Mẹ uống Panadol Extra, bé có bú được sữa mẹ không?

Hỏi

Chào dược sĩ. Bé nhà em sinh được 17 ngày, do mấy đêm liền thức với bé nên em bị nhức đầu. Em đã uống 1 viên Panadol Extra và giờ em cảm thấy rất lo lắng ạ. Hiện tại em đang hút sữa cho bé ti bình hoàn toàn vì em sắp phải đi làm lại do kinh tế ạ. Em mong dược sĩ tư vấn giúp em mẹ uống Panadol Extra bé có bú được sữa mẹ không? Và đến khi nào thì thuốc hết tác dụng và bé em sẽ được uống lại sữa mẹ ạ. Em xin cảm ơn ạ

Câu hỏi ẩn danh

Trả lời

Chào bạn. Dược sĩ xin giải đáp câu hỏi: “Mẹ uống Panadol Extra bé có bú được sữa mẹ không?” của bạn như sau:

Đau trong thời kỳ cho con bú có thể được điều trị mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, với loại thuốc và liều dùng phù hợp.

Trường hợp của bạn có dùng 1 viên Panadol Extra do bị nhức đầu khi đang cho con bú. Panadol Extra là thuốc gồm hai thành phần paracetamol 500mg và cafein 65mg. Thành phần paracetamol trong thuốc là một chất có tác dụng hạ sốt, giảm đau và caffeine là một chất tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol.

Panadol với tác dụng điều trị đau nhẹ đến đau vừa và hạ sốt thường được dùng trong các trường hợp: đau đầu, đau nửa đầu, đau cơ, đau họng, đau cơ xương, đau bụng kinh, sốt và đau sau khi tiêm vắc-xin, đau sau khi nhổ răng, đau răng, đau do viêm xương khớp.

Tác dụng phụ của thuốc Panadol:

Thuốc Panadol có thể mang lại những tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng như sau:

  • Gây giảm tiểu cầu, các phản ứng dị ứng da như: ban da, phù mạch, hội chứng Stevens-Johnson, với những bệnh nhân nhạy cảm với aspirin và các
  • NSAID có thể gây co thắt phế quản, tác dụng phụ trên gan khi sử dụng thời gian dài...
  • Caffeine: có thể gặp những hiện tượng như bồn chồn, chóng mặt. Khi dùng liều khuyến nghị paracetamol – caffein kết hợp cùng với chế độ ăn uống nhiều caffein có thể gây ra một số tác dụng phụ do quá liều caffein như mất ngủ, lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, đau đầu, rối loạn tiêu hóa.

Cho con bú uống Panadol extra được không?

Đối với việc sử dụng Panadol extra (thành phần paracetamol và cafein) của những bà mẹ cho con bú, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu quá trình uống thuốc của những phụ nữ đang trong quá trình cho con bú.

Đối với thành phần paracetamol: Đây là loại thuốc khuyến nghị dùng giảm đau, hạ sốt sử dụng trên phụ nữ có thai cũng như cho con bú, được coi là loại thuốc an toàn, không gây ra tác dụng phụ cho mẹ và bé ở liều thường dùng (khoảng 6% qua sữa mẹ).

Đối với thành phần caffein: Lượng caffein tiết vào sữa mẹ sẽ thay đổi rất lớn phụ thuộc nguồn cafein uống vào (kể cả thức ăn), tuổi người mẹ, có hút thuốc hay không... Thông thường nồng độ caffeine trong sữa mẹ sẽ đạt đỉnh sau 1-2h sau uống thuốc chứa thành phần caffeine. Một nghiên cứu cho thấy không phát hiện được caffeine trong sữa mẹ nếu liều lượng hấp thụ <100mg. Đối với phụ nữ cho con bú, liều lượng cafein <300mg/ngày được khuyến nghị. Các nghiên cứu diễn ra trên nhiều phụ nữ cho con bú ở liều dùng khuyến nghị cho thấy không xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào đối với mẹ cho con bú cũng như trẻ bú mẹ.

Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid giúp giảm đau hậu phẫu
Phụ nữ cho con bú cần sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

Những loại thuốc như Panadol (paracetamol có chứa thành phần caffeine) là một chất được khuyến cáo có hại cho thần kinh trẻ nhỏ và kích thích nhịp tim đập nhanh hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp của chị chỉ uống 1 viên Panadol Extra với hàm lượng 65mg caffeine, với một lượng nhỏ thì bé bú mẹ cũng không bị ảnh hưởng gì đáng kể.

Tóm lại, nếu không may bị cảm cúm, đau đầu mà đang trong thời kỳ cho con bú, người mẹ có thể uống panadol để giảm bớt triệu chứng, tốt nhất là sử dụng biệt dược chỉ chứa paracetamol (không có thành phần caffein). Tuy nhiên, loại thuốc và liều lượng mà các mẹ uống cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Trường hợp các mẹ tự ý dùng thuốc bên ngoài có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Nếu các mẹ gặp phải các triệu chứng thông thường như mẹ bị sốt nhẹ, ho, đau họng thì nên áp dụng biện pháp vắt sữa để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con. Thời gian vắt sữa này phụ thuộc vào loại thuốc sử dụng, cần có hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ chứ không tự ý sử dụng.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc đối với phụ nữ đang cho con bú. Khi người mẹ bị bệnh, sức khỏe suy giảm thị phần lớn bác sĩ khuyên người mẹ thực hiện chăm sóc sức khỏe sau sinh đúng cách hơn là việc dùng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các mẹ vẫn phải dùng thuốc để điều trị.

Các mẹ phải lưu ý những điều sau đây:

Trong thời gian uống thuốc, các mẹ cần để ý theo dõi những biểu hiện của con như con có dễ bị kích thích, quấy khóc, tiêu chảy hay là bỏ bú không... Nếu bé có một trong những biểu hiện này thì người mẹ nên ngưng thuốc này và nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

Cho con bú uống panadol hay thuốc khác được không thì các mẹ chỉ nên dùng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ hay dược sĩ với liều lượng thấp nhất đạt tác dụng trị liệu.

Các mẹ nên cho con bú trước khi uống thuốc, bởi vì như vậy các mẹ sẽ giảm thiểu được tối đa lượng thuốc có trong sữa. Nếu như cần điều trị và phải tạm thời không cho con bú sữa mẹ, các mẹ nên hút sữa ra ngoài để không bị tắc và mất sữa.

Đối với những loại thuốc chưa xác định được sự an toàn đối với bé nhưng mà người mẹ bắt buộc phải sử dụng thì tốt nhất các mẹ nên cho bé uống sữa ngoài. Để duy trì nguồn sữa mẹ để tiếp tục cho bé bú sau khi thuốc bị đào thải hết, các mẹ nên vắt bỏ sữa vào đúng thời gian của những cữ bú.

Trong thời gian cho con bú, các mẹ cần lưu ý không uống rượu bia, các chất kích thích, không hút thuốc lá và hạn chế uống cà phê. Bên cạnh đó, các mẹ nên uống nhiều nước như nước hoa quả, những loại nước tốt cho sức khỏe của người mẹ và giúp mẹ tiết nhiều sữa.

Mong rằng những chia sẻ trên phần nào giúp bạn tìm được câu trả lời cho thắc mắc “cho con bú có uống Panadol Extra được không?”

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng!

Được giải đáp bởi Dược sĩ Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

198.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan