ngoc Bich, 35 tuổi, Tan Binh, Tp HCM)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Nên cho mẹ em chụp động mạch vành bằng đường ống thông (DSA).

- Bệnh mạch vành nếu chữa trị có khỏi được không, có tái phát không thưa bác sĩ? (vo ngoc sinh, 46 tuổi)

- TS.BS Gerard Bonot:

Điều trị mạch vành để hạn chế đau ngực bằng thuốc Chẹn beta Trinitrine, tránh huyết khối mạch vành bằng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như Aspirin. Điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, bỏ thuốc lá để hạn chế tiến triển của bệnh mạch vành. Tuy nhiên, bệnh mạch vành là loại bệnh về mạch lan tỏa biến chứng đến mạch ngoại vi, mạch não. Điều trị mạch vành để hạn chế tiến triển nhưng không ngăn cản tiến triển của bệnh. Mặc dù không có triệu chứng nhưng bạn nên kiểm tra tim mạch định kỳ.

- Tôi bị mỡ máu cao nhiều năm nhưng chưa thấy biểu hiện gì của bệnh tắc nghẽn động mạch vành. Muốn kiểm tra bằng phương pháp nào, có tốn kém lắm không. Xin chân thành cám ơn. (Trần Bão, 52 tuổi, 388Trần Quý Cáp, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Bác nên khám bác sĩ chuyên khoa, có thể làm liệu pháp gắng sức.

- Xin chào Bác sĩ, BS sho tôi hỏi Chú tôi 72 tuổi bị hẹp khít động mạch vành đến 93% từ năm 2001. Nhưng do phần hẹp khít gần cuống tim nên không mổ nối cầu được. Sau đó chú tôi chỉ dùng các phương pháp tập khí công và ăn kiêng. Nay sức khỏe yếu đi nhiều, Bác sĩ cho tôi hỏi bây giờ có can thiệp được bằng phẫu thuật không, sắc suất thành công có cao không ? Có thể chỉ duy trì bằng uống thuốc được không ? Xin cám ơn bác sĩ . (Nguyen hong Tuyen, 44 tuổi, 11a nghach 55/24 Hoang hoa Tham, Ba Dinh, Ha Noi)

- Bác sĩ tim mạch Bệnh viện Vinmec:

Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành có thể áp dụng cho mọi thương tổn hẹp tắc động mạch vành. Thương tổn theo như bác mô tả là thương tổn ở thân chung động mạch vành, thương tổn này rất thích hợp cho phẫu thuật. Bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu nối thông thường là những bệnh nhân cao tuổi (60 – 70 tuổi) nên bác cũng không nên quá lo lắng. Nếu bác thực sự bị hẹp thân chung thì không nên điều trị nội khoa.

Còn hàng trăm câu hỏi từ độc giả nhưng thời gian trả lời trực tuyến có hạn nên chúng tôi rất tiếc vì chưa thể giải đáp và tư vấn hết trong buổi chiều nay. Quý độc giả quan tâm có thể gửi thư về địa chỉ: info@vinmec.com hoặc gọi số 04 3974 3556/3558 để được tư vấn và giải đáp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

704 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan